2018: Năm bước ngoặt đầy thử thách với smartphone Trung Quốc nhưng lại đầy cơ hội với Xiaomi và Huawei

    Liam,  

    Số liệu GfK cho thấy tính trung bình người mua Trung Quốc đã chi 375 USD cho mỗi chiếc smartphone mới trong năm 2017. Tại một quốc gia nơi 2/3 các thương hiệu tập trung vào phân khúc giá rẻ, rõ ràng sự thay đổi này sẽ mang đến nhiều biến động đáng kinh ngạc.

    Với Xiaomi và Huawei, khoảng thời gian sau Tết Nguyên Đán chắc chắn không phải là để nghỉ ngơi. Vào ngày 25/2, Samsung đã ra mắt mẫu đầu bảng Galaxy S9 với một loạt cải tiến về phần cứng và phần mềm. Giờ là lúc các đối thủ Trung Quốc cần phải có câu trả lời với P20 và Mi 7.

    Và đó bắt buộc phải là những câu trả lời thực sự đặc biệt.

    U ám bao trùm

    2018: Năm bước ngoặt đầy thử thách với smartphone Trung Quốc nhưng lại đầy cơ hội với Xiaomi và Huawei - Ảnh 1.

    Số liệu của nhiều nguồn nghiên cứu cho thấy thị trường smartphone Trung Quốc đã bão hòa.

    Theo số liệu do chính Viện Thông tin Truyền thông Trung Quốc tuyên bố vào tháng 1 vừa qua, lượng smartphone bán ra tại Trung Quốc đã lần đầu tiên sụt giảm ở mức 2 chữ số (11,6%) trong quý 4 vừa qua. Đây không phải là lần đầu tiên doanh số smartphone tại Trung Quốc sụt giảm: trước đó, hiện tượng này đã từng diễn ra vào năm 2014. Nhưng đó là khi kinh tế Trung Quốc có nhiều dấu hiện bất ổn, và mức sụt giảm cũng chỉ vào mức 1 chữ số.

    Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phát triển một cách ổn định.

    Rõ ràng, đây không phải là tín hiệu mừng. Thị trường nội địa hiện vẫn đang chiếm phần cốt lõi trong doanh số của Xiaomi, Huawei và BKK (chủ sở hữu của OPPO, Vivo và OnePlus). Việc doanh số bất ngờ sụt giảm trong khi kinh tế vẫn đang vững mạnh cho thấy, cuối cùng thì smartphone Trung Quốc cũng đã bão hòa.

    Chiến trường tất yếu

    2018: Năm bước ngoặt đầy thử thách với smartphone Trung Quốc nhưng lại đầy cơ hội với Xiaomi và Huawei - Ảnh 2.

    Thành công của iPhone X là minh chứng cho thấy cuộc chơi smartphone đã bị thay đổi bản chất.

    Trung Quốc không phải là trường hợp đặc biệt. Theo số lượng của Gartner, 2017 là năm đầu tiên chứng kiến doanh số smartphone sụt giảm kể từ 2004 - tức từ khi Steve Jobs còn chưa bắt tay vào thiết kế chiếc iPhone đầu tiên. IDC cũng đưa ra kết luận tương tự trong khi Strategy Analytics khẳng định mức sụt giảm trong quý 4/2017 là chưa từng có tiền lệ.

    Rõ ràng, thị trường trên toàn cầu (bao gồm cả các quốc gia đang phát triển "nóng" như Trung Quốc và Ấn Độ) đã chấm dứt giai đoạn phát triển "nóng", hoặc tệ hơn nữa là ngừng tăng trưởng.

    Đáng kinh ngạc hơn nữa là chỉ số giá bán trung bình (tổng doanh thu/số lượng sản phẩm bán ra). Theo GfK, tại Trung Quốc giá bán trung bình của một chiếc smartphone đến tay người tiêu dùng đã tăng 15% so với cùng kỳ 2016. Với sự kiện phát hành iPhone X, Apple chứng kiến thị phần iPhone tại Trung Quốc tăng tới 12% trong quý 4/2017. Rõ ràng, chiếc smartphone này sẽ góp phần quan trọng để đẩy con số giá bán trung bình của cả thị trường Trung Quốc lên mức cao hơn nữa.

    Hai chiều tương phản

    2018: Năm bước ngoặt đầy thử thách với smartphone Trung Quốc nhưng lại đầy cơ hội với Xiaomi và Huawei - Ảnh 3.

    Không đẩy mạnh công nghệ và cũng không tham vọng lên tầm cao, OPPO (cùng Vivo) tỏ ra hoàn toàn bình thản trước sự thay đổi của thời cục.

    Việc sức mua chậm lại nhưng khoản tiền người dùng chi ra gia tăng cho thấy 2 xu thế trái chiều: người mua khó bị chinh phục hơn, nhưng nếu đã bị chinh phục thì sẵn lòng bỏ ra nhiều tiền hơn trước. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các hãng Trung Quốc.

    Theo nhiều cách, các thương hiệu Trung Quốc đang có câu trả lời. Yếu ớt nhất trong số này có lẽ là BKK: với xuất phát điểm thành công là các thị trường nông thôn, đến nay BKK vẫn không hề tỏ dấu hiệu đưa OPPO và Vivo lên phân khúc cao cấp. 2 công ty con của OPPO không có sản phẩm nào ở khung giá trên 500 USD và nói chung không có các thương hiệu mạnh ngang tầm "iPhone" hay "Galaxy S". OnePlus có vẻ là nỗ lực đáng giá nhất của BKK để tiến đánh lên tầm cao, song một loạt các sự cố/scandal (mới đây là chiến dịch marketing "đập điện thoại" đầy phản cảm) cho thấy BKK vẫn chưa thực sự muốn thuộc về một đẳng cấp để đánh bại Apple và Samsung.

    Rất có thể, trong tương lai gần OPPO sẽ tiếp tục khai thác mức giá tầm trung để phủ sóng các thị trường đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam v...v...

    Huawei và Xiaomi: Đại diện tương lai

    2018: Năm bước ngoặt đầy thử thách với smartphone Trung Quốc nhưng lại đầy cơ hội với Xiaomi và Huawei - Ảnh 4.

    Huawei là tên tuổi smartphone Trung Quốc duy nhất thực sự muốn thoát khỏi cái dớp giá rẻ chất lượng kém.

    Tương phản hoàn toàn là Huawei. Trong năm vừa qua, gã khổng lồ số 1 Trung Quốc đã bộc lộ tham vọng cạnh tranh sòng phẳng với Apple bằng cách đầu tư vào các công nghệ AI hay thiết kế chip. Chỉ trong vòng 1 năm ngắn ngủi, Huawei đã xếp mình vào một đẳng cấp hiếm có khi đến cả Samsung cũng chưa tạo chip AI cho Galaxy Note8. Sự đầu tư này cũng đã đem lại những trái ngọt đầu tiên: theo hãng này, Mate 10 Pro vượt mục tiêu doanh số khi ra mắt tại Tây Âu tới 100% và cũng đã lật đổ kỷ lục của P10 trước đó.

    Kết thúc 2017, Huawei lập kỷ lục xuất xưởng 157 triệu smartphone.

    Cũng thành công vang dội trong 2017 là Xiaomi. Kết thúc 10 tháng đầu năm, Xiaomi đã kịp đạt mục tiêu doanh số 70 triệu máy. Hãng smartphone từng khai mào cho trào lưu "cấu hình cao, giá thấp" cũng đã dần dần loại bỏ tư tưởng cốt lõi của mình khi đẩy mạnh phát triển dòng đầu bảng MIX với các yếu tố thu hút nằm ngoài cấu hình như vỏ gốm hoặc màn hình không viền.

    2018: Năm bước ngoặt đầy thử thách với smartphone Trung Quốc nhưng lại đầy cơ hội với Xiaomi và Huawei - Ảnh 5.

    Với Xiaomi, lời giải "cao cấp" không chỉ nằm trong một chiếc smartphone.

    Tuy vậy, chìa khóa tới tương lai của Xiaomi không chỉ gói gọn trong những chiếc smartphone: bắt đầu từ 2016, Xiaomi đã thực hiện tầm nhìn "hệ sinh thái" bằng cách thuê các công ty ngoài sản xuất phụ kiện/đồ gia dụng mang thương hiệu Xiaomi, kết nối dễ dàng với MIUI. Trong khi Huawei muốn thu hút người mua cao cấp bằng những tính năng smartphone cao cấp, Xiaomi gây chú ý bằng cách kết hợp smartphone với các vật phẩm thông minh trong một trải nghiệm đầy đủ.

    2 gã lớn Trung Quốc, mỗi kẻ một con đường tiến đến tương lai. Thế nhưng, bất kể đường đi nước bước ra sao, tất cả đều sẽ phải chấp nhận một sự thật nghiệt ngã: khi người dùng Trung Quốc trung bình đã bỏ ra hơn 375 USD để mua điện thoại, những sản phẩm giá 200 USD sớm muộn gì cũng phải lùi về phía sau sân khấu.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ