3 lý do để tin rằng nền tảng "chơi game trên mây" Stadia của Google sẽ không thể thành công

    Liam,  

    Cho dù ý tưởng có hay ho đến thế nào đi chăng nữa, những trở ngại vật lý và... tiền bạc là không thể vượt qua. Bạn có đồng ý với những điều này?

    Có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng tin tức đáng chú ý nhất tại Hội nghị các nhà phát triển game GDC 2019 là việc Google ra mắt Stadia. Là bước hoàn thiện của Project Stream, Stadia mang đến một lời hứa hẹn rất lớn cho các game thủ: không cần có máy tính mạnh, chỉ cần có đường truyền và trình duyệt Chrome, tất cả mọi người đều có thể chơi tựa game mới nhất từ Google.

    Ý tưởng hứa hẹn là vậy, nhưng tương lai đang tỏ ra không hề tươi sáng với Stadia (hay bất kỳ một dịch vụ stream game nào khác). Và đây là những thử thách mà Stadia chắc chắn sẽ không vượt qua nổi.

    Độ trễ quá lớn

    3 lý do để tin rằng nền tảng chơi game trên mây Stadia của Google sẽ không thể thành công - Ảnh 1.

    Không bàn đến cấu hình, cứ chơi qua mạng là phải có độ trễ.

    Rõ ràng là với các nền tảng stream game như Stadia, mọi tựa game sẽ là game online, đòi hỏi người dùng phải có kết nối mạng ổn định mọi lúc mọi nơi. Yêu cầu này sẽ sinh ra rất nhiều vấn đề, nhưng vấn đề rõ rệt nhất là độ trễ khi chơi game: ngay cả ánh sáng cũng mất thời gian để đi từ máy tính/tay cầm để đến máy chủ của Google.

    Độ trễ lúc nào cũng sẽ xảy ra. Theo thử nghiệm của Digital Foundry, trong môi trường do chính Google lắp đặt, độ trễ khi chơi Assassin’s Creed: Odyssey vẫn lên tới 166ms

    Với một tựa game chơi đơn như AC:O, 166ms không phải là không thể chấp nhận được. Nhưng với độ trễ như vậy, có thể khẳng định chắc chắn rằng Stadia sẽ phải nói không với các tựa game FPS/TPS (bắn súng) nhiều người chơi, bao gồm cả những tựa game rất "hot" như Fortnite, PUBG, Battlefield V hay Division 2.

    3 lý do để tin rằng nền tảng chơi game trên mây Stadia của Google sẽ không thể thành công - Ảnh 2.

    Có game thủ nào muốn chơi game bắn súng ở mức ping trên 100ms?

    Khi đi vào sử dụng thực tế, độ trễ này chắc chắn sẽ gia tăng. Ngay cả khi chưa tính đến băng thông của người dùng hay chất lượng stream game (2K 60fps chắc chắn sẽ tốn băng thông hơn 1080p 30fps), chơi game tại các địa điểm cách xa trung tâm dữ liệu của Google sẽ là bất khả thi. Google tuyệt đối không có bất kỳ cách nào để giải quyết vấn đề này, ngoại trừ triển khai data center dày đặc hơn nữa tại tất cả các khu vực có bán Stadia.

    Google phải vung tiền

    Muốn triển khai data center dày đặc để hỗ trợ Stadia, Google bắt buộc sẽ phải chi rất nhiều tiền. Nhưng đó chưa phải là khoản tiền duy nhất mà Google phải chi trả.

    Đầu tiên, do Stadia là một kiến trúc phần mềm mới hoàn toàn, các nhà phát triển sẽ phải thực hiện nhiều thay đổi để đưa các tựa game sẵn có từ PC, Xbox hay PS4 lên nền tảng này. Việc Google phải chi tiền cho các đối tác phát triển nhằm xây dựng sức hút trong thời gian đầu là bắt buộc.

    3 lý do để tin rằng nền tảng chơi game trên mây Stadia của Google sẽ không thể thành công - Ảnh 3.

    Chi phí máy chủ đi kèm với chi phí phát triển sẽ là rất lớn...

    Tiếp đến, chi phí duy trì data center cũng sẽ ở mức cực kỳ lớn, thậm chí sẽ còn lớn hơn YouTube gấp nhiều lần. Sức mạnh đòi hỏi để chơi game trong 1 giờ chắc chắn sẽ lớn hơn sức mạnh đòi hỏi để xem video trong 1 giờ. Vì yêu cầu địa lý là bắt buộc, Google khó có thể thực hiện phân bổ dữ liệu hiệu quả như YouTube: đoạn video lưu trữ trên server Mỹ thì người xem ở Việt Nam cũng có thể xem được, nhưng chơi game thì người dùng Việt Nam phải chơi trên server Singapore.

    Chắc chắn sẽ đắt đỏ

    Google/Alphabet vốn không phải là một công ty thừa mứa dự trữ tiền mặt như Microsoft và Apple. Bên cạnh Stadia, Google vẫn còn rất nhiều mảng kinh doanh khác đang "đốt" hàng trăm triệu USD mỗi năm. Điều này có nghĩa rằng, khi đến tay người dùng, Stadia sẽ có giá thành không hề rẻ. Hãy nhớ rằng Nvidia Now đang có giá lên đến 20 USD/tháng, còn GeForce Now thì thậm chí còn tốn 20 USD cho... 25 giờ chơi.

    Cứ cho rằng Google có thể chạm đến mức giá 20 USD/tháng, khoản tiền này vẫn có thể là không hợp lý với người dùng. Những chiếc Xbox One S hay PlayStation 4 Slim chỉ còn có giá 200 USD, các dịch vụ PS Plus và Xbox Live vốn có tặng game miễn phí cũng chỉ khoảng 10 USD/tháng. Gói "thuê game" của EA là EA Access chỉ tốn vài chục USD mỗi năm. Chơi game console năm 2019 không phải là một khoản đầu tư ngoài tầm của người dùng.

    3 lý do để tin rằng nền tảng chơi game trên mây Stadia của Google sẽ không thể thành công - Ảnh 4.

    Khi giá console đã giảm sút đến thế này, liệu những giải pháp như Stadia có còn hợp lý?

    Ở phía ngược lại, mô hình Stadia chỉ thực sự hấp dẫn khi người dùng bắt buộc phải có PC tại nhà, nhưng trong thời đại di động, điều đó đã không còn đúng nữa.  Ở cùng mức giá với Xbox và PS4, một chiếc máy tính giá 200 USD chắc chắn sẽ gặp vấn đề với Chrome, vốn nổi tiếng là "ăn RAM".

    Nói chung, với Stadia, người dùng rất có thể sẽ phải tốn thêm nhiều tiền chỉ để nhận được một trải nghiệm kém cỏi hơn hẳn. Trải nghiệm càng đáng chán, doanh số thời kỳ đầu sẽ càng thấp. Liệu Stadia có thể sống lâu hơn Google Glass, Project Ara hay những ý tưởng... chỉ hay ho trên giấy tờ khác của Google? 

    Hãy chờ xem.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ