Giá bán không thể xem là hấp dẫn, hệ thống trạm sạc công cộng chưa có, BYD sẽ gặp không ít khó khăn để giành thị phần trên thị trường ô tô Việt Nam.
- Ông lớn xe điện BYD chính thức vào Việt Nam, công bố giá bán 3 mẫu xe đầu tiên
- Sau Thái Lan, Indonesia, BYD lại sắp mở nhà máy công suất 20.000 xe/năm tại Campuchia - chuyên gia gọi đây là 'niềm tự hào của người dân'
- Tesla và BYD, ai 'khổng lồ' hơn?
- BYD tại thị trường Việt Nam: 3 bài toán cần tìm lời giải
- 3 mẫu xe BYD chốt thông số tại Việt Nam: Trang bị đếm mỏi mắt, đa dạng phân khúc, CX-5, Camry phải dè chừng
Trong số các hãng xe Trung Quốc đang ồ ạt gia nhập thị trường Việt Nam, BYD là một trong những cái tên được mong đợi nhất bởi từ năm 2023, hãng này đã gây dựng được danh tiếng là hãng xe năng lượng mới (NEV) có doanh số top 1 thế giới (bao gồm cả xe hybrid và xe thuần điện).
Trước thời điểm chính thức ra mắt, BYD Auto cũng đã thực hiện hàng loạt các bước thăm dò thị trường một cách kỹ lưỡng khi tổ chức hàng loạt sự kiện lái thử ở TP.HCM cũng như Hà Nội để giúp người dùng có cái nhìn đầu tiên về 3 mẫu xe của hãng gồm Atto 3, Dolphin và Seal.
Ngày 18/7, thương hiệu này chính thức ra mắt thị trường Việt, đồng thời công bố giá bán của 3 mẫu xe, chính sách bán hàng cũng như hệ thống đại lý tại thị trường Việt Nam.
Giá xe điện BYD có cạnh tranh?
Nếu như trước đây, hầu hết ô tô Trung Quốc về Việt Nam đều gán mác: giá rẻ, nhiều option thì gần đây, quan niệm này đã dần không còn đúng khi một số thương hiệu như Haval hay Link & Co đều chọn cách chào bán sản phẩm với giá không rẻ.
BYD cũng đi theo phương thức này.
3 mẫu xe của BYD, chiếc hatchback cỡ B Dolphin được chào bán với giá từ 659 triệu đồng, Atto 3 (SUV đô thị cỡ B+) giá 766-886 triệu đồng còn BYD Seal (sedan cỡ D) có giá 1,19-1,359 tỷ đồng.
Xét từng model, BYD Dolphin có thể cạnh tranh với các mẫu xe xăng như Toyota Yaris (684 triệu đồng) hay Suzuki Swift (559 triệu đồng).
Trong khi đó, Atto 3 sẽ cạnh tranh trực tiếp với mẫu VinFast VF 6 (776 – 866 triệu đồng kèm pin). Tuy nhiên, VF 6 sẽ có thêm tùy chọn thuê pin với giá 675-765 triệu đồng. Ở phân khúc xe xăng, một số mẫu xe được xem là đối thủ của Atto 3 có thể kể đến là Honda HR-V (699-871 triệu đồng) hay ở phân khúc cao hơn có thể là Mazda CX-5 (từ 750 triệu đồng).
Thực tế, một vị đại diện của BYD từng tiết lộ muốn định giá chiếc Atto 3 tốt hơn so với một mẫu xe hybrid đang bán tại Việt Nam là Toyota Corolla Cross – giá 825-905 triệu đồng.
Trong khi đó, BYD Seal sẽ cạnh tranh với đối thủ chính là Toyota Camry (1,105-1,495 tỷ đồng), và một số model khác như Mazda6 hay Kia K5, Honda Accord.
Nhìn vào mức giá mà BYD Auto Việt Nam đưa ra, có thể thấy đã có sự tính toán kỹ của thương hiệu này khi hãng cố gắng chào bán sản phẩm với giá tương đương hoặc chênh không đáng kể với các mẫu xe cùng phân khúc đang bán tại Việt Nam. Từ mức giá này, người dùng sẽ tự cân nhắc các yếu tố xăng – điện, thiết kế, công nghệ đến thương hiệu để tự đưa ra lựa chọn.
Trong số 3 mẫu xe này, Atto 3 có lẽ sẽ là “át chủ bài” về doanh số bởi model này đánh vào phân khúc đang hot nhất thị trường hiện nay là SUV đô thị. Tuy nhiên, đây cũng là phân khúc có sự cạnh tranh mạnh nhất.
Trong khi đó, phân khúc hatchback hạng B của Dolphin hay sedan hạng D của Seal đều tương đối kén khách giai đoạn này. Trong 2 model này, Seal có thể tạo đôi chút phấn khích cho người dùng khi là chiếc sedan chạy điện phổ thông đầu tiên xuất hiện trên thị trường, đồng thời sở hữu thông số ấn tượng là khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 3,8 giây (bản Performance).
Trạm sạc – bài toán chưa có lời giải
Giá bán, thông số chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ chính là hệ thống trạm sạc – đây là điều BYD chưa đưa ra câu trả lời, ít nhất là ở thời điểm ra mắt sản phẩm.
Trong buổi gặp mặt báo chí Việt Nam trước đây, khi được hỏi về vấn đề trạm sạc, ông Liu Xueliang, Tổng giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã cho biết hãng sẽ không tự làm trạm sạc mà bắt tay với các đối tác. Điều này có nghĩa, người dùng Việt hiện gần như không có lựa chọn sạc xe BYD ở nơi công cộng nếu mua xe bởi ngoài VinFast (hiện chưa mở trạm sạc cho hãng khác sử dụng cùng), hệ thống trạm sạc bên thứ 3 như EVOne, Charge+ đang vô cùng ít ỏi.
BYD có trang bị trạm sạc tại các đại lý của mình nhưng hiện tại số đại lý của hãng mới dừng ở con số 13, nâng lên 100 đại lý đến năm 2026. Số lượng đại lý, nếu so với các hãng khác có thể xem là nhiều (sau đây 2 năm) nhưng lượng trạm sạc vẫn là rất ít. Đó là chưa kể, số trạm sạc này chủ yếu phục vụ cho việc bảo dưỡng, bảo hành xe hơn là hỗ trợ sạc ngoài. Chi phí sạc tại các điểm này cũng đang là dấu hỏi vì BYD chưa công bố.
Nhìn sang đối thủ, VinFast hiện đã phát triển hệ thống trạm sạc với 150.000 cổng sạc phủ 63 tỉnh thành. Giai đoạn này, người dùng của VinFast còn được tặng 1 năm sạc điện miễn phí (đến tháng 7/2025), thậm chí 2 năm với chủ xe là cư dân Vinhomes.
Khi được hỏi về những bất lợi của người dùng khi không có hệ thống trạm sạc công cộng hỗ trợ, ông Liu Xue liang không trả lời trực tiếp mà nói rằng “người dùng hiện đủ thông minh để đưa ra các giải pháp cho mình khi lựa chọn mua xe”.
Có thể hiểu, ông Liu cũng thừa nhận rằng giai đoạn này, chỉ những người có khả năng tự sạc xe tại nhà mới phù hợp để mua xe điện của BYD. Trong khi đó, nhóm người dùng này ở Việt Nam không quá nhiều, đặc biệt với người dùng đô thị.
Có đi theo chiến lược của Wuling, Haval?
Wuling, Haval đã bán ra những mẫu xe không thể nói là không tốt. Wuling Mini EV là mẫu xe điện mini bán chạy nhất thế giới, trong khi Haval H6 cũng là xe bán chạy nhất phân khúc crossover cỡ C ở Thái Lan trước khi về Việt Nam.
Điểm tương đồng của 2 mẫu xe này là chào bán với mức giá khá cao tại Việt Nam. Kết quả là sau một giai đoạn kinh doanh, cả 2 buộc phải giảm mạnh giá bán để thu hút người mua.
Với BYD, từ trước khi hãng công bố giá các mẫu xe mới, đã có nhiều ý kiến cho rằng xe điện của BYD sẽ khó có giá rẻ. Thứ nhất là do chính sách của hãng (giá xe của BYD tại Thái Lan, Indonesia cũng không quá rẻ), đồng thời bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu khi xe hiện vẫn được nhập từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn có những dấu hỏi được đặt ra khi hãng công bố giá. Ông Võ Minh Lực - Giám đốc BYD Việt Nam từng tiết lộ, hãng mạnh dạn đặt mục tiêu 5.000 xe trong năm nay, đồng nghĩa khoảng 1.200 xe/tháng trong 5 tháng còn lại của năm 2024.
Với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, sẽ là một bất ngờ không nhỏ nếu BYD đạt được con số này. Thậm chí, đã nhiều người nghĩ về viễn cảnh hãng – hoặc đại lý sẽ sớm công bố giảm giá mạnh các mẫu xe của mình chỉ sau thời gian ngắn bán ra.
Thực tế, BYD cũng đã làm điều tương tự tại thị trường Thái Lan và đang nhận phản ứng gay gắt từ người dùng nước này.
Xe mới, yếu tố thương hiệu có phần nhạy cảm, hệ thống trạm sạc chưa có, việc người ta nghi ngờ về khả năng thành công của BYD giai đoạn đầu tại Việt Nam là có cơ sở.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín