3 nhóm người dùng sau đây có lẽ chẳng bận tâm tới Spotify, bạn có thuộc nhóm nào không?

    CL,  

    Từng gắn bó với nhạc "offline" suốt 15 năm trước và thậm chí còn từng thử nghiệm (rồi từ bỏ) Apple Music và Tidal, cuối cùng tôi đã tìm ra lựa chọn nhạc số tuyệt vời nhất cho mình: Spotify. Ấy vậy nhưng không có dịch vụ stream nào là hoàn hảo, và Spotify cũng vậy.

    Như vậy, người dùng Việt Nam cuối cùng cũng đã có thể trải nghiệm dịch vụ stream nhạc số 1 thế giới – Spotify. Đây chính là dịch vụ đã khiến Apple phải vội vã mua lại Beats Music và ra mắt nền tảng stream của riêng mình và cũng chính là thủ phạm khiến cả ngành công nghiệp phải điêu đứng thêm một lần nữa: theo nhiều nguồn tin, doanh thu từ stream nhạc thậm chí còn thấp hơn cả doanh số nhạc bán theo mô hình bài lẻ như iTunes trước đây. Sự đau đớn của ngành công nghiệp âm nhạc chính là niềm vui của người tiêu dùng: chỉ với 59.000 đồng/tháng, chúng ta sẽ được chạm tay vào 35 triệu bài hát có trên Spotify.

    Đáng tiếc rằng mọi thứ đều có 2 mặt: Spotify không phải là dành cho tất cả mọi người. Dưới đây, chúng tôi xin điểm danh 3 nhóm người dùng không nên sử dụng dịch vụ stream nhạc số 1 thế giới.

    Người cuồng nhạc Việt

    Cần phải lưu ý rằng Spotify có kho nhạc Việt rất phong phú. Nếu bạn là fan của các nghệ sĩ đương đại như Sơn Tùng MTP hay Noo Phước Thịnh, Spotify sẽ phục vụ cho bạn khá tốt. Với nền tảng là các bài hát đang sở hữu, Spotify sẽ đem “đặc sản” là các playlist (danh sách phát) được tuyển chọn công phu để chinh phục bạn: còn gì tuyệt vời hơn khi một bài hát bạn đã quá quen được tiếp nối bởi một bài hát mới lạ mà bạn chắc chắn sẽ thích.

    Muốn nghe Duyên Phận của Như Quỳnh thì phải làm sao?
    Muốn nghe 'Duyên Phận' của Như Quỳnh thì phải làm sao?

    Tuy vậy, điểm cần lưu ý là Spotify vẫn còn thiếu khá nhiều các bài hát Việt quen thuộc. Ví dụ, Spotify không có bản nhạc bolero có số lượt view cao nhất trên YouTube là Duyên Phận do Như Quỳnh thể hiện. Hoặc, nam ca sĩ Bằng Kiều cũng có rất ít album.

    Một điểm trừ khác là bản quyền không rõ ràng. Ví dụ, nếu truy cập vào các trang của Lệ Quyên hay Quang Lê, bạn sẽ thấy có một số album có bìa rất “đáng nghi ngờ” và khi tra Google thì không phải là album chính thức. Với ca sĩ Quang Linh, các bài hát của anh bị chia thành hàng chục album (mỗi album một bài) với chất lượng âm thanh khá tệ.

    Dấu hỏi lớn về nguồn gốc và bản quyền.
    Dấu hỏi lớn về nguồn gốc và bản quyền.

    Người sưu tầm nhạc

    Liên quan đến nhóm đối tượng phía trên, những người thích sưu tầm nhạc (buộc phải có đầy đủ album của một ca sĩ) cũng không nên lựa chọn Spotify làm nền tảng nhạc duy nhất. Các fan của nhạc Rock/Metal sẽ là người chú ý đến điểm trừ này nhất. Đôi lúc, các bạn sẽ gặp tình huống một nghệ sĩ nào đó có khá đủ album nhưng lại thiếu mất... 1 album, ví dụ như Rammstein thiếu Liebe ist für alle da hoặc Testament thiếu mất The Gathering. Các nghệ sĩ Jazz, Avant-garde hay Instrumental sẽ còn khó chịu hơn, bởi đơn giản là một nghệ sĩ của các dòng nhạc này có thể ra mắt đến... vài album một năm và việc Spotify đi thu mua đủ bản quyền là không thể.

    Làm list nhạc 98-99 mà thiếu mất Everytime và Like a Rose của A1, thật là khó chịu.
    Làm list nhạc 98-99 mà thiếu mất 'Everytime' và 'Like a Rose' của A1, thật là khó chịu.

    Cần lưu ý rằng vấn đề này xuất phát từ bản quyền giữa Spotify và các hãng đĩa và do đó không phải là "bất biến". Nếu may mắn, đôi khi bạn có thể gặp trường hợp một album không có bỗng dưng lại xuất hiện trên Spotify - ngược lại, nếu kém may mắn, một bài hát bạn ưa thích cũng có thể biến mất khỏi dịch vụ stream này bất cứ lúc nào.

    Audiophile – Người chơi âm thanh

    Nếu bạn là người chơi âm thanh (loa, tai nghe, amp/DAC) thì bạn chắc hẳn đã biết lựa chọn đầu tiên của bạn phải là Tidal, dịch vụ stream nhạc lossless đình đám nhất hiện nay. Trên Spotify, chất lượng tối đa của gói Premium chỉ đến mức 320kps – dịch vụ này được cho là đã thử nghiệm lossless tại một số quốc gia nhưng đến nay vẫn chưa có công bố rõ ràng.

    Có những album để test loa nhưng lại không hỗ trợ Exclusive Mode trên Windows...
    Có những album để "test loa" nhưng lại không hỗ trợ Exclusive Mode trên Windows...

    Chưa dừng lại ở đây, Spotify còn tồi tại một điểm trừ khó chấp nhận khác với các fan âm thanh: dịch vụ này không hề hỗ trợ ASIO hay Wasapi, nói nôm na là các biện pháp cho phép tín hiệu số đi thẳng từ trình phát đến DAC (bộ giải mã) thay vì phải đi qua tầng Direct Sound của Windows. Tất cả các phần mềm quen thuộc với giới audiophile như foobar hay JRiver đều hỗ trợ ASIO và Wasapi, nhưng dựa theo những gì Spotify đang thể hiện qua các kênh chính thức thì có vẻ công ty này còn lâu mới nghĩ đến các tính năng này.

    Có thực sự quan trọng?

    Trước khi kết thúc bài viết, có một điểm tôi cần lưu ý với bạn đọc: tôi thuộc về cả 3 nhóm người dùng kể trên. Thế nhưng, tôi vẫn sử dụng Spotify, bởi đơn giản là dịch vụ này mang đến quá nhiều những tính năng hay ho để bù đắp cho những điểm trừ rõ rệt của mình.

    Trong bài viết sau, chúng ta sẽ cùng điểm qua những tính năng gây nghiện của Spotify.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày