4 cách phân biệt iPhone Lock và iPhone quốc tế chỉ trong vài giây, không lo bị lừa khi đi sắm Tết

    NPQM, Theo Trí Thức Trẻ 

    Bỏ túi ngay 4 mẹo sau đây để không lo "tiền mất tật mang" vì bị lừa mua iPhone Lock giả làm hàng quốc tế.

    Chỉ còn xấp xỉ nửa tháng nữa là đã đến cái Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc, và đương nhiên là thói quen sắm sửa đồ công nghệ, đặc biệt là smartphone dịp Tết của chúng ta lại được dịp bùng lên sau một năm làm việc vất vả. Không khó để thấy được iPhone là một trong những mặt hàng được quan tâm nhất trong những dịp này.

    Tuy nhiên, thị trường từ lâu đã xuất hiện loại hình iPhone khóa nhà mạng - hay còn được gọi là iPhone Lock với giá rẻ hơn tận 30% so với thông thường. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như chúng được những người bán thiếu lương tâm dùng để lừa khách hàng, nói rằng đó là máy nguyên bản quốc tế để bán với giá cao hơn nhiều lần số tiền thực? Hãy nắm bắt kỹ những kiến thức sau ngay để không trở thành con mồi ngon nhé.

    iPhone Lock là gì?

    iPhone Lock (khóa SIM) vốn chỉ được phát hành độc quyền để hòa mạng duy nhất cho một nhà mạng bên nước ngoài, nhưng khi đưa sang nước khác thì có những thủ thuật cấy SIM ghép để có thể hòa mạng khác thoải mái.

    Ngày trước, cách làm thường dùng là sử dụng một "phôi" SIM riêng bên ngoài - một loại khung kết nối có vỏ lắp liền được vào SIM của nhà mạng khác - rồi sau đó mới cho vào khe cắm SIM để đánh lừa khâu kiểm duyệt của Apple hoặc nhà mạng gốc. Còn giờ đây, một cách làm tinh vi hơn đã được tạo ra: "Cấy" và lắp đặt thẳng mối nối vào trong khe cắm SIM ẩn bên trong, người dùng chỉ cần lắp SIM của mình vào dùng như thường.

    Như vậy, nếu chẳng may lâm vào trường hợp nhầm lẫn không thể phân biệt hay phát hiện ra đây là máy iPhone Lock, bạn sẽ vĩnh viễn bỏ phí cả một khoản tiền lớn mà không có được quyền lợi tự do vốn có khi dùng máy của mình, nhất là khi bị lừa rằng đây là máy quốc tế nên giá bán cũng phải như trên thị trường gốc.

    Các cách phát hiện iPhone Lock dùng SIM ghép

    Hãy thực hiện lần lượt các bước sau để ít nhiều đảm bảo được chiếc iPhone tương lai của mình không phải là hàng SIM ghép bị khóa mạng mà lại được đem ra lừa đảo:

    Cách 1: Hãy dùng một loạt SIM của các nhà mạng khác nhau như VinaPhone, Viettel, Mobifone lắp lần lượt vào máy để kiểm tra tổng quát nhất

    Đừng quá tin tưởng khi người bán bỗng đề nghị tặng cho bạn chiếc SIM của họ đang lắp sẵn trong máy và nhờ bạn kiểm tra ngay trên SIM đó. Nếu bất kỳ trường hợp lắp SIM khác nào hiện lên giao diện khó hiểu, yêu cầu bạn phải "kích hoạt" dù đang dùng bình thường thì hãy tạm biệt người bán và tìm một nơi uy tín hơn ngay lập tức.

    Giao diện kích hoạt đáng ngờ.

    Cách 2: Truy cập Settings > General > About > Carrier

    Nếu tên hiển thị ở đó hiện lên là nhà mạng đúng của SIM bạn đang lắp thử, chẳng hạn như Viettel, VinaPhone...thì tạm thời an toàn. Còn một khi tên nhà mạng không trùng khớp thì bạn biết phải xử lý thế nào rồi đó:

    Tên nhà mạng Viettel hiện lên chính xác.

    ...hoặc Settings > Phone. Nếu ở dưới cùng có lựa chọn ghi tên dịch vụ nhà mạng của bạn thì có thể yên tâm được rồi:

    Hiện lên Viettel Service trùng tên nhà mạng hiện tại.

    Cách 3: Truy cập Settings > General > ICCID

    ICCID là mã xác nhận riêng dành cho SIM, được quy định sẵn để dành cho các thao tác xem xét và kiểm tra liên quan. Nếu 4 chữ số đầu là "8984", vậy thì iPhone của bạn là iPhone quốc tế chuẩn. Còn nếu không bắt đầu bằng dòng số đó thì nên tự cân nhắc lại ngay lập tức trước khi tiền mất tật mang.

    4 chữ số đầu là 8984 đúng như mong đợi.

    Cách 4: Một số điểm đáng ngờ cần lưu ý

    Trong trường hợp kiểm tra bằng những cách trên mà bạn vô tình nhận ra những điểm bất thường sau thì hãy cảnh giác ngay lập tức mà đừng thờ ơ và bỏ qua một cách lãnh đạm nhé:

    - Dùng ứng dụng camera mặc định nhưng không thể tắt âm thanh chụp ảnh bằng thanh gạt âm lượng bên cạnh trái của máy: Đây là đặc trưng thường thấy ở những chiếc iPhone dành riêng cho thị trường Nhật Bản hoặc Hàn Quốc cũng có thể. Ở đó, họ không muốn người dùng làm dụng camera để chụp ảnh trộm người khác phục vụ ý đồ xấu, nên đã can thiệp từ đầu để không thể tắt âm thanh chụp đi được.

    Nếu đã gạt thanh tắt âm này mà tiếng camera không thể tắt thì hãy cẩn thận.
    Nếu đã gạt thanh tắt âm này mà tiếng camera không thể tắt thì hãy cẩn thận.

    - Lưu tên danh bạ người gọi, nhưng khi người đó gọi đến lại không hiện tên mà chỉ hiện số: Lỗi hiển thị này chính là một trong những đặc điểm thường gặp trên những máy iPhone Lock vì xung đột SIM ghép nhà mạng.

    Trên đây là tổng hợp một số cách làm cực nhanh có thể thực hiện dễ dàng ngay khi đến tìm mua và thỏa thuận mua máy trực tiếp. Đừng quên mà nhớ bỏ túi chúng ngay để không trở thành một mồi câu dễ dụ, mất vui cho cả dịp Tết sắp tới này nhé.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ