4 kỹ sư không biết tiếng Nhật đã tạo được phần mềm đọc thứ tiếng này chính xác 99% như thế nào

    Nam Nguyễn,  

    Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang xuất hiện ở những nơi không ai ngờ tới và có thể đến sớm hơn chúng ta nghĩ.

    Mặc dù giành chiến thắng trước nhà vô địch cờ vây thế giới là điều rất ấn tượng, AI còn đang tiến hóa đến mức có thể được ứng dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống. Điều đó được chứng minh bằng việc chỉ trong vài tháng, bốn kỹ sư gần như không biết gì về tiếng Nhật, đã tạo ra một phần mềm đọc được thứ tiếng này dưới dạng chữ viết tay.

    Các lập trình viên của Reactive đã viết một ứng dụng có thể nhận dạng tiếng Nhật viết tay với độ chính xác lên tới 98,66%. Start-up mới có 18 tháng tuổi đời ở Tokyo này là một phần trong cộng đồng lập trình viên và nhà đầu tư toàn cầu, những người đang tìm cách khai thác sức mạnh của mạng thần kinh để áp dụng AI cho các mục đích thực tiễn hơn thay vì chơi những trò giải trí đơn thuần.

    “Chỉ một vài năm trước, bạn phải là thiên tài mới làm được điều này”, David Malkin, trưởng nhóm phát triển phần mềm nói trên cho biết. “Giờ đây thì công nghệ đã phổ cập hơn và triển vọng ứng dụng AI vào thực tế trở nên sáng sủa hơn bao giờ hết”.

    AI đã từng có thời là sân chơi độc quyền của Google, Facebook và các ông lớn công nghệ khác. Hiện nay, bất cứ start-up nào về học sâu (deep learning) cũng có thể tiếp cận các nền tảng đám mây khi Microsoft, Nvidia và Amazon đang bán các chương trình AI dễ như bán rau.

    Công nghệ của Reactive cho thấy ngay cả các công ty nhỏ cũng có thể làm ra những ứng dụng phức tạp mà không cần nhiều kiến thức chuyên môn trong một lĩnh vực nhất định. Vấn đề là làm thế nào để kiếm tiền từ các ứng dụng này. Nhằm mục đích đó, Reactive đang có ý định áp dụng phần mềm của mình vào việc giảng dạy tiếng Nhật ở các trường học của Nhật Bản.

    Mặc dù nhận dạng chữ viết có thể coi là chương trình AI ở mức độ cơ bản, việc nhận dạng tiếng Nhật lại có độ phức tạp cao hơn. Đó là vì ngôn ngữ này chứa các chữ tượng hình, mỗi chữ được cấu tạo bởi nhiều nét và có nhiều cách đọc khác nhau. Có hơn 2000 chữ như vậy trong tiếng Nhật. Điều đó khiến cho việc nhận dạng thứ tiếng này trở nên khó khăn hơn nhiều so với các thứ tiếng khác. Để giải quyết vấn đề này, các lập trình viên của Reactive đã tạo ra một thuật toán mô phỏng mạng thần kinh và cho phần mềm của mình luyện tập với hơn 1,8 triệu cách kết hợp các chữ với nhau.

    “Việc công nghệ này không cần đến kiến thức chuyên môn giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển và phổ cập ứng dụng trong thực tế”, Seishi Okamoto, giám đốc dự án phát triển phần mềm đọc tiếng Trung của Fujitsu Laboratories cho biết. “Các phần mềm nhận diện chữ Trung Quốc dựa trên học sâu đang bắt kịp và sẽ vượt qua khả năng của con người”.

    Không giống như một phần mềm máy tính điển hình được xây dựng trên các quy tắc cứng nhắc, phần mềm học sâu được phát triển dựa trên cách xử lý thông tin của não bộ con người. Chỉ cần nhập dữ liệu đầu vào và lập yêu cầu đầu ra, mạng thần kinh máy tính sẽ tự tìm cách giải quyết vấn đề. Điều này cho phép chúng tìm ra các giải pháp cho những vấn đề hóc búa như phiên dịch hoặc tag ảnh mà các phương pháp truyền thống phải bó tay.

    “Có nhiều yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của AI như sự phổ biến của máy tính hiệu suất cao và dữ liệu lớn và sự tiến bộ của khoa học cơ bản”, Yoshua Bengio, giáo sư khoa học máy tính của đại học Montreal cho biết. “Sự phổ biến của công nghệ cao cấp đang khiến cho việc phát triển ứng dụng mới ngày càng dễ hơn”.

    Tất cả những yếu tố trên sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của công nghệ AI. Theo công ty nghiên cứu CB Insights, số tiền đầu tư vào các start-up AI thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã đạt 310 triệu USD trong năm 2015, tăng gần 7 lần trong 5 năm qua.

    Tham khảo: bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ