Ai cũng nhắc đến Tesla và SpaceX mà quên mất Elon Musk còn sở hữu một công ty trí tuệ nhân tạo

    TVD,  

    OpenAI giống như một tổ chức phi chính phủ, với sứ mệnh ngăn chặn trí tuệ nhân tạo làm những điều xấu xa và đe dọa loài người. Nghe giống như một bộ phim khoa học viễn tưởng.

    Tesla với chiếc ô tô điện Model 3 và SpaceX với thử nghiệm hạ cánh thành công tên lửa tái sử dụng trên biển đang là 2 sự kiện lớn nhất của thế giới công nghệ trong thời gian vừa qua. Người ta tung hô và ca ngợi tỷ phú Elon Musk như một vị thánh, như một Steve Jobs thứ 2, như một người sẽ làm thay đổi cả thế giới.

    Có lẽ đúng là như vậy, nhưng Elon Musk sẽ không chỉ thay đổi thế giới với những chiếc xe ô tô chạy bằng điện hay những quả tên lửa tái sử dụng. Trong thời gian qua, ai cũng nhắc đến Tesla và SpaceX mà quên mất rằng vị tỷ phú này còn sở hữu cả một công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.

    Tỷ phú Elon Musk từng so sánh trí tuệ nhân tạo giống với một “con quỷ dữ”. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao ông thành lập OpenAI, một công ty phi lợi nhuận nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Sứ mệnh của OpenAI là tìm cách để khiến cho trí tuệ nhân tạo đem lại lợi ích cho nhân loại, thay vì hủy diệt cả thế giới.

     Ít người nhớ rằng Elon Musk còn sở hữu một công ty phi lợi nhuận phát triển trí tuệ nhân tạo.

    Ít người nhớ rằng Elon Musk còn sở hữu một công ty phi lợi nhuận phát triển trí tuệ nhân tạo.

    OpenAI được thành lập đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học và công nghệ trí tuệ nhân tạo trên thế giới. Tuy nhiên cho đến nay thì chúng ta vẫn chưa được biết chính xác OpenAI đang nghiên cứu những gì trong phòng thí nghiệm của họ.

    Trang Tech Insider mới đây đã tiết lộ những thông tin khá ít ỏi về OpenAI, do chính đồng sáng lập và giám đốc công nghệ của công ty trả lời phỏng vấn. Vị giám đốc công nghệ này cho biết, OpenAI đang tập trung vào việc nghiên cứu machine learning, công nghệ cho phép những cỗ máy và AI có khả năng tự học từ những nhiệm vụ mà nó đã trải qua.

    Cụ thể hơn, machine learning mà OpenAI đang nghiên cứu bao gồm hai mảng chính, đó là khả năng tự học không cần giám sát và tự học tăng cường. Những công nghệ này giúp cho các cỗ máy tự học mà không cần sự giám sát của con người, nhưng vẫn phải đảm báo rằng đó là những điều đúng đắn.

    Giới hạn tiếp theo

    Sứ mệnh của OpenAI là giữ cho công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển theo con đường đúng đắn, nhưng có vẻ như họ cũng vượt qua những giới hạn của công nghệ. Với việc phát triển công nghệ tự học không cần giám sát và tự học tăng cường, AI sẽ có khả năng suy nghĩ nhiều hơn giống như con người.

    Tự học tăng cường là khi các cỗ máy thực hiện lặp đi lặp lại một nhiệm vụ, để tự tìm ra cách giải quyết. Đây cũng là kỹ thuật giống với cách mà Google huấn luyện AlphaGo, hệ thống AI này đã làm nên lịch sử khi đánh bại được kỳ thủ cờ vây xếp hạng thứ 5 trên thế giới.

     OpenAI đang muốn phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và muốn vượt qua những giới hạn hiện nay.

    OpenAI đang muốn phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và muốn vượt qua những giới hạn hiện nay.

    Khả năng hoàn thành được những nhiệm vụ ngày càng phức tạp hơn là rất quan trọng để giúp trí tuệ nhân tạo phát triển. Giám đốc công nghệ của OpenAI, ông Brockman cho biết:

    “Chúng tôi vẫn chưa thể đạt được điều đó. Chúng tôi vẫn chưa thể tạo ra một con robot có thể tự đi vào nhà bếp để lấy cho mình một chai bia mà không làm đổ vỡ mọi thứ xung quanh. Nhưng chúng tôi đã có những thành tựu nhất định”.

    Ông cho biết OpenAI đã đạt được một thành tựu mà có thể gọi là “giới hạn tiếp theo” của trí tuệ nhân tạo. Đó chính là khả năng tự học không giám sát.

    Công nghệ này giúp cho những cỗ máy có khả năng suy nghĩ và cảm nhận thế giới xung quanh giống như một con người. Có nghĩa là cỗ máy này có thể bước ra thế giới ngoài kia và có nhận thức về mọi thứ xung quanh giống như con người.

    “Tôi muốn nói đến khả năng khám phá thế giới và nhận thức, hiểu biết về nó. Bạn có thể đọc một cuốn sách viết về Paris và hiểu những gì cuốn sách viết ngay cả khi chưa từng đặt chân đến Paris. Một cỗ máy không làm được như vậy, vì nó cần có những hình ảnh và khái niệm được xác định. Nhưng công nghệ mới này sẽ giúp chúng có khả năng tự nhận thức về điều đó”.

    Nhưng, OpenAI có đi quá cái giới hạn mà chính mình đặt ra? Nhà vật lý Stephen Hawking từng nói: “Khi trí tuệ nhân tạo phát triển đến một mức độ hoàn thiện, đó sẽ là dấu chấm hết của loài người”.

    Sứ mệnh của OpenAI

    Công nghệ machine learning tự học tăng cường và tự học không giám sát không phải là những công nghệ mới. Facebook, Google hay các hãng xe ô tô đang nghiên cứu công nghệ tự lái đều đang phát triển trí tuệ nhân tạo theo hướng này. Để chúng có thể xử lý tất cả nhiệm vụ và tình huống mà không cần tới sự can thiệp của con người.

     Sứ mệnh của OpenAI là ngăn chặn những cỗ máy như thế này xuất hiện.

    Sứ mệnh của OpenAI là ngăn chặn những cỗ máy như thế này xuất hiện.

    Tuy nhiên nếu để cho trí tuệ nhân tạo có thể tự phát triển mà không có sự giám sát, rất có thể chúng sẽ đi lệch hướng và trở nên xấu xa. Chatbot “Tay” của Microsoft là một minh chứng cho việc trí tuệ nhân tạo có thể trở nên xấu xa, căm ghét loài người. Rất may đây mới chỉ là một con chatbot, nên nó không thể gây ra bất kỳ sự nguy hiểm nào.

    Giám đốc công nghệ Brockman tiếp tục cho biết: “Trong khi thiết kế các trí tuệ nhân tạo, chúng tôi cũng phải giúp ngăn chặn những tác động xấu. Những tác động có thể gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu hay những tác động mà con người không mong muống”.

    “Các hệ thống này có khả năng trở thành một phần của cuộc sống và chúng ta cần suy nghĩ về điều đó. Và thật khó để định nghĩa các tiêu chuẩn an toàn cho một công nghệ chưa thực sự tồn tại. Nhưng phải thừa nhận rằng đó là điều vô cùng quan trọng”.

    Trong khi đó, đồng Chủ tịch của OpenAI, ông Sam Altman đã từng phát biểu và cho biết ông không hề lo ngại nếu như AI có thể đi con đường xấu. Ít nhất là tại thời điểm này.

    “Đó là vấn đề còn rất xa trong tương lai chúng ta mới phải đối mặt, vì vậy thật khó để thảo luận và tập trung tìm ra cách giải quyết”, ông Altman cho biết “Mục tiêu của chúng tôi là tối đa hóa khả năng để những điều xấu xa không xảy ra”.

    OpenAI giống như một tổ chức phi chính phủ, với sứ mệnh ngăn chặn trí tuệ nhân tạo làm những điều xấu xa và đe dọa loài người. Nghe giống như một bộ phim khoa học viễn tưởng, nhưng với tốc độ phát triển của công nghệ như hiện nay, câu chuyện viễn tưởng nào cũng có thể trở thành sự thật.

    Tham khảo: Techinsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày