4 sai lầm cần sửa ngay khi nhận được câu hỏi "Vì sao bạn ứng tuyển vị trí này?" trong phỏng vấn

    Nguyễn Huyền,  

    Hầu hết các nhà tuyển dụng thường đặt câu hỏi "Tại sao bạn quan tâm đến vị trí này" khi phỏng vấn ứng viên. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách trả lời câu hỏi đánh trúng tâm lý nhà tuyển dụng.

    Không phải lúc nào các nhà tuyển dụng cũng cho bạn biết họ đang nghĩ gì, đôi khi chính điều này là lý do khiến bạn, trong vai trò là một ứng viên, cảm thấy buổi phỏng vấn không thực sự như mong đợi. Tuy nhiên, dù người phỏng vấn có tốt hay xấu trong mắt bạn thì cũng chẳng ảnh hưởng đến câu trả lời của bạn về câu hỏi: “Tại sao bạn quan tâm đến vị trí này?”.

    Đây rõ ràng là một câu hỏi bạn không thể nào trả lời qua loa, bởi qua câu hỏi này người phỏng vấn sẽ đánh giá những kỹ năng của bạn, mức độ phù hợp của bạn với công ty và những mối quan tâm của bạn. Nói cách khác, đây là một câu hỏi đáng để bạn lưu tâm. Và dưới đây là 4 lỗi thường gặp khi trả lời câu hỏi dạng này:

    1. Bạn không nói gì về công ty đang ứng tuyển

    Cuộc đối thoại được thực hiện gần đây với một nhà tuyển dụng, cô ấy đã có những chia sẻ thú vị xoay quanh những vấn đề có thể đặt dấu chấm hết cho ứng viên khi phỏng vấn. Khi một ứng viên trả lời câu hỏi “Tại sao bạn quan tâm đến vị trí này?” bằng cách trình bày dài dòng về đam mê lập trình, viết lách hoặc kỹ năng cá nhân nào đó mà không đả động gì đến công ty đang ứng tuyển thì ngay lập tức bạn sẽ “bị loại từ vòng gửi xe”.

    Bạn nên nhớ rằng: bạn có thể mang kỹ năng của mình đi đâu cũng được nhưng điều mà bạn cần chứng tỏ ở đây chính là tại sao bạn lại muốn áp dụng những gì mình có cho công ty này.

    2. Bạn chỉ nói đến những điều có lợi cho bạn

    Lỗi này tương đối phổ biến bởi nhiều ứng viên chỉ quan tâm đến mục đích câu hỏi hướng tới là gì. Có thể công việc này sẽ giúp bạn có cơ hội học hỏi nhiều hơn về marketing hay kỹ năng phân tích định lượng, đúng là rất tuyệt nhưng bạn có chắc nhà tuyển dụng muốn nghe những điều này? Họ không thực sự muốn biết công ty sẽ trao cho bạn cơ hội gì mà chỉ muốn xem xem bạn sẽ cống hiến gì ngược lại.

    Vậy giải pháp cho khúc mắc trên là gì? Hãy dẹp sang một bên những mối quan tâm về lợi ích trước mắt mà hãy chú tâm vào việc trình bày cụ thể cách bạn dùng năng lực của mình đáp ứng mục tiêu của công ty ra sao.

    3. Bạn nói những điều không liên quan

    Trong lúc hứng lên, bạn có thể tiết lộ lý do ứng tuyển của bạn là do công ty gần trường học của con bạn hay chính sách về giờ làm việc tương đối linh hoạt cho phép bạn đi chung xe với bạn cùng phòng được thuận lợi. Nghe có vẻ hấp dẫn và hợp lý những đây không phải lý do duy nhất khiến bạn có hứng thú với vị trí này. Thêm nữa, nếu cứ tiếp tục chia sẻ những điều không liên quan, cơ hội sẽ không đến với bạn lần hai đâu.

    4. Bạn trả lời sai câu hỏi

    Bạn đã bao giờ hẹn hò với một người mà lúc nào họ cũng nhắc đến người yêu cũ chưa? Tương tự, điều này cũng có thể xảy ra trong buổi phỏng vấn. Đừng có lặp lại lý do của những ứng viên khác là bạn muốn nghỉ việc ở công ty cũ. Ngay cả khi công việc bạn đang ứng tuyển liên quan đến công việc trước đây, điều bạn cần làm chính là tập trung cho công việc mới. Hãy nói đến các kĩ năng mà bạn có được, nhưng bạn không cần phải nói quá nhiều về quá trình bạn đã tích lũy chúng như thế nào.

    Câu hỏi đơn giản này tưởng chừng như dễ trả lời, nhưng thật ra lại là một câu hỏi hóc búa, đặc biệt khi bạn không đặt vị trí của mình vào người nghe. Hi vọng 4 lỗi này sẽ giúp bạn chuẩn bị thật kỹ lưỡng để có chiến lược ứng phó hiệu quả nhất.

    Đừng quên đi thẳng vào vấn đề và xác định người ngồi đối diện bạn là ai. Bạn cũng đừng chủ quan coi đó chỉ là một câu hỏi đơn thuần và bạn chỉ có nghĩa vụ trả lời nó sao cũng được. Bạn đã sai, câu hỏi và cách trả lời của bạn hoàn toàn có thể định hình bạn là người thế nào trong mắt nhà tuyển dụng đấy!

    Tham khảo: Mashable

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày