4 thông điệp quan trọng không được cất thành lời của Apple tại WWDC 2016

    Lê Hoàng,  

    Đây là 4 thông điệp không được nói ra nhưng lại thể hiện rất rõ thái độ của Apple với các thị trường, các nhóm khách hàng và nhà phát triển tiềm năng của mình.

    WWDC 2016 có 4 nhân vật chính quan trọng là 4 hệ điều hành của Apple. Thông điệp chính của WWDC năm nay vẫn giống như mọi năm, rằng Apple “yêu” các nhà phát triển của họ và luôn muốn tạo ra những nền tảng có lợi nhất cho cả đôi bên.

    Đó là những thông điệp nói ra thành lời. Nhưng một công ty lớn và lão luyện về mặt PR như Apple thì sẽ không chỉ có những thông điệp rõ ràng. Hãy cùng điểm qua một vài thông điệp ẩn của Táo.

    Apple yêu Trung Quốc.
    Apple yêu Trung Quốc.

    Thông điệp đầu tiên: Apple rất quan tâm đến người dùng Trung Quốc và luôn muốn hỗ trợ thị trường này một cách tốt nhất có thể. Tính năng viết chữ trên mặt Apple Watch (Scribble) chỉ hỗ trợ tiếng Anh và tiếng Trung. Hong Kong, số điện thoại Trung Quốc, Alipay... được đề cập trong các màn demo. Khi trình diễn tính năng tích hợp ứng dụng bên thứ 3 với Siri,​ phó chủ tịch Craig Federighi ​của Apple đã ra lệnh cho trợ lý ảo này gửi tin nhắn tới người bạn của mình qua WeChat.

    Lại nhắc tới WeChat, với sự kiện iMessage "lột xác" thì rõ ràng Apple đã đâm một nhát chí mạng vào WeChat/Tencent, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Trung Quốc, nơi các dịch vụ của Apple chưa bị cấm như dịch vụ của Google và Facebook. Một tên tuổi khác cũng vừa bị Apple “đâm lén” là Uber, sau khi công ty của Tim Cook mạnh tay chi tới 1 tỷ USD vào Didi Kuadi, dịch vụ chia sẻ hành trình đang áp đảo tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

    Thế nhưng, Uber cũng xuất hiện trên sân khấu WWDC khá nhiều lần và cũng được Apple chọn là ứng dụng biểu trưng cho Siri, 3D Touch và Apple Music. Nhiều người sẽ cho rằng thái độ của Apple với Uber như vậy là không nhất quán, thế nhưng thông điệp được Tim Cook gửi tới các nhà phát triển ở đây là rất rõ ràng: kể cả bạn là nhà cung cấp dịch vụ cạnh tranh với dịch vụ Táo, bạn vẫn được chào đón lên iOS.

    Đấm rồi lại xoa.
    Đấm rồi lại xoa.

    Đây có lẽ là thông điệp được rất nhiều nhà phát triển quan tâm, đặc biệt là khi Apple vừa bày tỏ mong muốn cải tổ App Store ngay trước thềm WWDC. Với những màn trình diễn ưu ái đối thủ, có lẽ Apple cũng muốn tái khẳng định rằng giá trị cốt lõi của công ty vẫn là cung cấp nền tảng phần cứng và phần mềm, ngay cả khi đã bỏ ra tới hàng tỷ USD để kiếm chỗ đứng trên dịch vụ phần mềm.

    Thông điệp “ẩn” thứ 3 đến từ các màn trình diễn của Táo. Bạn không thể không nhận ra rằng sân khấu WWDC của năm nay có rất nhiều nhà thuyết trình là nữ và/hoặc da màu. Xét tới tình trạng bất bình đẳng giới và phân biệt sắc tộc/giới tính đã luôn khiến cho Thung lũng Silicon căng thẳng gay gắt và cả vụ xả súng tại câu lạc bộ đồng giới đang làm rúng động nước Mỹ (được Tim Cook dành một phút mặc niệm ngay đầu WWDC 2016), việc các nhà thuyết trình tưởng như chiếm “thiểu số” trong ngành hi-tech lại chiếm đa số trên sân khấu WWDC sẽ là một thông điệp ngầm nhưng vô cùng mạnh mẽ của Apple.

    Không cần phải cử lãnh đạo lên thể hiện quyết tâm xóa bất bình đẳng, không cần phải công bố các con số so sánh tỷ lệ nhân lực hoặc lương trung bình, màn trình diễn nhẹ nhàng của Apple tại WWDC ngày hôm qua là minh chứng cho thấy Apple sẽ luôn là một trong những tên tuổi đi đầu đòi quyền bình đẳng cho nữ giới và các nhóm thiểu số khác của ngành hi-tech. Dưới sân khấu, không ít lần camera chọn trọng tâm là các nhà phát triển da màu trẻ tuổi đến tham dự. Apple muốn tất cả các nhà phát triển, không phân biệt giới tính và màu da.

    Một nhà lãnh đạo nữ, da màu lên làm chủ sân khấu tại WWDC 2016.
    Một nhà lãnh đạo nữ, da màu lên làm chủ sân khấu tại WWDC 2016.

    Thông điệp “ngầm” cuối cùng của WWDC 2016 không hẳn là một thông điệp thực sự “ẩn” nhưng cũng không được nói ra thành lời: Apple đang mang tham vọng rất lớn trên lĩnh vực phần mềm. Rất nhiều các ứng dụng/dịch vụ vốn chiếm phần mờ nhạt tại Apple hiện đã được cách tân hoàn toàn để trở thành một lựa chọn nghiêm túc cho người dùng, từ những “thảm họa” như Apple Music và Apple Maps cho đến những dịch vụ chưa phát huy đầy đủ tiềm năng như Siri và iMessage.

    Tham vọng đó càng được thể hiện rõ ràng hơn khi Apple mở Siri, iMessage, Apple Maps và bàn phím QuickType tới các nhà phát triển ứng dụng. WWDC trong nhiều năm gần đây đã trở về thành một sự kiện dành cho phần mềm, nhưng WWDC 2016 thậm chí còn đưa ý nghĩa của sự kiện này lên một tầm cao mới. Kể từ đây, 4 hệ điều hành của Táo sẽ không chỉ đóng vai trò bổ trợ cho phần cứng mà sẽ trở thành 4 nền tảng để Apple có thể cạnh tranh ngang ngửa hơn với Google, Facebook và Microsoft trên các lĩnh vực trợ lý ảo, tin nhắn và nhiều lĩnh vực phần mềm khác.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ