Apple vừa ngáng đường Microsoft và Facebook ngay tại nơi mà Google câm nín đứng nhìn
Microsoft và Facebook có thể đã mở màn cho cuộc chiến nền tảng chat một cách đầy ấn tượng, nhưng những lời đe dọa từ 2 kẻ "ngồi chiếu dưới" này đã đến tai Apple. Cùng lúc, Google vẫn chẳng làm được gì ngoài một ứng dụng không mấy ai sử dụng có tên Hangouts.
Bất ngờ của Microsoft
Ngay trước thềm sự kiện WWDC 2016, Microsoft thực hiện một cuộc “đảo chính” nhỏ khi công bố mua lại LinkedIn với giá hơn 26 tỷ USD, một trong những thương vụ có trị giá lớn nhất của Microsoft nói riêng và toàn bộ ngành hi-tech nói chung.
Nhưng những gì Apple công bố tại WWDC lại là một đòn đáp trả hoàn hảo. Thực tế, Apple vừa giáng một đòn rất mạnh vào tham vọng lật đổ App Store (và Play Store) của Microsoft.
Microsoft thể hiện tham vọng nền tảng chat tại sự kiện Build 2016.
Tham vọng đó là gì? Khi người dùng đã bắt đầu chán và ngại cài đặt ứng dụng lên hệ điều hành, Microsoft trở thành tên tuổi tiên phong cho một tầm nhìn mới: đưa chatbot/ứng dụng trên nền ứng dụng chat trở thành lựa chọn thay thế cho các ứng dụng chạy trực tiếp trên hệ điều hành. Trong khi Skype của Microsoft không thể bì kịp WhatsApp hay Facebook Messenger về lượng người dùng, Microsoft sở hữu rất nhiều thế mạnh riêng: một trợ lý ảo thực thụ tiếp sức, rất nhiều API tri giác, giao diện tạo chatbot dành cho người “mù” code và đặc biệt là tính mở, không phân biệt nền tảng chat.
Nói cách khác, Microsoft là tên tuổi đi đầu trong công cuộc lật đổ mô hình chợ ứng dụng của Apple và Google..
Một iMessage hoàn toàn mới
Trước WWDC 2016, ai cũng nghĩ rằng Apple sẽ ngồi yên. Từ trước tới nay, iMessage vẫn chỉ là một tiện ích góp phần cho trải nghiệm iPhone, iPad và Mac trở nên đầy đủ, tiện dụng hơn. Ngoại trừ tính năng khá hay là cho phép người dùng iOS và Mac có thể liên lạc với nhau một cách dễ dàng mà không cần cài thêm ứng dụng ngoài, iMessage gần như chẳng có một tính năng nào khác biệt so với một ứng dụng nhắn tin thuần túy được cài đặt sẵn vào điện thoại di động từ... 10 năm về trước.
Nhưng đến ngày hôm nay mọi thứ đã thay đổi. iMessage của iOS 10 sẽ là một dịch vụ tràn ngập tính năng không hề thua kém Facebook Messenger, Skype hay WeChat. Đây là dịch vụ đầu tiên có thể dự đoán emoji “hộ” người dùng. Đây là dịch vụ chat đầu tiên được tích hợp vào các hệ điều hành có sẵn rất, rất nhiều hiệu ứng tươi trẻ để bạn... làm phiền bạn bè mình. Sticker, rich links (đường dẫn tích hợp nội dung), chữ viết tay, Digital Touch (giống như trên Apple Watch) đều có mặt đầy đủ.
Nhưng vì sao Apple bỗng dưng lại tiêm doping cho iMessage? Cuối cùng thì đây vẫn là một trong những tính năng mang tính “bổ sung” và đã không hề thay đổi trên iOS kể từ khi ra mắt cùng iPhone 4s.
Câu trả lời: Apple đã lắng nghe lời đe dọa từ Microsoft và Facebook. Và iMessage là câu trả lời cho tham vọng dùng ứng dụng chat để lật đổ chợ ứng dụng.
Với iMessage mới, Apple đã ra mắt hẳn một chợ ứng dụng và một app drawer dành riêng cho dịch vụ nhắn tin của mình. Điều này có nghĩa rằng nếu người dùng lười lên App Store cài ứng dụng iOS đầy đủ, họ vẫn có thể tiếp cận với các ứng dụng chạy trực tiếp trên nền tảng nhắn tin mà họ chắc chắn có sử dụng khi mua iPhone, iPad hoặc Mac. Rất, rất nhiều người dùng iOS và Mac sẽ tìm đến iMessage trước khi tìm đến Facebook Messenger hay Skype.
Những tính năng màu mè được gia tăng trong sự kiện ngày hôm nay càng đảm bảo cho iMessage là lựa chọn số 1 của iFan, một lựa chọn mà họ sẽ không mất quá nhiều lần chạm để cài đặt và cũng không cần lo ngại về việc thông tin cá nhân sẽ bị dùng cho mục đích của bên thứ 3 (quảng cáo). Đây là cơ sở để nền tảng app iMessage có thể cạnh tranh mạnh mẽ với nền tảng chatbot Skype và nền tảng app/chatbot Facebook Messenger.
Một kênh kiếm tiền từ chính các đối thủ
Tiềm năng của iMessage không dừng tại đây. Apple về bản chất vẫn là một công ty phần cứng và iMessage vẫn là một sản phẩm đóng vai trò tăng sức hấp dẫn cho iPhone. Nhưng, trong suốt lịch sử tồn tại, Apple hiểu rất rõ ràng rằng họ có thể bán “chỗ” trên phần mềm của mình để kiếm lời. Ví dụ, Google phải trả cho Apple 1 tỷ USD để được là bộ máy tìm kiếm mặc định cho Safari. Microsoft chắc chắn đã phải mua vị trí cho Bing trên Siri và Spotlight bằng tiền hoặc bằng các thỏa thuận hợp tác (bạn có nhớ Microsoft Office là một trong những bộ ứng dụng được trình diễn tại sự kiện ra mắt iPad Pro?).
Điều này lại mở ra thêm một kênh kiếm tiền khác từ iMessage: không chỉ phục vụ cho chợ app của riêng Apple, iMessage còn có thể là sàn đấu để Microsoft, Facebook và Google tranh giành từng mẩu nhỏ. Microsoft có thể lại cùng hợp tác với “bạn” Apple để đưa chatbot của hãng trở thành chatbot mặc định cho iMessage. Google có thể xin mua phần tích hợp vào rich link (ví dụ, video YouTube chơi trực tiếp trên iMessage sẽ được lưu vào mục lịch sử của tài khoản Google/YouTube đang đăng nhập trong ứng dụng Mail của iOS hoặc ứng dụng YouTube tự cài). Không có giới hạn nào ở đây cả.
Với mô hình ứng dụng, tất cả các hãng đều có thể có phần trong trải nghiệm nhắn tin hàng trăm triệu người dùng của iMessage, nhưng dĩ nhiên Apple sẽ là ông vua cai quản và ăn chia từ những miếng bánh đó. Quan trọng hơn, khi nắm trong tay một nền tảng nhắn tin thực thụ, Apple có đầy đủ cơ sở để tích hợp những tính năng như tìm kiếm, nghe nhạc trực tuyến hay bản đồ vào iMessage.
Một lần nữa, đó đều là những chỗ đẹp có thể bán cho Google, Facebook, Microsoft, Amazon và bất kỳ một công ty chuyên về dịch vụ dữ liệu nào khác.
Tất cả những tiềm năng kể trên đều không thể có mặt trên iMessage của iOS 9 trở về trước. Sau 5 năm dậm chân tại chỗ, iMessage đã lột xác hoàn toàn để trở thành một nền tảng tham vọng không thua kém Messenger hay Skype.
"Đánh" Microsoft, Facebook và bỏ Google lại phía sau
Nhiều người sẽ chỉ ra rằng iMessage có một bất lợi rất lớn so với các lựa chọn từ Microsoft và Facebook: đây là một nền tảng nhắn tin dành riêng cho phần cứng của Táo (tin đồn Android đã không trở thành hiện thực). Thế nhưng, nói như vậy cũng có nghĩa rằng bạn đã quên mất 2 sự thật quan trọng: 1, gần như không một iFan nào không sử dụng iMessage và 2, iFan cực kỳ chịu chi so với người dùng các nền tảng khác.
Quý 1/2016, thị phần Android cao gấp 4 lần thị phần iOS nhưng App Store thu về lượng tiền nhiều gấp đôi Google Play (số liệu App Annie). Và cũng không phải vô cớ Google chỉ kiếm được vỏn vẹn 22 tỷ USD từ Android trong suốt 8 năm phát hành hệ điều hành này nhưng lại sẵn sàng trả cho Apple tới 1 tỷ USD chỉ trong năm 2014.
Như vậy, tiềm năng kinh tế của iMessage là cực kỳ lớn, và một lần nữa kể cả bạn có nhìn từ góc độ tính năng thì dịch vụ này giờ cũng chẳng thua kém bất cứ một tên tuổi lớn nào cả.
Quan trọng hơn, khi tham gia vào cuộc đua nền tảng chat, Apple có một lợi thế rất quan trọng so với các đối thủ khác: Apple đang thực sự nắm quyền kiểm soát 2 hệ điều hành lớn, một trong số đó là hệ điều hành di động duy nhất đối địch được với Android của Google. Nhưng Google thì lại chẳng có ứng dụng nhắn tin nào ra hồn. Facebook và Microsoft đã luôn luôn ngồi chiếu dưới trong cuộc đua di động, nay vừa kịp manh mún tham vọng nền tảng chat được vài tháng đã bị Apple ngáng đường.
Tất cả những lợi thế này không có nghĩa rằng Apple sẽ đè bẹp được Microsoft, Facebook và Google trong cuộc chiến nền tảng mới. Thế nhưng, rõ ràng là chỉ với 15 phút ngắn ngủi trong một sự kiện không hẳn là dành cho người dùng phổ thông như WWDC, Tim Cook và đồng sự đã thay đổi hẳn cục diện của một cuộc đấu đóng vai trò rất quan trọng tới tương lai di động nói riêng và liên lạc điện toán nói chung. Không hiểu, sau khi đánh cắp một chút ít hào quang từ “ngày của Apple” với thương vụ LinkedIn, Satya Nadella và các đồng sự tại Microsoft đang nghĩ gì về tình thế mới?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương