Ngay lúc này, Microsoft và Facebook đã tìm ra cách lật ngôi Apple và Google
Một gã khổng lồ kỳ cựu bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua mới. Một mạng xã hội lép vế vì không sở hữu hệ điều hành. Một cuộc cách mạng chuẩn bị bùng nổ.
Những kẻ lép vế
Cuộc chơi di động ngày hôm nay là cuộc chơi của Apple và Google. Tiên phong phát minh ra chiếc smartphone cảm ứng đa điểm dành cho người tiêu dùng phổ thông, Apple giữ vững lợi thế đi đầu bằng cách bám trụ ở phân khúc tầm cao và liên tục thu lãi khủng. Đánh mạnh vào phân khúc giá rẻ, Android vẫn nhanh chóng trở thành hệ điều hành phổ biến nhất thế giới với thị phần luôn đạt khoảng 80%. Nhờ nắm trong tay thị trường hệ điều hành, Apple và Google cũng nắm trong tay gần như toàn bộ cộng đồng các nhà phát triển ứng dụng di động trên toàn cầu.
Chính thế gọng kìm này đã bóp chết các hệ điều hành nhỏ hơn như BB10, Firefox OS, Sailfish OS… Ngay cả hệ điều hành của một gã khổng lồ công nghệ từng thống trị thế giới cũng không phải là ngoại lệ. Ra đời quá muộn so với iOS và Android, Windows Phone của Microsoft chưa bao giờ thu hút đủ kho ứng dụng để trở thành đối thủ nghiêm túc của 2 hệ điều hành đã chiếm tới hơn… 95% thị phần toàn cầu. Vị thế PC vẫn còn đó, nhưng vai trò của Microsoft trong trải nghiệm điện toán hiện đại ngày càng suy giảm.
Một gã khổng lồ xưa cũ như Microsoft phải chấp nhận tủi nhục, còn những gã khổng lồ trẻ tuổi nhưng hùng mạnh như Facebook cũng chẳng khá khẩm hơn. Là một công ty cũng ăn lợi nhuận từ quảng cáo và nội dung như Google, việc không sở hữu một nền tảng khiến cho Facebook chưa từng một lần trở thành trọng tâm của trải nghiệm di động, ngay cả khi các ứng dụng của Facebook đã chiếm phần lớn thời gian dành cho iPhone và smartphone Android.
Có lẽ, vẫn còn nhiều tín đồ công nghệ chưa quên về Facebook Home – dự án chế tạo bản ROM cho phép Facebook bao trùm lên trải nghiệm sử dụng của các mẫu smartphone Android đình đám. Ra mắt hùng hổ vào năm 2013, Home chưa bao giờ đạt được lượng người dùng đáng để công bố và cũng chìm vào quên lãng trong vòng 3 tháng. Rõ ràng, việc thuyết phục người khác cài đặt nền tảng của bạn lên điện thoại của họ là quá khó khăn so với khi bạn đã kiểm soát một nền tảng được cài đặt sẵn trên smartphone.
Cả Microsoft lẫn Facebook đều phải chịu nhiều đắng cay khi mang sản phẩm phần mềm của mình đi "ở nhờ nhà người khác". Trợ lý ảo Cortana tuyệt đối không thể thay thế cho Siri và Google Now. Hoặc, Facebook buộc phải chấp nhận mở các bài viết public cho bộ máy tìm kiếm của Google – vì đơn giản nếu Google muốn chơi xấu Facebook bằng cách hạn chế mạng xã hội này trên Android, Google sẽ làm được.
Đánh bại hệ điều hành bằng một bản chỉnh sửa không phải là một ý tưởng hay.
Và tình cảnh đó sẽ mãi tiếp diễn nếu như Microsoft và Google không bất chợt tìm ra một thứ vũ khí vô cùng lợi hại: ứng dụng nhắn tin.
Ứng dụng nhắn tin: Những nền tảng ngang tầm hệ điều hành
Nếu như có một tác vụ smartphone mà bạn nghiện hơn cả "lướt face" thì đó chắc chắn sẽ là nhắn tin, bất kể là qua SMS hay qua ứng dụng OTT, Facebook Messenger. Trong thời đại công nghệ ngày nay, gần như chẳng có ai không thường xuyên nhắn tin cả: một nghiên cứu của Pew Study vào tháng 4/2015 cho thấy 100% người tham gia vừa gửi tin nhắn chỉ trong vòng... 1 giờ trước khi trả lời khảo sát.
Đây rõ ràng là một lợi thế của Facebook và Microsoft so với Apple và Google. Facebook sở hữu không chỉ một mà là hai nền tảng nhắn tin thống trị thế giới: Facebook Messenger có 900 triệu người dùng (số liệu tháng 4/2016) còn WhatsApp có 1 tỷ người dùng (số liệu tháng 2/2016). Skype "chỉ" có 300 triệu người dùng, nhưng ứng dụng này vẫn đứng top về chất lượng thoại và video. Đó là còn chưa kể Microsoft vẫn có thể dùng vị thế thống trị của Windows 10 trong tương lai để tiếp sức cho Skype. Nếu chỉ tính riêng về lượng người dùng tiềm năng, khoảng cách giữa nhóm làm chủ hệ điều hành di động (Apple, Google) và nhóm áp đảo thị trường ứng dụng chat (Facebook, Microsoft) là không nhiều.
Bên còn lại của chiến tuyến thì sao? Apple có dịch vụ iMessage có vẻ là được hàng trăm triệu iFan toàn cầu sử dụng, nhưng Apple đơn giản chỉ cung cấp iMessage để bán iPhone, iPad và Mac chứ không hề có ý định thương mại hóa nền tảng này. Google thảm hại hơn cả: Hangouts chưa bao giờ đủ tầm đe dọa được tới LINE, Telegram hay Viber chứ đừng nói tới Skype hay Facebook Messenger.
Tình cảnh trái ngược giữa vị thế trên mảng hệ điều hành di động và mảng dịch vụ nhắn tin đã giúp cho Facebook và Microsoft đưa ra một chiến lược hoàn toàn mới: biến các ứng dụng nhắn tin trở thành một nền tảng để san phẳng cách biệt – người dùng iOS và Android cũng là người dùng Facebook Messenger và Skype.
Bài toán của tương lai
Facebook bộc lộ rõ rệt tham vọng ngay từ tận năm ngoái khi ra mắt nền tảng Apps on Messenger, cho phép các nhà phát triển có thể tạo ra các ứng dụng đầy đủ bên trong dịch vụ nhắn tin của Facebook. Một số ví dụ điển hình cho tầm nhìn này của Facebook có thể kể tới trò chơi cờ vua và bóng rổ đã gây "sốt" trong thời gian gần đây.
Tại sự kiện F8 vừa diễn ra vào ngày thứ ba tuần này, Facebook tiếp tục thể hiện tham vọng trở thành kênh giao tiếp chính giữa người dùng và các nhãn hàng khi ra mắt tính năng chatbot. Thực chất, dù vẫn được gọi là "chatbot" nhưng những tài khoản ảo biết trò chuyện của Facebook vẫn chưa mấy khác biệt so với các ứng dụng đơn giản. Người dùng có thể sử dụng các menu thô sơ trên chatbot để lựa chọn tác vụ họ muốn thực hiện, và chatbot của Facebook sẽ tiếp tục đưa ra các phản hồi phù hợp.
So với chatbot của Facebook thì chatbot của Skype siêu việt hơn hẳn. Những con chatbot này có khả năng phân tích ngôn ngữ người và trò chuyện không khác gì người thật. Thêm nữa, Microsoft còn có một trợ lý ảo chất lượng tuyệt vời có thể trò chuyện cùng chatbot Skype để làm bất cứ tác vụ gì bạn muốn. Ví dụ, sau khi có lịch bay, Cortana sẽ gợi ý bạn đặt chỗ tại khách sạn quen vào tháng tới. Trợ lý ảo này sẽ tự động "nối máy" cho bạn tới chatbot của khách sạn trên, và chatbot này sẽ tự động cung cấp cho bạn các tùy chọn đặt phòng như một con người thực sự.
Thực tế, ở mức chất lượng khá thô sơ của hiện tại, ứng dụng và chatbot trên nền Messenger và Skype vẫn chưa có vẻ gì là cạnh tranh được với kho ứng dụng khổng lồ trên Android và iOS. Nhưng, cũng giống như bất kỳ cuộc chơi nền tảng nào khác, chiến thắng nằm ở tầm nhìn tới tương lai.
Không còn mấy người dùng thích cài ứng dụng mới
Lợi thế lớn nhất của Microsoft và Facebook khi biến Skype và Messenger thành những nền tảng là ở chỗ người dùng nói chung đã không còn mặn mà với các chợ ứng dụng.
Dù cả 2 chợ ứng dụng iOS và Android đều đã vượt mốc 1,5 triệu, số lượng ứng dụng trung bình có trên mỗi chiếc smartphone vẫn gần như không thay đổi. Số liệu thống kê của Nielsen cho thấy hiện tại một người vẫn chỉ cài trung bình khoảng 27 ứng dụng trên smartphone của họ - con số không hề thay đổi so với năm 2014, khi mà tổng số ứng dụng trên iOS App Store mới chỉ vượt ngưỡng 1 tỷ.
Khi nhìn xung quanh, bạn sẽ thấy nhiều người dù có nghiện smartphone đến mấy cũng chỉ quanh quẩn trong một vài ứng dụng quen tên như Google Maps, Facebook, Instagram, YouTube… cùng một số ít các game đình đám như Vainglory, Clash of Clans. Vẫn sẽ có nhiều người cài hàng tá ứng dụng lên chiếc smartphone của họ, nhưng chắc chắn trong số đó cũng là hàng chục ứng dụng bị bỏ quên.
Khi người dùng không muốn gia tăng số lượng ứng dụng cài đặt lên smartphone, cuộc đua cung cấp nội dung sẽ buộc phải chuyển từ hệ điều hành lên các ứng dụng đã có chỗ đứng trên chiếc smartphone. Hãy thử nghĩ mà xem: Apple có hàng trăm triệu iFan, nhưng bao nhiêu người trong số đó sẽ ghé thăm App Store hàng ngày để tìm kiếm các ứng dụng mới? Ngược lại, Facebook Messenger có hàng trăm triệu người sử dụng hàng ngày. Chạy quảng cáo để câu kéo người dùng thử nghiệm các ứng dụng nền Messenger mới sẽ là dễ dàng hơn hẳn so với việc tìm cách thuyết phục họ vào App Store để tải về các ứng dụng mới.
Tương tự, nếu lựa chọn giữa hai phương án: 1, dùng Messenger và Skype làm kênh giao tiếp chính thức giữa người dùng với mỗi nhãn hàng/dịch vụ và 2, tìm cách câu kéo người dùng cài đặt ứng dụng riêng do nhãn hàng/dịch vụ này tự phát triển thì chắc chắn phần đông các thương hiệu sẽ lựa chọn phương án thứ nhất. Ở thời điểm hiện tại, chẳng có mấy ai cài ứng dụng chính thức của các tên tuổi thời trang hay các nhà sản xuất laptop trên điện thoại. Nếu như các thương hiệu này tự tạo cho mình một con chatbot, họ sẽ chỉ cách người dùng một câu chat, một câu nói duy nhất: "Hãy cho tôi xem tất cả bộ sưu tập mùa hè mới nhất của H&M". Quá dễ dàng và thuận tiện so với quá trình cài đặt ứng dụng phức tạp và rối rắm bị các iFan và fandroid ngày một ghẻ lạnh.
iOS làm được gì, Messenger và Skype cũng làm được
Tiềm năng của một nền tảng không dừng ở một kênh giao tiếp. Hãy thử nghĩ mà xem, thay vì phải lên App Store tải game về máy, bạn chỉ cần ra lệnh cho Cortana hoặc chatbot Skype/Messenger rằng "Tôi muốn chơi Vainglory". Nếu muốn đọc tin, bạn chỉ cần tìm đến chatbot của các tờ báo lớn và chúng sẽ tự động cung cấp cho bạn những thông tin liên quan tới chủ đề quan tâm.
Thế mạnh về lượng người dùng cùng các mối quan hệ đã được xây dựng sẵn trên Skype và Facebook cũng sẽ là lợi thế dành cho 2 kẻ lật ngôi. Thông thường, bạn sẽ chỉ add người quen, họ hàng và đồng nghiệp của mình vào Skype và Facebook – khả năng bạn tìm thấy họ khi rủ cùng chơi một tựa game hay nghịch một ứng dụng hiệu ứng ảnh trên nền ứng dụng nhắn tin sẽ cao hơn rất nhiều so với khi phải sử dụng một nền tảng xa lạ như Google Play và App Store, nơi "Lê Hoàng" có thể là lehoang1234@abc.com hay hoangbaole@xyz.com.
Ranh giới hệ điều hành cũng không còn. Thay vì phải tự tạo ra một hệ thống quản lý người dùng để người dùng iPhone và người dùng Android có thể cùng đấu game hay phối hợp làm việc, các nhà phát triển ứng dụng có thể tận dụng lại cơ chế người dùng có sẵn của Skype và Messenger. Đó là 2 kho người dùng đã có hàng trăm triệu người sử dụng thường xuyên, có số phận không phụ thuộc vào sự sống, cái chết của bất cứ hệ điều hành nào cả. Giả sử như bây giờ vì một lý do nào đó iOS hay Android có biến mất thì bạn vẫn sẽ... thích nhắn tin. Hãy nhớ rằng Skype đã tồn tại từ khi Windows còn là biểu tượng của thế giới công nghệ cho tới bây giờ, khi doanh số iPhone đã bắt đầu sụt giảm.
Dĩ nhiên, việc chạy các ứng dụng và chatbot trên nền một ứng dụng khác cũng sẽ tạo ra những bất lợi nhất định về hiệu năng. Nhưng càng ngày, các vi xử lý càng mạnh mẽ, RAM càng tăng, GPU càng nhiều nhân - hy sinh một chút ít sức mạnh đồ họa sẽ không thấm vào đâu so với khả năng câu kéo hàng trăm triệu người chơi một cách dễ dàng. Với các ứng dụng ít đòi hỏi sức mạnh hơn như chia sẻ bảng tính hay ghi chú nhóm, vấn đề này sẽ càng trở nên vô nghĩa.
Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn – cơn khát ứng dụng của chúng ta cũng vậy. Nhưng khi một nền tảng cũ ngày một già cỗi còn cơn khát nội dung và trải nghiệm của người dùng vẫn giữ nguyên, một lựa chọn mới sẽ vươn lên để thế chỗ. Với một vị vua đã bị truất ngôi hàng năm trời, với một người hùng trẻ tuổi bị chèn ép, những "nền tảng trên nền tảng" như Skype và Messenger sẽ là vũ khí để phục hận ngay trên sân nhà của đối thủ. iOS và Android chắc chắn sẽ còn sống tốt, nhưng nếu Satya Nadella và Mark Zuckerberg đạt được mục đích của mình, sớm hay muộn trải nghiệm iOS và trải nghiệm Android cũng sẽ bị định nghĩa bởi các ứng dụng chat.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI