Sếp Samsung kể về mối quan hệ với Google: Từng có khởi đầu "đau đớn" khi phải viết lại toàn bộ code, giờ đây cùng nhau kiến tạo tương lai của Android

    Bình Minh,  

    Từ chuyện phải tự sửa lỗi vì bị Google “theo sau”, đến việc đồng phát triển tính năng ngay từ khâu ý tưởng, mối quan hệ giữa Samsung và Google đã trải qua một chặng đường dài. Giờ đây, theo lời đại diện Samsung, đây là “một trong những mối hợp tác bền vững và hiệu quả nhất của ngành Android”.

    Từng phát triển tính năng trước Google, nhưng sau đó vẫn phải viết lại toàn bộ mã nguồn

    Câu chuyện bắt đầu vào năm 2011, khi Samsung ra mắt Galaxy Note II - thiết bị màn hình lớn đi tiên phong, kết hợp bút S Pen và loạt trải nghiệm chưa từng có trên Android thời điểm đó. Để tận dụng lợi thế kích thước, đội ngũ phần mềm của Samsung đã phát triển một tính năng mang tính cách mạng: multi-window - chia đôi màn hình để chạy song song hai ứng dụng.

    Sếp Samsung kể về mối quan hệ với Google: Từng có khởi đầu

    Tính năng Multi Window được Samsung giới thiệu lần đầu trên Galaxy Note 2 vào năm 2011.

    Với Android gốc khi đó chưa hỗ trợ cơ chế đa nhiệm như vậy, Samsung buộc phải tự thiết kế toàn bộ tính năng từ đầu. Đây cũng chính là dự án đầu tiên trong sự nghiệp Android của bà Sally Jeong, người hiện đang giữ vị trí Phó Chủ tịch điều hành phụ trách Framework R&D tại Samsung. "Note 2 là thiết bị Android đầu tiên trong sự nghiệp của tôi, vì vậy nó rất đặc biệt với tôi", bà cho biết.

    Sếp Samsung kể về mối quan hệ với Google: Từng có khởi đầu

    Bà Sally Jeong, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách Framework R&D tại Samsung, chia sẻ về mối quan hệ hợp tác giữa Google và Samsung trong buổi phóng vấn độc quyền với chúng tôi sau sự kiện Galaxy Unpacked diễn ra tại New York, Mỹ.

    Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Samsung và Google thời điểm đó không hề khăng khít như hiện tại. “Để sử dụng nền tảng Android của Google, chúng tôi phải tuân thủ rất nhiều quy định. Đó chưa phải là một mối quan hệ hợp tác đúng nghĩa, mà là một chiều - phía Google đưa ra rất nhiều yêu cầu và ràng buộc.”

    Thế nhưng, sự tiên phong cũng mang theo hệ quả không mong muốn. Vài năm sau, Google chính thức tích hợp tính năng chia đôi màn hình vào Android 7 Nougat - nhưng theo cách làm riêng, không tương thích với giải pháp mà Samsung đã triển khai trước đó. Kết quả là: toàn bộ mã nguồn multi-window của Samsung phải viết lại từ đầu để phù hợp với nền tảng mới.

    Sếp Samsung kể về mối quan hệ với Google: Từng có khởi đầu

    Tới năm 2016, Google tích hợp giải pháp đa nhiệm vào hệ điều hành Android 7 Nougat. Samsung đã phải viết lại toàn bộ code để tương thích với tính năng này.

    “Chúng tôi phải viết lại tất cả. Đó là một trải nghiệm thực sự đau đớn,” bà Sally kể lại.

    Đó cũng là bước ngoặt khiến Samsung thay đổi chiến lược: thay vì một mình làm trước, Samsung bắt đầu tìm cách hợp tác sâu hơn với Google để tạo ra những chuẩn dùng chung - vừa giảm thiểu xung đột kỹ thuật, vừa tối ưu cho cả hệ sinh thái Android.

    Google và Samsung cùng nhau định hình tương lai Android

    Chính từ những trải nghiệm đó, mối quan hệ giữa Samsung và Google đã bước vào một giai đoạn mới - giai đoạn của hợp tác. Theo bà Sally, bước ngoặt đến từ thời điểm Samsung bắt đầu phát triển thiết bị gập.

    “Khi Samsung phát triển dòng Galaxy gập, và để các ứng dụng - không chỉ của Samsung, mà là của toàn bộ hệ sinh thái - có thể hỗ trợ tốt cho màn hình gập, chúng tôi buộc phải hợp tác với Google ở cấp độ nền tảng. Ở giai đoạn này, chúng tôi không còn phải viết lại mã nữa - thay vào đó, chúng tôi phát triển các API dùng chung."

    Sếp Samsung kể về mối quan hệ với Google: Từng có khởi đầu "đau đớn" khi phải viết lại toàn bộ code, giờ đây cùng nhau kiến tạo tương lai của Android- Ảnh 4.

    Khi ra mắt Galaxy Fold, mẫu điện thoại gập đầu tiên, Samsung biết rằng mình cần có sự hợp tác khăng khít hơn với Google.

    “Đó là lúc tôi nghĩ rằng sự hợp tác giữa chúng tôi thực sự bắt đầu bước vào giai đoạn nghiêm túc.”

    Một trong những thành quả cho nỗ lực hợp tác đó chính là Android 12L - phiên bản Android được tối ưu cho màn hình lớn, với các tính năng như thanh taskbar, chia đôi màn hình nhanh và điều hướng cải tiến.

    Sếp Samsung kể về mối quan hệ với Google: Từng có khởi đầu "đau đớn" khi phải viết lại toàn bộ code, giờ đây cùng nhau kiến tạo tương lai của Android- Ảnh 5.

    Android 12L, ra mắt cuối năm 2022, là phiên bản Android tối ưu cho màn hình gập được Google phát triển với sự hợp tác cùng Samsung.

    “Bản cập nhật Android 12L mang đến nhiều tính năng tiện lợi hơn cho màn hình lớn như taskbar và chế độ chia đôi ứng dụng. Đó là kết quả của quá trình hợp tác mà chúng tôi đã thúc đẩy từ Galaxy.”

    Gần đây nhất, nhiều tính năng vốn xuất phát từ Galaxy đã trở thành một phần chính thức của Android, như Now Bar hay giao diện desktop (DeX, nay là Android Desktop Mode). Thậm chí, theo lời bà Sally, một số dự án hiện nay được phát triển ngay từ khâu ý tưởng cùng Google - không còn cảnh “Samsung làm xong, Google làm lại”.

    “Chúng tôi phát triển Now Bar ngay từ giai đoạn lập kế hoạch cùng với Google. Việc này cho phép chúng tôi mở rộng nó thành API chung, xuất hiện trong Android 16, ” bà nói.

    Sếp Samsung kể về mối quan hệ với Google: Từng có khởi đầu

    Samsung cùng Google hợp tác để đưa Now Bar trở thành một phần của Android 16.

    Sự thay đổi cũng đến từ phía Google. Theo bà Sally, Google hiện đã chia tách rõ ràng giữa nhóm phát triển nền tảng Android và nhóm làm thiết bị Pixel, giúp Samsung có thể làm việc hiệu quả với bên nền tảng mà không phải lo ngại xung đột lợi ích. “Chúng tôi chỉ làm việc với nhóm phát triển nền tảng. Hai bên phối hợp rất suôn sẻ, không có gì gây khó khăn,” bà chia sẻ thêm.

    Mối quan hệ hợp tác hiện tại giữa Samsung và Google còn được nâng lên một bước mới với phương pháp phát triển phần mềm chung có tên Trunk-Stable. Thay vì chờ Google hoàn tất bản Android chính thức rồi mới bắt đầu tùy biến, Samsung và Google giờ đây cùng làm việc trên một nhánh mã nguồn chung (Trunk) ngay từ đầu, đồng thời duy trì nhánh ổn định (Stable) để sẵn sàng phát hành bất cứ lúc nào.

    Sếp Samsung kể về mối quan hệ với Google: Từng có khởi đầu

    Sếp Samsung kể về mối quan hệ với Google: Từng có khởi đầu

    Galaxy Z Fold7, Galaxy Z Flip7 và Galaxy Z Flip7 FE trở thành thiết bị thương mại hóa đầu tiên được cài đặt sẵn Android 16 - chỉ 1 tháng sau khi Google chính thức công bố phiên bản hoàn chỉnh. Đây đánh dấu lần tích hợp phiên bản Android mới "nhanh nhất lịch sử dòng Galaxy".

    “Trước đây, mỗi lần Android ra bản lớn, chúng tôi phải xây dựng lại gần như toàn bộ từ đầu, tốn rất nhiều thời gian và công sức. Giờ đây, chúng tôi không còn phải làm vậy nữa, nhờ sử dụng hệ thống chia sẻ mã nguồn trunk. Chúng tôi có thể thêm hoặc gỡ tính năng, thử nghiệm nhiều phiên bản mà vẫn giữ được một nền tảng ổn định để tung ra nhanh chóng", bà Sally giải thích.

    Chính nhờ phương pháp này, Galaxy Z Fold7, Galaxy Z Flip7 và Galaxy Z Flip7 FE trở thành thiết bị đầu tiên ngoài Pixel được cài sẵn Android 16 - một cột mốc cho thấy Samsung không chỉ còn là bên “tùy biến Android”, mà đang nắm vai trò chủ động trong thiết kế và phát hành. Ngoài ra, những dòng máy mới của Samsung còn đi kèm 6 tháng miễn phí sử dụng gói Google AI Pro  (Gemini Advanced) - một sự "ưu ái" của Google mà không phải nhà sản xuất nào cũng có được.

    Sếp Samsung kể về mối quan hệ với Google: Từng có khởi đầu

    Ông Won-joon Choi (Giám đốc vận hành mảng di động của Samsung) bắt tay cùng ông Rick Osterloh (Phó chủ tịch mảng Thiết bị và Dịch vụ của Google) tại sự kiện ra mắt Galaxy Z Fold7 và Z Flip7 vừa diễn ra. Ảnh chụp bằng Galaxy S25 Ultra.

    Từ một mối quan hệ có phần "gượng ép", Samsung và Google giờ đây đang cùng nhau đồng thiết kế, đồng phát triển, và đồng định hình Android - với các ví dụ như Now Bar, Gemini trên thiết bị gập, hay Android Desktop Mode. Và có lẽ, việc thế hệ Galaxy Z thứ 7 là dòng thiết bị đầu tiên chạy Android 16 ngoài Pixel cũng là lời khẳng định rõ nhất cho vai trò chủ động mà Samsung đang nắm giữ trong “cuộc chơi phần mềm” của Android.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ