5 cái chết thương tâm của công nghệ trong năm 2016
Những dự án này đều đã ít nhiều gặt hái được rất nhiều kỳ vọng và tiềm năng lớn, nhưng rồi lại đi vào ngõ cụt.
Mỗi ngày có đến hàng tá những phát kiến và sản phẩm công nghệ mới được ra mắt và giới thiệu đến thế giới, nhưng tất nhiên, đi kèm với đó cũng là sự biến mất của một vài gương mặt không đủ khả năng để cầm cự trong thị trường công nghệ đầy cạnh tranh khắc nghiệt này. Dưới đây là top 5 những cái tên đáng chú ý nhất đã không thể vươn xa như những gì kế hoạch bày ra ban đầu:
1. Vine
Được ra đời vào tháng 1 năm 2013, mọi người ưa chuộng Vine bởi tính năng độc đáo để đăng tải những đoạn clip xoay vòng có thời lượng ngắn đến toàn thế giới, đi cùng nhiều yếu tố phát triển đa dạng khác. Rất nhiều người nổi tiếng được cộng đồng mạng biết đến cũng xuất phát từ đây, thậm chí kiếm được cả một gia tài nhờ biết cách khai thác những giá trị tiềm năng từ nền tảng này.
Nhưng đợi không như là mơ, vì thời kỳ đỉnh cao của Vine chỉ đạt đến giới hạn vào năm 2014, khi lần lượt Snapchat và Instagram đã lấy đi một lượng lớn người dùng trung thành, kể cả các ngôi sao nổi tiếng. Tính đến năm 2016, hơn một nửa số thành viên đứng top tỷ lệ tương tác và sử dụng Vine đã ngừng hoạt động. Tháng 10 vừa qua, ứng dụng cuối cùng cũng đi đến hồi tàn. Twitter - chủ sở hữu Vine - đã thông báo công ty sẽ thay thế bằng một ứng dụng mới cải tiến hơn cũng dành cho mục đích chia sẻ video tương tự.
2. Google Fiber
Vài người vẫn luôn thắc mắc không hiểu tại sao Google lại bước chân vào lĩnh vực này khi đầu tư khá mạnh tay cho Fiber - dịch vụ truyền hình cáp và Internet tốc độ cao của mình. Ít nhất 1 tỷ USD đã được sử dụng cho quá trình khởi động ban đầu của dự án và tìm kiếm thị trường. Tháng 10 vừa qua, CEO của Access - bộ phận trực thuộc Alphabet phụ trách các công trình băng thông kết nối - đã thông báo rằng họ sẽ không mở rộng quy mô phát triển quá 9 thành phố mà trong đó hiện tại đã có 4 thành phố được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp tục cải tiến và hoàn thiện công nghệ không dây giá rẻ dành cho Internet tốc độ cao.
Tuy nhiên, không hẳn mọi thứ đều trở nên vô ích, vì nỗ lực này của Google đã phần nào khiến cho các công ty tư nhân phải tự nâng cấp dịch vụ của mình để cạnh tranh ngang bằng. Do đó, nếu không có động thái trên từ Google, có lẽ những trải nghiệm tuyệt vời về tốc độ kết nối truyền tải hiện nay sẽ không thể nào khiến nhiều người khó tính thỏa mãn được.
3. Pebble
Sự hình thành và sụp đổ của Pebble cũng đồng nghĩa với tình trạng tương đương của thị hiếu dành cho các sản phẩm smartwatch. Dự án này lần đầu được mở trên Kickstarter đã lập được một kỷ lục vào năm 2013 khi kêu gọi gây vốn được 10 triệu USD, hứa hẹn một tương lai tươi sáng trong thị trường thiết bị đeo tay, được vinh danh trên Top 10 Công nghệ Đột phá của năm.
Nhưng đáng tiếc là đúng như những gì Rachel Metz phát biểu trên MIT Technology Review: "Nếu smartwatch không được cải tiến cho đa dạng và thích nghi phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng thì sẽ đi vào vũng lầy khó vực dậy nổi," Pebble đã rơi vào tình trạng đó. Dù cố gắng ra mắt thêm vài phiên bản mới khác nhưng người dùng không còn hứng thú gì nữa, đồng thời còn bị tác động bởi sự cạnh tranh quyết liệt đến từ các sản phẩm của Apple. Sau khi bị thâu tóm bởi Fitbit tháng vừa rồi, Pebble đã tuyên bố mình không còn là thương hiệu ra mắt các sản phẩm như trước nữa.
4. Jack cắm headphone
Apple đã ví von quyết định bỏ cổng headphone này của mình là một hành động "dũng cảm", với lời giải thích rằng họ đang tiên phong trong xu thế tiến đến một thế giới nơi mà kết nối không dây mới là tiêu chuẩn. Nhưng kể cả khi đó là một xu hướng tiềm năng trong tương lai, nhưng nhiều công ty khác sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới kế hoạch kinh doanh và phát triển. Người dùng vẫn có thể dùng cổng chuyển đổi định dạng kết nối hoặc các sản phẩm headphone có cổng cắm Lightning sẵn của Apple, nhưng đáng tiếc là chỉ có phụ kiện do Apple làm ra mới có thể kết nối đến máy.
Nếu muốn một trải nghiệm được cho là tốt nhất thì Apple mới đây đã giới thiệu cặp tai nghe AirPods không dây với mức giá 159 USD. Dù gắn liền với nhiều khía cạnh tranh cãi trái chiều giữa người dùng với nhau nhưng có vẻ như iPhone 7 vẫn luôn làm một cái tên "nóng" nhất trên thị trường khi luôn được người tiêu dùng săn đón, và thậm chí Samsung cũng có thể học tập theo động thái này của Apple.
5. Project Ara
Tháng 9 năm 2016, Google đã dừng hoạt động đầu tư cho Project Ara của mình - một dự án phát triển phần cứng đã từng nuôi giữ nhiều hy vọng suốt nhiều năm qua. Ý tưởng mục tiêu là ra mắt những sản phẩm smartphone giá thành phải chăng có khả năng nâng cấp và tùy biến phần cứng một cách riêng biệt theo từng bộ phận lắp ráp. Những nỗ lực cuối cùng và sự bất lực của họ cũng được thể hiện rõ khi dự án đi đến hồi kết sau khi thử nghiệm ở Puerto Rico.
Tham khảo: technologyreview
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming