5 triệu người đã rời Vũ Hán trước lệnh phong tỏa vì dịch bệnh viêm phổi: Họ đã đi đâu?

    An An, Theo Trí Thức Trẻ 

    Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng cho biết gần một nửa dân số của thành phố 11 triệu dân đã rời đi trước khi lệnh phong tỏa được thực hiện.

    5 triệu người rời Vũ Hán

    5 triệu người đã rời Vũ Hán trước lệnh phong tỏa vì dịch bệnh viêm phổi: Họ đã đi đâu? - Ảnh 1.

    Hình ảnh tại ga tàu Hán Khẩu, Vũ Hán trước khi lệnh phong tỏa được thực hiện. Ảnh: NYT

    Hàng ngàn người từ Vũ Hán - tâm dịch virus corona - đã di chuyển sang Hồng Kông, Thái Lan, Singapore và Nhật Bản trước khi thành phố này bị phong tỏa vào tuần trước, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông - SCMP) cho biết, tuy vậy, tỉnh láng giềng Hà Nam mới là điểm đến phổ biến nhất của người Vũ Hán.

    Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 26/1, Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng nói rằng 5 triệu cư dân - gần một nửa dân số của thành phố 11 triệu dân - đã rời đi trước khi lệnh phong tỏa được thực hiện như một phần trong các biện pháp khẩn cấp cố gắng ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

    Số liệu từ Sở du lịch và văn hóa Vũ Hán cho biết, 4.096 người dân Vũ Hán đang ở bên ngoài Trung Quốc đại lục và dự định trở lại quê nhà trong vài ngày tới. Sở này đã kêu gọi các hãng hàng không và khách sạn ở các khu vực người dân Vũ Hán tới du lịch nhằm giúp họ lưu trú tạm thời trong thời gian thành phố bị phong tỏa.

    Tờ China Business News đưa tin, Thái Lan là điểm đến nước ngoài phổ biến nhất của người Vũ Hán trong khoảng thời gian từ ngày 30/12 đến ngày 22/1, một ngày trước khi lệnh phong tỏa thành phố có hiệu lực.

    Số liệu từ báo cáo của Flight Master, website du lịch phổ biến ở Trung Quốc cho biết, cũng trong thời gian này, hơn 11.000 người đã bay từ Vũ Hán đến sân bay Suvarnabhumi và 9.000 người đã đến sân bay quốc tế Don Mueang của thủ đô Thái Lan.

    Sân bay Changi Singapore và sân bay quốc tế Narita ở Tokyo lần lượt đón 10.680 và 9.080 hành khách từ Vũ Hán, trong khi hơn 7.000 người bay tới Hồng Kông, báo cáo cho biết.

    5 triệu người đã rời Vũ Hán trước lệnh phong tỏa vì dịch bệnh viêm phổi: Họ đã đi đâu? - Ảnh 2.

    Số liệu thống kê về dịch bệnh do virus corona gây ra tại Trung Quốc và thế giới. Nguồn: SCMP

    Ở trong nội địa Trung Quốc, các tỉnh miền Trung Hà Nam, Hồ Nam và An Huy là những địa phương tiếp nhận nhiều người Vũ Hán nhất kể từ ngày 10/1, theo số liệu của Baidu Maps.

    Năm điểm đến nội địa hàng đầu của người dân Vũ Hán trong thời gian này đều thuộc tỉnh láng giềng Hà Nam gồm: Tín Dương, Nam Dương, Trú Mã Điếm, Chu Khẩu và Thương Khâu. Trong nội tỉnh Hồ Bắc - với Vũ Hán là thủ phủ - thì Hiếu Cảm và Hoàng Cương là hai thành phố đón nhận nhiều người Vũ Hán nhất.

    Ngày 10/1 là ngày đầu tiên của đợt di dân hàng năm lớn nhất lịch sử nhân loại với hàng trăm triệu người về thăm họ hàng trên khắp Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán. Điều này làm gia tăng mối lo ngại về sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh viêm phổi.

    Trong kỳ nghỉ lễ, công dân Trung Quốc cũng đi thăm người thân ở nước ngoài, tới các nước Đông Nam Á có cộng đồng người Hoa lớn, như Thái Lan và Singapore. Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan đã cảnh báo công dân của mình cần tuân thủ quy trình kiểm dịch tại các sân bay Thái Lan, và sẵn sàng thực hiện kế hoạch du lịch mới vì nhiều chuyến bay giữa hai nước đã bị hủy bỏ.

    Các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh được tăng cường

    Vũ Hán vốn là đầu mối giao thông quan trọng ở miền Trung Trung Quốc và cũng là nơi cư trú của nhiều người nhập cư. Do đó, bên cạnh những người dân rời Vũ Hán đi thăm người thân vào dịp Tết Nguyên đán, thành phố còn có hơn 1,3 triệu sinh viên học tập tại 89 trường đại học và cao đẳng, bao gồm hàng ngàn sinh viên nước ngoài và Hồng Kông đang về nhà vào kỳ nghỉ.

    Sự bùng phát của virus corona - ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên ở Vũ Hán vào cuối tháng 12/2019 - đã khiến 82 người thiệt mạng và hơn 2.800 người nhiễm bệnh. Các quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Singapore, Thái Lan và Nepal v.v... cũng đã xác nhận nhiều ca nhiễm bệnh.

    Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính quyền Vũ Hán đã áp đặt các biện pháp hạn chế giao thông như đóng cửa các nhà ga, sân bay, dịch vụ giao thông công cộng. Người dân được khuyến khích không rời khỏi Vũ Hán.

    Hiện vẫn chưa rõ liệu biện pháp phong tỏa Vũ Hán và 13 thành phố lân cận có hiệu quả trong việc làm giảm sự lây lan của coronavirus hay không, SCMP nhận định.

    Vào 27/1, Trung Quốc tiếp tục hạn chế đi lại bằng cách dừng bán vé máy bay và đặt phòng khách sạn cho các nhóm khách du lịch Trung Quốc và nước ngoài. Nhiều tour du lịch nội địa Trung Quốc đã bị hủy vào tuần trước.

    Một số thành phố lớn, bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải, cũng đã đình chỉ tất cả các xe buýt liên tỉnh kể từ Chủ nhật 26/1 nhằm hạn chế người dân đi lại trên đường.

    Trung Quốc là nguồn cung cấp khách du lịch lớn nhất thế giới và người dân nước này đã thực hiện hơn 6,3 triệu chuyến ra nước ngoài trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm ngoái.

    Hiện nay, chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 25/1 đã đề nghị các nhà ngoại giao hợp tác với các chính phủ nước sở tại và các cơ quan quốc tế để giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này.

    Theo SCMP, một số biện pháp nghiêm ngặt nhất để đối phó với dịch bệnh do virus corono đã được các quốc đảo Thái Bình Dương thực hiện. Quần đảo Marshall cho biết, bất cứ ai đến hoặc đi qua Trung Quốc, trước khi được phép nhập cảnh, phải dành ít nhất 14 ngày ở một quốc gia không bị ảnh hưởng bởi virus corona.

    Samoa đã áp đặt quy định 14 ngày tương tự, và sáu công dân Trung Quốc đã bị từ chối nhập cảnh vào thứ Sáu vừa qua do không đáp ứng yêu cầu trên.

    Hay như Mông Cổ, chính phủ nước này ngày 27/1 đã ra lệnh đóng cửa biên giới với Trung Quốc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ