6 điều bất kỳ doanh nhân nào cũng nên học từ "người đặc biệt" Jose Mourinho
Jose Mourinho được coi là một trong những huấn luyện viên bóng đá xuất sắc nhất hiện tại. Nhân vật tự phong mình là "Người đặc biệt" này đã dành tổng cộng 22 danh hiệu và là huấn luyện viên duy nhất đoạt chức vô địch tại cả bốn giải đấu lớn gồm Bồ Đạo Nha, Anh, Ý và Tây Ban Nha.
Xét về các con số, Mourinho là huấn luyện viên bóng đá xuất sắc nhất thế giới.
Tự tin, cao ngạo và có phần thô lỗ nhưng huấn luyện viên người Bồ luôn thu hút mọi sự chú ý. Ngay cả những huấn luyện viên sừng sỏ từng đối đầu với Mourinho cũng phải thừa nhận ông có một cái gì đó rất đặc biệt.
Mourinho luôn ngụy trang bản thân và đội bóng của ông dưới lốt của những kẻ chiếu dưới và đột nhiên tung đòn kết liễu những kẻ thủ khổng lồ. Ông luôn phải đối mặt với các thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua trong sự nghiệp của mình nhưng luôn luôn tìm ra cách để vượt lên dẫn đầu.
Các doanh nhân đang muốn thách thức những đối thủ lớn chắc chắn có thể học hỏi nhiều điều từ phong cách quản lý của tân huấn luyện viên câu lạc bộ bóng đá Manchester United. Dưới đây là sáu phẩm chất nổi bật mà các doanh nhân có thể học hỏi từ Mourinho.
1. Ông ấy không ngại bước ra khỏi vùng an toàn
Khác với các huấn luyện viên có tiếng khác như Carlo Ancelotti, Pep Guardiola, và Sir Alex Ferguson, sự nghiệp cầu thủ của Mourinho chẳng có gì đáng chú ý.
Bước ngoặt lớn nhất cuộc đời ông tới vào năm 1992 khi ông được bổ nhiệm làm phiên dịch cho Sir Bobby Robson tại Sporting Lisbon. Sự nghiệp của ông tiếp tục thăng tiến, giữa những năm 1990 ông được bổ nhiệm vào vị trí trợ lý huấn luyện viên của Barcelona và sau đó trở về quê hương Bồ Đào Nha để bắt đầu sự nghiệp huấn luyện viên của mình.
Mourinho học được rất nhiều từ những người mà ông làm trợ lý, trong đó bao gồm cả những cái tên như Louis Van Gaal - người vừa phải rời Manchester để nhường chỗ cho chính Mourinho, và sau đó chấp nhận mạo hiểm bắt đầu sự nghiệp huấn luyện của riêng ông.
Đó là một bài học quan trọng với các doanh nhân, những người luôn phải đóng nhiều vai trò cùng lúc nếu muốn thành công.
Một người sáng lập có thể lập trình giỏi và có kỹ năng kỹ thuật tuyệt vời, nhưng những điều đó chỉ là một phần nhỏ trong số những gì cần thiết để xây dựng một công ty tầm cỡ thế giới. Ngoài những điều trên, họ cần bỏ thời gian tích lũy kinh nghiệm bán hàng và marketing, nói chuyện với khách hàng, gặp gỡ các nhà đầu tư để huy động vốn và đảm bảo rằng nhân sự luôn cảm thấy hạnh phúc.
Chẳng doanh nhân nào có thể thành công nếu cứ ở mãi trong vùng an toàn của họ, bây giờ cũng thế và tương lai cũng vậy.
2. Ông dám thách thức những đối thủ lớn và chiến thắng
Đến năm 2004, Mourinho bắt đầu được công nhận như một huấn luyện viên trẻ và tài năng sau thành công với Porto. Nhưng cả thế giới phải biết tới ông sau khi ông dành quyền vào bán kết Champions League gặp Manchester United và cuối cùng chiến thắng để giành vé tới Chelsea và thắng luôn cả trận chung kết.
Các doanh nhân thành công không bao giờ lo lắng về những sự cạnh tranh trong lãnh thổ của họ. Họ luôn thông minh, nhanh nhẹn, nhạy bén và tập trung vào thế mạnh của họ. Một startup luôn có khả năng đánh bật các đối thủ lớn hơn nó rất nhiều thì chẳng việc gì phải bối rối trước các đối thủ cạnh tranh.
Uber chống lại toàn bộ ngành công nghiệp taxi trên toàn thế giới và giành chiến thắng. Facebook xuất hiện trong thời điểm mà MySpace cực kỳ phổ biến và cũng dành chiến thắng. Với iPhone, Apple đã cuốn trôi hai gã khổng lồ Nokia và BlackBerry sau đó trở thành một đế chế hùng mạnh. Thậm chí Google cũng thành công sau khi đánh bại một Yahoo đang ở trên đỉnh tháp.
Nói ngắn gọn, đối thủ lớn, mạnh, nổi tiếng và có nguồn vốn tốt như thế nào cũng không quan trọng. Nếu bạn tự tin vào sản phẩm và khả năng của bạn hãy cứ tiến lên chẳng việc gì phải ngại.
3. Mourinho học từ thất bại
Mặc dù đạt được những thành công rực rỡ nhưng Mourinho cũng không ít lần thất bại cay đắng. Ông bị sa thải khỏi Chelsea lần thứ hai dù đã giúp đội bóng áo xanh đoạt chức vô địch mùa trước.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Real Madrid nơi mà Mourinho bị sa thải sau ba năm cầm quân và đoạt được vô số danh hiệu như La Liga, Copa del Rey và hai lần vào bán kết Champions League.
Bất kỳ sáng lập viên thành công nào cũng có thẻ kể cho bạn những câu chuyện về các khó khăn mà họ từng vượt qua. Chính tinh thần bất khuất không bao giờ bỏ cuộc và một thái độ tự tin rằng có thể vượt qua tất cả đã giúp những doanh nhân này vững bước trong sự nghiệp.
Các doanh nhân này không vui mừng khi thất bại nhưng họ học được rất nhiều điều từ nó và hiểu rằng họ phải thay đổi chiến lược như thế nào. Sau đó, họ trở lại mạnh mẽ hơn, không hề nao núng, theo đuổi mục tiêu của họ.
4. Ông ấy có thể hoàn toàn gác công việc sang một bên
Mourinho là một người đàn ông của gia đình. Ông kết hôn với bà Matilde, người bạn từ thời thơ ấu của ông, đã được 26 năm và có hai người con. Trong nhiều cuộc phỏng vấn ông công khai nói rằng gia đình có ảnh hưởng rất lớn tới ông và tính cách "coi giời bằng vung" của ông không được thể hiện khi ông ở nhà.
"Một tối yên ổn với tôi ư? Xem các chương trình hay trên TV, xem một bộ phim hoặc đọc sách. Một tối yên ổn với tôi là có thể ăn tối với vợ và con trai, con gái", Mourinho chia sẻ.
Có thể gác công việc sang một bên để nạp lại năng lượng rất quan trọng với một sáng lập viên thành công. Chẳng ai có thể làm việc liên tục và nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng năng suất công việc của chúng ta sẽ giảm mạnh sau khi làm việc trong một khoảng thời gian nhất định.
Hãy thư giãn, nghỉ ngơi và dành thời gian nuôi dưỡng một sở thích bởi sau tất cả hành trình xây dựng một doanh nghiệp là một chặng đường dài chứ không phải là một gian doạn chạy nước rút.
5. Mourinho luôn đặt lợi ích của cả tập thể lên hàng đầu
Huấn luyện viên người Bồ chia sẻ vào năm 2014 rằng ông luôn đặt lợi ích của đội bóng lên hàng đầu, không một lợi ích cá nhân nào được ưu tiên. Ông không quan tâm nhiều tới cái tôi hay tham vọng cá nhân và mọi quyết định của ông đều phục vụ lợi ích chung của đội.
Mourinho đã đúng. Ở một đội bóng hay ở một doanh nghiệp những cái tôi của cá nhân có thể giết chết tinh thần đồng đội. Nhiệm vụ của một sáng lập, CEO là phải hướng các nhân viên tới mục tiêu và các giá trị chung. Thôi thúc họ chia sẻ, sẵn sàng làm việc cùng với những người khác.
Mourinho đã dành chức vô địch Champions League với Porto vào năm 2004 và Inter Milan vào năm 2010 khi trên giấy tờ hai đội bóng này không đủ khả năng giành cúp. Ông thành công nhờ xây dựng được tinh thần tập thể vững chắc. Đây là điều mà các sáng lập, CEO nên học hỏi từ ông.
6. Ông luôn cố gắng tìm cách cải thiện bản thân
Có thể mọi người nghĩ rằng sau những năm tháng thành công đó Mourinho sẽ đúc kết ra một công thức thành công và gắn với nó như keo. Nhưng thực sự không phải vậy.
Khi được hỏi rằng liệu ông đã nắm được toàn bộ về bóng đá hay chưa, Morinho trả lời:
"Không! Tôi luôn luôn học hỏi. Ngay cả trong bóng đá, lĩnh vực mà tôi cảm thấy mình là chuyên gia, tôi cũng chưa hoàn hảo và tôi sẽ luôn luôn học hỏi. Đôi khi trong công việc, và trong cả cuộc sống riêng, mọi người nghĩ rằng tôi không khiêm tốn. Nhưng tôi rất khiêm tốn và tôi luôn sẵn sàng học hỏi từ những người giỏi hơn tôi".
Đây là thói quen được rất nhiều tỷ phú công nghệ khác áp dụng. Bill Gates nói rằng ông đọc khoảng 50 cuốn sách mỗi năm để học hỏi từ những người khác và mở rộng ranh giới kiến thức.
Năm ngoái, Mark Zuckerberg cho biết anh sẽ bắt đầu nhiệm vụ mỗi tuần đọc một cuốn sách để tìm hiểu thêm về các nền văn hóa khác nhau, lịch sử và công nghệ.
Tóm lại, những người thành công không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng. Họ luôn tìm cách để cải thiện, để xây dựng một sản phẩm tốt hơn, để tìm nguồn cảm hứng cho những ý tưởng mới hoặc tìm những thách thức mới.
Tham khảo TechinAsia
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương