"Startup" - Ước mơ không đánh thuế, nhưng thực tế thì hoàn toàn cay đắng và trái ngược
Những dòng chia sẻ sâu sắc và đầy cảm xúc đến từ một nhân vật, dù trong thời gian không dài nhưng đã nếm trải hầu hết các cung bậc lên xuống của phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ hiện nay.
Nếu chỉ mới nhìn qua những câu chuyện khởi nghiệp thành công rực rỡ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mọi người thường sẽ ngộ nhận rằng chỉ cần hội tụ đủ 2 yếu tố đam mê và một chút nghị lực để vượt qua khó khăn ban đầu thì sẽ chạm tới đỉnh vinh quang. Tuy vậy, trái ngược với điều đó, những chuyên gia kinh nghiệm và nhà tư vấn cho rằng đó thật sự chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, mà muốn khám phá hết bí ẩn của nó, đòi hỏi một cái giá phải trả, một lộ trình vô cùng gian nan, thử thách.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ nhắc tới trường hợp của Xu Zhenjiang - một trong số những người đã phải nếm mùi trải qua hành trình gian lao đó. “Kinh nghiệm” lần đầu khởi nghiệp của mình đã gần như dẫn anh đến cảnh ngộ phá sản. Trong một bài báo đầy cảm xúc trên iHeiMa, anh đã hé lộ toàn bộ câu chuyện của mình. Chúng tôi xin thuật lại như sau:
Lúc ấy tôi mới cập bến những năm đầu độ tuổi 20. Cũng như hầu hết giới trẻ Trung Quốc thời bấy giờ, cuộc sống của tôi gắn liền với từng bước phát triển của những công nghệ tiên tiến đã và đang ngày một tô điểm thêm cho bộ mặt kinh tế đất nước. Vì vậy, không quá khó hiểu dù khi còn là một đứa trẻ tôi đã có đam mê với máy vi tính, đồng thời liên tục dõi theo những cập nhật, đột phá mới nhất của phong trào khởi nghiệp trong đang nở rộ trong giới công nghệ thông tin.
Và rồi một mơ ước, một hạt giống được ươm mầm từ sâu trong tâm trí tôi, chỉ còn chờ cơn mưa đến như một lời kêu gọi vươn mình sinh sôi nảy nở để trở nên vĩ đại, vươn xa hơn bao giờ hết.
Ý tưởng dần nhen nhóm
Ở những thành phố hiện đại bậc nhất, các bạn sẽ thường được nghe, đọc những mẩu tin đầy xán lạn về trường hợp một vị CEO nào đó, chỉ bắt đầu với một địa điểm trụ sở đi thuê, dần dần vượt qua sóng gió và cuối cùng trở thành chủ một doanh nghiệp lớn mạnh hay công ty cổ phần đại chúng. Đây thật sự là hình mẫu được cho là hoàn hảo được hàng triệu người hướng đến, việc còn lại sau đó chỉ là hưởng thụ một cuộc sống giàu có, an nhàn.
Lúc này tôi không biết nên cười, khóc hay phản ứng ra sao, nhưng đó đã từng là viễn cảnh, là tư tưởng luôn xuất hiện lởn vởn trong suy nghĩ của tôi hồi ấy, trên những bước đi đầu tiên.
“Startup dogs” (thuật ngữ để chỉ những chủ sáng lập doanh nghiệp thành công) luôn có tài thuyết phục rằng mọi người đều có khả năng trở nên giống như họ. Kể cả khi ý tưởng mới nhen nhóm, chưa có bất kỳ sự đảm bảo nào, người ta cũng thường tự nhủ: “Tôi sẽ theo đuổi giấc mơ của tôi đến cùng!” hay “Mình sẽ chỉ tập trung vào công việc”. Thậm chí bạn có thể tự tin ưỡn ngực khoe với người khác. Chưa tính đến việc ý tưởng này có thực tế hay không, tiềm năng lớn hay không đáng kể, tôi vẫn luôn nghĩ đến một ngày mai, tôi sẽ có cơ hội trở thành người đứng diễn thuyết trên kia về những kinh nghiệm quý báu của mình.
Ban đầu khi bắt tay vào hành trình của riêng mình, tôi vẫn ngập tràn năng lượng và sự tự tin. Nhiều lúc tôi còn cảm thấy chắc chắn mình đang đi đúng hướng, công việc vẫn suôn sẻ, mọi khía cạnh đều hoàn hảo và chi tiết như đã tính toán. Mọi việc có vẻ như hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng giờ đây, khi đã ít nhiều trải qua 2 lần khởi nghiệp để rồi nhìn lại, điều đó không hơn gì ngoài việc có thể gói gọn trong hai từ “thiển cận” và “ảo tưởng”, đúng nghĩa một con đường tối tăm, u ám, không rõ phương hướng và lối thoát.
Năm 2014, dù mới chập chững tiến vào cánh cửa năm nhất đại học, nhưng “đâm lao phải theo lao”, tôi đã quyết định tạm dừng việc học lại để tiếp tục công việc trước đó. Hậu quả là tôi như một kẻ di cư lang thang trên mảnh đất Bắc Kinh phồn hoa này vậy. Khi đó, mô hình kinh doanh O2O (liên kết hình thức thị trường trực tuyến với thực tế) ngày một trở nên phổ biến, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư đang “rót tiền” vào đó. Điều ấy thúc đẩy tôi một cách mạnh mẽ, khiến tôi ngày đêm tìm tòi, nghiên cứu cách len chân vào thị trường đầy lợi nhuận này.
Những bước đầu tiên gây dựng công ty của chính mình
Điều gì đến cũng phải đến, “đứa con đầu tay” của tôi là “9 RMB Wash” - một hệ thống online với dịch vụ giải quyết nhu cầu làm sạch quần áo của khách hàng. Cũng như bao người khác, cân bằng giữa việc điều hành kinh doanh và cuộc sống riêng chưa bao giờ là dễ dàng cả. Dù vậy, đội ngũ làm việc chúng tôi dần dần không còn phải lấy những tầng hầm hay địa điểm thuê 230USD/tháng ở Thông Châu làm trụ sở nữa, thay vào đó là một vị trí đường hoàng tại khu vực trung tâm hành chính và thương mại của thành phố. Khó khăn chứ, nhưng dám làm dám chịu, tôi cũng từng nghĩ đến hoàn cảnh của những bạn trẻ tập tành khởi nghiệp giống như mình để rồi tự an ủi bản thân như vậy.
Ngày qua ngày, hàng tá lời nhắn được gửi đi qua WeChat, đồng nghĩa với việc ý tưởng kinh doanh của tôi cũng phần nào len lỏi đến hầu hết mọi ngõ ngách, mọi quỹ VC (đầu tư mạo hiểm hỗ trợ vốn cho các công ty khởi nghiệp) ở Bắc Kinh. Thậm chí, tôi còn cất công đến Thượng Hải để diện kiến tận mắt nhà xuất vốn Charlie Xue, hay làm điều tương tự tại Cơ quan Phát triển Ý tưởng của Kaifu Lee, với mục đích chính được đặt ra là gây dựng được vốn đầu tư trị giá 770.000 USD.
Có thể nói kết quả thu được về sau khá khả quan, nếu so sánh quá trình từ khi “thai nghén” ý tưởng tới khi hiện thực hóa nó trở thành dịch vụ O2O dành cho khách hàng ở tầng lớp sinh viên như tôi. Nhưng cuộc đời không cho ai thành công dễ dàng bao giờ, bằng chứng là việc song song với xu hướng ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực liên quan khác, doanh số của chúng tôi tụt dốc thảm hại.
[...] Chứng kiến tình trạng ấy, tôi không kiềm chế được bản thân, đặt ra mục tiêu cho tất cả mọi việc, làm bất cứ cách nào để gỡ gạc lại tổn thất. Ngay cả những nhà đầu tư từng trải khi đó cũng đã khuyên tôi nên bình tĩnh lại để suy xét mọi việc thấu đáo, nhưng dường như điều đó là bất khả thi với tôi. “Được ăn cả, ngã về không” là tư tưởng cứ đeo bám tôi suốt quãng thời gian ấy, thúc giục tôi ngày mai, ngày kia hay dù thế nào cũng phải hoàn thành mục đích của mình nhanh hết sức có thể.
Khi tôi nhận được nguồn thông tin về một đối thủ (eDaiXi) đang đầu tư hàng chục triệu USD để thâu tóm thị trường dịch vụ của tôi, mọi hy vọng dường như sụp đổ. Tôi đã nghĩ đến việc dừng mọi hoạt động của công ty, sợ rằng tôi vẫn còn non kém và chưa đủ kinh nghiệm, để rồi nếu cứ tiếp tục sẽ dẫn đến vỡ nợ, phá sản, kéo theo hàng loạt vấn đề phức tạp khác.
Dường như họ - những công ty cạnh tranh với phạm vi thu hút lớn - luôn cố gắng vùi dập chúng tôi, và tất nhiên với thị trường chính tập trung vào phân khúc nhỏ, tầng lớp học sinh/sinh viên, giành chiến thắng lại họ là điều chỉ có trong mơ.
Sau khi dừng hoạt động, một đài phát thanh bất ngờ nhắc đến dự án của tôi, sau đó tôi được mời đến dự buổi phỏng vấn tổ chức bởi một hãng truyền thông lớn. Cảm xúc lúc ấy rất khó tả, buồn vui lẫn lộn. Dù tôi chỉ mới qua tuổi 18, còn non trẻ và nông cạn, nhưng ít ra ý định của tôi cũng suýt thành công.
Kinh nghiệm xương máu về lần đầu khởi nghiệp như dội một gáo nước lạnh vào tôi, khiến tôi như tỉnh giấc mộng viển vông để tập trung nhiều hơn vào thực tế. Trước đó tôi đã từng xem, tham khảo hàng loạt những chương trình, hội thảo, vẫn luôn cho rằng có lẽ nó không thực sự khó khăn đến thế. “Nói thì dễ, làm thì khó”, giờ trải qua mới thấu hiểu được hết, không phải ai cũng đủ can đảm đầu tư nếu không có một chỗ đứng, nền tảng vững chắc về sau.
Tuy nhiên, trong quá trình dấn thân mạo hiểm vào giới kinh doanh, một ưu điểm đáng nói đó là việc thiết lập các mối quan hệ với những nhà sáng lập, chủ đầu tư tài năng trên mọi lĩnh vực. Càng tiếp xúc, tôi càng thấy ở họ có một tầm nhìn xa trông rộng phi thường, thể hiện rõ nhất là khi thảo luận một vấn đề, họ có thể vạch ra một kế hoạch bài bản, chi tiết từ những nguyên nhân sâu xa cho tới tác động ở yếu tố bên ngoài ngay cả trước khi bắt tay vào thực tế. Đấy là lý do chúng ta cần dành ra nhiều thời gian hơn, tìm kiếm những lời khuyên từ họ, giải tỏa những nghi ngờ còn khiến người ta bận tâm. Tin tôi đi, không hề có mặt tiêu cực nào cả, thay vào đó là những tư vấn vô cùng giá trị, hữu ích về lâu dài.
Tất nhiên, ai cũng cần đến một cái đầu lạnh để độc lập đưa ra quyết định của chính mình, tránh việc mù quáng đi theo con đường mòn của ai khác mà dẫn đến thất bại. Hãy biết cách chọn lọc ý kiến, đồng thời tiếp thu những nhận định, quan điểm tích cực. Trên đây có lẽ cũng chính là lời khuyên tương tự của các nhà đầu tư thành công. Dù sao, nếu muốn chắc chắn, hãy xem lại những điều sau để biết được mình có đang đi vào vết xe đổ giống tôi trước đó hay không nhé:
- Không lên kế hoạch tỉ mỉ, kỹ lưỡng (tài năng cũng quan trọng, nhưng trên hết, hãy tìm những nguồn trợ giúp tới từ người thực sự có kinh nghiệm, đặc biệt khi bạn chưa hoàn toàn tự tin vào chính mình).
- Đi chệch hướng, mất kiểm soát, rơi vào nhiều cám dỗ khác (ví dụ như chỉ tập trung vào một lối đi sẵn có, chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua yếu tố khác, dẫn đến chênh lệch vốn…).
- Lâm vào tổn thất trầm trọng (rất dễ rơi vào tình thế này, nhưng đừng tiếp tục cứng đầu đi đến cùng vì quyết định sai lầm tiếp theo của bạn sẽ đi đến hậu quả khiến cả công ty phải gánh chịu).
- “Có tiền là có tất cả” (một quan điểm hoàn toàn sai lầm, lệch lạc, bắt nguồn từ một số chương trình truyền thông đại chúng).
- Sợ thất bại.
- Không toàn tâm toàn ý (đặc biệt là ở những góc độ, khía cạnh chính yếu nhất của lĩnh vực kinh doanh).
Xu Zhenjiang đã thành lập doanh nghiệp tiếp theo của mình, vẫn trong tiến trình hoạt động tới ngày nay. Dẫu vậy, có vẻ mọi chuyện vẫn chưa thực sự suôn sẻ và khởi sắc khi đội ngũ làm việc cho anh đã giảm từ con số 30 xuống chỉ còn 2 người, nhưng Xu vẫn tiếp tục chống đỡ, đứng vững trong cuộc chơi kinh doanh đầy rủi ro này.
“2 năm qua tôi vẫn chưa thật sự làm được điều gì đáng kể, ngoài việc đó là khoảng thời gian tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các nhà đầu tư uy tín và tài giỏi,” Xu chia sẻ.
Tham khảo: TechinAsia
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"