Đây là kết quả khảo cứu tại Việt Nam mà ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam - Campuchia - Lào đưa ra tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2017 do VnExpress và CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức sáng nay.
Thanh toán điện tử tại Việt Nam - cơ hội là rất lớn
Theo Vụ Thanh toán của NHNN, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để phát triển thanh toán qua điện thoại di động do có tỷ lệ tiếp cận dịch vụ viễn thông và sử dụng điện thoại di động ở mức khá cao. Đến nay, số lượng thuê bao di động ở Việt Nam có phát sinh lưu lượng ước đạt khoảng gần 130 triệu thuê bao, trong đó thuê bao 3G phát sinh lưu lượng đạt khoảng 41,8 triệu thuê bao; tức là khoảng trên 1,4 thuê bao/người dân và khoảng 0,5 thuê bao sử dụng 3G/người dân.
Bên cạnh đó, dân số Việt Nam đến cuối năm 2016 là trên 92,6 triệu người, trong đó trên 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Nhóm khách hàng sử dụng điện thoại thông minh hiện nay hầu hết là những người trẻ, có kiến thức và ham trải nghiệm, ưa chuộng các phương thức thanh toán mới, đặc biệt là các phương thức thanh toán dựa trên nền tảng di động.
Ông Trần Công Quỳnh Lân – Phó tổng giám đốc VietinBank.
Phát triển thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện, cơ hội để phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán di động hiện đại, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt phù hợp với nhóm dân cư khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vốn ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống, qua đó tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính tại Việt Nam.
Theo thống kê đến nay, tại Việt Nam đã có trên 41 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch tăng trưởng nhanh. Trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt trên 423.000 tỷ đồng (tương ứng đạt 93% và 139% so với năm 2016; đạt 153% và 316% so với năm 2015). Một số ngân hàng thương mại bước đầu triển khai có hiệu quả các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại, viễn thông, truyền hình cáp, phí bảo hiểm và một số khoản thu khác.
Ông Sean Preston có hơn 20 năm kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Visa tại Việt Nam - Campuchia - Lào, ông giữ chức vụ tương tự tại New Zealand và làm lãnh đạo Visa khu vực Đông Nam Á. Ngoài Visa, ông còn từng làm việc cho Citigroup, ASB Bank và National Bank of New Zealand.
Là bạn đồng hành với nhiều ngân hàng khắp toàn cầu nhiều năm qua, đánh giá về thanh toán điện tử tại Việt Nam, ông Sean Preston cho rằng ở Việt Nam, nhiều người chưa có tài khoản ngân hàng hoặc người đã sử dụng thẻ ghi nợ, tín dụng thường xuyên tham gia vào giao dịch với Amazon, eBay... Ông cho rằng, đây là cơ hội rất lớn.
Về góc độ rào cản ở Việt Nam, ông Sean Preston chỉ ra cần nâng cao nhận thức để người dùng hiểu hơn về vấn đề này để họ sẵn sàng sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử.
"Chúng tôi cũng tiến hành một khảo cứu ở Việt Nam, 60% người Việt Nam dùng điện thoại di động để mua sắm, thương mại điện tử. Tuy nhiên, theo tôi điều quan trọng là phải đảm bảo trải nghiệm người dùng luôn thật tốt, mã QR được chuẩn hóa. Việt Nam đang làm tốt công việc nhận biết khách hàng điện tử, đảm bảo tính an toàn về token hóa, đảm bảo các giao dịch được an toàn", ông nói.
QR Pay – Cơ hội cho thanh toán di động Việt Nam bùng nổ
Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng, tại Việt Nam tiềm năng thanh toán qua QR code cũng là rất lớn khi dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ và đặc biệt quá nửa dân số Việt Nam đang sử dụng smartphone. Từ đầu năm 2017 tới hết tháng 9/2017, thanh toán qua QR code tăng trưởng 120%, số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán QR code tăng lên tới gần 5.000 điểm. Dự báo đến hết năm 2018 số lượng này là 50.000 điểm và hiện đã có tới 12 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR code.
Tuy nhiên, ông Lân chỉ ra hiện vẫn có sự manh mún trong phát triển QR code tại Việt Nam.
Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng, để QR Pay thực sự phát triển và trở thành kênh thanh toán tiện dụng tại Việt Nam, thay thế thanh toán bằng tiền mặt, trước tiên cần sớm nghiên cứu và đưa ra một tiêu chuẩn thống nhất về định dạng QR code trong thanh toán di động cho thị trường Việt Nam.
“Đây là tiền đề đầu tiên, đặt nền móng cho việc thực hiện thanh toán liên thông trong toàn thị trường. Tránh việc mỗi một hoặc một nhóm các Ngân hàng, tổ chức/trung gian thanh toán phát hành một định dạng QR code riêng, gây khó khăn cho người mua và người bán”, ông Trần Công Quỳnh Lân nói.
Thứ hai, cần có các chương trình hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng phương thức thanh toán QR code.
Thứ ba, từ bản thân người dân cũng cần chuyển dịch thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt sang phương thức thanh toán mới tiện dụng hơn. Thực tế, ông Lân cho biết, việc dùng thanh toán di động tiện lợi, bảo mật hơn nhiều so với dùng tiền mặt.
Cuối cùng, các ngân hàng thương mại tăng cường cơ sở hạ tầng an ninh đảm bảo sự thông suốt trong hoạt động thanh toán; đơn giản hóa các thủ tục, quy trình đăng ký merchant.
“Với hình thức thanh toán POS, các merchant phải đến ngân hàng để làm thủ tục đăng ký mở POS và đợi khoảng 7 ngày làm việc kể từ khi nộp đơn cho tới khi điểm thanh toán thực sự được chấp nhận thanh toán thẻ. Nếu các QR merchant cũng phải đi theo quy trình này thì việc nhanh chóng phủ rộng QR Pay sẽ khó có thể thực hiện được”, lãnh đạo Vietinbank cho hay.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời