62% startup thất bại vì xung đột kiểu này từ những nhà đồng sáng lập

    Lê Huỳnh Kim Ngân, Theo action.vn 

    62% các startup thất bại vì những cuộc xung đột giữa các nhà đồng sáng lập. Mặc dù chưa hề có số liệu thống kê về mức độ xung đột giữa các nhà đồng sáng lập nhưng con số này có lẽ không hề kém so với các cặp vợ chồng.

    Những chia sẻ từ chị Lê Huỳnh Kim Ngân, nhà sáng lập action.vn dưới đây có thể sẽ giúp các nhà sáng lập startup hiểu rõ hơn nguồn cơn xung đột nội bộ và tìm được cách giải quyết các khúc mắc đang gặp phải.

    Những loại nhà sáng lập “rắc rối”

    Trước hết, hãy chọn đúng người. Cũng giống như trong hẹn hò, hãy dành thời gian để tìm kiếm người thích hợp, vì sự lựa chọn sai lầm ở khắp nơi. Dưới đây là một số hình mẫu tiêu biểu mà bạn có thể gặp:

    Bạn bè: Nhà đồng sáng lập này thường là một người bạn quen trước khi cùng nhau khởi nghiệp. Họ có thể rất tốt bụng và hào hứng về startup, họ yêu thích ý tưởng của bạn. Nhưng sau 6 tháng đầu tiên, khi thời kỳ “trăng mật” của statup kết thúc, họ mất “lửa” và trì trệ trong công việc.

    Thiên tài: Những nhà đồng sáng lập thuộc loại này tất nhiên là rất thông minh. Thậm chí là thông minh hơn bạn nhiều và làm việc chăm chỉ nữa chứ. Có lẽ bạn sẽ “yêu” ngay những con người này, nhưng tiếc thay họ thông minh đến độ chẳng cần hợp tác với bạn. Họ thuộc tuyp người không thể lắng nghe ý kiến của bất kỳ ai trừ bản thân.

    Người vạch chiến lược: Những nhà đồng sáng lập thuộc loại này rất thích việc vạch ra những chiến lược phát triển startup cùng bạn. Họ sẽ tạo ra các kế hoạch vĩ đại để cách mạng hóa thế giới, nhưng lại chẳng biết làm thế nào để kiếm được 1000 người dùng đầu tiên. Họ chỉ nói lý thuyết suông chứ không hề hành động, do đó hãy gửi trả họ về trường học.

    Người bí ẩn: Những nhà đồng sáng lập này luôn có một trang web tìm việc làm mở sẵn trên trình duyệt. Họ có nhiều tài khoản Facebook để quảng bá những dự án phụ khác nhau của mình. Đối với những nhân vật bí ẩn này thì bất kỳ lúc nào, họ cũng có thể bỏ startup đi để làm thứ khác.

    Chuyên gia bán hàng: Những nhà đồng sáng lập thuộc trường hợp này dành cả ngày lẫn đêm để tìm kiếm khách hàng và quảng bá về sản phẩm của mình. Điều đó thật tuyệt vời, ngoại trừ việc họ không có mấy hiểu biết về startup mà mọi người đang xây dựng.

    Luật sư: Đây là loại đồng sáng lập sẽ cố gắng để biến mọi thứ thành điều khoản hợp đồng giấy trắng, mực đen. Họ luôn lo lắng về việc phân chia mọi thứ trước khi thực sự tạo ra bất cứ điều gì.

    Các hình thức xung đột thuờng gặp

    Khi ném những con người đầy tham vọng xuất thân từ những ngành nghề khác nhau vào cùng một chỗ để làm việc cùng nhau dưới áp lực tài chính nặng nề và nỗi sợ hãi thất bại liên tục ám ảnh thì tất nhiên xung đột sẽ xảy ra. Hãy điểm qua một số loại xung đột phổ biến:

    Ý tưởng của tôi tốt hơn!

    Chúng ta chẳng thể đo đếm giá trị của một ý tưởng, chỉ có cách triển khai chúng mới đáng để so sánh. Hãy ngừng ngay việc cãi nhau vớ vẩn và thử triển khai một ý tưởng “tồi” để thấy rằng mình đang làm tốt hay không.

    Ai quyết định cái gì?

    Hãy chia đều trách nhiệm với nhau. Tôn trọng ý kiến người đồng sự của mình trong những sự vụ liên quan đến startup là bí quyết để xây dựng một mối quan hệ hợp tác bền vững. Nếu không thì chỉ câu hỏi “Ai quyết cái gì?” sẽ giết chết startup trước khi bạn kịp nhận ra.

    Tôi làm việc chăm chỉ hơn bạn

    Trừ khi có bằng chứng cụ thể rằng đồng sự của bạn “lười” hơn bạn, hãy giữ bình tĩnh. Rất khó để đo lường chính xác công việc của mỗi người trong startup. Có thể tuần này ngừơi phụ trách kinh doanh không ký được hợp đồng nào nhưng tuần tới họ có thể đem về một khách hàng rất lớn thì sao?

    Một là anh đi, hai là tôi đi!

    Đây là loại xung đột tồi tệ nhất. Điều tồi tệ không chỉ là việc một trong số các bạn sẽ phải đi mà là việc các bạn đã cãi nhau một thời gian dài trước khi mọi thứ đi đến kết luận “xấu xí” này. Nếu bạn quan tâm đến sự tồn tại của startup, hãy giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt.

    Trời ơi, chúng ta sẽ thất bại…

    Hầu như mỗi ngày mới đến đều có thể là ngày “tử” của startup. Thất bại luôn luôn tồn tại trong tâm trí mọi người. Vậy thì tại sao phải nhắc về nó chứ? Nếu có nhà đồng sáng lập nào lải nhải về thất bại, hãy ngăn họ lại. Nhiệt huyết là tài sản lớn nhất của startup.

    Ai nhận được cái gì

    Bản thỏa thuận vốn chủ sở hữu sẽ giải quyết rất nhiều xung đột về việc phân chia cổ phần. Trong giai đoạn đầu hãy chia cổ phần một cách công bằng và hợp lý để tránh phát sinh mâu thuẫn về sau.

    Ai dọn dẹp văn phòng?

    Ngay từ những chuyện vô cùng nhỏ nhặt cũng có thể là nguyên nhân khởi đầu của bất mãn. Hãy nhớ rằng trong statup không có công việc của ai là quan trọng hơn ai, nếu như không đủ khả năng để thuê người làm những chuyện lặt vặt thì nên có sự phân chia san sẻ công việc với nhau.

    Chúng ta cần hoạch định chiến lược kỹ càng hơn

    “Chín lần trong mười lần hoạch định chiến lược chỉ là một hình thức trì hoãn” – Paul Graham.

    Hãy nhớ rằng: Thà làm điều gì đó sai còn hơn không làm gì cả!

    Tôi tan sở lúc 5 pm

    Ai cũng có đời tư và những mối quan tâm riêng, thay vì đòi hỏi mọi người phải thông cảm cho vấn đề của mình, hãy để các đồng sự thấy được tâm huyết và sự ưu tiên tối đa dành cho công việc.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ