7 ngày làm việc và giải trí cùng máy tính mini: đây là lúc bạn quên đi những cỗ PC cồng kềnh
Kích thước nhỏ, công nghệ lớn.
Sau khi thị trường notebook đón nhận xu hướng ultrabook, các máy tính xách tay mỏng nhẹ và nhỏ lên ngôi,giờ đây cả các máy desktop cũng đang càng ngày càng nhỏ hơn, mà điểm nhấn lớn là 2 dòng sản phẩm bỏ túi Compute Stick và NUC Kit của Intel.
Nói như vậy không có nghĩa trước đây chúng ta không có sản phẩm nhỏ gọn dạng này, bởi thú chơi HTPC (Home Theater Personal Computer) đã xuất hiện khá lâu.
Nhưng cái chính là Intel phát triển các dòng sản phẩm nhỏ gọn của họ, bên cạnh việc đầu tư vào Compute Stick và NUC Kit, hãng này còn vừa giới thiệu kích thước mainboard mới mini-STX. Như vậy đầu tàu của ngành công nghiệp PC, Intel đang thực sự muốn tạo ra xu hướng mới, nơi sự nhỏ gọn trở thành tâm điểm.
Là người rất thích chạy theo xu hướng, chính vì vậy ngay khi Intel NUC Kit 2016 có mặt tại Việt Nam, tôi đã ngay lập tức liên hệ để mượn về sản phẩm này, trải nghiệm trong thời gian là 1 tuần.
Trước hết xin cảm ơn phía An Phát Computer và Intel Việt Nam đã hỗ trợ sản phẩm để tôi thực hiện bài viết này.
Được ra mắt tại CES 2016 hồi tháng trước, thực sự NUC Kit là một sản phẩm ấn tượng của Intel. Nó nhỏ gọn, tích hợp công nghệ mới cũng như thoát lên vẻ hiện đại. Bị ấn tượng nhiều hơn từ vẻ bề của sản phẩm này, nên trong bài viết này tôi sẽ tạm bỏ qua các bài test sức mạnh khô cứng, thay vào đó chia sẻ trải nghiệm sử dụng thực tế cho người dùng.
Nhưng trước hết, chắc chắn sẽ không thừa nếu chúng ta tìm hiểu những thông tin cơ bản của thiết bị này. Mời xem video mở hộp sản phẩm ngay dưới đây.
Mở hộp Intel NUC Kit 2016.
Với những ai chưa từng biết tới Intel NUC Kit, có một điều quan trọng bạn cần nắm được, rằng sản phẩm này không phải một chiếc máy tính cá nhân hoàn chỉnh. Bản thân chiếc máy Intel bán ra luôn chỉ bao gồm các thành phần cơ bản của một bộ máy tính mini, bao gồm mainboard, vi xử lý, phần vỏ và adapter. Để có thể sử dụng bình thường bạn sẽ cần mua thêm RAM và ổ cứng.
- Thông tin cơ bản của NUC Kit 2016 mã NUC6i3SYH
- Vi xử lý: Intel Skylake Core i3-6100U (2,3 GHz 2 nhân, 3MB Cache)
- RAM: Hỗ trợ 2 khe cắm RAM Laptop Dual-channel DDR4 2133MHz, tối đa 32GB RAM (Không kèm theo)
Đồ họa tích hợp: Intel HD Graphic 520, có thể sử dụng tới 4 màn hình cùng lúc thông qua 1 cổng HDMI và 1 cổng mini-Displayport
- Lưu trữ: Hỗ trợ 1 ổ đĩa HDD hoặc SSD 2,5 inch, 1 ổ SSD sử dụng chuẩn M.2 (Không kèm theo)
- Kết nối: WiFi 802.11ac và Bluetooth 4.1
- Cổng: 4 cổng USB 3.0, trong đó có một cổng supercharge màu cam, 1 cổng audio 3,5mm, 1 cổng mạng Ethernet, và cuối cùng là khe cắm thẻ nhớ SD tích hợp
Phụ kiện kèm theo của sản phẩm này khá đầy đủ, bao gồm bộ adapter với 4 loại chấu khác nhau, cùng với đó là tấm plate dúp gắn chiếc máy lên tường hoặc mặt sau màu hình. Dưới đây là hình ảnh chi tiết của Intel NUC Kit 2016 và các phụ kiện kèm theo.
Toàn bộ ảnh chỉ tiết về NUC Kit 2016 và phụ kiện kèm theo
Quay lại câu chuyện về "7 ngày cùng Núc" của tôi. Thành thật, ngay từ khi mượn được sản phẩm và tìm hiểu một chút về thông tin cấu hình của nó, tôi không đặt kì vọng về khả năng chơi game khủng, sự nhỏ gọn và hiện đại gây ấn tượng tốt hơn. Nói như vậy không có nghĩa tôi không thử chơi game với thiết bị này, bởi nếu nó chơi game được thật thì tốt quá, chi tiết về khả năng chơi game xin phép gửi tới các bạn trong phần sau của bài viết.
Trong khoảng 3 ngày đầu tiên, một phần vì công việc sau kì nghì Tết vẫn còn tồn lại rất nhiều, tôi dùng máy NUC để làm việc suốt một ngày dài, cả ở nhà lẫn trên văn phòng. Nói nghiêm túc thì máy tính trên văn phòng của tôi... quá yếu, vừa chậm chạp vừa vướng víu, mượn được "em Núc" này về là tôi gạt "cô thư ký già" kia qua một bên luôn và ngay.
Nặng khoảng một cân, nhưng dễ dàng đặt gọn cả máy lẫn adapter vào túi máy ảnh để cầm theo lên cơ quan, tối lại rút điện mang về nhà dùng, sức trai vai rộng thấy chả ảnh hưởng gì cả, lại đẹp cả góc làm việc, tha hồ chụp ảnh sống ảo lên Facebook.
Cho vào túi mang lên công ty dùng cực dễ dàng.
Hay một cái, nếu cảm thấy đặt NUC Kit trên bàn vẫn chưa đủ gọn, bạn hãy gắn nó lên tường chỉ với 4 lỗ khoan, hoặc mặt sau của màn hình, khi đó chúng không khác gì một hệ thống "all-in-one". Không phải lo, Intel tặng sẵn cả ốc vít và plate đỡ cho việc này, bạn chỉ cần một vài thao tác đơn giản là đã có thể giúp bàn làm việc của mình gọn hơn bao giờ hết.
Nói về hiệu năng làm việc một chút. Sử dụng chip Intel Skylake mới nhất nhưng là phiên bản chip U giống như trên các máy Laptop nên hiệu năng của nó không thể bì lại vi xử lý Core i3-6100 trên desktop. Nhưng chừng ấy là đủ, thậm chí là thừa đối với các tác vụ văn phòng cho tới đồ họa cơ bản. Lightroom cho tới Photoshop, thậm chí cả Adobe Premiere cũng đạt tốc độ render khá tốt với vi xử lý này.
Hình ảnh chạy cùng lúc nhiều tác vụ văn phòng và đồ họa "nhẹ nhàng" của Adobe, tất cả đều hoạt động mượt mà.
Điều đáng tiếc nhất trong những ngày vừa rồi khi trải nghiệm NUC 2016 là tôi chỉ mượn được một thanh RAM 4GB, bởi hiện tại các sản phẩm RAM DDR4 cho cho laptop vẫn còn khá hiếm. Bởi vậy mà các tác vụ đa nhiệm hoạt động chưa thực sự tốt, mở cỡ 30 -40 tab Chrome là biết mặt nhau ngay. Dù vậy, xin phép không dám đổ lỗi này cho phía Intel, chip của họ đã làm rất tốt nhiệm vụ của nó.
Bên cạnh đó, việc trang bị cho NUC một ổ cứng SSD là giải pháp hiệu quả nhất. Nó nhanh, nhỏ, nhẹ mà đặc biệt là ít gây ra tiếng ồn. Ở đây tôi dùng luôn SSD HyperX Fury 240GB của Kingston vừa mới mua.
Cài đặt hệ điều hành Windows 10 và các ứng dụng cần thiết như bộ Microsoft Office cùng các ứng dụng đồ họa của Adobe lên SSD HyperX Fury giúp hệ thống khởi động chỉ mất chưa tới 10 giây, bật các ứng dụng kia trong chớp mắt mọi thứ đã sẵn sàng cho bạn làm việc.
Tới đợt cuối tuần vừa rồi, ngày nghỉ tôi quyết định nghịch ngợm một chút, biến NUC Kit 2016 thành "đầu não" cho hệ thống giải trí gia đình. Sản phẩm này đảm nhiệm tốt vai diễn một chiếc HTPC. Nó nhỏ gọn, rất lịch sự khi đặt trong phòng khách. Xét tới độ ồn và tiết kiệm điện, việc chấm 9,5/10 cho thiết bị này chắc không ai có thể ý kiến gì.
Cụ thể, máy chạy cực êm, hệ thống tản nhiệt hoạt động rất tốt mà không nghe thấy tiếng quạt gió. Ổ đĩa tôi sử dụng là SSD nên cũng không lo âm thanh ù ù mỗi lần dùng mấy cái tác vụ nặng nề. Chip xử lý Core i3-6100U rất tiết kiệm điện, theo thông tin từ Intel, con chip này chỉ tiêu tốn 15W nếu chạy hết công suất.
Với mức tiêu thụ điện năng khiêm tốn như vậy, NUC Kit 2016 đảm bảo khả năng chạy cả ngày để làm bộ phát mạng DNLA để có thể xem phim trên máy tính từ điện thoại, hay phát lên TV thông qua Chromecast.
Tôi sử dụng hệ thống Serviio để chia sẻ nội dung trong mạng DNLA.
Và yên tâm đi, đặt em NUC này trên bàn làm việc hay trong phòng khách cạnh TV thì tuyệt vời luôn. Vỏ nhôm sang trọng, lại có sẵn WiFi không sợ lằng nhằng dây dợ. Tiện nhất thì cài sẵn Teamviewer cho nó và có thể điều khiển từ xa, không cần thêm phím chuột nào khác.
Cuối cùng, quan trọng đây, mãi đến hôm nay tôi mới quyết định chạy thử game, phần này để test hiệu năng đồ họa tích hợp của Core i3 Skylake cũng như hệ thống tản nhiệt thôi, chứ cũng không đặt quá nhiều kì vọng vào trải nghiệm của máy.
Tôi chọn ra 3 trò chơi phổ thông, yêu cầu cấu hình chênh lệch nhau kha khá, là Hearthstone, Liên Minh Huyền Thoại và Dota 2. Trong số này, tôi thử Hearthstone, và tất nhiên nó chạy mượt mà, game nhẹ như này còn không mượt chắc khỏi test 2 game phía sau luôn.
Tới với Liên Minh Huyền Thoại, chạy ở độ phân giải FullHD 1920x1080 với 2 mức thiết lập đồ họa cao nhất và thấp nhất (đều bật khử răng cửa và max render). Bản thân đây là một game MOBA khá nhẹ, không khó để NUC 2016 gây ấn tượng với game thủ của tựa game này. Mức thiết lập cao nhất của Liên Minh Huyền Thoại, tôi vẫn đạt được FPS khoảng 40, ở mức có thể chơi được. Còn khi giảm tất cả đồ họa xuống, FPS giữ ở mức 60. Đáng tiếc việc sử dụng phần mềm quay phim màn hình đã kéo FPS xuống thấp.
Chơi thử LMHT trên máy NUC 2016.
Dưới đây là ảnh nhiệt độ của vi xử lý i3 khi chạy hết công suất trong trò chơi.
Đạt hiệu năng chơi Liên Minh Huyền Thoại khá ổn, tôi tự tin tiến đến với trò chơi tiếp theo là Dota 2, game đòi hỏi cấu hình cao hơn hẳn. Và thật sự nó đã khiến game thủ thường chơi Dota 2 max setting 120 FPS như tôi phải thất vọng. Tùy chỉnh thấp hết cỡ cấu hình máy, FPS vẫn chỉ nằm trong khoảng hơn 40FPS một chút, và có thể drop mạnh khi vào combat. Dưới đây là video so sánh độ mượt của Dota 2 ở 3 mức thiết lập khác nhau.
Test thử Dota 2 trên máy NUC 2016.
Và cũng là nhiệt độ của máy khi chơi Dota 2.
Như vậy, hiệu năng chơi game của NUC Kit 2016 tới đâu xin để mọi người tự đánh giá. Riêng với tôi, một người thường xuyên chơi Dota 2 chắc chắn tôi chẳng thể "trải nghiệm" nổi đồ họa minimum setting mà vẫn lẹt đẹt 40FPS. Nhưng nếu bạn là fan của Liên Minh Huyền Thoại, đây không phải một lựa chọn tồi đâu.
Hơn hết, khi chơi game máy thực sự mát, chip chỉ đạt mức cao nhất là khoảng 63 độ C, đây là giới hạn tuyệt với với sản phẩm đồng bộ như NUC. Phần xung quanh máy rất mát, vỏ nhôm thậm chí là lạnh khi sờ tay vào, chỉ riêng vỏ nhựa ở nắp phía trên ấm lên một chút. Nhưng hệ thống tản nhiệt và nhiệt độ của vi xử lý Intel Core i3 6100U rất xứng đáng nhận những lời khen ngợi.
Sau cùng, với tư cách một người dùng, tôi thích NUC 2016. Nó đẹp, sang trọng và hiện đại. Phần nào đó tôi bị ấn tượng bởi các dàn máy tính được mod lại hầm hố, nhưng các sản phẩm có phong cách thiết kế vuông vắn và nguyên khối, tôi cũng luôn đánh giá rất cao. Với tư cách là một game thủ, tôi không nghĩ đây là một lựa chọn tốt. Trừ khi bạn chỉ có nhu cầu chơi các tựa game online cơ bản, NUC Kit 2016 khó có thể đáp ứng trải nghiệm chơi game hoàn hảo.
Một góc làm việc gọn gàng cùng Intel NUC Kit 2016.
Nhưng tổng quan, trong xu hướng mà sự nhỏ gọn đang lên ngôi, các dàn máy tính to xác và nặng nề đã trở nên quá đỗi bình thường, làm việc và giải trí cùng một chiếc mini PC thực sự sẽ mang lại trải nghiệm khó quên.
Dòng máy này sẽ sớm được bán chính thức tại Việt Nam, mức giá của nó là gần 8 triệu động, chưa bao gồm RAM và ổ cứng.
Cảm ơn An Phát Computer và Intel Việt Nam đã hỗ trợ tôi thực hiện bài viết này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Startup của Elon Musk gây chấn động: Người bị liệt giờ đây có thể điều khiển cánh tay robot 'chỉ bằng suy nghĩ'!
Khi được cấy ghép, thiết bị có thể ghi lại và truyền tín hiệu từ não không dây đến một ứng dụng, nơi các tín hiệu này được giải mã thành các lệnh điều khiển
Trên Trái Đất, la bàn luôn chỉ hướng Bắc – nhưng khi mang ra ngoài không gian, nó sẽ chỉ về đâu?