7 thiết bị theo dõi sức khỏe này từng được coi là viễn tưởng, nhưng sẽ có mặt trên thị trường 2 năm tới
Những thiết bị nằm trong hệ sinh thái IoT ngay trong nhà bạn.
Nhiều thiết bị y tế có mặt ngày hôm nay, đã từng được coi là khoa học viễn tưởng trong quá khứ. Ví dụ như máy chụp X-quang có thể nhìn xuyên vào cơ thể, robot phẫu thuật thay thế con người và nhiều thiết bị nhân tạo có thể thay cho cơ quan nội tạng.
Tới nay, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên IoT (Internet of Things), với sự ra đời của nhiều thiết bị công nghệ cao hơn nữa cho phép bạn theo dõi sức khỏe mọi lúc. “Những công nghệ mới đang khuyến khích mọi người quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều hơn”, Giáo sư Helen Stokes-Lampard đến từ Đại học London cho biết. Và sự phát triển của chúng chưa bao giờ dừng lại.
Có rất nhiều thiết bị nằm trong hệ sinh thái IoT ngay trong nhà, sẽ giúp bạn và người thân theo dõi sức khỏe một cách tự động như phim viễn tưởng. Ví dụ như 7 công nghệ mới dưới đây, được giới thiệu trong Triển lãm Điện tử tiêu dùng CES 2017, Lasvegas:
1. Tivi theo dõi sức khỏe
Trong thời gian xen giữa các chương trình tivi, bạn nghĩ sao nếu nhận được những thống kê sức khỏe của chính mình, thay vì những đoạn quảng cáo đáng ghét? Điều đó hoàn toàn có thể trở thành sự thật với một chiếc TV box. Tại Liverpool, nhiều bệnh nhân tiểu đường và có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch đang tham gia vào một thử nghiệm với thiết bị mới này.
Huyết áp và cân nặng của họ được kiểm tra thường xuyên qua các cảm biến trên cơ thể và cân điện tử. Một thiết bị gắn vào ngón tay cũng cho phép nồng độ oxy máu được ghi lại. Tất cả các thông số được gửi tự động qua mạng không dây về chiếc TV box.
Sau đó, phần mềm được cài trong chiếc TV box có thể phân tích các kết quả và thông báo cho người dùng và các bác sĩ. Giả sử trường hợp huyết áp tăng lên đáng kể, nó sẽ hiển thị trên màn hình TV để cảnh báo người bệnh. Kèm theo đó là một số hướng dẫn chế độ ăn uống và tập luyện để giảm nguy cơ biến chứng.
Trong cuộc thử nghiệm kéo dài 3 năm trên hơn 2.200 bệnh nhân, công nghệ TV box này đã giúp giảm 1 phần 3 số ca nhập viện. Tiến sĩ Simon Bowers, một bác sĩ tham gia vào thử nghiệm ở Liverpool cho biết hiệu quả đến mức này có thể giúp hệ thống y tế tiết kiệm được một khoản tiền lớn.
2. Ấm nước dự đoán tuổi thọ
Lại một công nghệ hết sức đơn giản nữa, một ấm nước có thể dự đoán nguy cơ tử vong sớm bằng cách đo sức nắm trên tay cầm của nó. Sức nắm của tay là một thông số đại diện cho sức khỏe của một người. Một cái nắm chặt với nhiều lực biểu lộ người sử dụng có cơ bắp mạnh mẽ thậm chí là mạch máu hoạt động tốt.
Ngược lại, người có nắm tay yếu thường thể hiện sự mất cân bằng trong cơ thể. Đó cũng là một nguy cơ lớn hơn mắc bệnh tim mạch và ung thư.
Tiến sĩ Eileen Bunrs, chủ tịch Hiệp hội Lão khoa Anh cho biết: “Sức mạnh nắm tay là một chỉ số quan trọng để đánh giá sức khỏe. Nếu sức khỏe yếu đến một mức độ nhất định, bạn có nhiều khả năng phải vào bệnh viện hoặc kết thúc cuộc sống của mình trong sự chăm sóc của người thân”.
Trong một nghiên cứu trên tạp chí Lancet, sức mạnh của nắm tay được chỉ ra là một thông số dự đoán tử vong sớm còn tốt hơn cả huyết áp. Nó có thể được đo bằng một lực kế. Một người đàn ông khỏe mạnh thường có sức nắm tương đương 50 ký, trong khi phụ nữ là 40 ký.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra mỗi sự sụt giảm 5 ký trong lực nắm tay chỉ ra nguy cơ tử vong sớm tăng lên 16%. Đó là một thông số quan trọng giúp các hãng điện tử như Philips thiết kể cơ chế cho chiếc ấm đun nước thông minh của họ.
Được gọi là FrailTea, chiếc ấm được gắn cảm biến để ghi lại lực nắm tay của người sử dụng. Mỗi 4 tuần, ấm nước sẽ tự động chuyển các thông số này tới các bác sĩ. Họ có thể sử dụng nó để theo dõi sức khỏe của người sử dụng.
Điều khá đặc biệt nữa là ý tưởng sáng tạo về những chiếc ấm thế này xuất phát từ một sinh viên đại học, Callum Smith trường Northumbria.
3. Tủ lạnh kiểm tra thói quen dinh dưỡng
Chỉ đơn giản bằng cách theo dõi số lần mở tủ lạnh từ một cảm biến kết nối không dây với internet, cơ quan y tế có thể lập được mô hình dinh dưỡng của những đối tượng cần nhận chăm sóc đặc biệt, chẳng hạn như người già và người mất trí nhớ.
Ví dụ, nếu phát hiện số lần mở tủ lạnh suy giảm đột ngột, cơ quan y tế sẽ đặt ra câu hỏi rằng bệnh nhân có ăn uống đúng cách hay không. Thường xuyên mở tủ lạnh ban đêm là dấu hiệu của việc mất ngủ. Dữ liệu được thu thập sẽ được chuyển tới bác sĩ và người chăm sóc cho bệnh nhân.
Năm ngoái, mô hình này đã được thử nghiệm tại Anh trên hơn 1.400 người mất trí dạng nhẹ đến trung bình. Thời gian thử nghiệm sẽ kéo dài đến năm 2018. Kết quả rất được chờ đợi, rằng công nghệ đơn giản này sẽ cắt giảm thời gian nằm viện không cần thiết và cải thiện dinh dưỡng cho người già và bệnh nhân.
4. Giường chống ngáy thông minh
Một chiếc giường được đặt tên là 360 Smart Bed có thể giúp bạn loại bỏ chứng ngáy ngủ, thứ mà gây khó chịu cho những người nằm cùng.
Đối với một số người khi ngủ, cơ cuống lưỡi của họ bị xệ quá nhiều, che lấp đường đi của không khí tạo thành tiếng ngáy thi hít thở. Hiện tương này được chiếc giường thông minh ghi nhận, bằng những cảm biến và micro bên dưới lớp đệm.
Khi bắt được tiếng ngáy, chiếc giường sẽ tự động điều chỉnh các động cơ gắn bên trong, nâng cao phần đầu người ngủ lên 45 độ. Điều này khiến lưỡi xô lại vị trí ban đầu, mở đường thở và giảm tiếng ngáy.
Dự kiến, chiếc giường 360 Smart Bed này sẽ được bán ra ngay trong năm nay, với giá 2.000 Bảng, tương đương hơn 55 triệu VND.
5. Camera đo nhịp tim
Một chiếc camera theo dõi nhịp tim và hơi thở có thể là một chiếc phao cứu sinh trong nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, chẳng hạn như suy tim. Nhuwng làm thế nào mà nó có thể thực hiện được điều đó? Các kỹ sư có thể lợi dụng hiện tượng Microblushes, sự thay đổi màu sắc của da mặt, trong mỗi lần tim đập để bơm máu.
Trong mỗi nhịp tim bơm máu, áp lực thay đổi sẽ khiến cho mặt trở nên đỏ hơn rồi nhạt đi theo chu kỳ. Nhưng đó là một sự thay đổi rất nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy. Một chiếc camera sử dụng công nghệ cao thì có thể, thậm chí là nhìn thấy Microblushes trong bóng tối.
Khi nó nhận ra lượng máu trên da thay đổi theo các chu kỳ bất thường, có thể là người đó đang gặp phải một vấn đề tim mạch. Các cảnh báo sẽ được đưa ra.
Một camera ngày nay cũng có thể sử dụng cả công nghệ theo dõi hơi thở. Với một cảm biến theo dõi chuyển động lồng ngực, nó có thể phát hiện ra những vấn đề hô hấp đang xảy ra, đặc biệt là ở những người mắc bệnh phổi mãn tính.
Công nghệ này trước đây đã được sử dụng trong bệnh viện, nhưng có lẽ đây là lúc để mang nó đặt lên các thiết bị theo dõi cá nhân.
6. Gọi cấp cứu bằng giấy dán tường
Tương lai, trong một trường hợp khẩn cấp tại nhà có lẽ những người già sẽ không cần đến điện thoại để gọi cấp cứu. Nếu họ bị ngã hoặc gặp vấn đề, đơn giản chỉ cần nói với những bức tường.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore đang phát triển những thiết bị điện tử có thể tích hợp trong giấy dán tường, cho phép nó có thể giao tiếp với con người.
Họ đã đưa ra một phương pháp “in” các thiết bị và mạch điện tử, chẳng hạn như một cảm biến siêu mỏng, micro và loa lên giấy hay quần áo. Một trong số những mục đích đầu tiên của các nhà nghiên cứu là tạo ra các thiết bị có thể theo dõi sự sống, qua quan sát chuyển động, nhịp tim, đồng thời có thể nhận diện giọng nói, chỉ dẫn gọi cứu thương và cứu hộ trong trường hợp khẩn cấp.
Điều đó có nghĩa là ngay cả trong các trường hợp mà nạn nhân không thể tìm điện thoại của họ và bấm số, một cuộc gọi cấp cứu vẫn khả thi. Một công ty start-up đang được các nhà nghiên cứu Singapore xây dựng để thương mại hóa sản phẩm này. Dự tính, trong một hoặc hai năm tới, những bức tường sẽ có thể giao tiếp với bạn.
7. Gậy thông minh
Gậy là một công cụ phổ biến hỗ trợ người cao tuổi đi lại. Bởi nó gắn liền với hoạt động thường ngày của họ, các nhà sản xuất đã đặt ra câu hỏi: Tại sao không khiến những chiếc gậy trở nên thông minh hơn?
Ý tưởng đã được thực hiện với một sản phẩm có tên là Smart Cane, một chiếc gậy thông minh tích hợp phần mềm tự động nhắn tin hoặc gửi email tới người thân của người sử dụng, thông báo xem họ có thể bị ngã hoặc đang bị ốm.
Một nguyên mẫu mới nhất của cây gậy còn tích hợp một công nghệ cho phép ghi lại và xây dựng hồ sơ vận động của những người sử dụng nó. Cảm biến sẽ ghi lại được tốc độ di chuyển, trong khi đó, một con quay hồi chuyển sẽ cho biết cây gậy đang đứng thẳng hay nằm ngang. Nếu gậy nằm ngang, có thể là người sử dụng đã bị ngã.
Cây gậy được lập trình để nâng tín hiệu thông báo khi có những thay đổi mạnh trong thói quen sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như trong một thời gian dài mà nó không được dịch chuyển.
Dự kiến, chiếc gậy thông minh này sẽ có mặt trên thị trường vào năm nay.
Tham khảo Dailymail
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"