AI tràn vào giảng đường: 70% sinh viên thừa nhận đã sử dụng để làm bài tập

    Kim,  

    VTV.vn - Khảo sát mới mong muốn tìm tìm tiếng nói chung giữa AI và giáo dục, là đổi mới hay thách thức liêm chính học thuật?

    Một nghiên cứu mới được công bố bởi Turnitin - công ty công nghệ toàn cầu chuyên về đảm bảo liêm chính học thuật - cho thấy 70% sinh viên hiện đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình làm bài tập.

    Khảo sát mới đã thu thập quan điểm từ sinh viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục tại sáu quốc gia, làm nổi bật nhu cầu cấp thiết về việc xây dựng các hướng dẫn rõ ràng liên quan đến việc sử dụng AI một cách có trách nhiệm, minh bạch và phù hợp với đạo đức học thuật. 

    Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt trong nhận thức giữa các bên về việc sử dụng AI, khi công cụ mới là con dao hai lưỡi: vừa có thể giải quyết bài tập một cách hiệu quả, nhưng lại vừa có thể “gọt” mất khả năng tư duy của sinh viên.

    AI tràn vào giảng đường: 70% sinh viên thừa nhận đã sử dụng để làm bài tập- Ảnh 1.

    Sinh viên đã đang ứng dụng AI vào trong làm bài tập ở cấp Đại học - Hình minh họa.

    Bà Annie Chechitelli, Giám đốc sản phẩm của Turnitin, nhấn mạnh: “Rủi ro về việc sử dụng sai mục đích AI tạo sinh sẽ luôn tồn tại. Sự minh bạch trong suốt quá trình viết của sinh viên sẽ giúp giảng viên tận dụng được cơ hội mà công nghệ AI mang lại, đồng thời vẫn giữ gìn được tính nguyên bản của sản phẩm học thuật”.

    Tại Việt Nam, dù chưa có quy định cấm sử dụng công cụ AI trong học tập, song việc sử dụng AI trong làm tiểu luận, khóa luận bị nhiều trường đại học coi là đạo văn. Hiện nhiều trường đại học đang sử dụng phần mềm Turnitin để phát hiện mức độ tương đồng trong các sản phẩm học thuật viết bằng ngôn ngữ tiếng Việt, cùng các ngôn ngữ khác và chỉ rõ nguồn sao chép. 

    Sinh viên có thể đối mặt với nhiều hình thức kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm, từ khiển trách, cảnh cáo đến buộc thôi học nếu bị phát hiện đạo văn.

    Trả lời báo Lao Động, TS Lê Mạnh Hải - Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Gia Định nhận định, AI đang phát triển đột biến. Ông cho rằng AI là một thành tựu, việc sử dụng AI không xấu, nếu không dùng sẽ lãng phí. Tuy nhiên, sinh viên không nên quá lạm dụng vào AI.

    Theo ông Hải, quá trình học của sinh viên bây giờ, đòi hỏi những bài tập mang tính sáng tạo nhiều hơn những bài tập có tính đúng sai, do đó sẽ yêu cầu sinh viên phải suy nghĩ nhiều hơn, tư duy nhiều hơn.

    "AI là sản phẩm do con người làm ra, nó không thể sáng tạo được và muốn sáng tạo thì sinh viên phải mình tự làm ra", TS Lê Mạnh Hải nhấn mạnh.

    Trở lại với nghiên cứu vừa được Turnitin công bố. Để thu thập các góc nhìn đa dạng trong giới học thuật, Turnitin đã ủy quyền cho Vanson Bourne thực hiện khảo sát đối với sinh viên bậc đại học, cũng như giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục ở bậc trung học và đại học tại các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Úc/New Zealand, Ấn Độ, Mexico, Vương quốc Anh/Ireland và Hoa Kỳ.

    Nghiên cứu cho thấy một thời điểm mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực học thuật”, ông David Gallichan, phụ trách chiến lược kinh doanh và quan hệ đối tác tại Vanson Bourne, cho biết. “Dù rất lạc quan về tiềm năng của AI, nhưng hiện cũng tồn tại những lo ngại lớn - đặc biệt là từ phía sinh viên - về việc lạm dụng AI và sự thiếu chuẩn bị cần thiết”.

    AI tràn vào giảng đường: 70% sinh viên thừa nhận đã sử dụng để làm bài tập- Ảnh 2.

    Học sinh, sinh viên cần hành trang mới trong thời đại công nghệ - Ảnh: Internet.

    Khảo sát cho thấy khoảng 64% sinh viên lo ngại về việc sử dụng AI trong giáo dục, tỷ lệ này cao hơn so với nhóm cán bộ quản lý giáo dục và giảng viên.

    Mặc dù 50% giảng viên và 41% cán bộ quản lý giáo dục tham gia khảo sát cũng bày tỏ mối quan ngại về việc ứng dụng AI trong ngành giáo dục, sinh viên vẫn là nhóm thể hiện sự lo lắng nhiều nhất. Đối với cả giảng viên và sinh viên, việc phụ thuộc quá mức vào AI và nguy cơ suy giảm kỹ năng tư duy phản biện được xem là những rủi ro hàng đầu. Trong khi đó, các nhà quản lý học thuật lại đặc biệt chú trọng đến các vấn đề như xâm phạm quyền riêng tư dữ liệu và rò rỉ thông tin bảo mật.

    Đáng chú ý, 95% cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên được khảo sát đều cho rằng AI đang bị sử dụng sai mục đích. Dù vậy, 78% người tham gia khảo sát vẫn có đánh giá tích cực về những tác động mà AI mang lại cho giáo dục, song 74% cũng thừa nhận rằng mức độ phổ biến và sự tràn lan của công nghệ AI đang gây cảm giác quá tải.

    Trong bối cảnh công nghệ mới xuất hiện và chuyển đổi số quốc gia ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chính thức ban hành kế hoạch hành động nhằm hiện thực hóa phong trào “Bình dân học vụ số” - một sáng kiến quan trọng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

    Một trong những nội dung trọng điểm của kế hoạch là triển khai nhiệm vụ tích hợp giáo dục kỹ năng số vào chương trình đào tạo đại học, đặc biệt nhấn mạnh tới việc trang bị năng lực sử dụng AI cho sinh viên - lực lượng nòng cốt trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước thời kỳ số.

    AI tràn vào giảng đường: 70% sinh viên thừa nhận đã sử dụng để làm bài tập- Ảnh 3.

    Nền tảng Bình dân học vụ số tại địa chỉ binhdanhocvuso.gov.vn đã được đưa vào vận hành chính thức trên toàn quốc.

    Điểm nhấn trong kế hoạch là vào tháng 6 tới, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) sẽ phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam và các đơn vị liên quan thuộc Bộ KH&CN triển khai nhiệm vụ “Tích hợp giáo dục kỹ năng số cho sinh viên trong chương trình giáo dục đại học”, với trọng tâm là kỹ năng ứng dụng AI trong học tập và làm việc.

    Cũng trong thời điểm này, Cục Chuyển đổi số quốc gia sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan phát triển một hệ thống trợ lý ảo học tập - công cụ ứng dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, cho phép cá nhân hóa nội dung học tập, hỗ trợ người dùng nắm bắt kiến thức cơ bản về chuyển đổi số cũng như rèn luyện kỹ năng số theo năng lực và nhu cầu cụ thể của từng cá nhân.

    Đây là những bước đi cụ thể, bài bản trong lộ trình nâng cao dân trí số, đưa kỹ năng công nghệ đến gần hơn với từng người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của nền kinh tế số Việt Nam.

    AI tràn vào giảng đường: 70% sinh viên thừa nhận đã sử dụng để làm bài tập- Ảnh 4.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ