Android vẫn luôn thua iOS vì ứng dụng iMessage, nhưng Google sẽ sớm thay đổi điều đó bằng Android Message
Google sẽ khiến tin nhắn SMS truyền thông trở nên tuyệt vời hơn, đặc biệt là đối với những người sử dụng Android.
Từ trước đến nay, người dùng Android vẫn luôn phải ganh tị với iOS vì ứng dụng iMessage. Apple đã làm rất tốt khi cung cấp một tính năng gửi tin nhắn giữa những người dùng iOS và thông qua mạng internet. Đó là một tính năng rất hữu ích mà chúng ta thường xuyên sử dụng trong thời đại internet hiện nay, tất nhiên iMessage vẫn có thể gửi tin nhắn SMS bình thường.
Trong khi đó, những người dùng Android có thể tự an ủi mình bằng Skype, WhatsApp hay Facebook Messenger. Nhưng về mức độ thuận tiện khi sử dụng thì Apple vẫn làm tốt hơn, với iMessage được tích hợp trong tất cả các thiết bị iOS của mình.
Tất nhiên là Google cũng không chịu thua, gã khổng lồ tìm kiếm cũng đã từng làm việc với hàng trăm nhà mạng và các nhà phát triển trên thế giới trong nhiều năm gần đây. Mục đích là để mang đến một tính năng nhắn tin mạnh mẽ dành riêng cho những người sử dụng Android, và là đối trọng của Apple iMessage.
Đó sẽ là ứng dụng nhắn tin mặc định của hệ điều hành Android, Message. Mà Google vừa mới đổi tên thành Android Message và hứa hẹn hỗ trợ một tiêu chuẩn mới gọi là Rich Communications Services (RCS).
Ngày xửa ngày xưa
Có lẽ ít ai biết rằng Google đã ấp ủ ý định này từ rất, rất lâu. Những ý tưởng đã bắt đầu xuất phát từ năm 2007, bởi một nhóm thuộc hiệp hội GSMA (cơ quan thương mại đại diện cho lợi ích của hơn 800 nhà mạng di động trên khắp thế giới).
Khi đó, họ đã đưa ra một ý tưởng táo bạo về tương lai của tin nhắn văn bản. Họ tưởng tượng ra một dịch vụ mới, mà cho phép thực hiện cuộc gọi thoại, gửi tin nhắn văn bản, chia sẻ hình ảnh, chat nhóm, gọi video và nhiều hơn thế nữa.
Sẽ không có đăng ký tài khoản, không cần tên người dùng, nó chỉ đơn giản và hoạt động như cách chúng ta gửi tin nhắn cho một số điện thoại nào đó. Tiêu chuẩn nhắn tin mới này chính là RCS, giám đốc công nghệ Alex Sinclair của GSMA đã viết vào năm 2008:
“Tiêu chuẩn RCS sẽ làm thay đổi hoàn toàn tin nhắn truyền thống. Nó sẽ cho phép người dùng thiết bị di động chia sẻ một cách tức thời, thực hiện một cuộc gọi nhóm với bạn bè, trao đổi hình ảnh, gọi điện bằng video bất kể thiết bị họ đang sử dụng và nhà mạng mà họ đã đăng ký”.
Tuy nhiên ý tưởng đó của GSMA ngay sau đó đã bị bác bỏ, bởi sự phức tạp của công nghệ và các rắc rối liên quan tới các nhà mạng khi cung cấp một dịch vụ “không tưởng” này. Nhưng Google lại không nghĩ rằng đây là một ý tưởng viển vông, hay một trò đùa.
Google cho rằng RCS là một cơ hội, một cơ hội rất lớn để có thể đánh bại các nền tảng tin nhắn thông qua internet. iMessage của Apple chính là một trong những đối thủ đáng gờm nhất, bởi sự đơn giản của nó.
Bạn chỉ cần gửi một tin nhắn đi như cách thông thường, và nó sẽ được gửi dưới dạng iMessage nếu có kết nối internet và người được gửi cũng trong tình trạng sẵn sàng với một thiết bị iOS. Nếu không, tin nhắn sẽ tự động chuyển thành dạng văn bản truyền thống và sự khác biệt duy nhất là màu sắc của tin nhắn để bạn phân biệt.
Google cũng có một ứng dụng nhắn tin là Allo, nhưng nó không thể hoạt động giống như iMessage. Chính vì vậy mà Google vẫn cần tới một tính năng nhắn tin mang tính đột phá hơn, một thứ gì đó giống như tiêu chuẩn RCS.
Vì sao RCS có thể giúp Google đánh bại iMessage của Apple?
Tiêu chuẩn RCS sẽ giúp tin nhắn văn bản truyền thống được nâng lên một tầm cao mới. Bởi nó không cần tới kết nối internet, nhưng vẫn đem lại những tính năng tương tự như iMessage hay WhatsApp.
Bạn có thể làm mọi thứ từ gọi điện video, gửi hình ảnh, gọi nhóm, tất cả những tính năng tương tự như các ứng dụng tin nhắn phổ biến hiện nay. Không cần đăng ký tài khoản, không cần tên người dùng, chỉ đơn giản như thực hiện một cuộc gọi hoặc gửi tin nhắn từ số điện thoại này đến số điện thoại khác.
Google với sự hợp tác cùng nhiều nhà mạng lớn trên toàn thế giới, hứa hẹn sẽ khiến cho tiêu chuẩn RCS không có giới hạn về địa lý. Bất kể thiết bị bạn đang sử dụng là gì (miễn chạy hệ điều hành Android), bất kể nhà mạng mà bạn đang sử dụng (miễn là hỗ trợ tiêu chuẩn RCS), đều có thể thực hiện những điều trên.
Nếu như người nhận sử dụng dịch vụ của một nhà mạng không hỗ trợ tiêu chuẩn RCS, nó sẽ được chuyển về dạng tin nhắn SMS hoặc tin nhắn đã phương tiện MMS truyền thống. Do đó mà việc sử dụng đơn giản và hiệu quả cũng giống như iMessage.
Tất nhiên vẫn có nhiều thách thức đang chờ đợi Google ở phía trước. Bởi mặc dù đã đàm phán được với nhiều nhà mạng lớn trên thế giới như Sprint, Rogers, Telenor hay Vodafone. Việc thuyết phục các nhà mạng còn lại không phải là điều đơn giản.
Đó là chưa kể đến việc các nhà mạng lớn tại Mỹ như AT&T, T-Mobile và Sprint đều có những ý tưởng hỗ trợ tiêu chuẩn RCS của riêng mình. Bởi họ muốn người sử dụng phải gắn bó với dịch vụ của họ. Cũng vì vậy mà tiêu chuẩn RCS có thể trở thành một mớ hỗn độn, mà mỗi nhà mạng lại làm theo ý riêng của mình.
Cuộc chiến giữa tin nhắn SMS truyền thống và iMessage, WhatsApp
Mỗi năm có hơn 8 nghìn tỷ tin nhắn SMS được gửi đi, mặc dù đây là cách liên lạc rất truyền thống trong khi internet lại trở nên cực kỳ phổ biến. Nó chứng minh rằng tin nhắn sẽ không bao giờ chết, hoặc cho đến khi có một cách thức mới hiệu quả hơn để có thể thay thế.
iMessage của Apple, WhatsApp của Facebook là những cách thức nhắn tin kiểu mới, nhiều tính năng hấp dẫn. Thậm chí từng được coi là kẻ sẽ giết chết tin nhắn truyền thống. Nhưng thực tế cho thấy chúng vẫn chưa đủ sức để có thể thay thế cho tin nhắn SMS.
Liệu rằng Google có thể tạo ra một bước đột phá với RCS, và khiến cho tin nhắn SMS giết chết những ứng dụng nhắn tin qua internet hiện nay? Chúng ta sẽ tiếp tục chờ đợi để có được câu trả lời.
Tham khảo: Wired
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tỷ phú Jensen Huang cùng 4 nhà khoa học về học sâu trở thành chủ nhân giải thưởng 3 triệu USD từ quỹ của vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Tối nay, Lễ trao giải VinFuture 2024 đã chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm. Theo đó, sau tiếng vang của 3 mùa giải trước, VinFuture 2024 thu hút số lượng kỷ lục, gần 1.500 dự án nghiên cứu, được đề cử bởi hơn 9.000 đối tác đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nóng: Google mở công ty tại Việt Nam, hoạt động từ tháng 4/2025