Áp lực tăng trưởng đẩy FPT Retail xoay sở 1001 phương án bán hàng: Tăng bán trả góp và bán sim thẻ phụ kiện, thử nghiệm cùng lúc 3 dự án mới
Nhằm giữ vững mức tăng trưởng lợi nhuận 20% sau thuế trong bối cảnh thị trường smartphone đang trong giai đoạn bão hòa, còn chuỗi nhà thuốc Long Châu dự kiến sẽ lỗ, FPT Retail đang đưa ra rất nhiều chương trình bán hàng nhằm thu hút khách hàng.
Sau 6 năm tăng trưởng ấn tượng nhờ tận dụng lợi thế của người đi sau, năm 2019, FPT Retail bắt đầu nhận cảm nhận được mặt trái của vấn đề này. Do là kẻ đi sau, nên khi họ vừa kiện toàn được chuỗi hệ thống của mình thì cũng là lúc thị trường bước vào giai đoạn bão hòa, khiến FPT Retail không còn cách nào khác phải vội vã nhảy sang phát triển ngành hàng khác nếu muốn giữ vững được đà tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 20%/năm.
Tuy nhiên, như các mô hình kinh doanh chuỗi khác, doanh nghiệp buộc phải ưu tiên mở rộng thị trường hơn là lợi nhuận trong giai đoạn đầu. Thế nên, theo báo cáo của Ban lãnh đạo FPT Retail trong Đại hội cổ đông sáng ngày 27/3, chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ lỗ khoảng 20 tỷ đồng trong năm 2019 và chỉ bắt đầu có lời từ năm 2021.
Nhằm có thể giúp FPT Retail bình yên bước qua những năm bản lề sắp tới, Ban lãnh đạo FPT Retail vừa đề ra rất nhiều phương thức bán hàng quen thuộc lẫn sáng tạo, để giúp doanh nghiệp này tiếp tục giữ nhịp độ tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận 2 con số.
FPT Shop và 1001 cách bán hàng
Trong năm 2018, FPT Retail ghi nhận tổng doanh thu đạt 15.298 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2017. Doanh thu online đạt mức 2.432 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 21%. Lợi nhuận trước thuế đạt 435 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 348 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2017.
Năm 2019, doanh nghiệp này đặt kế hoạch doanh thu là 17.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến sẽ đạt 418 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng lần lượt là 16% và 20% so với năm 2018.
Nhằm có thể hoàn thành kết hoạch, trong năm nay, ngoài việc đẩy mạnh traffic của khách hàng online trên website lẫn offline tại cửa hàng, FPT Retail còn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa 2 chương trình F-Friend và Subsidy. Dự kiến 2 mảng này sẽ mang lại cho họ 1.875 tỷ đồng so với 1.575 tỷ đồng trong năm 2018.
Năm 2018, chương trình F-Friend của FPT Retail đã có 1 triệu khách hàng cổ cồn xanh từ 2500 nhà máy và xí nghiệp, năm nay, họ sẽ chú trọng hơn nữa việc tiếp cận khách hàng ở các doanh nghiệp thương mại – dịch vụ, tức là giới cổ cồn trắng – nhân viên văn phòng. Về chương trình Subsidy, trong năm 2019 dự kiến sẽ kết hợp với Vinaphone tham gia chương trình bán máy kèm gói cước ưu đãi này, cùng MobiFone và Vietnam Mobile.
Hai mảng nữa mà bà Nguyễn Bạch Điệp – CEO FPT Retail cho rằng, công ty mình vẫn còn nhiều dư địa để phát triển là nâng đời sản phẩm thông qua trả góp và bán các loại phụ kiện - sim số.
Hiện tại, doanh thu từ chương trình trả góp chỉ chiếm 32% tổng doanh thu chung của FPT Shop, trong khi ở các doanh nghiệp lớn cùng ngành khác, nó chiếm tới 50%. Trong năm 2019, dự kiến mảng trả góp sẽ chiếm 45% doanh thu chung của FPT Shop. Để kiểm soát nợ xấu, FPT Retail sẽ sử dụng các công nghệ khác nhau để có thể đánh giá chính xác hơn nữa khả năng tài chính cũng như điểm uy tín của khách hàng.
Cũng như thế, trước giờ, FPT Retail vẫn chưa chú trọng tới việc bán phụ kiện –sim số tại FPT Shop, trong khi mảng này có lợi nhuận rất cao. Thế nên, mục tiêu của FPT Retail là sẽ thu được 1.000 tỷ đồng từ việc bán phụ kiện và nếu mọi chuyện thuận lợi, mức lợi nhuận sẽ vào khoảng 100 tỷ đồng, tăng 67% so với 2018.
Sở dĩ, FPT Retail có thể đưa ra những con số ấn tượng trên, là bởi họ đã chuẩn bị rất kỹ càng cho "Chiến dịch 1.000 tỷ đồng" này, khi họ đã trực tiếp làm việc với các nhà cung cấp ở nước ngoài, giúp giá nhập vào giảm 20% so với trước đây. Do đó, dù giá bán các sản phẩm của FPT Retail rất cạnh tranh, song vẫn có thể lời hơn 10% so với trước đây.
Với ngàn lẻ một cách bán hàng mà Retail triển khai trong năm 2019, có thể thấy, họ đang cố thỏa mãn tất cả nhu cầu của người tiêu dùng của mọi tầng lớp trong xã hội, chỉ cần khách hàng cần là FPT Shop có.
Long Châu là câu chuyện của tương lai
Hiện tại, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã có 22 cửa hàng, 20 ở TP. HCM và 2 ở Biên Hòa, tuy nhiên mức doanh thu của nó không được tính vào doanh thu chung năm 2018. Trong năm 2019, FPT Retail sẽ mở thêm 50 cửa hàng nữa, ở TP. HCM cũng như nhiều tỉnh thành trong cả nước, doanh thu sẽ vào khoảng 500 tỷ đồng, mức lỗ tầm 20 tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Bạch Điệp, thì Long Châu là câu chuyện của tương lai. Theo kế hoạch trình Đại hội cổ đông, số lượng cửa hàng sẽ lên con số 217 vào năm 2020 và 700 cửa hàng vào 2022. Theo đó, chuỗi Long Châu sẽ hòa vốn vào năm 2020, lời 62 tỷ đồng vào năm 2021 và 193 tỷ đồng vào 2022.
Do là tay chơi mới trong lĩnh vực dược phẩm, FPT Retail đã thử nghiệm khá nhiều mô hình kinh doanh khác nhau trong năm 2018, chủ yếu là tìm ra địa điểm mà khi họ mở nhà thuốc có thể thu hút nhiều khách hàng nhất. Ở thời điểm hiện tại, họ đã tìm ra mô hình đúng nên mới dám mạnh dạn đẩy nhanh quá trình mở rộng thị trường.
Cũng theo tiết lộ của bà Điệp, trong tương lai, nếu việc phát triển chuỗi nhà thuốc Long Châu dần đi vào quỹ đạo, biết đâu FPT có thể nhảy vào lĩnh vực phân phối và sản xuất dược phẩm.
3 phương án thử nghiệm
Hiện tại, 2 ngành hàng chính của FPT Retail là các thiết bị điện tử và được phẩm, song họ cũng không tự giới hạn mình chỉ trong 2 lĩnh vực đó. Như chia sẻ của bà Điệp, nếu ngành hàng nào đó có lợi nhuận tốt, doanh nghiệp này sẵn sàng nhảy vào đầu tư.
Hiện tại, FPT Retail đang bắt tay với các đối tác để thử nghiệm cùng lúc 3 dự án, nếu quá trình thử nghiệm thành công, họ sẽ công bố. Tuy nhiên, vị CEO này không chịu tiết lộ cụ thể ngành hàng nào.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Meta AI đã có thể sử dụng tại Việt Nam: Chatbot AI cạnh tranh ChatGPT và Gemini
Dù chưa chính thức, nhưng người Việt đã có thể dễ dàng truy cập và sử dụng Meta AI.
Vì sao nhà sáng lập TSMC nhìn thấu trước thất bại của CEO Intel ngay từ 2021 – Và giờ thì đúng thật!