Apple đã bắt đầu hình dung tương lai thuộc về phần mềm chứ không thuộc về phần cứng
Với một loạt những thay đổi rộng khắp trên cả 4 hệ điều hành chủ đạo, Apple có vẻ đã tìm được lối ra cho thời đại doanh số iPhone, iPad và Mac đồng loạt lao dốc.
Các sự kiện dành cho các nhà phát triển lẽ ra luôn nên có trọng tâm là phần mềm, nhưng khác với Build của Microsoft hay I/O của Google, WWDC đã từng được sử dụng để ra mắt nhiều sản phẩm phần cứng trọng tâm. Ví dụ, iPhone 4 ra mắt tại WWDC 2010, MacBook Air và MacBook Pro thế hệ mới ra mới tại WWDC 2013 còn Mac Pro “thùng rác” ra mắt tại WWDC 2015.
Phải đến tận 2014 Apple mới tái sự kiện “Hội nghị Các nhà phát triển Toàn cầu” của mình trở về với đúng tên gọi. Bước đi này khiến báo giới và người hâm mộ khá bất ngờ; bởi nhiều người vẫn hy vọng WWDC 2014 sẽ chứng kiến sự ra đời của một vài sản phẩm phần cứng mới, dù chỉ là những sản phẩm “phụ” như iPod hoặc máy Mac.
Giữa bài phát biểu mở màn WWDC 2014, vị phó chủ tịch phụ trách phần mềm vui tính của Apple, Craig Federighi cất tiếng trêu đùa với khán giả đang ngồi trong khán đài của Táo: “Hàng nghìn người đang xem trực tiếp chương trình này, không biết họ có hiểu chúng ta nói gì không”.
Craig Federighi, phó chủ tịch phần mềm của Táo.
Đó là một câu đùa rất thấm thía của vị phó tổng phần mềm. Nhưng câu nói đùa này cũng vẽ nên một sự thật không mấy dễ chịu: phần mềm chỉ là diễn viên quá... phụ của Apple. Ngay cả một sự kiện lẽ ra nên tập trung cho các kỹ sư phần mềm như WWDC cũng đã có lúc bị coi là một sự kiện dành cho tất cả các tín đồ Apple, vốn chỉ trông chờ các sản phẩm phần cứng mới.
3 năm trôi qua, Apple vẫn là một công ty phần cứng nhưng phần mềm không còn yếu kém như trước đây nữa. Trong những năm gần đây nhất , mảng phần mềm của Apple đã chứng kiến nhiều bước tiến quan trọng: nền tảng đồ họa Metal, ngôn ngữ lập trình Swift, các gói tích hợp CloudKit, HealthKit, HomeKit, các dịch vụ CarPlay, Apple Pay.
Trong số này, ngôn ngữ lập trình Swift được coi là một thành tựu lớn của toàn bộ ngành hi-tech chứ không riêng gì Apple. Năm 2015, Apple đưa Swift trở thành mã nguồn mở; ngôn ngữ này sau đó trở thành “Ngôn ngữ Được Yêu quý nhất” theo kết quả khảo sát của StackOverflow, diễn đàn chia sẻ kiến thức hàng đầu của coder trên thế giới.
Vài năm trước, ít ai lại có thể dự đoán rằng một công ty làm giàu từ đối tượng người dùng phổ thông như Apple lại có thể đứng ngang hàng với các công ty chuyên về công nghệ phức tạp như Oracle và Microsoft trên lĩnh vực ngôn ngữ lập trình.
Ngôn ngữ Swift của Apple được coi là một cột mốc lớn của ngành phần mềm những năm gần đây.
Đến sự kiện WWDC của năm nay, mảng phần mềm của Apple thực sự bùng nổ. Apple giờ đây đã có tới 4 hệ điều hành cho các nền tảng chuyên biệt: watchOS, tvOS, macOS và iOS. Toàn bộ sân khấu WWDC 2016 được dành riêng cho 4 hệ điều hành này chứ không phải là bất kỳ một dòng sản phẩm phần cứng nào cả.
Các mẫu Mac mới giờ đều được ra mắt một cách thầm lặng trên web của Apple. Quan trọng hơn, nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy số lượng thông tin đáng chú ý từ cả sự kiện iPhone/iPad Pro năm ngoái lẫn sự kiện iPhone SE năm nay cộng lại đều không bằng WWDC 2016. Chúng ta có rất, rất nhiều điều để nói về WWDC 2016: watchOS có hiệu năng tăng gấp 7 lần, tvOS cho phép đăng nhập vào... tất cả các ứng dụng mạng truyền hình chỉ qua một lần chạm, iMessage có trải nghiệm ngang ngửa Facebook Messenger hay WeChat, Apple Photos thông minh không kém gì Google Photos, Apple Music cực kỳ mới lạ và cả Siri nay đã đúng nghĩa “trợ lý ảo” hơn rất nhiều so với quá khứ.
Đó vẫn chưa phải là tất cả những điểm nhấn cần chú ý tại WWDC. Song, bất kể là bạn đếm ra 10 hay 30 điểm nhấn của trải nghiệm phần mềm Apple mới, sự thật là Apple đã chấm dứt thời đại theo đuôi Microsoft và Google về nền tảng.
Mức độ thay đổi được Apple dành cho iOS 10 lớn hơn hẳn so với iOS 9 hay iOS 8.
Ví dụ, iOS 10 và macOS đã trở thành bộ đôi hệ điều hành di động-PC đầu tiên cùng nhau chia sẻ một clipboard (bộ nhớ tạm cho tính năng copy paste). Microsoft dù liên tục rao giảng về hệ điều hành “universal” (đồng nhất) nhưng vẫn chưa làm được điều này. Google đơn giản là chưa có một hệ điều hành desktop đầy đủ tính năng nào cả.
Hoặc, Siri giờ đây không chỉ là một trợ lý ảo tích hợp trên một màn hình duy nhất mà sẽ len lỏi vào nhiều ngóc ngách bên trong các hệ điều hành của Táo. Ngay trong lần đầu tiên bước chân lên macOS, Siri đã vượt mặt Cortana bằng cách cho phép kéo, thả và đính kèm các kết quả từ trợ lý ảo này lên tất cả các chương trình Mac. Cô thư ký của Apple sẽ thay bạn gõ phím và... suy nghĩ thông qua Intelligent Suggestions trên bàn phím QuickType, tự động lấy các thông tin địa điểm, lịch và danh bạ từ iPhone và Mac.
Không dừng lại ở đây, Apple đã mở các tính năng của Siri tới các nhà phát triển, và từ nay Uber, WeChat, Microsoft Word hay Facebook Messenger (về mặt kỹ thuật) đều có thể nhờ cậy tới Siri. Trợ lý ảo của Apple đang được phát triển theo hướng riêng biệt hoàn toàn so với Facebook và Google: không sử dụng thông tin người dùng cho mục đích quảng cáo mà chỉ lưu dữ liệu trên thiết bị người dùng. Cơ sở để Apple thực hiện điều này là thương vụ mua lại công ty chuyên về AI có tên Perceptio vào năm ngoái.
Qua một ngày, Apple đã ngang ngửa với Microsoft và Facebook trên một cuộc chiến quyết định tương lai.
Cuối cùng và có lẽ là quan trọng nhất, Apple đã bỗng dưng vươn lên dẫn đầu cuộc chiến nền tảng chat được Facebook ấp ủ từ năm ngoái và được Microsoft tham gia một cách đầy quyết liệt vào năm nay. 2 ông lớn không có nền tảng di động này đã từng đặt tham vọng đánh bại các chợ ứng dụng App Store và Google Play bằng cách cuốn hút các nhà phát triển phát triển app chạy trên ứng dụng nhắn tin của họ thay vì chạy trực tiếp trên hệ điều hành. Nhưng ngay cả khi iMessage cũng có riêng một App Store độc lập với iOS, cánh cửa thành công đã không còn rộng mở với Google và Facebook.
Tất cả những điều này có nghĩa rằng chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ ngắn ngủi của buổi khai mạc WWDC 2016, Apple đã biến cả 4 hệ điều hành và nhiều sản phẩm phần mềm khác của hãng trở thành những vũ khí mạnh mẽ chống lại các đối thủ cạnh tranh, những sân chơi khổng lồ cho các nhà phát triển và những trải nghiệm người tiêu dùng mới lạ nhất, thay đổi rộng khắp nhất suốt từ thời iPhone OS.
Nhưng tại sao Apple lại sẵn sàng thực hiện cuộc thay máu này?
Trong nhiều năm, Apple đã luôn kiếm tiền từ cả phần cứng lẫn phần mềm. Bạn không thể bán phần cứng mà không có phần mềm hoặc ngược lại, nhưng rõ ràng là với Apple, cán cân nghiêng hẳn về phía phần cứng.
Thị trường phần cứng đã xuống dốc tới mức Apple phải ra mắt smartphone cấu hình mạnh ở mức giá 400 USD.
Thật đáng tiếc, thị trường phần cứng 2016 đang xuống dốc. Doanh số iPhone giảm mạnh và doanh số smartphone nói chung cũng ngừng tăng trưởng. Tình trạng này khiến cho gần như tất cả các nhà sản xuất smartphone lao đao chứ không riêng gì Apple.
Không chỉ riêng smartphone mà gần như toàn bộ các mảng phần cứng đều chẳng có lấy một tín hiệu khả quan trong năm 2016. Doanh số iPad 9 quý gần đây phản ánh rất rõ tình hình ảm đạm của thị trường tablet, còn sản lượng PC mới đây đã lao xuống mức đáy tính từ năm... 2007.
Các mảng kinh doanh Apple TV và Apple Watch có vẻ rất thuận lợi nhưng vẫn còn quá non trẻ. Trong cả một quý, cả 2 sản phẩm này cùng với tai nghe Beat và iPod chỉ đóng góp chưa đầy 2,2 tỷ USD cho Táo.
Khi tiềm năng kinh doanh phần cứng xuống thấp thì cũng là lúc Apple phải nghĩ lại về phần mềm. Apple có thể không còn bán được nhiều iPhone và iPad mới, nhưng hàng trăm triệu người dùng sẵn sàng trả phí trên iOS rõ ràng là một mỏ vàng để khai thác từ góc độ dịch vụ dữ liệu. Làm mới trải nghiệm người dùng trên những chiếc iPhone mà họ chắc chắn sẽ không mua mới trong vòng 1, 2 năm sắp tới là cách tốt nhất để tối ưu doanh thu trong thời đại khủng hoảng.
Một cơn sóng mới đang đi qua Apple. Federighi có thể sẽ trở nên quan trọng hơn Jony Ive.
Nếu không thể tự phát triển xe hơi thông minh và nhà thông minh hoặc các lĩnh vực thời trang công nghệ, Apple cũng có thể sử dụng các công nghệ "trích xuất" từ iOS và macOS để làm bàn đạp chiếm phần trong các trào lưu mới. Ngay cả những lĩnh vực cũ nhưng chưa bao giờ ngừng "hot" như thương mại điện tử hoặc IT doanh nghiệp cũng cần những giải pháp phần mềm chất lượng cao đi kèm. Apple đã nắm sẵn một cánh cửa là phần cứng, giờ là lúc mở cánh cửa đến phần mềm - trái tim và khối não của phần cứng.
Thực tế, khi đã có những thiết bị được yêu quý như iPhone, iPad và máy Mac thì Apple chẳng có lý do gì không thể ăn phần trong các trào lưu phần mềm như đám mây hoặc AI. Tất cả những gì cần làm chỉ là cải thiện lại nền tảng hệ điều hành trên sản phẩm gắn mác Táo để cuốn hút các ý tưởng phần mềm có thể định hình tương lai.
Thúc đẩy các hệ điều hành “cũ” lúc này cũng sẽ giúp tạo ra đòn bẩy vững chắc cho các nền tảng phần cứng mới. Ví dụ, Siri không chỉ là trải nghiệm của riêng iOS là còn hiện hữu trên cả watchOS và tvOS. Khi biến Siri trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống số của iFan – vốn đang được iPhone làm chủ, Apple cũng sẽ tạo ra lý do để các iFan này lựa chọn Apple TV thay vì Roku hay Google Chromecast.
Nói tóm lại, Apple của năm 2016 có đầy đủ động cơ để nâng tầm phần mềm lên một đẳng cấp khác. Giờ không còn là lúc Apple có thể thoải mái ngồi nhìn Google, Microsoft và Facebook đi thâu tóm lợi nhuận phần mềm dịch vụ nữa. Thật may mắn, trong vòng 2 tiếng đồng hồ, Apple đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng Táo là một đối thủ của top ông lớn đứng đầu thị trường, không chỉ là trên lĩnh vực thiết kế sản phẩm mà còn trên cả lĩnh vực nền tảng phần mềm nữa.
Bất kể iPhone 7 sẽ ra sao, năm 2016 sẽ là một năm tốt lành với các iFan.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời