Apple không thể bỏ Trung Quốc: Chấp nhận ‘đi trên dây’ để tiếp cận chuỗi cung ứng siêu rẻ, đối tác Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc thưa dần

    Vũ Anh,  

    Dấu chân ngày càng dày ở Ấn Độ và Đông Nam Á không đồng nghĩa với việc Apple sẽ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

    Apple đang tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc, song song với nỗ lực mở rộng sản xuất ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ. Các nhà cung cấp và địa điểm sản xuất tại quốc gia tỷ dân được hãng đặc biệt để tâm vào năm 2023; trong khi sự xuất hiện của các đối tác đến từ Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thưa dần.

    Gần như mỗi năm, Apple đều công bố danh sách chính thức các nhà cung cấp. Bản mới nhất bao gồm 187 công ty, đại diện cho 98% hoạt động mua sắm của hãng cho năm tài chính 2023. Số lượng các nhà cung cấp Trung Quốc tăng lên 52 vào năm ngoái. Số lượng các cơ sở sản xuất hoặc phát triển ở Trung Quốc (thuộc cả sở hữu của các công ty trong và ngoài nước) cũng tăng lên 286.

    Ngoài ra, số lượng các nhà cung cấp của Apple hoạt động tại Việt Nam tăng 40% lên 35 vào năm ngoái, trong khi ở Thái Lan tăng khoảng 30% lên 24. Số lượng nhà cung cấp ở Ấn Độ vẫn ở mức 14, trong đó, tập đoàn địa phương Tata Group lọt vào danh sách các nhà cung cấp hàng đầu lần đầu tiên. Tập đoàn hiện đang cung cấp vỏ iPhone và sự hiện diện trong chuỗi cung ứng dự kiến sẽ tăng lên sau khi họ mua lại một nhà máy lắp ráp iPhone ở Bangalore từ Wistron.

    Dấu chân ngày càng dày ở Ấn Độ và Đông Nam Á không đồng nghĩa với việc Apple sẽ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Phân tích của Nikkei Asia cho thấy khoảng 37% trong số 35 nhà cung cấp tại Việt Nam đến từ Trung Quốc và Hồng Kông, trong đó có nhà lắp ráp AirPods Luxshare và Goertek. Cả 2 đều đã mở rộng năng lực sản xuất trong nước để phục vụ Apple.

    Cũng có một số nhà cung cấp khác đến từ Trung Quốc lần đầu tiên lọt mắt xanh của Apple, chẳng hạn như San'an Optoelectronics - công ty sản xuất đèn LED và gallium nitride, Baoji Titanium Industry - nhà cung cấp titan và niken có trụ sở chính tại Thiểm Tây và Jiuquan. Iron & Steel - công ty kim loại nhà nước có trụ sở tại Cam Túc. Các nhà cung cấp Đài Loan vẫn giữ vị thế là nhóm lớn thứ hai trong chuỗi cung ứng Apple, theo sau là các nhà cung cấp từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

    Chiến lược của Apple trái ngược với các công ty cùng ngành của Mỹ như Dell, vốn muốn loại bỏ tất cả chip và linh kiện do Trung Quốc sản xuất. Có lẽ hơn bất kỳ công ty Mỹ nào khác, Apple ‘đang đi trên dây’. Hãng không thể từ bỏ đại lục bởi doanh thu từ thị trường này chiếm tới 17% tổng doanh thu trong quý cuối năm.

    Apple không thể bỏ Trung Quốc: Chấp nhận ‘đi trên dây’ để tiếp cận chuỗi cung ứng siêu rẻ, đối tác Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc thưa dần- Ảnh 1.

    Dấu chân ngày càng dày ở Ấn Độ và Đông Nam Á không đồng nghĩa với việc Apple sẽ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

    Trước đó, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cũng đã đến thăm Trung Quốc vào ngày 20/3. Sự kiện cho thấy tầm quan trọng của quốc gia tỷ dân - thị trường và cơ sở sản xuất hàng đầu của hãng.

    “Không có chuỗi cung ứng nào trên thế giới quan trọng đối với chúng tôi hơn Trung Quốc”, Tim Cook chia sẻ với China Daily.

    Apple bắt đầu bán iPhone tại Trung Quốc vào năm 2009. Việc chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hạn chế các công ty công nghệ Mỹ giao dịch với Huawei vào thời điểm đó chẳng khác nào ‘mở cờ’, giúp iPhone thừa thắng xông lên. Theo Counterpoint, vào năm 2022, thị phần điện thoại bán ra ở Trung Quốc của hãng đã tăng mạnh lên 22% từ mức 9% vào năm 2019.

    Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, bản thân Apple cũng đang phải đối mặt với nhiều tai ương. Sức ép ngày càng tăng còn người tiêu dùng thì thờ ơ với các thiết bị đến từ Mỹ. Nhà vô địch quốc gia Huawei đã hồi sinh.

    “Tôi không muốn sử dụng iOS nữa”, một người dùng tên Jason Li, 22 tuổi, ám chỉ hệ điều hành của iPhone. “Nó hơi cũ một chút”.

    Dữ liệu từ IDC cho thấy, trên toàn cầu, doanh số bán hàng của Apple trong quý I/2024 đã giảm gần 10%, đáng kể hơn so với các công ty cùng ngành như Samsung và Xiaomi.

    Đối mặt với áp lực từ các sản phẩm nội địa, giá iPhone 15 tại thị trường Trung Quốc đã được điều chỉnh giảm hơn 1.000 tệ. Các chuyên gia cho rằng chương trình khuyến mãi lớn trừ thẳng vào giá bán phản ánh áp lực ngày càng lớn mà nhà Táo khuyết đang phải đón nhận ở thị trường tỷ dân.

    Theo Karen Ma Li-Yen, giám đốc hợp tác các khu vực mới nổi tại IEK Consulting, Apple có thể sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà cung cấp Trung Quốc với hy vọng đạt được sự cân bằng địa chính trị. Chỉ những công ty này mới có thể cung cấp các giải pháp hiệu quả về mặt chi phí.

    “Apple phải tiếp tục hợp tác với các nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc vì Huawei đang trở lại. Họ có thể cung cấp các linh kiện chất lượng với mức giá hợp lý”, Ma nói và cho biết các nhà cung cấp của Apple không thể từ bỏ hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Thay vào đó, họ đẩy mạnh sản xuất bên ngoài nước này. “Việt Nam và Thái Lan hiện là điểm đến phổ biến nhất của các công ty công nghệ và nhà cung ứng’’.

    Ấn Độ là thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất thiết bị điện tử, song đầu tư chưa tăng mạnh. Chỉ các nhà lắp ráp thiết bị tăng cường sản xuất, trong khi nhiều nhà linh kiện và mô-đun điện tử vẫn đang trong trạng thái phân vân.

    “Apple đã và đang thúc ép rất nhiều các nhà cung cấp linh kiện đến Ấn Độ. Tuy nhiên, lực kéo không đủ để vượt qua những thách thức và sự phức tạp mà các nhà cung cấp sẽ phải đối mặt trong nước. Sẽ mất nhiều thời gian hơn chúng tôi nghĩ để có một hệ sinh thái mới ở Ấn Độ”, một giám đốc điều hành chuỗi cung ứng iPhone có công ty đầu tư vào Nam Á cho biết.

    Annabelle Hsu, nhà phân tích công nghệ IDC chuyên về chuỗi cung ứng cũng nhận thấy động thái tương tự. Hsu cho biết: “Nhìn chung, Trung Quốc vẫn có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh nhất thế giới cho máy tính xách tay và điện thoại thông minh. Trung Quốc vẫn là trung tâm cung cấp linh kiện và phụ tùng chính cho máy tính xách tay và điện thoại”.

    Theo: Nikkei, WSJ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ