Apple ngày càng muốn "tự mình làm tất", các nhà cung ứng bao gồm cả Intel hoang mang cực độ
Apple dường như muốn từ bỏ vi xử lý x86 trên máy Mac để chuyển sang vi xử lý dòng A do chính mình sản xuất.
Apple sẽ giúp các nhà phát triển dễ dàng hơn trong việc kết hợp các ứng dụng dành cho iOS và macOS thành một. Theo một bản tin mới đây từ Bloomberg News, dự án với tên gọi "Marzipan" được kỳ vọng sẽ khuyến khích các nhà phát triển mang ứng dụng lên App Store và nâng cao lợi nhuận thu được từ cửa hàng ứng dụng này này bằng cách mang lại cho họ khả năng viết một ứng dụng duy nhất nhưng có thể chạy trên mọi nền tảng của Apple. Bước đầu tiên trong dự án là cho phép các nhà phát triển chạy ứng dụng iOS trên macOS, bắt đầu từ năm 2021.
Đây được cho là động thái của Apple nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho một chiếc máy Mac dùng vi xử lý ARM, bằng cách cho phép các nhà phát triển có thể lựa chọn cả vi xử lý ARM hoặc x86 (Intel). Với việc thay thế các vi xử lý Intel bằng vi xử lý ARM thuộc dòng A của chính mình, Apple sẽ kiểm soát sâu hơn đối với nền tảng macOS và giúp sản phẩm của họ khác biệt hơn nữa so với các PC chạy Windows.
Dù có thể các hệ thống desktop của Apple sẽ phải chấp nhận đánh đổi một chút hiệu năng cao cấp khi chuyển sang ARM, nhưng kiến trúc này đã chứng minh được khả năng tiết kiệm điện cực tốt, trong khi vẫn đảm bảo được hiệu năng đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng, biến nó thành một thành phần lý tưởng cho các laptop mỏng và nhẹ. Chiếc iPad Pro 12.2-inch mới nhất của Apple thực sự là một chiếc máy tính mạnh mẽ, với vi xử lý A-12X Bionic 7nm. Vi xử lý này có 8 lõi ARM, 7 lõi GPU và một Neural Engine để phục vụ các tác vụ machine learning. Trong quá trình sử dụng các ứng dụng năng suất thông thường, hiệu năng đáp ứng tuyệt vời, chỉ có một điểm đáng tiếc là iOS vẫn có rất nhiều hạn chế khiến nó không thể sánh với macOS được.
Trước đây, đã có nhiều tin đồn rằng Apple sắp thay thế chip Intel bằng chip của riêng mình. Xa hơn, vào năm 1994, hãng đã từ bỏ kiến trúc Motorola 68000 trên những máy tính Macintosh 1984 nguyên bản để chuyển sang PowerPC được thiết kế bởi Apple/IBM/Motorola. Tiếp đó, sau 12 năm, Apple tiếp tục chuyển từ PowerPC sang vi xử lý Intel x86 vào năm 2006. Đến nay, quãng thời gian hãng sử dụng vi xử lý Intel Core đã lên đến con số 13, và năm 2020 hoặc 2021 có lẽ là deadline cho một cuộc chuyển đổi nền tảng tiếp theo.
Tất nhiên, chuyển Mac sang ARM sẽ gặp nhiều thách thức, nhưng Apple thường vẫn thích kiểm soát hệ sinh thái của họ càng nhiều càng tốt, trong quá trình đó, họ cũng ngó lơ dần các nhà cung ứng. Ví dụ, sau nhiều năm sử dụng chip đồ hoạ tích hợp Imagination Technology PowerVR, công ty công bố đã phát triển GPU riêng và không tiếp tục trả phí bản quyền cho Imagination nữa. Còn có nhiều tin đồn rằng Apple đang dự định phát triển modem di động "chính chủ" sau sự việc hãng công bố kế hoạch xây dựng một trụ sở mới ở San Diego, ngay sân sau của nhà cung ứng modem cho iPhone, cũng là kẻ dẫn đầu thị trường chip di động, Qualcomm.
Apple tuỳ tiện quyết định không trả phí bản quyền FRAND trên những chiếc iPhone cho Qualcomm, và thay vào đó là... kiện nhà cung ứng này. Bởi vụ kiện, Intel hiện đã trở thành nhà cung ứng modem cho iPhone và iPad. Nhưng điều đó sẽ kéo dài trong bao lâu? Apple có lẽ sẽ sớm thấy rằng mình quá phụ thuộc vào Intel.
Một lý do khác để Apple chuyển sang ARM là nhằm làm kéo dài Định Luật Moore. Quá trình thu nhỏ chip đang diễn ra ngày càng ít lại và khoảng cách giữa mỗi lần thu nhỏ cũng dài hơn. Trong tương lai, chúng sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào các kiến trúc mới và nhiều công nghệ điện toán phức hợp hơn. Intel tỏ ra khá chậm chạp trong ứng dụng điện toán phức hợp, còn AMD, NVIDIA, Qualcomm và các hãng khác đang dần bắt kịp xu thế. Apple cũng có thể thay đổi định nghĩa PC với vi xử lý của riêng mình.
PC nay đã tụt lại đằng sau smartphone trong thúc đẩy công nghệ cá nhân. Các vi xử lý smartphone bao gồm DSP và vi xử lý mạng thần kinh, cũng như nhiều loại cảm biến, CPU, GPU, I/O và bộ nhớ tiêu chuẩn. Chuyển từ Intel x86 sang vi xử lý dòng A của hãng là cơ hội để Apple tái phát minh máy Mac, biến nó thành một sản phẩm tập trung vào người dùng hơn. Có nghĩa là chúng ta sẽ có những chiếc máy tính gọn nhẹ hơn, linh hoạt hơn, và trực quan hơn. Đây thực sự sẽ là cơ hội để Apple tách biệt xa hơn khỏi phần đông còn lại của cả ngành công nghiệp. Các lõi CPU ARM cũng đang tiến những bước dài về mặt hiệu năng, thể hiện qua các lõi Neoverse mà ARM phát triển dành riêng cho các máy chủ đám mây và các trang thiết bị viễn thông. Tập lệnh vi xử lý Intel x86 không có lợi thế vốn có nào khi xét đến mặt hiệu năng, đơn giản là Intel luôn tối ưu các lõi và thêm vào các phần mở rộng mới. Nhưng ARM đang bắt kịp rất nhanh, trong khi vẫn duy trì mức hiệu suất trên mỗi watt tốt hơn.
Apple cũng sẽ bỏ lỡ cơ hội tham gia vào thị trường máy tính luôn kết nối (ACPC) bởi không có chiếc Mac nào được trang bị modem di động. Qualcomm và Microsoft đã và đang bán ra những chiếc máy tính chạy Windows trên nền tảng ARM với modem tích hợp. MacOS thì đòi hỏi PC phải tether đến một chiếc smartphone hoặc một modem gắn ngoài - những phương thức không thực sự mới mẻ. ACPC giúp người dùng tiện lợi hơn khi không cần phải tether từ điện thoại hoặc tìm một điểm phát sóng Wi-Fi nào, chưa kể dùng kết nối di động cũng bảo mật hơn các mạng Wi-Fi công cộng.
Liệu chúng ta sẽ có những chiếc Mac mỏng nhẹ hơn nữa như thế này khi chuyển sang vi xử lý ARM?
Cùng với các vi xử lý dòng A, Apple trong tương lai có thể phát triển công nghệ modem di động của riêng mình. Apple có thể sẽ tích hợp modem di động này vào vi xử lý dòng A, như Qualcomm, MediaTek và Samsung đã làm trong suốt nhiều năm qua. Apple đã tụt lại quá xa trong phát triển công nghệ modem, phải mất ít nhất 3 năm nữa họ mới phát triển được một chipset 5G, trong khi Qualcomm hiện đã có 1 chipset và dự kiến tung ra chipset thứ 2.
Điều này sẽ là cơ hội để Apple mang lại những cải tiến thực sự lên Mac, không chỉ những thứ lưng chừng như Touch Bar. Nó cũng sẽ liên kết chặt chẽ toàn bộ hệ sinh thái Apple, từ điện thoại đến tablet, đến PC, tất cả đều thông qua đám mây đồng nhất của Apple. Không hãng nào có khả năng đó bởi không hãng nào kiểm soát được mọi phần cứng và phần mềm trên thiết bị của họ. Các công ty như Samsung kiểm soát smartphone và phần cứng PC do họ tạo ra, và có thể đặt một lớp phần mềm tuỳ biến lên trên Android và Windows, nhưng không thể tích hợp sâu như Apple. Dòng Surface của Microsoft vẫn bị ràng buộc bởi vi xử lý Intel mà nó được trang bị.
Liệu tất cả những điều này có phải chỉ là một tin đồn (có thực) khác, như Apple TV hay xe hơi tự động Apple? Intel đang ráo riết tìm cách tái phát minh thiết kế vi xử lý của hãng, và đã thuê nhiều kiến trúc sư mới để thực hiện điều này. Kết quả, Intel sắp bước vào một tương lai đầy sáng tạo với GPU rời mới, kiến trúc chip mới, chip AI/ML mới, và mô hình điện toán phức hợp mới. Câu hỏi thực sự là liệu sự thay đổi toàn diện kia của Intel có khiến mọi nỗ lực của Apple trở nên quá chậm trễ?
Ở thời điểm này, không ai ngoài nội bộ Apple có thể khẳng định được. Có lẽ Apple đã làm gì đó rồi. Tim Cook dường như đang tập trung cắt giảm bớt chuỗi cung ứng thay vì hợp tác với các nhà cung ứng để tạo ra những sản phẩm tốt hơn. Còn vì lý do gì khác để bước vào cuộc chiến pháp lý với công ty đứng đầu thị trường là Qualcomm trong bối cảnh chuẩn 5G mới vừa chuẩn bị phổ biến, khi mà quyết định này sẽ không cho phép Apple trang bị 5G cho iPhone trong năm 2019? Loại bỏ vi xử lý Intel trên Mac để chuyển sang dùng vi xử lý dòng A chắc chắn sẽ giúp giảm giá thành chuỗi cung ứng, trong khi chẳng có bằng chứng nào cho thấy Apple sẽ giảm giá Mac cả.
Tại WWDC năm nay, chúng ta có lẽ sẽ được biết những thông tin chính thức về tương lai của MacOS trên nền tảng x86.
Tham khảo: Forbes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời