Apple ở xứ sở Trung Quốc: Cách hàng trăm triệu chiếc iPhone ra đời bằng sự tỉ mỉ đến 'điên rồ'

    Băng Băng, Nhịp sống thị trường 

    Theo FT, để sản xuất linh kiện cho hàng trăm triệu sản phẩm ở mức hoàn hảo, Apple đã dính quá sâu vào Trung Quốc đến mức chẳng còn lối thoát.

    Apple ở xứ sở Trung Quốc: Cách hàng trăm triệu chiếc iPhone ra đời bằng sự tỉ mỉ đến 'điên rồ' - Ảnh 1.

    Tỉ mỉ đến từng chi tiết

    Nguyên tắc của Apple khi tìm kiếm các nhà cung ứng luôn là sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Nguồn tin của FT cho hay những nhà cung ứng tại Trung Quốc sẽ bị tra hỏi bởi các kỹ sư của Apple, rồi các cấp quản lý cho đến khi họ kiệt quệ.

    Các kỹ sư sẽ đi hết từ cấp quản lý này đến cấp quản lý khác của hãng cung ứng để đào sâu đến từng chi tiết trước khi bắt họ ký một hợp đồng cam kết sẽ xây dựng những linh kiện theo đúng thiết kế và tiêu chuẩn riêng với số lượng cực lớn.

    “Tôi chưa bao giờ chứng kiến mức độ tỉ mỉ đến từng chi tiết như Apple đã làm”, một cựu nhân viên Apple nói với FT.

    Trên thực tế, nguyên tắc này đến từ chính Tim Cook khi vị CEO này không muốn có bất cứ trở ngại nào ngay cả với việc sản xuất một chiếc đinh ốc chỉ có giá vài penny.

    “Nếu bạn gửi cho Tim Cook một bản báo cáo thì ông ấy sẽ xem kỹ càng đến từng câu chữ và thậm chí sẽ yêu cầu bạn giải thích cặn kẽ từng chi tiết. Thật kinh ngạc khi ông ấy có thể đi từ cấp chiến lược tổng quát rồi xuống đến từng chi tiết, rồi lại quay lại như vậy”, một cựu giám đốc Apple nói với FT.

    Apple ở xứ sở Trung Quốc: Cách hàng trăm triệu chiếc iPhone ra đời bằng sự tỉ mỉ đến 'điên rồ' - Ảnh 2.

    Chính nhờ sự tỉ mỉ đến mức điên rồ này mà Apple có thể đẩy các nhà cung ứng theo kịp tiến độ phát triển. Với sự phổ biến của hệ sinh thái Apple cũng như iPhone, nhà táo khuyết có thể sản xuất lượng lớn linh kiện cho hàng trăm triệu sản phẩm với chất lượng tốt đến mức người dùng bán lại cũng thấy tiếc.

    Bên cạnh đó, sự bành trướng của Apple trên thị trường quốc tế càng khiến công ty có ưu thế về mặt đàm phán hơn.

    “Khi đàm phán thì Apple cứ như những kẻ khốn vậy. Các nhà cung ứng có thể đỏ mặt tía tai khi cho biết không thể đáp ứng yêu cầu của Apple nhưng cuối cùng thì kẻ phải xuống nước không bao giờ là nhà táo khuyết”, 3 cựu nhân viên phụ trách đàm phán của Apple nói.

    Thế nhưng sự cứng rắn của Apple cũng đem lại lợi ích thực tế cho cả đôi bên. Vào thời điểm nhà cung ứng Foxconn bắt đầu lắp ráp linh kiện cho iMacs năm 2000, họ có 3 tỷ USD doanh thu và chỉ bằng một nửa so với đối thủ Flextronics. Tuy nhiên vào năm 2010, con số này đã lên đến 98 tỷ USD và còn lớn hơn tổng doanh thu của 5 đối thủ lớn nhất của Foxconn cộng lại.

    Canh bạc của Foxconn

    Tờ FT nhận định sự bành trướng của Apple được chính phủ Trung Quốc chào đón nhờ tạo thêm được việc làm, đào tạo các chuyên gia bản địa, nhận thêm được đơn hàng từ tập đoàn quốc tế và là tiền đề cho sự bùng nổ công nghệ sau này.

    Những địa phương nơi Apple có nhà máy cung ứng thường được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, thuê được những khu phức hợp bao gồm nhà ở cho công nhân, nhà kho, gần đường cao tốc và máy bay.

    Năm 2009, chính quyền Bắc Kinh tung ra gói kích cầu kinh tế lớn trị giá 1,4 nghìn tỷ USD cho vay ưu đãi, với một nửa được đổ vào phát triển cơ sở hạ tầng nhằm nhanh chóng vực dậy lại nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008.

    Đây cũng là thời điểm Apple có sự đột phá với iPhone 4 cũng như ra mắt chiếc iPad đầu tiên vào năm 2010.

    Cũng vào khoảng thời gian này, Foxconn nhận được đơn hàng lắp ráp của Apple sau khi nhà sáng lập Terry Gou đã có cuộc gặp với Tim Cook. Chính ông Gou đã nhận định rằng Apple đang đánh giá thấp khả năng của mình và doanh số của họ sẽ còn bùng nổ nhiều hơn thế.

    Sự tự tin của Gou đã dẫn đến việc Foxconn xây dựng khu nhà máy lớn ở Trịnh Châu, sau này được gọi là “thành phố iPhone”, và Thành Đô, sau này được gọi là “thành phố iPad”.

    Canh bạc của Gou đã chính xác khi doanh số thường niên của iPhone tăng 4 lần trong khoảng 2009-2011 lên 93 triệu chiếc, còn iPad thì đạt 15 triệu chiếc trong 9 tháng đầu tiên ra mắt.

    Vào tháng 10/2010, nhà máy của Foxconn ở riêng Thâm Quyến đã có đến 500.000 nhân công sản xuất cho Apple với năng suất kinh khủng. Chuyên gia Ken Moon tại Wharton nhận định hiệu suất của lao động Trung Quốc thời kỳ này lên đến 300% và cao gấp nhiều lần so với toàn bộ lao động khác trên thế giới.

    Apple ở xứ sở Trung Quốc: Cách hàng trăm triệu chiếc iPhone ra đời bằng sự tỉ mỉ đến 'điên rồ' - Ảnh 3.

    Chính bản thân Apple cũng đã từng ước tính kể từ năm 2008 đến nay, họ đã đào tạo ít nhất 23,6 triệu lao động.

    Không dừng lại ở đó, Foxconn còn cung ứng chi phí nhân công giá rẻ cùng với lượng lao động dồi dào, được đào tạo tốt và có thể hoàn thành đơn hàng bất kỳ khi nào Apple muốn.

    CEO Tim Cook từng ví von rằng Apple chẳng thể sản xuất tại Mỹ cũng chỉ bới thiếu chuỗi cung ứng cần thiết.

    “Tất cả những nhà cung ứng linh kiện tại Mỹ chắc sẽ chẳng đủ để lấp đầy khán phòng mà tôi đang phát biểu. Thế nhưng tại Trung Quốc, bạn sẽ cần diện tích tương đương vài thành phố để lấp đầy những nhà cung ứng”, Tim Cook thừa nhận.

    Không lối thoát

    Tờ FT nhận định mối quan hệ giữa Apple và Trung Quốc là song thắng. Nguồn tin từ 3 nhân viên từng làm việc cho cả Apple lẫn các đối thủ nhận định khi những hãng smartphone khác muốn đuổi theo nhà táo khuyết thì họ buộc phải cậy nhờ vào nguồn cung tại Trung Quốc.

    Để làm được điều này, một trong những điều kiện tiên quyết là phải hy sinh một phần bản quyền công nghệ để có thể tăng tốc sản lượng.

    “Họ đều phải chấp nhận đánh đổi”, giám đốc Horace Dediu của Asymco cho biết.

    Về phía Apple, để duy trì được nguồn cung ứng mạnh mẽ thì họ cũng giúp các nhà máy tại Trung Quốc có thêm hợp đồng, đồng thời giúp nền công nghệ sản xuất của Trung Quốc được phát triển, qua đó gián tiếp chuyển mảng thiết bị điện tử từ Phương Tây về đây.

    Số liệu của Bloomberg Intelligence cho thấy tính đến hiện tại, Trung Quốc chiếm đến 70% sản xuất smartphone trên thế giới. Đặc biệt hơn là hệ thống chuỗi cung ứng của nền kinh tế này ở một mức độ mà rất khó để bất kỳ thị trường nào sao chép được trong ngắn hạn.

    “Đây là một hệ sinh thái cung ứng cực kỳ hoàn thiện và hiệu quả ở Trung Quốc”, nhà sáng lập Jay Goldberg của D/D Advisors thừa nhận.

    Để so sánh trực quan, vào năm 2021, số doanh nghiệp đạt chứng chỉ chất lượng ISO 9001 tại Trung Quốc là 426.716 tổ chức, chiếm 42% tổng số trên toàn cầu. Con số này tại Mỹ chỉ vào khoảng 25.561 còn tại Ấn Độ là 36.505.

    Thế nhưng sự ràng buộc quá mức này lại đang khiến Apple gặp rắc rối khi Trung Quốc trỗi dậy trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới. Sức ép từ các chính trị gia Mỹ buộc Apple phải dịch chuyển sản xuất qua nơi khác nhằm hạn chế tạo điều kiện phát triển công nghệ ở Trung Quốc, thế nhưng điều này chẳng dễ dàng.

    “Việc thay đổi cả một hệ thống cung ứng là điều chẳng hề dễ với Apple. Bạn không thể chỉ chuyển nhà máy sản xuất sang nơi khác khi không có chuỗi cung ứng với tiêu chuẩn được xây dựng nhiều năm tại Trung Quốc”, chuyên gia Goldberg nhận định.

    Apple ở xứ sở Trung Quốc: Cách hàng trăm triệu chiếc iPhone ra đời bằng sự tỉ mỉ đến 'điên rồ' - Ảnh 4.

    Ví dụ như ở nhà máy Foxconn, nếu họ muốn lắp đặt máy hàn siêu âm (Sonic Welder) thì chỉ cần gọi bất kỳ công ty vận hành nào để xây dựng dây chuyền cũng như thuê lao động tại Trung Quốc. Tuy nhiên điều này không thể làm được dễ dàng ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

    “Trung Quốc có rất nhiều những công ty cung ứng, đặc biệt là những hãng làm trong thị trường ngách mà không một thị trường nào khác trên thế giới có được khả năng như vậy”, ông Goldberg nhấn mạnh.

    “Apple đã phát triển tại Trung Quốc hết mức có thể và hậu quả là họ đang không thể tách ra được...Sự thật là sẽ chẳng có lối thoát nào đâu”, tác giả Aaron Friedberg của “Getting China Wrong” nhận định.

    (Còn tiếp)

    *Nguồn: FT

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ