Apple ra mắt tính năng mới trong iOS 13 giúp bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, hoàn toàn miễn phí nhưng có "cái giá" lại không hề rẻ
Apple muốn bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, nhưng họ cũng phải ký vào bản cam kết gắn bó với Apple mãi mãi.
Thay vì iPhone và các thiết bị phần cứng, giờ đây Apple muốn bán cho người dùng những dịch vụ mới như nghe nhạc, tạp chí, game và truyền hình trực tuyến. Nhưng bên cạnh đó, với iOS 13 Apple còn muốn bán thêm cho người dùng một loại dịch vụ hoàn toàn mới. Đó chính là quyền riêng tư, và để có thể bảo vệ thông tin cá nhân của mình thì người dùng sẽ phải ký cam kết gắn bó với Apple.
Một tính năng mới vừa được Apple ra mắt cùng với iOS 13, đó là “Sign in with Apple”, mà sẽ làm thay đổi cách người dùng truy cập vào các ứng dụng trên iPhone. Thay vì đăng ký tài khoản với email cá nhân, hoặc sử dụng tài khoản mạng xã hội như Facebook và Google, người dùng có thể đăng nhập ứng dụng bằng Apple ID của mình.
Khi mở các ứng dụng đòi hỏi phải đăng ký tài khoản, người dùng có thể bấm vào “Sign in with Apple” và sau đó xác thực bằng Face ID hoặc Touch ID. Tính năng này sẽ tạo một địa chỉ ID ngẫu nhiên, mà ngay cả bạn cũng không cần biết địa chỉ ID đó là gì. Địa chỉ này được cung cấp cho nhà phát triển, để giúp họ quản lý các thông tin của bạn khi sử dụng ứng dụng.
Nếu ứng dụng yêu cầu bạn đăng ký một địa chỉ email, Sign in with Apple cũng có thể tạo một địa chỉ email ngẫu nhiên để cung cấp cho nhà phát triển. Điều đó có nghĩa là địa chỉ email cá nhân của bạn sẽ được giữ bí mật, và mọi email mà ứng dụng gửi đến sẽ được tự động chuyển tiếp về email cá nhân, tương tự nếu bạn muốn gửi phản hồi.
Dịch vụ Sign in with Apple này sẽ được ra mắt cùng với iOS 13, và nó sẽ hoàn toàn miễn phí. Nhưng để sử dụng được, chiếc iPhone của bạn cần phải được hỗ trợ nâng cấp lên iOS 13. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải từ bỏ chiếc iPhone 6 cũ của mình, để mua một chiếc iPhone mới hơn, vì iOS 13 đã không còn hỗ trợ các thiết bị từ iPhone 6 trở xuống.
Sign in with Apple là một nỗ lực lớn nhằm bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Trong khi Facebook và Google đều cung cấp tính năng đăng nhập tương tự, bạn không cần tạo tài khoản mới mà chỉ cần liên kết tài khoản mạng xã hội đã có để truy cập vào ứng dụng. Dịch vụ của hai gã khổng lồ internet này đều cho phép truy cập vào toàn bộ dữ liệu cá nhân của người dùng.
Apple sẽ bắt buộc các nhà phát triển phải tích hợp Sign in with Apple vào ứng dụng của mình, nếu như ứng dụng này cũng có tính năng đăng nhập bằng Facebook hoặc Google. Tất nhiên các nhà phát triển sẽ không thích điều đó, bởi Sign in with Apple sẽ khiến họ không thu thập được bất kỳ dữ liệu nào từ người dùng. Nhưng nó sẽ rất có lợi đối với người dùng.
Apple cho thấy quyền riêng tư cũng có thể trở thành một loại dịch vụ, mà nếu người dùng muốn bảo vệ các thông tin cá nhân của mình thì sẽ phải cam kết với việc sử dụng các thiết bị của Apple. Vì vậy, mặc dù những tính năng bảo vệ quyền riêng tư của Apple là miễn phí, nhưng nó cũng giúp thúc đẩy người dùng phải nâng cấp thiết bị mới hoặc chuyển từ các nền tảng khác sang iOS.
Đây có thể là một bước đi thông minh của CEO Tim Cook, khi mà hệ điều hành Android vẫn luôn là nỗi ác mộng của các vấn đề bảo mật quyền riêng tư. Nhưng mỗi cái đều có giá của nó, nếu người dùng chấp nhận bị khai thác thông tin cá nhân, họ lại có thể sử dụng các dịch vụ miễn phí và các thiết bị có mức giá hấp dẫn hơn. Vì vậy mà có thể thấy cái giá của quyền riêng tư trong thời buổi internet và mạng xã hội phát triển như hiện nay thực sự không hề rẻ.
Tham khảo: Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?