"Apple, Samsung, Qualcomm đều dùng chung 1 cách sạc nhanh, sao Oppo lại phải làm khác?"
Bất chấp sự phản đối từ chính các đồng nghiệp, Zhang đã chứng minh giải pháp ưu việt của mình và đem lại cho Oppo tốc độ sạc nhanh vượt trội hơn hẳn đối thủ.
Những chiếc iPhone mới đang dẫn đầu về hiệu năng trên smartphone, nhưng đi kèm với chiếc iPhone XS 1.200 USD chỉ là củ sạc 5W lỗi thời, và cần đến 3 giờ để sạc đầy. Chiếc iPhone XS Max thậm chí còn cần thêm nửa giờ sạc nữa.
Thế nhưng trong thế giới điện thoại Android, sạc nhanh đã trở thành một tiêu chuẩn và những chiếc flagship Android đều có thời gian sạc pin rất ấn tượng, thường chỉ bằng 1/3 hoặc thậm chí ít hơn iPhone. Ví dụ Huawei Mate 20 Pro chỉ mất 45 phút để sạc đầy, còn với Samsung Galaxy Note9 thời gian là 1 giờ 10 phút.
Thế nhưng thời gian sạc pin ấn tượng hơn cả lại thuộc về chiếc Oppo Find X phiên bản Lamborghini, với khả năng sạc từ 0 lên 100% chỉ trong 35 phút. Ngay cả chiếc Find X phiên bản tiêu chuẩn cũng sạc đầy chỉ trong vòng 45 phút. Thậm chí nếu bạn bỏ ra 50 USD để có được bộ sạc nhanh của iPhone, chiếc iPhone XS cũng mất đến khoảng một giờ để sạc đầy.
Oppo (cả OnePlus cũng dùng chung công nghệ sạc của Oppo) có thể đạt được tốc độ sạc nhanh vượt trội này là nhờ sử dụng công nghệ sạc khác thường so với cả ngành công nghiệp. Phần lớn các công nghệ sạc nhanh - từ Quick Charge của Qualcomm cho tới phiên bản trên Apple và MediaTek, đều sử dụng điện thế cao, cường độ dòng thấp để truyền năng lượng cho thiết bị. Tuy nhiên, Oppo và OnePlus lại có cách tiếp cận khác.
Một điều cần chú ý là Oppo và OnePlus là hai thương hiệu khác nhau, dù cùng một nhà sở hữu (Oppo tập trung hơn vào Trung Quốc, còn OnePlus hướng tới thị trường phương Tây), do vậy mỗi thương hiệu lại quảng bá một cách riêng biệt về công nghệ sạc nhanh của mình. Oppo gọi công nghệ của mình là VOOC (Voltage Open Loop Multi-step Constant-Current), còn OnePlus là Dash, dù cùng một công nghệ.
"Tại sao chúng ta lại phải làm khác đi?"
Trong điện học, điện thế là nguyên nhân, còn dòng điện là hệ quả. Điện thế là lực đẩy dòng điện đi từ điểm A sang điểm B - cũng như mã lực của động cơ đẩy chiếc xe tiến về phía trước. Trong khi đó, cường độ dòng điện là tốc độ dòng mang điện chạy qua một điểm nào đó - giống như tốc độ thực của một chiếc xe đang di chuyển.
Trong khi các công nghệ sạc nhanh chủ yếu đang đi theo hướng gia tăng điện thế, công nghệ VOOC của Oppo lại ưu tiên gia tăng cường độ dòng điện. Điều này cũng tương tự như việc một số nhà sản xuất ô tô ưu tiên gia tăng mã lực, trong khi những người khác tập trung vào việc đạt tới tốc độ hiệu quả cao nhất khi di chuyển.
Ý tưởng về công nghệ sạc này đến từ Zhang Jialiang, một kỹ sư tại Oppo, vào năm 2012, khi kỹ sư 35 tuổi này kết luận rằng giải pháp điện thế cao, dòng điện thấp mà các công ty đang sử dụng hiện tại có một giới hạn.
“Điện thế cao khi sạc vốn đã bị giới hạn bởi các định luật vật lý.” Zhang cho biết. “Bởi vì có rất nhiều năng lượng bạn có thể truyền qua trước khi dòng điện bị thắt cổ chai trong lúc nạp vào điện thoại, làm cho thiết bị nóng lên.”
Thay vào đó, Zhang chọn cách làm hiệu quả hơn, an toàn hơn, đó là sử dụng các giải pháp thông minh để giúp dòng điện sạc có được tốc độ và hiệu quả. Để làm vậy, Zhang và nhóm của mình xây dựng một đầu sạc “thông minh” để giới hạn điện thế ở mức cố định trước khi nạp vào bản mạch điện thoại. Các vấn đề đối với dòng điện cường độ cao sẽ được giải quyết bằng cách sử dụng một sợi cáp sạc lớn hơn và dày hơn.
Có thể so sánh phương pháp này với việc tăng thêm số làn đường trên cao tốc để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông thay vì yêu cầu lái xe ô tô chạy nhanh hơn.
Zhang và nhóm của mình phải tự bỏ tiền túi ra mua các thiết bị thay thế này để thử nghiệm giải pháp của mình.
Mặc dù vậy, ban đầu ý tưởng này của Zhang bị từ chối. “Đồng nghiệp của tôi hỏi, “nếu Apple, Samsung, Huawei và Qualcomm đều đang làm theo cùng một cách, tại sao chúng ta lại cần làm khác đi.” Zhang cho biết. “Đấy là chưa kể phương pháp của tôi sẽ làm tăng chi phí sản xuất cho củ sạc và cáp sạc.”
Việc thiếu sự hỗ trợ chính thức không cản trở Zhang. Gia nhập Oppo từ năm 2004 khi công ty vẫn còn là nhà sản xuất máy nghe nhạc MP3 - Zhang có đủ ảnh hưởng để mượn phòng thí nghiệm của công ty để tự do nghiên cứu. Sau giờ làm ở trung tâm nghiên cứu của Oppo, anh tự mình phát triển công nghệ sạc dùng điện thế thấp và cường độ dòng lớn. Bên cạnh đó anh cũng thuyết phục thêm một số đồng nghiệp để hỗ trợ cho dự án bí mật của mình.
Sạc nhanh nhưng không nguy hiểm
Một năm sau, Zhang và nhóm của mình trình diễn một nguyên mẫu công nghệ VOOC này. Ấn tượng với kết quả hoạt động của nguyên mẫu, COO của Oppo và cấp trên trực tiếp của Zhang, Mac Zeng đã chấp thuận đưa công nghệ này vào chiếc flagship của Oppo năm 2014, Find 7.
Chiếc Oppo Find X Plus chỉ mất 35 phút để sạc từ 0% tới 75%.
Vào thời điểm đó, việc chỉ mất 50 phút để sạc từ 0 tới 100% của Find X đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của các nhà đánh giá, nhưng Oppo vẫn là thương hiệu điện thoại chủ yếu sử dụng ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Chỉ đến khi OnePlus 3 - thương hiệu điện thoại hướng đến thị trường châu Âu và Mỹ - chấp nhận trang bị công nghệ này vào năm 2016, khả năng sạc nhanh của họ mới bắt đầu lan rộng trên các trang truyền thông bằng tiếng Anh.
Không chỉ sạc nhanh hơn, giải pháp của Zhang còn không làm cho điện thoại bị nóng trong lúc sạc. Trên các thiết bị sử dụng giải pháp Quick Charge của Qualcomm, điện thoại nóng lên đáng kể trong lúc sạc. Điều này đặc biệt đáng ngại nếu bạn vừa sạc điện thoại vừa chơi game hoặc xem phim.
Tuy nhiên, giải pháp này cũng có nhược điểm: Oppo và OnePlus buộc phải dùng loại củ sạc và dây sạc riêng để có được tốc độ cao. Nếu bạn sạc cho điện thoại của mình bằng dây sạc và củ sạc thường, tốc độ sạc chỉ ngang bằng tốc độ sạc chậm thông thường.
Cổng cắm Micro-USB với 7 chân tiếp xúc để sạc nhanh của riêng Oppo.
Kể từ khi Find 7 ra mắt cho đến nay, Zhang và nhóm của mình đã liên tục cải thiện VOOC. Và chiếc Find X phiên bản Lamborghini và chiếc R17 Pro ra mắt gần đây là một bước cải thiện đáng kể so với các thế hệ trước khi có thể sạc từ mức pin cạn kiệt lên đầy 100% chỉ trong vòng 35 phút. Được đặt tên là “Super VOOC”, công nghệ này sử dụng thiết kế pin tế bào kép (bi-cell battery) để đạt được tốc độ kinh hoàng này.
Ý tưởng đằng sau nó rất thông minh, nhưng cũng rất đơn giản. Pin sạc nhanh nhất trong giai đoạn giữa - tốc độ sạc từ 30% lên 80% sẽ nhanh hơn từ 90-100%, bởi vì trong giai đoạn cuối, dòng sạc sẽ bắt đầu giảm xuống. Bằng cách chia viên pin 3.700 mAh thành hai tế bào, quá trình sạc sẽ vào giai đoạn giữa sớm hơn, dẫn đến sạc đầy sớm hơn.
Dù có tốc độ sạc ấn tượng, nhưng nhiều người lo ngại rằng, sạc không dây có thể làm cho nó trở nên lỗi thời khi tính năng này đang được trang bị trên ngày càng nhiều các flagship mới ra mắt. Tuy nhiên, Zhang không lo ngại về điều đó.
Anh tin rằng, tốc độ của sạc không dây sẽ không bao giờ bắt kịp với sạc có dây. Sạc không dây có thể phù hợp với những người sạc qua đêm hoặc trên bàn làm việc, nhưng với người chỉ có một chốc lát để sạc, sạc nhanh với cáp vẫn được ưu tiên hơn.
Thêm vào đó, Zhang cho biết, anh và nhóm của mình đang tích cực nghiên cứu về công nghệ sạc nhanh không dây, và “đã có được các bước đột phá.” Dù vậy, anh không sẵn sàng thông báo bất cứ điều gì về công nghệ này, nhưng có thể đó là điều gì đó khác biệt hoàn toàn với những gì các đối thủ khác đang làm.
Tham khảo Forbes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4