Apple ‘trên bàn mổ’: Hàng chục tỷ USD từ chợ ứng dụng App Store thành cái cớ để nhiều quốc gia xâu xé, đến lượt Trung Quốc ‘khai đao’
Việc Apple bị mất cân bằng kinh doanh, doanh số bán iPhone giảm nhưng thu phí chợ ứng dụng từ công ty, người dùng Trung Quốc lại tăng đang khiến tập đoàn này rơi vào thế nguy hiểm.
- Có thể bạn chưa biết, pin Mặt Trời đã xuất hiện cách đây 140 năm!
- Máy bay năng lượng mặt trời Sceye HAPS: Giải pháp đột phá cho truy cập internet ở các khu vực xa xôi
- Lộ thư mời sự kiện iPhone 16 khiến cộng đồng mạng xôn xao, hóa ra là hàng fake của AI!
- ASUS trình làng loạt laptop Gaming AI: Trái tim "khủng long" trong thân xác mỏng nhẹ, dùng chip AMD Ryzen AI, giá từ 45 triệu đồng
- Loạt vòng đeo tay thông minh giá dưới 1 triệu cực kỳ đáng mua: Top 1 không thể không kể tới mẫu smartband "quốc dân"
Tờ Nikkei Asian Review nhận định chợ ứng dụng AppStore từng là con gà đẻ trứng vàng cho nhà Apple, thế nhưng giờ đây chúng lại đang trở thành cái cớ cho hàng loạt quốc gia, từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cho đến Liên minh Châu Âu (EU) kiện cáo nhà táo khuyết.
Với khoản phí 30% hoa hồng trên App Store, rất nhiều doanh nghiệp công nghệ và thậm chí là nhà hoạch định chính sách cho rằng Apple đang độc quyền và hủy hoại sự phát triển của toàn ngành.
Giờ đây, đến lượt thị trường Trung Quốc bắt đầu "khai đao".
Xâu xé
Ngày 12/6/2024, Nhật Bản đã thông qua đạo luật mới nhằm cắt giảm tỷ lệ phần trăm hoa hồng mà Apple được nhận trên chợ ứng dụng App Store của mình. Đạo luật này sẽ được áp dụng hoàn toàn sau 18 tháng, khiến tỷ lệ phí App Store giảm từ 30% xuống chỉ còn 17%, thấp nhất tại Đông Á.
Ngoài ra, Apple cũng bị cấm độc quyền chợ App Store trên thiết bị của mình cũng như độc quyền về nền tảng thanh toán. Như vậy các thiết bị như iPhone tại Nhật có thể chấp nhận chợ ứng dụng và nền tảng thanh toán của bên thứ 3.
Nếu vi phạm, Apple sẽ bị phạt đến 30% doanh thu thường niên.
Trước đó, Hàn Quốc đã dẫn đầu Đông Á khi áp luật mới vào năm 2021, yêu cầu Apple không được độc quyền nền tảng thanh toán trên thiết bị của mình và phải chấp nhận bên thứ 3.
Cuối năm 2023, Hội đồng viễn thông Hàn Quốc (KCC) cáo buộc Apple và Google vi phạm quy định, đồng thời cảnh cáo mức phạt lên đến 50,5 triệu USD nếu 2 doanh nghiệp này không tuân thủ luật pháp.
Tuy nhiên, đòn đánh đau nhất với Apple phải kể đến EU khi ngày 24/6 vừa qua, nền kinh tế này đã cáo buộc nhà táo khuyết vi phạm các quy định về tự do sử dụng nền tảng thanh toán trên sản phẩm công nghệ.
"Trong một thời gian dài, Appke đã bóp nghẹt sự đổi mới của các doanh nghiệp, từ chối cơ hội lựa chọn của người tiêu dùng. Giờ đây, chúng ta sẽ tiến thêm một bước để buộc Apple và hệ điều hành iOS của họ phải tuân thủ luật pháp", Ủy viên Thierry Breton của EU cho biết.
Trước đó vào tháng 3/2024, EU đã phạt Apple 1,8 tỷ Euro, tương đương 2 tỷ USD vì vi phạm luật chống độc quyền mảng phát hành âm nhạc trên chợ ứng dụng.
Theo quy định mới, chợ App Store sẽ phải giảm mức phí hoa hồng từ 30% xuống còn 17%, đồng thời hệ điều hành iOS 17.4 sẽ phải chấp nhận nền tảng thanh toán của bên thứ 3, chợ ứng dụng của bên khác cũng như cho phép tải xuống phần mềm từ bên ngoài.
Nếu vi phạm, Apple sẽ bị phạt đến 5% tổng doanh thu hàng ngày, tương đương khoảng 1 tỷ USD tiền phạt.
Khai đao
Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của Apple tính theo doanh thu và nền kinh tế này hiện vẫn chấp nhận mức phí 30% của App Store.
Tuy nhiên do có hệ sinh thái Internet khác so với thế giới, khi người dùng chủ yếu dùng thiết bị nội địa, các nền tảng phát triển bởi Trung Quốc nên hành vi của Apple chưa gây bức xúc nhiều như các quốc gia khác.
Thêm nữa, chuỗi cung ứng của Apple đặt chủ yếu tại Trung Quốc nên nền kinh tế này vẫn cần sự hiện diện của nhà táo khuyết để thúc đẩy ngành công nghệ.
Năm 2023, doanh thu của Apple tại Trung Quốc đạt 529,8 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 74 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang đặt những viên gạch đầu tiên cho việc xử lý mức phí hoa hồng quá cao của Apple thông qua dự thảo luật cạnh tranh công bằng FCRR.
Dẫu vậy, vì chuỗi cung ứng của Apple đặt chủ yếu tại Trung Quốc nên việc xử lý việc này thế nào vẫn cần các nhà hoạch định chính sách suy xét cẩn thận.
Nhiều nghiên cứu cho thấy mô hình kinh doanh của Apple tại Trung Quốc đã dần mất cân bằng kể từ năm 2022. Dù doanh số bán iPhone giảm tốc nhưng doanh thu từ chợ ứng dụng App Store lại liên tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Doanh thu từ chợ ứng dụng của Apple đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2015 dù doanh số iPhone giảm 10%.
Tổng doanh thu toàn cầu năm tài khóa 2023 của Apple đạt 383,3 tỷ USD thì phí hoa hồng từ chợ App Store đóng góp đến 22 tỷ USD. Hiện chợ ứng dụng này đang đóng góp đến gần 34% tổng doanh thu mảng dịch vụ của nhà táo khuyết.
Điều này đi ngược lại mong muốn của chính quyền Bắc Kinh khi kỳ vọng Apple sẽ phát triển ngành công nghệ, sản xuất và tạo việc làm chứ không phải bòn rút doanh thu từ doanh nghiệp Trung Quốc.
Những tập đoàn công nghệ của Trung Quốc như ByteDance hay Tencent sẽ phải thanh toán 30% phí hoa hồng cho Apple khi người dùng iPhone mua sắm, sử dụng và chi tiêu trên thiết bị này.
Trong khi đó, nhiều nhà phát triển game nhỏ tại Trung Quốc cho biết mức phí 30% là quá cao. Những doanh nghiệp này chỉ có chưa đến 10 nhân viên với biên lợi nhuận chưa đến 12% và mức phí này khiến họ dễ rơi vào cảnh phá sản.
Như vậy với mục tiêu giải quyết số người thất nghiệp cao, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, Trung Quốc có khả năng sẽ nối gót các nền kinh tế khác và "khai đao" với Apple.
"Việc Apple tiếp tục giữ mức phí chợ ứng dụng App Store quá cao tại Trung Quốc đang gây bất bình với người tiêu dùng. Về dài hạn, tôi không nghĩ họ có thể tiếp tục làm điều đó tại Trung Quốc", chuyên gia Zhang Ying tại China Going Global nhận định.
*Nguồn: Nikkei
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương