Apple và tiếng xấu ‘đạo sĩ’ trong giới big-tech: Tiếp cận công ty nhỏ rồi 'chôm' công nghệ để làm Apple Watch, AirTag và nhiều thứ khác

    Thùy An, Nhịp sống thị trường 

    Việc được Apple để mắt và mời gọi hợp tác đôi khi lại là ‘nụ hôn thần chết’ với các công ty nhỏ.

    Apple và tiếng xấu ‘đạo sĩ’ trong giới big-tech: Tiếp cận công ty nhỏ rồi 'chôm' công nghệ để làm Apple Watch, AirTag và nhiều thứ khác - Ảnh 1.

    Là một công ty công nghệ nhỏ, nếu được các ‘ông lớn’ như Apple để mắt tới sản phẩm của mình và ngỏ ý hợp tác, hẳn đây là một niềm vinh dự cũng như cơ hội lớn lao. Nhưng trên thực tế thì không phải lúc nào cũng vậy.

    Trong giới công nghệ, nhiều công ty lớn được cho là hay dùng ‘chiêu trò’ để lôi kéo nhân viên và khai thác công nghệ của các đối thủ nhỏ. Apple cũng không phải ngoại lệ khi từng bị mang tiếng xấu lách luật bằng sáng chế của Mỹ để chèn ép các công ty nhỏ không dưới một lần trong quá khứ.

    Tờ Wall Street Journal miêu tả rằng, đầu tiên Apple chọn một mảng công nghệ và thị trường mới, tiếp cận các công ty có tiềm năng rồi tiến hành các cuộc đàm phán hợp tác. Apple có thể mời chào đầu tư mạnh vào công nghệ đó hoặc mua lại cả công ty. Tuy nhiên, cuối cùng Apple lại chỉ lôi kéo nhân viên của đối thủ hoặc tìm cách học lấy công nghệ rồi tự làm.

    Apple Watch, AirTag... đều là đồ ‘ăn cắp công nghệ’?

    Apple Watch chính là một ví dụ điển hình và được cho là một sản phẩm ‘học lỏm’ công nghệ từ một công ty nhỏ tên là Masimo. Đây là công ty công nghệ y tế chuyên sản xuất các máy cảm biến đo độ bão hòa oxy trong máu. Thiết bị này cực kỳ quan trọng trong thời kỳ đại dịch để phát hiện triệu chứng nhiễm Covid. Masimo đã và đang là công ty dẫn đầu trong mảng này trong suốt nhiều năm.

    Apple và tiếng xấu ‘đạo sĩ’ trong giới big-tech: Tiếp cận công ty nhỏ rồi 'chôm' công nghệ để làm Apple Watch, AirTag và nhiều thứ khác - Ảnh 2.

    Apple bắt đầu liên hệ với Masimo vào khoảng năm 2013 khi công ty đang phát triển sản phẩm đồng hồ thông minh Apple Watch. Apple ngỏ ý đầu tư và hợp tác với mong muốn lắp đặt cảm biến của Masimo vào chiếc Apple Watch.

    Tưởng rằng cánh cửa cơ hội đã rộng mở trước mắt, hóa ra cuối cùng Apple lại dùng mức lương gấp đôi để lôi kéo đi biết bao nhiêu nhân viên của Masimo, bao gồm luôn cả giám đốc chuyên môn. Theo lời kể của Joe Kiani, CEO của Masimo, Apple trấn an anh, bảo rằng không cần phải lo lắng chuyện giám đốc chuyên môn rời đi, hai công ty vẫn sẽ tiếp tục bàn bạc về việc hợp tác như thường.

    Đến năm 2019, Apple công bố một loạt bằng sáng chế một công nghệ cực kỳ giống với của Masimo. Một năm sau đó, Apple Watch thế hệ 6 có gắn cảm biến đo độ bão hòa oxy trong máu được tung ra.

    Đến đây, CEO của Masimo không còn nghi ngờ gì nữa mà đã khẳng định rằng Apple chỉ giả bộ hợp tác để đành cắp công nghệ.

    Apple chỉ đáp rằng công ty không hề ăn cắp công nghệ của ai và luôn tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Các công ty nhỏ là nạn nhân của Apple thường phản kháng bằng một trong hai cách: lên tiếng công khai để thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý hoặc đâm đơn kiện Apple ra tòa. Masimo đã chọn cách thứ hai và kiện Apple lên tòa án bang vào năm 2020.

    Ngoài Masimo, Blix Inc. cũng cáo buộc Apple đánh cắp kỹ thuật ẩn danh địa chỉ email của họ để ra mắt tính năng ‘Đăng nhập bằng Apple’ vào năm 2019. Tile Inc. nhà sản xuất thiết bị định vị cũng chính thức đối đầu với Apple sau khi AirTag, một sản phẩm dựa trên công nghệ tương tự, được ra mắt vào năm 2021.

    Apple và tiếng xấu ‘đạo sĩ’ trong giới big-tech: Tiếp cận công ty nhỏ rồi 'chôm' công nghệ để làm Apple Watch, AirTag và nhiều thứ khác - Ảnh 3.

    Apple đã ‘lách luật’ sở hữu trí tuệ như thế nào?

    Tờ Wall Street Journal đã phân tích cách Apple ‘lách luật’ sở hữu trí tuệ ở Mỹ. Các nhà hoạt động trong giới phát minh và sở hữu bằng sáng chế cho rằng trong mười năm trở lại đây, hệ thống luật sở hữu trí tuệ của Mỹ ngày càng nghiêng về phía có lợi cho các công ty lớn. Năm 2011, Đạo luật Sáng chế Hoa Kỳ được thông qua, mở đầu cho sự ra đời của một cơ quan tên là Hội đồng Xét xử và Kháng cáo Bằng sáng chế.

    Theo đó, nếu công ty A bị cáo buộc tự ý sử dụng phát minh của bên B, công ty A được phép đứng lên chứng minh rằng bằng sáng chế cấp cho bên B là sai, là vô giá trị. Nếu thành công, công ty A sẽ được tiếp tục sử dụng phát minh đó thoải mái. Hệ thống này tiện lợi ở chỗ, công ty A không cần mất thời gian và tiền của để đâm đơn kiện lên tòa án theo cách thông thường. Thay vào đó, làm việc trực tiếp với Hội đồng Xét xử và Kháng cáo Bằng sáng chế nhanh gọn và ít tốn kém hơn rất nhiều.

    Apple và tiếng xấu ‘đạo sĩ’ trong giới big-tech: Tiếp cận công ty nhỏ rồi 'chôm' công nghệ để làm Apple Watch, AirTag và nhiều thứ khác - Ảnh 4.

    Những người đối đầu với Apple cho biết, công ty đã trở thành ‘khách quen’ của hội đồng này, liên tục lấn át các công ty nhỏ bằng cách tung ra hàng loạt khiếu nại ngay cả đối với những bằng sáng chế không liên quan tới tranh chấp hiện có.

    Nhờ đó, Apple đã vô hiệu hóa hàng trăm bằng sáng chế của hàng chục công ty nhỏ khác. Các công ty nhỏ không phải lúc nào cũng đủ tài lực để theo đuổi kiện tụng và đối đầu với Apple trước tòa án hay hội đồng. Masimo cho biết tính đến nay họ đã tiêu tốn 55 triệu USD vào việc chạy đua trên pháp đình với Apple và dự kiến sẽ còn phải mất thêm hơn 100 triệu USD nữa.

    Do đó, đây là cách Apple sử dụng thường xuyên khi có công nghệ nào đó ‘lọt vào mắt xanh’ của họ. Lời mời hợp tác của Apple đôi khi lại là ‘nụ hôn thần chết’ đối với các công ty nhỏ.

    Tham khảo từ: Wall Street Journal

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày