Bác sĩ người Việt biến niềm đam mê những vết thương thành công ty 700 triệu USD tại Singapore
"Tôi nghĩ rằng rất nhiều người sẽ cố gắng để đạt được điều tương tự”.
Nhìn thấy một vết thương, nhiều người sẽ quay mặt đi, phần vì sợ hãi, phần vì e ngại. Điều đó không đúng với phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phan Toàn Thắng. Ông nhìn thấy điều kì diệu bên trong chúng.
“Tôi thích những vết thương. Tôi thấy việc chữa lành chúng là một điều thật tuyệt vời”, bác sĩ Thắng nói. Đó thực sự là niềm đam mê của một nhà khoa học chân chính. Niềm đam mê sau này đã dẫn dắt ông đến với những phát hiện khoa học giá trị và trở thành đồng sáng lập một công ty công nghệ sinh học trị giá 700 triệu USD tại Singapore.
Bác sĩ Phan Toàn Thắng, người đồng sáng lập công ty công nghệ sinh học Cellresearch Corp, Singapore
Có rất nhiều nghiên công trình nghiên cứu đã ghi danh bác sĩ Phan Toàn Thắng, nhưng hãy nói về câu chuyện nóng hổi, khi ông tìm ra cách tạo tế bào da sử dụng lớp màng từ dây rốn. Công nghệ này giúp khắc phục nhiều nhược điểm trong phương pháp chữa trị bỏng truyền thống, khi các bác sĩ phải sử dụng một nguồn da hạn chế của chính bệnh nhân.
Các tế bào từ màng dây rốn có thể cung cấp một lượng không giới hạn các tế bào gốc. Từ đó chúng có thể tạo thành da, xương và thậm chí các các cơ quan khác trong cơ thể, ví dụ như giác mạc. Phương pháp, vì vậy, có khả năng ứng dụng cao trong việc chữa lành các vết thương do bỏng hoặc bệnh tiểu đường.
Không tự hài lòng với những nghiên cứu của mình bên trong phòng thí nghiệm, bác sĩ Thắng còn muốn đưa những công trình của mình vào ứng dụng thực tiễn. Năm 2002, công ty công nghệ sinh học Cellresearch Corp, mà ông là người đồng sáng lập, ra đời.
Trong suốt hơn 10 năm hoạt động trên lĩnh của mình, Cellresearch Corp đã sở hữu 39 bằng sáng chế toàn cầu. Đó là những bằng sáng chế trong việc chiết xuất tế bào gốc từ màng dây rốn, nuôi dưỡng và bảo quản chúng trong những ngân hàng tế bào gốc, cùng nhiều ứng dụng điều trị khác. Tất cả, cho đến nay, đã góp phần tạo nên một công ty cán mốc 700 triệu USD.
Ứng dụng tế bào gốc để chữa trị vết thương đang được tiến hành dưới sự phê duyệt bởi Cục quản lý dược liên bang Hoa Kỳ (FDA), bác sĩ Thắng cho biết trên tờ The Straits Times của Singapore. Các tế bào đang được sản xuất tại thành phố Denver, Hoa Kỳ và thử nghiệm lâm sàng trên người dự kiến được diễn ra vào đầu năm tới.
“Những vết thương không lành là một gánh nặng lớn cho y tế ở khắp mọi nơi. Chúng liên kết với bệnh tiểu đường, đột quỵ, bệnh tim và quá trình lão hóa”, bác sĩ Thắng nói. Công nghệ mới của ông có được tầm quan trọng, khi nó có thể giúp bệnh nhân cấy ghép da với mức giá phải chăng hơn.
Nhận định về nghiên cứu này, tiến sĩ Por Yong Chen đến từ trường College of Surgeons, Singapore cho biết sự phê duyệt của FDA sẽ khiến Singapore khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực. “Điều trị lành vết thương là một thị trường lớn, đặc biệt đối với những bệnh nhân tiểu đường”, tiến sĩ Chen nói. “Đây là bước đột phá quan trọng. Tôi nghĩ rằng rất nhiều người sẽ cố gắng để đạt được điều tương tự”.
Bác sĩ Thắng cầm một mẫu mô màng rốn được sử dụng để tách ra các tế bào gốc (Ảnh The Straits Times)
Tờ The Straits Times của Singapore cũng lược lại hành trình đi đến thành công của bác sĩ Thắng. Ông rời Việt Nam và tới làm việc tại Khoa bỏng Bệnh viện Đa khoa Singapore từ năm 1997. Hiện tại, bác sĩ Thắng mang quốc tịch Singapore.
Sau đó, đến năm 2002, cùng khoảng thời gian công ty Cellresearch Corp của ông được thành lập, bác sĩ Thắng chuyển đến làm việc tại Viện Sinh học tế bào gốc và Y học tái tạo, thuộc Đại học Stanford, Hoa Kỳ. Trong hai năm nghiên cứu tại đây, ông tìm ra cách tách tế bào gốc từ nhau thai để điều trị tổn thương của gan.
Năm 2004, bác sĩ Thắng trở lại Singapore, ông quyết định sẽ tiếp tục nghiên cứu nhau thai và dây rốn. Vào thời điểm đó, nền y học trên thế giới đã tiến đến việc sử dụng tế bào gốc ở máu dây rốn, giúp bệnh nhân chữa trị các bệnh như bệnh bạch cầu và nhiều loại ung thư và rối loạn máu khác.
Chương trình nghiên cứu được bắt đầu với sự ủng hộ của ông Gavin Tan, giám đốc điều hành Cellresearch Corp. Ông Tan khi đó đã mang đến cho bác sĩ Thắng hai chiếc bình thí nghiệm. Trong đó, một đựng nhau thai còn một đựng dây rốn của chính người vợ ông sau khi sinh. Bác sĩ Thắng đã làm việc với nhau thai trước. Ông nhanh chóng nhận ra rằng nó đã bị hỏng.
Nhưng cuộc đời vị bác sĩ đã thay đổi trong khoảnh khắc ông nhìn sang chiếc bình còn lại. Ông nói: “Tôi đưa mắt nhìn sang chiếc bình tiếp theo. Trong đó có một cái dây rốn đang nổi bồng bềnh. Nó rất sạch sẽ, không bị làm bẩn bởi máu, có màu trắng và nổi bồng bềnh một cách quyến rũ trong môi trường bảo quản”.
Sau đó, ông đã phải làm việc miệt mài và gặp nhiều thất bại để hoàn thiện môi trường bảo quản dây rốn. Kết quả cuối cùng không khiến ông thất vọng, một môi trường hoàn hảo đã được tạo ra dưới sự kết hợp từ các loại đường và protein. Công thức độc quyền này giữ cho các mô dây rốn còn sống và sát khuẩn ở một cấp độ chuẩn.
“Trở lại khoảng thời gian đó, tôi đã sống trong phòng thí nghiệm. Tôi tắt điện thoại và vợ tôi đã từng phát điên lên vì điều đó”, bác sĩ Thắng cười. Ông thậm chí có thể chạy thẳng đến phòng thí nghiệm, nếu có một ý tưởng bất ngờ lóe lên trong đầu.
Bác sĩ Phan Toàn Thắng và sản phẩm khoa học độc quyền giúp bảo quản dây rốn (Ảnh The Straits Times)
Cũng phải nói rằng một hướng đi mới mẻ đã đưa tên tuổi của bác sĩ Thắng đạt đến tầm cao mới. Chia sẻ về xu hướng nghiên cứu của các nhà khoa học thời điểm đó, bác sĩ Thắng nói: “Thời điểm đó, không ai quan tâm đến da. Họ chỉ tập trung vào các vấn đề của ung thư và tim. Chúng tôi đã lặng lẽ làm việc đó”.
Bác sĩ Thắng tốt nghiệp Học viện Quân Y năm 1991. Sau đó, ông bắt đầu sự nghiệp của mình tại Viện bỏng quốc gia Việt Nam. “Tôi chẳng có thời gian và tiền bạc để làm những điều vô nghĩa. Vì vậy, tôi chỉ tập trung vào việc học. Làm việc thực sự chăm chỉ, học tiếng Nga và tiếng Anh”, bác sĩ Thắng nói.
Nỗ lực đã dẫn đến những thành công đầu tiên. Vào năm 1995, ông nhận học bổng của Đại học Oxford, Anh Quốc. Cơ hội được trao tặng bởi một giáo sư da liễu đến thăm bệnh viện nơi ông làm việc. Đó là bước ngoặt cuối cùng ở Việt Nam đã đưa ông đến một cuộc sống hiện nay tại Singapore.
Thời gian ở Đại học Oxford, ông gặp một người Singapore, người đã trở thành cầu nối cho ông liên hệ với giáo sư Lee Seng Teik, khi đó là người đứng đầu hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ thuộc Khoa bỏng Bệnh viện Singapore General Hospital. Giáo sư Lee đề nghị với bác sĩ Thắng một công việc trong nhóm của mình vào năm 1997. Ông được giao nhiệm vụ chữa lành các vết thương và tạo các tế bào da mới.
“Chúng tôi đã phải lấy tế bào da từ khu vực không bị bỏng của bệnh nhân rồi nhân chúng lên trong phòng thí nghiệm. Sau đó thì đưa chúng trở lại bệnh nhân”, bác sĩ Thắng nói. Đôi khi các tế bào đã không làm việc và cần một khoảng thời gian cho chúng nhân lên. “Toàn bộ quá trình là rất tốn kém. Chúng tôi chỉ có thể làm điều này với một số bệnh nhân” , ông nói.
Khoảng 1 năm sau đó, bác sĩ Thắng gặp Tiến sĩ Ivor Lim, người đồng sáng lập Cellresearch Corp cùng ông và Gavin Tan. Họ đã cùng nhau nghiên cứu quá trình hình thành sẹo. Công việc đem đến cho ông một giải thưởng vào những năm 2001 và 2002, trong việc xác định một chức năng của bề mặt da giúp hình thành sẹo.
Lại nói về xu hướng những ngày đó, các nghiên cứu của nhiều nhà khoa học tập trung sử dụng tế bào gốc từ phôi thai. Do dó, rất nhiều sự phản đối đã được dấy lên. Bằng cách đưa con đường tập trung vào dây rốn, bác sĩ Thắng đã né tránh được hướng nghiên cứu nhạy cảm.
"Đó là điều không hề dễ dàng gì. Nhưng may mắn thay, chúng tôi đã thành công”, bác sĩ Thắng nói.
Ngày hôm nay, bác sĩ Thắng đã trở thành phó giáo sư tại khoa phẫu thuật trường Y Yong Loo Lin, thuộc Đại học quốc gia Singapore. Ông đã biến dây rốn, thứ từng được coi là chất thải y tế, thành một nguồn cung cấp tiềm năng của 6 tỷ tế bào gốc. Từ đó, các tế bào có thể trở thành da, xương, giác mạc và nhiều bộ phận khác trên cơ thể.
Mặc dù có một thành tích cực kì đáng nể trong nghiên cứu khoa học và một công ty 700 triệu USD, bác sĩ Thắng khá khiêm tốn. Ông cho rằng một phần thành công của mình đã xuất phát từ những cơ hội và sự may mắn.
“Đã từng có nhiều thử thách khi chúng tôi tiến về phía trước để hoàn thiện một sản phẩm, làm cho nó đủ rẻ để ai cũng có thể sử dụng. Đó là điều không hề dễ dàng gì. Nhưng may mắn thay, cuối cùng chúng tôi đã thành công”, bác sĩ Thắng nói.
Tham khảo Straitstimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao cái cảm giác được ở nhà ngày bão lại yên bình đến lạ?
Giống như một bào thai nằm yên ổn bên trong bụng mẹ, người lớn cũng sẽ cảm thấy ấm cúng, khi được nghỉ ngơi ở nhà ngày mưa bão.
Ra mắt smartphone mỏng chỉ 7.69mm mà pin tận 6.500mAh, mức giá lại vô cùng hợp lý