Nữ giám đốc Misfit tiết lộ những công việc người Việt chưa thể đảm đương

    PV,  

    Bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc chiến lược Misfit Wearables, nói đội ngũ nhân sự Việt Nam làm được hầu hết việc nhưng có những vị trí vẫn chưa thể làm.

    Misfit là công ty khởi nghiệp tầm vóc quốc tế nhưng có đội ngũ nhân sự hầu hết là người Việt. CEO và đồng sáng lập Misfit Wearables là ông Sonny Vu, một Việt kiều. Vợ ông, bà Lê Diệp Kiều Trang, hiện đang là Giám đốc chiến lược của Misfit sau khi kinh qua nhiều công ty lớn với bảng thành tích học tập đáng ngưỡng mộ. Mới đây, công ty có đồng khởi nghiệp là cựu CEO Apple này đã được bán cho Fossil với giá 260 triệu USD.

     Bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc chiến lược Misfit Wearables, chia sẻ trong hôm 10/6 - Ảnh: H.Đ

    Bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc chiến lược Misfit Wearables, chia sẻ trong hôm 10/6 - Ảnh: H.Đ

    Chia sẻ trong buổi Giao lưu phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt hôm 10/6, bà Lê Diệp Kiều Trang cho biết vào năm 2015, đội ngũ nhân sự của Misfit khá hoàn thiện và đã bán sản phẩm được trên 50 nước, vào những hệ thống bán lẻ khó tính trên thế giới. Thời điểm đó, đội làm phần mềm, đội làm phần cứng, đội làm firmware đều là người Việt. Tuy nhiên, từ đó cho đến thời điểm này Misfit vẫn rất khó khăn khi tìm người Việt để làm công việc như thiết kế công nghiệp (industrial design); và kinh doanh, tiếp thị thị trường toàn cầu. Bà Trang cho biết việc đưa sản phẩm ra toàn thế giới phải hoàn toàn dựa vào đội kinh doanh của công ty đặt tại Mỹ, người Việt vẫn chưa làm được. Song song đó, việc thiết kế công nghiệp cũng phải nhờ vào đội ngũ ở Mỹ mà chưa có nhiều nhân sự Việt.

    Trước đó, nói về quá trình thành lập, bà Trang cho biết Misfit Wearables thành lập từ năm 2012, là công ty thứ 3 của ông Sơn (Sonny Vu). Công ty muốn thành lập nhằm tạo ra các thiết bị đeo, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn công nghệ nhưng vẫn phải đủ đẹp, đủ thời trang để người đeo cảm thấy tự hào, đeo thường xuyên.

    Giám đốc chiến lược Misfit Wearables chia sẻ, tại thời điểm thành lập, thay vì đi tìm các kỹ sư ngay tại Silicon, bà và chồng quyết định chuyển hướng sang tìm nhân sự ở Việt Nam. Nói trước khán giả chủ yếu là sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM, bà cho biết kỹ sư Việt Nam có thể lập trình rất giỏi, nhưng để chuyển từ khoa học thành công nghệ thì rất khó. Người Việt giải toán cũng rất siêu, nhưng đưa lời giải đó vào cuộc sống mới là vấn đề. Đội ngũ Misfit khi đó đặt tại Việt Nam, nhưng phải giải bài toán biến các sản phẩm công nghệ thành sản phẩm thị trường, đặc biệt là bán ra tại Mỹ và các hệ thống bán lẻ lớn, là một thử thách không hề dễ dàng. Tuy nhiên, bà Trang cho biết đội ngũ này đã tìm được đáp án, kết quả là sản phẩm Misfit Wearables hiện đã bán ở hầu hết hệ thống bán lẻ uy tín toàn thế giới.

     Một góc hội trường trong buổi Giao lưu phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt hôm 10/6 - Ảnh: H.Đ

    Một góc hội trường trong buổi Giao lưu phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt hôm 10/6 - Ảnh: H.Đ

    Người phụ trách chiến lược ở Misfit kể rằng, đội ngũ công ty giai đoạn đầu có rất nhiều người Việt Nam đạt các giải toán quốc tế. Khi lập trình cho Misfit Shine, thiết bị đeo sơ khai của hãng, đội người Việt đã đưa ra thuật toán rất hay, được nhiều đồng nghiệp Mỹ nể phục. Thuật toán kiểu này không có đối thủ nào của Misfit có thể bì. Tuy nhiên khi thử kết nối thiết bị với điện thoại thì mất 15 phút mới hoàn tất; trong khi đó, yêu cầu kết nối phải nằm trong vòng 15-30 giây. Đây chính là sự khác biệt giữa giải toán và thực tế, bà Trang nói.

    Trong 100 người ở Misfit giai đoạn 2015, có 15 người có bằng tiến sĩ từ nước ngoài về - đây là những người truyền cảm hứng và kinh nghiệm cho những sinh viên mới ra trường tại Việt Nam, chưa có điều kiện ra nước ngoài học tập. Giai đoạn này, Misfit cũng gửi kỹ sư Việt sang Mỹ học tập, với khoảng 40-50 người đã được đi Thung lũng Silicon.

    Năm ngoái, khi được mua lại bởi Fossil với giá 260 triệu USD, bà Trang cho biết đội ngũ Misfit cảm thấy tự tin hơn vì sản phẩm trí tuệ và kiến thức của họ đã được công nhận, và có thể sống được, sống tốt. Tuy nhiên việc này cũng đưa ra nhiều thử thách. Vì đóng vai trò là nền tảng công nghệ cho các sản phẩm thời trang của Fossil, nên Misfit bị hạn chế là phải làm sao tích hợp công nghệ vào thiết kế đã được Fossil làm trước. Với việc tích hợp công nghệ vào những sản phẩm thời trang nổi tiếng như Burbbery hay Armani (những thương hiệu của Fossil), đội ngũ Misfit không thể chỉ phát triển khoa học hay công nghệ mà không quan tâm đến thời trang.

    Đối với các sinh viên sắp ra trường muốn khởi nghiệp, và đang tự đặt câu hỏi phải nghiên cứu khoa học hay làm quản trị, làm nhà khoa học hay nhà kinh doanh, thì bà Trang khuyên nên bắt đầu từ đam mê, sau đó tạo dựng đội ngũ tốt để cùng nhau phát triển, người này bổ khuyết cho người kia. Chỉ những sản phẩm bắt đầu từ đam mê, chứ không phải vì mục tiêu lợi nhuận từ đầu, mới có thể chinh phục được thị trường.

    Theo ICTNews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ