Bạch tuộc chính thức là sinh vật quái dị nhất hành tinh này, theo cái cách mà bạn không bao giờ có thể tưởng tượng ra
Bạch tuộc từ lâu đã tỏ ra mình khác biệt so với phần còn lại của thế giới. Và giờ, sự khác biệt ấy còn nhân lên gấp bội.
Bạch tuộc, dù là với công chúng hay giới khoa học, đã luôn là một sinh vật... quái đản. Chúng có 8 xúc tu, mỗi cái có bộ não riêng với khả năng mọc lại thoải mái khi bị đứt. Chúng có dòng máu màu xanh (do có nhiều đồng trong đó). Chúng còn có 4 trái tim, đồng thời sở hữu một trí thông minh đôi lúc còn vượt trội so với nhiều loài như cá heo, tinh tinh...
Nhưng sự quái dị của bạch tuộc vẫn chưa dừng lại đâu. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng ngay cả trong quá trình tiến hóa, bạch tuộc cũng thuộc dạng đặc biệt bậc nhất so với các sinh vật đang có mặt trên hành tinh này.
Cụ thể trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017, các nhà khoa học xác nhận bạch tuộc cùng một số loài mực khác có khả năng tiến hóa hết sức khác biệt. Theo đó, chúng thường xuyên tự điều chỉnh chuỗi ARN trong người để đáp ứng thay đổi của môi trường bên ngoài.
Đây là điều hết sức kỳ lạ, vì nó thường không xảy ra với các sinh vật đa bào. Bởi khi một sinh thể thay đổi, mọi thứ thường bắt đầu từ đột biến gene - tức là thay đổi trong chuỗi ADN chứ không phải ARN.
Những thay đổi trong ADN sẽ được ARN hiện thực hóa. Bạn có thể tưởng tượng ADN giống như công thức vậy, và ARN là vị đầu bếp sẽ "nấu" chúng lên và bày biện ra bàn ăn, thông qua việc sản xuất các protein tương ứng.
Tuy nhiên, ARN không đơn giản mỗi làm theo chỉ dẫn của ADN. Chúng sẽ có biến chuyển theo từng nguyên liệu mà ADN cung cấp, quyết định xem tế bào nào sản xuất protein nào. Quá trình này rất hiếm xảy ra, được gọi là "chỉnh sửa ARN".
Trong quá trình chỉnh sửa, ARN sẽ thay đổi cách hoạt động của protein, cho phép sinh vật tinh chỉnh thông tin di truyền mà không cần gây ra đột biến gene. Tuy vậy, đa số các sinh vật sống thường không tiến hóa theo cách này, bởi nó để lại rủi ro khá lớn. Và sinh vật tạo ra sự khác biệt chính là bạch tuộc và mực.
Năm 2015, các nhà nghiên cứu phát hiện ra một số loài mực phổ biến có thể chỉnh sửa khoảng 60% chuỗi ARN trong hệ thần kinh của mình. Các chỉnh sửa này thay đổi hoạt động trong não bộ, nhằm đáp ứng với nhiệt độ thay đổi từ đại dương.
Đến năm 2017, họ nhận ra thêm những điều đặc biệt nữa, khi thấy ít nhất 2 loài bạch tuộc và 1 loài mực ống thường xuyên tự chỉnh sửa ARN. So sánh với một số loài thân mềm khác, khả năng chỉnh sửa của bạch tuộc cao cấp hơn hẳn.
"Nó cho thấy đây là khả năng chỉnh sửa ARN bậc cao, và không phải thứ thường xuất hiện ở các loài thân mềm. Nó giống như đặc quyền của một số loài thôi vậy," - trích lời Joshua Rosenthal, đồng tác giả nghiên cứu.
Các chuyên gia đã tiến hành phân tích hàng trăm ngàn dữ liệu ARN ghi nhận được, và phát hiện khả năng chỉnh sửa này đặc biệt nổi bật ở hệ thần kinh các loài thuộc phân lớp coleoid (bạch tuộc, mực nang, mực ống...).
Bạch tuộc thể hiện khả năng mở lọ khi bị nhốt
"Tôi tự hỏi chuyện này có liên quan gì đến bộ não phát triển vượt bậc của chúng hay không," - Kazuko Nishikura, chuyên gia biến đổi gene từ Viện Wistar (Mỹ) chia sẻ.
Như đã nêu, giới khoa học thừa nhận rằng các loài thuộc phân lớp coleoid có trí tuệ phát triển rất đặc biệt. Đã không ít lần, bạch tuộc khiến chúng ta ngạc nhiên bởi khả năng giải đố, bỏ trốn, hoặc biết sử dụng công cụ. Và theo các chuyên gia, giả thuyết ở đây là khả năng chỉnh sửa ARN đã giúp chúng liên tục phát triển bộ não của mình.
Tuy nhiên, khả năng này cũng đi kèm một sự đánh đổi. Các loài ở lớp coleoid tiến hóa rất chậm so với đa số sinh vật khác. Đây là một sự hy sinh được đánh giá là cần thiết: khi bạn tìm ra cơ chế phù hợp để tồn tại, hãy liên tục sử dụng nó.
"Để duy trì được khả năng chỉnh sửa ARN, các loài coleoid cần phải từ bỏ khả năng tiến hóa," - Rosenthal nhận định.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell.
Nguồn: Science Alert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI