Bài học từ những anh "già gân" ngã ngựa bởi gậy ông đập lưng ông
Đặc điểm chung của những ông lớn này là đều có vị thế lớn trong làng công nghệ nhưng lại điêu đứng bởi chính thế mạnh của mình.
Trong bối cảnh ngày càng có vô số các nhà sản xuất, các tập đoàn lớn nhỏ đang cố gắng chen chân vào thị trường công nghệ thế giới, thì vẫn còn đó những tên tuổi gạo cội đang thoi thóp hoặc cố gắng chuyển mình quay lại thời hoàng kim. Thế nhưng, cuộc sống vốn dĩ nghiệt ngã, cơ hội thường chỉ đến một lần trong đời và ai là người biết nắm bắt thời cuộc ắt sẽ nhận được "trái ngọt".
Liệu bạn có còn nhớ tới những thương hiệu một thời như Yahoo!, IBM, Nokia, Sony Vaio hay BlackBerry? Năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, hãy cùng chúng tôi nhìn lại những chặng đường gian truân cũng như bài học để lại sau mỗi vết xe đổ của các ông lớn kể trên.
Yahoo!: lên mạng đâu chỉ có kết bạn
Internet du nhập vào Việt Nam cách đây khoảng năm 2000 và bắt đầu được người dùng chú ý từ năm 2002, 2003. Vào thời điểm đó, người ta mặc định Yahoo như một khái niệm căn bản của Internet, một biểu tượng không thể thiếu khi sử dụng mạng kết nối toàn cầu. Tất cả mọi người đều sử dụng Yahoo! như một điều tất nhiên và thậm chí, nếu không dùng Yahoo! thì có thể bạn đang không dùng Internet. Lên mạng nghĩa là vào máy tính và Yahoo!.
Trước đây, khi Yahoo! phát triển mạnh mẽ thì nó gần như một mạng xã hội độc quyền, hầu như tất cả người dùng Internet nều có tài khoản Yahoo!, người dùng để học tập, người phục vụ công việc, những người khác sử dụng Yahoo! để truyện trò, tán gẫu… Khi đó, không có quá nhiều mạng xã hội cạnh tranh như hiện nay, vì vậy Yahoo! càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, khi Facebook bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, nhiều người vẫn duy trì thói quen sử dụng Yahoo trong giao tiếp ảo như một thói quen khó bỏ. Thế nhưng, Yahoo! đã không còn là biểu tượng của Internet ngày nào mà thay vào đó là Skype, Facebook... Nếu như trước đây, người ta gọi nhau “lên mạng chat” là để ám chỉ việc online Yahoo! Messenger thì nay thay bằng “online Facebook” với rất nhiều những tiện ích hơn hẳn. Tất cả cũng chỉ gói gọn trong 3 chữ "kém thích ứng".
Có thể thấy, so với rất nhiều mạng xã hội hiện nay thì Yahoo! vẫn chiếm được 1 phần cảm tình của người sử dụng, vấn đề khiến Yahoo! xuống dốc quá nhanh là do các mặt hạn chế về trao đổi thông tin, chia sẻ hình ảnh, khiến người dùng tìm đến những mạng xã hội khác tiện lợi hơn. Thêm nữa, việc tích hợp quá nhiều các ứng dụng như mail, chat, blog, báo điện tử không phải là hướng đi đúng đắn cho Yahoo!, mà chính điều đó lại khiến người dùng cảm thấy phức tạp hơn - đúng như câu nói của người Việt: "tham thì thâm".
Hiện tại, Yahoo đang thực hiện rất nhiều các chiến dịch để vực dậy thời kỳ hoàng kim của mình, điển hình là việc hợp tác với Mozilla trên trình duyệt Firefox. Theo đó, Yahoo! trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên Firefox, cung cấp cho Firefox nhiều tính năng hơn - nổi bật trong đó là công nghệ không theo dõi người sử dụng, tuy nhiên, phản ứng của các khách hàng cho thấy những kết quả vẫn chưa thực sự khả quan.
IBM: quay đầu là bờ, ai ngờ là biển
Từng được coi là 1 tập đoàn máy tính mang tầm vóc toàn cầu nhưng sau hơn 100 năm lịch sử thành lập và phát triển, IBM dường như ngày càng lún sâu hơn vào "khủng hoảng" khi mới đây, hãng đã lên kế hoạch sa thải hàng loạt nhân sự trên khắp các chi nhánh. Cụ thể, con số nhân sự sẽ bị buộc phải thôi việc sẽ là khoảng 111.800 người, do đó, đây có thể coi là đợt cắt giảm nhân sự lớn nhất trong trong lịch sử của hãng này. Vậy vì đâu mà IBM "tức nước vỡ bờ"?
Dù từng kinh doanh phát đạt dựa trên mô hình máy tính chủ mainframe và phần cứng máy tính, đặc biệt, hệ thống máy tính chủ có vai trò cực kì quan trọng đối với IBM. Tuy nhiên, thời thế thay đổi vào thế kỷ 20, thay vì giữ vững cương lĩnh ban đầu, IBM đã tự chuyển đổi để trở thành nhà cung cấp có thể quản lý và kết hợp những công nghệ đa dạng.
IBM bắt đầu hướng mũi nhọn vào việc nghiên cứu dịch vụ và phần mềm, đào tạo lại hàng nghìn công nhân, và tiến hành nhiều thương vụ mua lại các công ty khác. Đối với các hợp đồng dịch vụ lớn và phức tạp, từ các dự án lưới điện thông minh cho các dịch vụ công cộng cho đến các hệ thống điều khiển giao thông cho các thành phố, IBM đã hoạt động dưới hình thức là một nhà tổng thầu công nghệ cao có chuyên môn trong nghiên cứu, phần mềm, phần cứng và dịch vụ.
Tưởng chừng như mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn khi hãng đã biết nắm bắt thời cơ, đón đầu xu thế, nhưng rồi điều gì cũng phải đến, liên tiếp là những quý khủng hoảng, sụt giảm, thua lỗ. Nhận thấy sự sai lầm, IBM đã bắt đầu quay lại với hệ thống máy trạm, máy chủ cung cấp cho các tổ chức doanh nghiệp. Thế nhưng, ngành này giờ lại đang trải qua một cuộc thay đổi sâu rộng khác: thay vì đầu tư mua máy tính, doanh nghiệp đang có xu hướng thuê dịch vụ máy tính trên nền tảng đám mây.
Tất nhiên, hệ quả của những lựa chọn sai lầm là điều ai cũng nhìn thấy, báo cáo tài chính bết bát, cắt giảm nhân sự nhưng tất cả có vẻ đã quá muộn màng. Bài học dành cho các tập đoàn đang học theo IBM chính là việc hãy học cho mình sự kiên định, khi đã đầu tư vào 1 lĩnh vực nào đó, hãy "sống chết" vì nó, không được thấy khó rồi nản. Bởi việc phát triển dựa trên những thành công quá khứ là một nhiệm vụ khó khăn đối với tất cả các công ty trong tất cả các ngành công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Sony Vaio: từ ông hoàng tới kẻ vô danh
Từng một thời thu hút được sự chú ý của cả Steve Jobs, nhưng rồi laptop và máy để bàn Sony đã phải nhượng lại cho 1 ông lớn khác bởi Vaio bị coi là những sản phẩm "hoang tưởng". Với mức giá quá cao, laptop Sony sở hữu cấu hình quá èo uột bên dưới những lớp vỏ hào nhoáng. Vài năm trước, đây không hẳn là một vấn đề, nhưng trong những năm gần đây, người ta không còn mua PC nhiều như trước và chính điều này đã biến Sony Vaio trở thành những lựa chọn kém hấp dẫn.
Câu chuyện về Vaio bắt đầu diễn ra vào năm 1996, khi lần đầu Sony giới thiệu thương hiệu này. Khi đó, Vaio gắn livới dòng máy tính để bàn PCV. Theo thời gian, Sony đã mở rộng thương hiệu của mình ra các dòng sản phẩm khác, bao gồm những sản phẩm nhỏ gọn với thiết kế phá cách như Vaio P, dòng ultrabook VAIO Pro và dòng máy lai VAIO Tap. Trong đó, khi nhắc tới Vaio, người ta sẽ liên tưởng tới 1 thương hiệu "sang chảnh" với chất lượng gia công tốt.
Tuy nhiên, điều khiến Sony Vaio rơi xuống vực thẳm chính là sự bảo thủ và tham lam. Thứ nhất, vào những năm đầu của thế kỷ 21, khi người dùng luôn chỉ biết tới những thương hiệu lớn - càng lớn, càng đắt, càng thu hút, thì liên tiếp các sản phẩm giá rẻ đã được ra đời bởi đây là 1 phân khúc màu mỡ chưa hề có chủ. Và khi những sản phẩm giá rẻ, cấu hình tốt tràn ngập thị trường, thì Vaio vẫn bình chân như vại cũng như quá đỗi tự tin về vị thế của mình, dẫn tới những thất bại sau này.
Thứ hai, như rất nhiều công ty thành công khác, Sony không thoát khỏi cám dỗ của việc mở rộng sản phẩm. Hãng này sản xuất hàng loạt dòng sản phẩm thuộc nhiều chủng loại khác nhau cùng mang thương hiệu Sony. Điểm yếu chết người của hãng chính là phát triển hàng loạt ngành nghề hoàn toàn khác biệt và thiếu sự liên kết. Chính điều này đã làm lu mờ đi bản sắc thương hiệu của tập đoàn. Suy rộng ra, thay vì tập trung phát huy những thế mạnh, Vaio bị coi là con gà "tự đẻ trứng vàng" rồi cứ thế lụi tàn trong luyến tiếc.
Vậy Vaio mất rồi, Sony có tiếp tục bán đi mảng smartphone khi đã phải tung ra chiến thuật cắt giảm nhân sự? Trong thế giới công nghệ luôn thay đổi quá nhanh, câu trả lời vẫn đang được bỏ ngỏ. Tất cả những gì mà hãng sản xuất Nhật Bản cần làm đó là xác định lại mình, đâu là thế mạnh, đâu là điểm yếu, từ đó, tung ra những sản phẩm, dịch vụ mà người tiêu dùng thực sự mong muốn, những ý tưởng "đột phá" có thể đè bẹp các đối thủ cạnh tranh.
Nokia: một tượng đài bất tử
Dường như có một luật bất thành văn trong ngành công nghệ, đó là những công ty hàng đầu rồi cuối cùng cũng sẽ mất đi vị trí thống lĩnh của họ một cách nhanh chóng và bất ngờ. Nokia, hãng điện thoại danh tiếng, một trong những câu chuyện thành công nhất trong ngành công nghệ của châu Âu, không nằm ngoài quy luật đó khi trong những năm qua đã để mất rất nhiều thị phần của mình vào tay của những hãng điện thoại khác.
Năm 2007, Nokia chiếm hơn 40% doanh số bán hàng điện thoại di động trên toàn thế giới. Song lịch sử đã sang trang, những khách hàng ngày nay đang thích chuyển sang những chiếc điện thoại cảm ứng thông minh và với việc Apple liên tục tung ra iPhone trong những năm qua, thị phần và doanh số của Nokia đã sụt giảm chóng mặt. Kết quả là đến cuối năm 2013, Nokia đã phải bán mảng di dộng cho Microsoft.
Sai lầm lớn nhất của Nokia đó là đã chọn Windows Phone của Microsoft làm hệ điều hành duy nhất cho dòng điện thoại thông minh của mình. Trong số rất nhiều lựa chọn, hãng đã quyết gắn bó số phận của mình với Microsoft. Dù nhận thấy dấu hiệu suy tàn, nhưng phản ứng của hãng là quá chậm chạm khi công ty này không thể thích ứng được với những đổi mới nhanh chóng trong ngành công nghệ. Ngoài sự bảo thủ, hãng đã quá say mê với những thành công trước đó của công ty để có thể nhận ra rằng thay đổi là cần thiết.
Để cứu vãn, Nokia cũng bắt tay vào việc triển khai một chương trình cắt giảm nhân sự tuyệt vọng, với việc cho hàng nghìn người nghỉ việc. Nhưng điều đó đã góp phần phá hỏng truyền thống của hãng, vốn khuyến khích người làm chấp nhận rủi ro để làm nên những điều phi thường. Những thủ lĩnh giỏi khăn áo ra đi mang theo tầm nhìn và định hướng phát triển của hãng. Do đó, bài học ở đây vẫn chỉ xoay quanh câu chuyện đổi mới, nhưng đó là phải theo kịp được những phát kiến mới.
Thay vì xây dựng đối tác với các công ty nhỏ vốn quen thuộc với mô hình kinh doanh vốn có của họ, các tập đoàn lớn cần hợp tác với những doanh nghiệp có ý tưởng táo bạo có khả năng hiện thực hóa những sức mạnh tiềm tàng. Minh chứng là sau khi bán đi mảng di động, Nokia đã gây bất ngờ với phần lớn người dùng khi tung ra chiếc tablet Android N1 và nhận được những thành công nhất định. Đặc biệt, hãng cũng hứa hẹn sẽ còn gắn bó với mảng di động và công bố 1 thiết bị cầm tay vào năm sau.
BlackBerry: khi điện thoại không phải là tất cả
Có thể nói, dù so về tuổi tác hay danh tiếng, BlackBerry là 1 trong những thương hiệu lâu đời trong làng di động thế giới, tất nhiên, đã có lúc tưởng chừng như sụp đổ, thế nhưng, với sự lãnh đạo của CEO John Chen, Dâu đen đã bước ra từ "cửa tử". Bằng những hành động quyết liệt như: đẩy mạnh mảng bảo mật hay phát triển hệ thống cho tổ chức/doanh nghiệp, tiếp tục duy trì thiết kế độc đáo trên BlackBerry Passport hay Classic, hãng đã phần nào lấy lại được lòng tin từ phía người dùng.
Trong đó, 2 lý do lớn nhất dẫn tới thời kì khủng hoảng của BlackBerry có thể quy kết lại chính bởi ban lãnh đạo vốn rất bảo thủ của Dâu đen và sự phát triển không ngừng của các hãng sản xuất khác. Thứ nhất, thay vì lắng nghe người dùng - điều mà hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều thực hiện, thì ban lãnh đạo Blackberry lại thực hiện chính sách "một mình một ngựa" và quá ảo tưởng vào sức mạnh vốn đã bị suy yếu của thương hiệu này.
Thứ hai, dù đã nỗ lực để tạo ra các sản phẩm bắt kịp xu hướng sau quãng thời gian sống trong "u mê" kể từ thời chiếc Storm 9500, nhưng các sản phẩm của Blackberry vẫn không thể đạt tới sự tối giản như mong đợi. Trong khi người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại đủ tốt để lướt web, duyệt mail, lên Facebook, chụp ảnh và chia sẻ nội dung với bạn bè thì xem ra hệ điều hành Blackberry OS đã quá già cỗi lại không thực sự làm tốt được điều này. Đến khi hãng bắt đầu hối hận, thì iOS cùng Android đã trở nên phổ biến và khó lòng đánh bại.
Để khắc phục những tình trạng kể trên, trong vòng 1 năm, ông "phù thủy" John Chen đã phải liên tiếp tung ra đủ mọi "ngón nghề" nhằm cứu vớt BlackBerry. Theo đó, kể từ năm ngoái, hãng hầu như sẽ chỉ cho ra những dòng sản phẩm thuộc loại cao cấp, trang bị phím QWERTY truyền thống - đánh vào những đối tượng là fan cuồng của hãng bấy lâu. Bởi chỉ có bán điện thoại BlackBerry cho những ai thực sự yêu thích nó mới giúp Dâu đen gìn giữ và quảng bá giá trị của mình.
Tuy nhiên, xét cho cùng, smartphone vẫn không phải là cái đích mà Dâu đen hướng tới. Theo đó, điểm mạnh và cũng là vị cứu tinh cho BlackBerry chính là hệ thống bảo mật và nền tảng Internet of Things mà hãng đang sở hữu. Đặc biệt, đối tượng khách hàng mà BlackBerry hướng tới không phải là các khách hàng cá nhân mà đó là các tổ chức/doanh nghiệp và thậm chí là các chính phủ, bởi ai đó sẽ tiếc rẻ cho 1 hệ thống bảo mật cá nhân chứ với các quốc gia, đây là điều nghiễm nhiên phải có.
Tổng hợp
>> Samsung và Apple có còn "bằng vai phải lứa": thế thời đã đổi thay!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?