Bạn chỉ có thể truy cập vào trang web này khi ngắt kết nối Internet, và nó sẽ dạy cho bạn một bài học

    Dink,  

    Đây là dự án "con cưng" của kỹ sư phần mềm Chris Bolin, người muốn tặng chúng ta món quà mang tên "ngắt kết nối Internet".

    Bạn cảm thấy gì khi ngắt kết nối mạng của mình? Bỗng dưng mất kết nối với thế giới Internet, tự nhiên không còn có thể liên lạc với bạn bè bốn phương, không thể tải được nốt cái video mèo trên YouTube mà bạn đang xem? Có khi điều đó lại tốt cho bạn đó.

    Đó là lý do tại sao kỹ sư phần mềm Chris Bolin tại Formidable tạo ra thử nghiệm này: bạn chỉ có thể truy cập vào trang web mà anh thiết kế nên khi ngắt kết nối Internet.

    Nếu bật mạng mà vào, bạn sẽ nhận được thông báo sau:

     Bạn phải trong trạng thái offline để xem trang này. Hãy ngắt kết nối để tiếp tục.

    Bạn phải trong trạng thái offline để xem trang này.

    Hãy ngắt kết nối để tiếp tục.

    Và khi bạn ngắt kết nối Internet (nhớ là rút cả dây mạng và tắt Wi-Fi nhé), bạn sẽ nhận được một thông điệp mà anh Chris muốn gửi tới chúng ta, hiển nhiên là liên quan tới việc tắt mạng đi thì sẽ nhận về được những gì. Nguyên văn “tâm thư” của anh như sau:

    Bạn có muốn làm việc năng suất không? Vậy hãy cứ tắt mạng đi, bởi lẽ duy trì liên tục một kết nối mạng đồng nghĩa với việc duy trì kết nối của bạn với những thứ gây xao nhãng, cả bên ngoài lẫn bên trong.

    Việc xao nhãng bên ngoài là một quân đoàn lớn được tổ chức quy củ: bạn có tin nhắn mới trên Gmail, Slack, Twitter, Facebook, Instagram, Snapchat, LinkedIn. Bạn bè, gia đình, đồng nghiệp và cả những kẻ spam nữa: tất cả bọn họ đều có được sự chú ý quý giá của bạn.

    Nhưng những thứ gây xao nhãng tới từ bên trong mới thực sự nguy hại. Bạn có thể tắt thông báo của Twitter hay đăng xuất Slack, nhưng làm sao bạn có thể bắt bộ não của mình dừng nghĩ tới những thứ đó?

    Tôi đã bỏ hàng giờ ngồi lục các trang web chỉ vì tò mò. Nguy hiểm nhất là cái giây phút ngồi không: “Tôi tự hỏi thứ ngôn ngữ nào được nói nhiều thứ hai trên thế giới nhỉ?”. 500 mili-giây bé nhỏ ấy có thể làm thay đổi lịch trình cả ngày của bạn, bởi lẽ nó sẽ không bao gồm chỉ một lần ngồi tìm kiếm trên Google, không chỉ đọc có một trang Wikipedia là xong. Ngắt kết nối mạng sẽ làm cái giây phút ngồi không ấy biến mất, cho phép bạn tiếp tục công việc mà không bị vướng víu. (Nhân tiện, đó là tiếng Tây Ban Nha).

    Bản thân trang web này là một thử nghiệm: nếu như có một vài nội dung nào đó yêu cầu bạn phải ngắt kết nối mạng mới được xem thì sao? Nếu như người đọc sách có thể chạm tay được vào sự tập trung tuyệt vời khiến việc ngấu nghiến một quyển sách sung sướng tột cùng thì sao? Nếu như ta có thể lợi dụng sức mạnh của thiết bị hiện đại thì sao? Đáng ngạc nhiên, rằng điện thoại và laptop của ta là một nền tảng cực kì phù hợp với việc theo dõi nội dung một cuốn tiểu thuyết – nhưng khi và chỉ khi ta có thể dành được sự tập trung cho nó.

    Những nội dung chỉ xuất hiện khi ngắt kết nối mạng cũng sẽ khiến những người kiến tạo nội dung phải nghĩ khác đi. Nhìn trang web này mà xem, không có gì khiến người đọc mất tập trung. Đã bao nhiêu bài viết hay bị bản bỏ dở bởi bạn mải ấn vào một cái link dẫn nào đó? Khi bạn ngắt hoàn toàn kết nối mạng, đây sẽ là nơi duy nhất bạn thăm viếng.

    Tôi đã có thể nghe thấy những lời phàn nàn rồi: “Nhưng tôi phải luôn trực tuyến để làm việc”. Tôi không quan tâm. Bạn hãy tự tạo thời gian cho mình đi. Tôi cá rằng những thứ làm cho bạn trở nên giá trị không phải khả năng bạn có thể Google cái gì, mà là khả năng tổng hợp thông tin. Hãy kết nối mạng để nghiên cứu, nhưng hãy ngắt kết nối mạng để tạo ra nội dung.

    Giờ thì quay lại với lịch trình sử dụng mạng Internet mà bạn đang tuân theo đi. Nhưng hãy nhớ, thỉnh thoảng tự tặng cho mình món quà mang tên “ngắt kết nối mạng”.

    <3 Chris.

    Phóng viên Motherboard đã liên hệ với anh Chris Bolin, hỏi xem làm thế nào mà anh thực hiện được màn “ảo thuật” này. Anh trả lời rằng bản thân cái trình duyệt bạn dùng có khả năng báo về cho một trang web rằng trạng thái người truy cập là gì, cụ thể như trong trường hợp này là bạn đang “online” hay “offline”.

    Về cơ bản thì rất nhiều trình duyệt hỗ trợ được khả năng đọc trạng thái hỗ trợ việc xem nội dung trang khi không có kết nối Internet, thường được sử dụng cho những thiết bị di động không có kết nối mạng ổn định”, anh nói. “Vì thế tôi quyết định lợi dụng điều đó, tạo ra một trang web chỉ có thể xem ở trạng thái ngắt kết nối mạng”. Anh đã đăng tải cách thức thực hiện lên GitHub đây.

    Trò ảo thuật này không thực hiện được trên một số trình duyệt cũ hay không được hỗ trợ, nhưng đa số những trình duyệt đại trà ngày này, anh Chris Bolin sẽ thành công trong việc truyền tải thông điệp nhỏ kia của mình.

    Hãy tắt mạng đi để có thể kết nối.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ