Bạn chưa biết rằng Amazon mới là thế lực quảng cáo đang đe dọa cả Google và Facebook?
Nếu chỉ biết đến Amazon như một site thương mại điện tử thì có lẽ bạn chưa thật sự hiểu về gã khổng lồ này. Ngoài điện toán đám mây, các dịch vụ stream nhạc, phim, ship đồ, đọc sách,... Amazon còn là một đế chế truyền thông - quảng cáo.
Năm 2012, trong bài viết "Liệu Amazon có phải tương lai ngành truyền thông?", Mitch Joel từng bàn luận rằng:
"Nhiều người vẫn chỉ biết đến tiềm lực thương mại điện tử của Amazon nhưng tôi luôn có thể dễ dàng chỉ ra rằng Amazon đang là một trong những công ty truyền thông hấp dẫn nhất hiện nay. Các chuyên gia marketing có thể sẽ nhìn tôi chằm chằm như thể họ đang cố nói chuyện với một chú chó...
Thế nhưng điều mà phần lớn mọi người không biết chính là lý do Amazon có khả năng cung cấp hàng hóa giá rẻ hơn rất nhiều nhà bán lẻ khác không chỉ nằm ở chuỗi cung ứng hiện đại và hiệu quả mà còn nằm ở việc mỗi khách hàng đến với Amazon cũng cung cấp cho họ một khoản tiền doanh thu truyền thông trên đầu người thậm chí còn vượt xa cả nhiều đơn vị truyền thông khác (chứ chưa cần nhắc đến các hãng bán lẻ).
Tôi không có bằng chứng chính thức nào về chuyện này - Amazon luôn rất kín tiếng về mảng truyền thông trên site của họ - nhưng những người trong ngành thì đều công nhận rằng Amazon kiếm được không ít doanh thu trên mỗi đầu người dùng, thậm chí có thể tối đa hóa con số này qua những gợi ý sản phẩm liên tục gửi tới họ."
Thế rồi 5 năm trôi qua.
Cách đây chỉ vài ngày, CNBC đã đăng tải một thông tin: Tiềm lực quảng cáo đang lên của Amazon đang đe dọa cả Google và Facebook.
Cụ thể, theo CNBC, "từ số liệu của BMO Capital Markets, mảng quảng cáo của Amazon đang tăng trưởng nhanh đến mức đe dọa cả Google và Facebook. Mảng quảng cáo này đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần từ hai gã khổng lồ trong ngành cũng như nhiều đơn vị quảng cáo online khác.
Doanh thu mảng quảng cáo của Amazon được dự báo sẽ tăng trưởng 65% trong năm 2017, đạt mức 3,5 tỷ USD... Một điểm khác biệt của Amazon so với các đối thủ chính là lượng dữ liệu khổng lồ về hành vi mua sắm của người dùng mà hãng nắm trong tay."
Nhiều người có thể nhìn vào Google, Facebook, đều là những công ty nắm giữ nhiều dữ liệu người dùng: Google biết bạn search gì, Facebook biết bạn quen ai, thích gì,...Thế nhưng Amazon lại biết tỏng người ta mua gì! Đây chính là lợi thế cơ bản.
Từ lâu, Amazon đã từng bước trở thành một thế lực lớn trong mảng công cụ tìm kiếm. Người dùng mạng muốn tìm kiếm món đồ gì đó tất thảy đều lên Amazon (trước cả Google) để xem sản phẩm.
Sàn thương mại điện tử của Amazon cho phép các nhà bán lẻ (không chỉ mình Amazon) xây dựng cửa hàng riêng của họ. Nhìn vào dữ liệu hành vi mua sắm như tìm/xem/mua sản phẩm, bỏ sản phẩm vào giỏ hàng/wishlist yêu thích hay đặt tặng bạn bè, bạn sẽ không bất ngờ khi thấy Amazon thực sự đang nắm giữ quá nhiều thông tin quý giá đối với các nhà bán lẻ.
Mọi việc chưa dừng lại ở đây. Dịch vụ cloud Amazon Web Service của hãng hiện đang thống trị thị trường điện toán đám mây và có vẻ vẫn đang bỏ xa các đối thủ. AWS đang là nền tảng hỗ trợ đắc lực cho các dịch vụ khác của Amazon cũng như cung cấp dịch vụ lưu trữ cho một lượng lớn website/nền tảng trên internet.
Hãng nghiên cứu thị trường Gartner cũng dự đoán rằng trong 4 năm tới đây, 30% số lượt tìm kiếm online sẽ được thực hiện không qua màn hình. Giọng nói chính là thế hệ công nghệ kế tiếp mà con người sử dụng để giao tiếp với máy móc, và Amazon đã có một đại diện tiêu biểu là nền tảng Alexa trên chiếc loa thông minh Echo.
Nếu Amazon tiếp tục thu được hàng núi dữ liệu giọng nói về việc con người ta tìm gì, làm gì, mua gì,... thì có vẻ như phần thắng đã nằm trong tầm tay.
Amazon không chỉ là một gã khổng lồ bán lẻ mà còn trong rất nhiều lĩnh vực cách mạng khác. Hãy điểm lại những gì mà tập đoàn của Jeff Bezos đang nắm giữ:
- Amazon có công cụ tìm kiếm
- Amazon hiểu rõ người tiêu dùng muốn và cần gì
- Amazon người tiêu dùng đang kết nối với ai
- Amazon biết dịch vụ web mà người ta đang sử dụng
- Amazon biết nhiều hơn hầu hết những thứ mà chúng ta đang biết
Còn rất nhiều mảnh ghép khác nữa, nhưng chừng ấy thôi đã quá đủ để tạo nên con quái vật thực thụ trong ngành quảng cáo - truyền thông.
Tham khảo Medium
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"