"Tớ có bố/bác/chú/ông ngoại làm ở Nintendo bảo rằng Mario là con gái".
Dù có sử dụng mạng Viettel hay không, nhưng chắc hẳn bạn cũng đã một lần bị dọa dẫm hay được nghe người ta khoe khoang rằng ông chú/ông bố/ông ngoại của người ta làm việc tại Viettel, họ sẽ có một số quyền lực siêu nhiên nào đó khiến cho tin tức mật lộ ra ngoài.
Thông thường, người ta chỉ chém gió với bạn rằng họ có tay to trong Viettel thôi (nhưng hãy cứ đề phòng trường hợp đúng thế thật, xét tới một vài trường hợp gần đây). Nhưng có một điều mà bạn có thể chưa biết, đó là “ông chú ở Viettel” này đã từng là một nhân viên cốt cán tại Nintendo.
Hay nói một cách đơn giản hơn, "ông chú ở Viettel" bắt nguồn từ meme tương tự từ... Nintendo.
"Ông chú" ấy có nằm trong số nhân viên này?
Meme “Chú tôi làm việc ở Nintendo – My Uncle Works at Nintendo” đã có từ trên Internet từ lâu rồi và có lẽ ông chú này đã nhảy việc từ Nintendo sang Viettel. Từng làm việc ở cả hai tập đoàn lớn như vậy chắc chắn không phải dạng vừa.
Nguồn gốc của “Chú tôi làm việc ở Nintendo” được sử dụng để những đứa trẻ “truyền bá” thông tin sai lệch về những dự án sắp tới của Nintendo. Chắc hẳn là một câu nói đơn giản thì không ai tin được, rằng “trong Mario, boss cuối Bowser thực chất là người tình của công chúa Peach”, nhưng khi cho thêm câu “Chú tớ làm việc ở Nintendo bảo thế" vào thì chắc hẳn những đứa trẻ khác sẽ trầm trồ và suy nghĩ xem thực sự Bowser có thể là người cha tốt không.
Và thế là, thủ đoạn nói trên cũng được các tay chuyên spam lừa đảo bắt chước, chỉ bằng câu nói "chú mình làm ở Viettel", nạn nhân ngay lập tức tin tưởng và làm theo các chỉ dẫn, dẫn đến mất tiền oan.
"Chú mình làm ở Nintendo" mà tin được thì dĩ nhiên là "chú mình làm ở Viettel" cũng phải tin chứ?
Những vụ bắt cóc liên tục kéo dài cả thập kỷ dấy lên nhiều nghi vấn về mối quan hệ tay ba này.
Không ai biết rõ nguồn gốc thực sự của câu nói nổi tiếng này, nhưng mọi người vẫn biết rằng nó đã có từ những năm 1980, giai đoạn đầu phát triển của Nintendo. Một trong những nhà phát triển game, anh Cabel Sasser với tựa game Firewatch mới đây nói rằng anh đã nghe tới câu nói này từ hồi những năm 1980, khi mà thông tin về game không sẵn trên mạng như thời nay.
Những thông tin như vậy được lan truyền chủ yếu qua các sân chơi chung, khi mà mỗi nhóc cầm ra một máy Gameboy và bàn tán về những tựa game đình đám thời bấy giờ. Internet chưa phổ biến và chưa sẵn sàng như bây giờ, vì thế việc phát tán thông tin sai lệch chỉ có thông qua đường mồm mà thôi.
Rồi dần dần câu nói này trở thành một câu đùa nổi tiếng, khi mạng Internet mở rộng và phát triển nở rộ hơn bao giờ hết, cư dân mạng sẽ nhét câu này vào bất cứ đâu họ thấy câu chuyện có “mùi của gió” và có lẽ dần dần nó cũng trở thành một dấu hiệu nhận biết những câu chuyện sai sự thật: cứ kéo xuống phần comment mà thấy từ khóa “ông chú” và “Nintendo” xuất hiện là rất có thể, câu chuyện đó là chuyện bịa.
"Thực sự có một ông chú làm việc ở Nintendo nhưng chẳng ai tin" - Bad Luck Brian.
Càng ngày “ông chú” này càng trở nên nổi tiếng (về sự bốc phét của mình).
Hồi năm 2009, trang web Something Awful đăng tải một bài phỏng vấn một “Anh chàng có ông chú làm ở Nintendo”, tất nhiên bài báo đó mang phong cách “đá đểu” sự việc này. Bên cạnh đó, TV Tropes đánh giá rằng “ông chú làm việc ở Nintendo” sẽ là lời đáp trả mặc định cho những thông tin rõ ràng là sai rành rành được đăng tải trên mạng.
Tháng 10 năm 2014, một game kinh dị với tựa đề “Người chú làm việc cho Nintendo” được ra mắt.
Ngày 31 tháng 3 năm 2016 là ngày đánh dấu lần đầu tiên ta xác nhận được rằng “ông chú Nintendo” trong truyền thuyết hoàn toàn tồn tại, đó là chính là anh Cabel Sasser đã nói ở trên.
Đây chính là Ông chú làm việc ở Nintendo trong truyền thuyết.
Trên áo anh Cabel Sasser có dòng chứ "Ông chú có thật" kèm theo logo của game Firewatch.
Trong một bài báo có tên “Ông chú làm việc là Nintendo” nói về hiện tượng mạng này, anh Cabel Sasser (dù là anh làm việc cho Panic, không phải Nintendo) kể lại rằng anh đã nói với cháu mình rằng tựa game Firewatch mà anh đang phát triển sẽ có giá 20 USD. Sau đó đứa cháu ấy lên khoe trên một forum Steam rằng chú cậu ta bảo rằng Firewatch sẽ có giá như vậy, đánh dấu mốc lần đầu tiên lịch sử ghi lại rằng có một ông chú tay to tuồn thông tin ra ngoài trước và cũng là lần đầu tiên, "ông chú Nintendo" thực sự tồn tại.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming