Bạn có biết Microsoft và Apple từng muốn đưa Mac OS thành hệ điều hành phổ biến nhất thế giới thay vì Windows?
Bill Gates đã từng gọi Steve Jobs là "một người bạn, một đối thủ". Và ông cũng có thể dùng từ tương tự để nói về kẻ thù lớn nhất của Jobs: cựu CEO Apple John Sculley.
Chiếc Macintosh đầu tiên là một sản phẩm đặc biệt. Một mặt, đây là chiếc máy minh chứng cho khả năng sáng tạo tuyệt vời của Steve Jobs, nhất là sau thất bại muối mặt của Apple III và LISA. Mặt khác, đây cũng là chiếc máy đã gián tiếp đẩy Steve Jobs ra khỏi chính công ty do chính mình sáng lập: thành công của Macintosh và thất bại của LISA đã khiến các rối loạn nội bộ của Apple vào lúc này lên tới đỉnh điểm, và chỉ ít lâu sau, CEO John Sculley "đuổi cổ" Jobs sau khi nhận được sự hậu thuẫn từ ban quản trị của Apple.
Có lẽ cuộc chiến nội bộ đầy căng thẳng tại Apple vào thời điểm này đã khiến nhiều người quên đi mất một sự thật quan trọng: Microsoft cũng có phần rất lớn trong công cuộc phát triển chiếc Macintosh. Thực tế, Microsoft là công ty đầu tiên được nhận các phiên bản mẫu của máy Mac từ Apple để phát triển phần mềm cho nền tảng mới. Chiếc máy Mac này được Bill Gates và Charles Simonyi ("cha đẻ" của Office) đặt biệt danh âu yếm là "SAND", viết tắt của "Steve's Amazing New Device" - "Cỗ máy mới tuyệt vời của Steve".
Nhưng tại sao Apple lại đưa phát minh mới nhất của mình cho Bill Gates? Câu trả lời là bởi máy Mac rất, rất cần một bộ phần mềm văn phòng chất lượng cao để có thể tiến vào thị trường doanh nghiệp.
Tâm thư của Bill Gates
Sau khi Macintosh được vén màn, Bill Gates đã viết một bức thư riêng gửi tới CEO John Sculley, kêu gọi ông nhượng quyền phần mềm và ROM của Macintosh tới các nhà sản xuất khác. Theo Bill Gates, Mac có thể trở thành tiêu chuẩn mới của điện toán cá nhân. Vào thời điểm này, Microsoft đã phát triển giao diện Interface Manager được gần 2 năm. Cái tên này có thể hơi xa lạ với bạn, nhưng "Interface Manager" sẽ sớm được đổi tên thành "Windows".
Bức thư nói trên, được gửi đi ngày 25/6/1985, đã bị một lãnh đạo cao cấp của Apple là Jean-Louise Gassée phản đối kịch liệt. Là người tiếp quản bộ phận phát triển Macintosh và LISA sau khi Steve Jobs bị "đá" khỏi Apple, Gassée khẳng định rằng giao diện Mac lúc đó đang có chất lượng vượt trội so với các giao diện PC có mặt trên thị trường. Nhà lãnh đạo này khẳng định máy Mac sẽ không có đối thủ cạnh tranh và do đó có thể thu lợi nhuận lớn từ doanh thu phần cứng. Lúc này, lợi nhuận biên của Apple đang đạt tới mức... 55%.
Bên cạnh mục tiêu bảo vệ lợi nhuận, Gassée cũng tỏ ra hoài nghi về động cơ thực sự của Microsoft. Theo phỏng đoán của ông, Microsoft sẽ tìm mọi cách để bảo vệ vị trí thống trị của chiếc PC truyền thống (những chiếc PC được sản xuất theo thiết kế tiêu chuẩn của IBM và do đó có thể được gọi là "IBM PC" cho dù được sản xuất bởi bất kỳ công ty nào). Gassée cho rằng đề xuất nói trên của Bill Gates là một nỗ lực nhằm bí mật phá hoại máy Mac.
Tuy vậy, trong các cuộc phỏng vấn sau đó, Bill Gates đã chỉ ra rằng số tiền Microsoft thu được khi bán một bản Word và MultiPlan cho người dùng Mac còn lớn hơn nhiều so với tiền bản quyền của mỗi bản DOS bán tới tay các nhà sản xuất phần cứng. Do đó, nếu thiết lập Macintosh thành tiêu chuẩn PC mới, Microsoft cũng sẽ hưởng lợi nhiều hơn là tiếp tục sống dưới cái bóng của IBM.
Nội chiến của Apple
Nội chiến của Apple không dừng lại với sự ra đi của Steve Jobs.
Bất chấp sự phản đối kịch liệt của Gassée, Sculley vẫn tin rằng Apple có thể đưa Macintosh trở thành tiêu chuẩn PC mới, cùng lúc lật đổ cả IBM PC lẫn MS-DOS. Vị CEO này đã yêu cầu trợ lý của mình là Dan Eilers chuẩn bị một bản danh sách tất cả các phương án nhượng quyền có thể thực hiện. Các phương án này bao gồm: bán cả bo mạch chủ tới các nhà sản xuất, port phần mềm Mac lên IBM PC, bán phần mềm Mac cho người tiêu dùng, liên doanh với các nhà sản xuất workstation (máy làm việc chuyên dụng) v...v..
Khi các phương án nhượng quyền đã được hoàn thiện, Sculley gửi phó tổng của Apple là Chuck Berger đi gặp mặt các đối tác đã bày tỏ mong muốn được mua bản quyền phần mềm Mac. Bill Gates và Dan Eilers đưa ra gợi ý rằng Apple có thể nhượng quyền phần mềm cho các công ty điện tử chưa xuất hiện rộng tại thị trường Mỹ, song chuyến đi của Berger đã mang tới một bất ngờ thú vị: ngay cả những tập đoàn lớn và tên tuổi như Apollo, DEC và Wang đều muốn mua phần mềm Mac.
Đối tác tiềm năng nhất vào lúc này của Apple là AT&T. Nhà mạng số 1 nước Mỹ này thèm muốn được sử dụng phần mềm Mac trên các máy workstation Unix tới mức ngay cả CEO Bob Allen cũng đã phải trực tiếp liên hệ với John Sculley để xin được hợp tác. Cần phải nhớ rằng lúc này dù vẫn đang kinh doanh tốt nhưng vị thế của Apple trên thị trường vẫn là quá bé nhỏ so với một thế lực thống trị và siêu việt về công nghệ như AT&T.
Nói tóm lại, Apple vào thời điểm giữa năm 1985 đang ở vị trí cực kỳ thuận lợi và cũng đã sẵn sàng nhượng quyền phần mềm Mac cho rất nhiều nhà sản xuất lớn. Điều đó có nghĩa rằng Apple đã tiến rất gần tới kịch bản phá bỏ thế độc quyền của IBM và DOS để đưa (phần mềm) Mac lên thành tiêu chuẩn của tòan bộ ngành công nghiệp PC.
Thế nhưng, Sculley lại gặp phải một trở ngại lớn: Gassée. Nhà lãnh đạo của bộ phận phần cứng Apple kiên quyết phản đối kế hoạch nhượng quyền phần mềm Mac, vốn rất có thể gây ảnh hưởng tới doanh số máy Macintosh. Gassée sẽ không cho phép bất cứ một công ty nào đe dọa tới miếng bánh mà ông ta đã được hưởng lại từ Steve Jobs.
Thay đổi trong chốc lát
Chỉ vài tháng sau, Sculley đã phải ngừng toàn bộ các kế hoạch nhượng quyền hệ điều hành Mac. Lý do là bởi chiếc Macintosh vào lúc này đã hết "hot". Thậm chí, đến hết năm 1985 số máy bán ra mỗi tháng chỉ đạt khoảng 20.000, tức là chưa bằng một nửa so với con số dự đoán 50.000 mà Sculley đã đưa ra ban đầu.
Tình cảnh này buộc Bill Gates phải ngừng mơ ước về kịch bản bắt tay Apple đứng trên đỉnh cao và trở lại với Interface Manager – lúc này đã được đổi tên thành Windows. Tháng 11 năm 1985, tại sự kiện COMDEX, nhà sáng lập của Microsoft vén màn Windows trong sự... thờ ơ của người dùng.
Lý do là bởi ngay từ trước đó, rất nhiều công ty (ngoài Apple) đã ra mắt các hệ điều hành GUI có chất lượng tốt hơn Windows rất nhiều. Ví dụ, Digital Research GEM đã copy lại giao diện Mac một cách gần như tuyệt đối và thậm chí còn hỗ trợ màu sắc. VisiOn của VisiCorp có sẵn một bộ ứng dụng văn phòng. Phần mềm Tandy DeskMate được cài đặt sẵn trên từng chiếc máy Radio Shack – vốn là bản clone bán chạy nhất của IBM PC trên thị trường lúc đó.
Kể cả trong trường hợp vẫn đang dùng... Windows 95 thì bạn có lẽ cũng khó thể hình dung về mức độ thô sơ của Windows 1.0. Ví dụ, giao diện Windows bản đầu tiên không cho phép xếp chồng các cửa sổ lên nhau và buộc người dùng phải di chuyển các cửa sổ như hình zig zag vậy.
Nếu chỉ cần chạy duy nhất 1 ứng dụng trên màn hình, người dùng sẽ phóng to ứng dụng này lên toàn màn hình. Các ứng dụng cũng cho phép thu nhỏ về thanh "desktop" nằm ở góc dưới màn hình.
Khi lần đầu được chiêm ngưỡng Windows 1.0, Gassée đã nhanh chóng cười khẩy trước sự thô kệch của hệ điều hành GUI đầu tiên đến từ Microsoft. Nhưng thật đáng tiếc cho nhà lãnh đạo này của Apple, cuộc chiến hệ điều hành giữa Microsoft và Apple vẫn chưa ngã ngũ tại đây.
(còn tiếp)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4