Cuộc hồi sinh ngoạn mục của Táo: Thành công vì... thiếu tính năng

    Lê Hoàng,  

    Không chỉ là "One More Thing" mà còn phải là "One Thing Less". Thành công của Apple không hẳn đến từ những gì các iDevice có, mà là những gì Steve Jobs đã dũng cảm loại bỏ.

    Câu chuyện thành công của Apple từ khi Steve Jobs trở lại vào năm 1997 cho tới nay là một trong những phép màu hiếm thấy của thế giới công nghệ. Từ chỗ thua lỗ hàng trăm triệu USD mỗi năm đến nỗi phải xin tiền Microsoft, Apple đã liên tiếp khởi động nhiều cuộc cách mạng thay đổi thế giới, trong đó có 3 cuộc cách mạng mà ai cũng có thể gọi tên: iPod, iPhone và iPad.

    Trong gần 20 năm đó, có lẽ các fan của Apple đều thuộc lòng câu nói "One More Thing" ("Thêm một thứ này nữa") từng được nhà sáng lập huyền thoại Steve Jobs sử dụng để ra mắt các sản phẩm quan trọng. Thế nhưng, khi nhìn lại những cuộc cách mạng được Apple khởi động, bạn sẽ thấy nguyên tắc thành công của những thiết bị gắn mác Táo là "One Thing Less" – "Thiếu đi một thứ".

    1. iMac: Thiếu thùng case

    Năm 1997, Apple thua lỗ tới 878 triệu USD. Sau khi iMac ra đời, Apple đạt mức lãi 414 triệu USD trong năm 1998, cũng là lần đầu tiên công ty này không phải chịu thua lỗ trong vòng 3 năm. iMac đã cứu sống Apple.

    Yếu tố làm nên thành công của iMac là hết sức rõ ràng: thiết kế All-in-One tích hợp toàn bộ các linh kiện vào bên trong khối màn hình CRT kích cỡ lớn. So với thiết kế tách rời màn hình và bộ case vẫn còn phổ biến đến tận ngày nay, thiết kế gọn gàng (và cũng hết sức bắt mắt) của iMac là minh chứng cho thấy một Apple kiệt quệ của năm 1997 vẫn có thể tạo ra những sản phẩm khiến người dùng máy vi tính cảm thấy phấn khích.

    Dĩ nhiên thiết kế đột phá này không chỉ là một trong những điểm gây sốc của iMac. Chiếc All-in-One tiên phong này cũng là mẫu PC để bàn đình đám đầu tiên dám loại bỏ ổ đĩa mềm và thay thế bằng USB. Quyết định khai tử ổ đĩa mềm của Apple đã bị chỉ trích rất nhiều, nhưng chỉ trong vòng vài năm sau đó loại phương tiện truyền tải cũ kỹ này đã chìm vào quên lãng còn USB trở thành tiêu chuẩn toàn cầu. Dĩ nhiên, chỉ có thành công tầm cỡ của iMac mới có thể thúc đẩy các công ty sản xuất phụ kiện chịu tham gia vào cuộc chơi USB.

    2. iPod: Thiếu khả năng copy nhạc một cách dễ dàng

    Cho đến tận bây giờ, việc phải copy nhạc vào iPhone, iPad và iPod Touch qua iTunes vẫn là một trong những điểm yếu mà các fan của Android thường lôi ra để chê bai Apple. Thế nhưng, chính kho nhạc cung cấp qua iTunes đã giúp cho những chiếc máy chơi nhạc số cá nhân của Apple thống trị thị trường.

    Thực tế, các bài hát có bản quyền cùng khả năng mua nhạc số dễ dàng từ Internet do iTunes mang tới đã xóa bỏ hoàn toàn ấn tượng về những chiếc máy nghe MP3 của đầu thế kỷ 21 như nhạc chất lượng kém, không có bản quyền và đặc biệt là vấn đề tích hợp giữa máy nghe nhạc, PC, cửa hàng cung cấp file nhạc trực tuyến và kho nhạc cá nhân của người dùng (thường là CD).

    Trong bối cảnh những năm 2000, iTunes đã thực sự nâng nhạc số lên tầm cao mới.
    Trong bối cảnh những năm 2000, iTunes đã thực sự nâng nhạc số lên tầm cao mới.

    Những người chê bai rằng dùng iTunes để copy nhạc lên iPod là khó khăn có lẽ là… hơi mù công nghệ, bởi ứng dụng này cho phép bạn chuyển nhạc từ CD lên chiếc iPod của mình trong vòng chưa đầy 5 phút bằng cách click một vài tùy chọn bên trong một ứng dụng duy nhất. Cũng chính một ứng dụng duy nhất đó cũng giúp bạn có thể mua nhạc bản quyền trên mạng rồi copy thẳng vào máy nghe nhạc một cách dễ dàng. Cho đến tận bây giờ, không nhiều công ty có thể tạo ra một trải nghiệm tích hợp nhuần nhuyễn và dễ dàng tới vậy.

    Dĩ nhiên là những yếu tố khác như thiết kế đẹp, trải nghiệm sử dụng trực quan với Clickwheel và giao diện phần mềm đơn giản cũng là lý do giúp cho iPod đạt tới thành công hàng tỷ đô trong nhiều năm trước khi iPhone ra mắt. Nhưng, nhắc tới thành công của iPod, bạn không thể bỏ qua iTunes, một phần mềm bị các anti-fan coi là thừa thãi nhưng lại là giải pháp tới rất nhiều vấn đề của những chiếc máy nghe mp3 thời kỳ đầu.

    3. iPhone: Thiếu bàn phím và thiếu bút stylus

    Thực tế, so với những chiếc smartphone nói riêng và những chiếc di động cùng thời thì iPhone thiếu rất, rất nhiều thứ. So với BlackBerry, iPhone thiếu đi một bộ bàn phím vật lý cho phép nhập email, tin nhắn một cách nhanh chóng, dễ dàng (và cũng thiếu luôn các tính năng phần mềm email, duyệt web cần có cho một chiếc smartphone dành cho công việc). So với Palm, Nokia, O2 và nhiều thương hiệu smartphone khác, iPhone thiếu đi chiếc bút stylus đã làm nên hình ảnh chuyên nghiệp gắn liền với điện thoại "thông minh". So với chiếc N95 được cộng đồng công nghệ tung hô lên tận mây xanh, iPhone không có thẻ nhớ, không có kết nối 3G, không có FM tích hợp, không có luôn cả camera chất lượng cao (iPhone 2MP, N95 5MP).

    Năm 2007, chúng ta chỉ có thể tưởng tượng ra những chiếc iPhone như thế này.
    Năm 2007, chúng ta chỉ có thể tưởng tượng ra những chiếc "iPhone" như thế này.

    Thậm chí, dù được gọi là "smartphone" nhưng iPhone 2007 còn không thể chạy ứng dụng của bên thứ 3. Điều đó khiến cho chiếc smartphone mác Táo giống với "điện thoại ngu" hơn là một chiếc điện thoại thông minh thực thụ.

    Nhưng bất chấp chiếc điện thoại đầu tay của Apple có bị công kích kịch liệt tới đâu, sự thật là người tiêu dùng đã phát cuồng vì trải nghiệm điện thoại hoàn toàn mới do Steve Jobs mang tới. Nhờ loại bỏ bàn phím và bút stylus, chiếc iPhone mang tới trải nghiệm giải trí và lướt web vô cùng trực quan và dễ dàng trên màn hình lớn. Ý nghĩa lịch sử của quyết định này là không thể chối cãi: Steve Jobs đã biến những chiếc smartphone phức tạp, khó sử dụng có trọng tâm là người dùng chuyên nghiệp của thời kỳ trước thành những thiết bị đủ đơn giản để dành cho số đông.

     Apple đã biến những sản phẩm khó dùng như thế này thành vật dụng hàng ngày cho tất cả mọi người.

    Apple đã biến những sản phẩm khó dùng như thế này thành vật dụng hàng ngày cho tất cả mọi người.

    Các fan mới của Táo dễ dàng bỏ qua những điểm yếu tưởng như không thể chấp nhận được như camera và chợ ứng dụng để Apple dần dần khắc phục. Cả thế giới thèm muốn trải nghiệm điện thoại màn hình cảm ứng cỡ lớn (so với thời đó) tới mức sẵn sàng bỏ tiền ra mua những chiếc HTC, Sony và Samsung giá rẻ có chất lượng dở tệ - miễn là chúng có kiểu dáng tương tự như iPhone với màn hình lớn đặt ở mặt trước và số lượng nút bấm giảm thiểu tới mức tối đa. Cuộc cách mạng di động thực sự bắt đầu từ đây.

    4. MacBook Air: Thiếu ổ DVD và pin rời

    Có lẽ, khoảnh khắc Steve Job rút MacBook Air từ … phong bì ra tại MacWorld 2008 cũng gây ấn tượng không kém gì sự kiện ra mắt iPhone hay iPad. Đây là lần đầu tiên một nhà sản xuất dám loại bỏ ổ DVD, cổng LAN (Ethernet), cơ chế thay pin và đầu đọc thẻ khỏi một chiếc laptop.

    Khó có thể diễn tả được khán giả đã choáng như thế nào.
    Khó có thể diễn tả được khán giả đã "choáng" như thế nào.

    Dĩ nhiên, cũng giống như câu chuyện về iMac vào 10 năm trước đó, những điểm yếu này bị antifan dùng để chỉ trích MacBook Air một cách nặng nề. Nhưng chỉ 1, 2 năm sau đó, các nhà sản xuất khác như ASUS, Sony, Lenovo, HP và Dell cũng lần lượt ra mắt những chiếc laptop siêu mỏng để cạnh tranh với MacBook Air. Cho tới tận khi Microsoft ra mắt chiếc Surface, MacBook Air vẫn là "khuôn mẫu" cho phân khúc laptop cao cấp.

    Vì sao MacBook Air thành công? Khi gọt bỏ đi các linh kiện truyền thống, Steve Jobs đã tạo ra một chiếc laptop siêu gọn nhẹ để người dùng có thể mang trải nghiệm Mac chất lượng cao theo họ bất cứ nơi đâu một cách dễ dàng. MacBook Air ra đời đúng vào thời điểm Wi-Fi bắt đầu trở thành tiêu chuẩn và Ethernet không còn quan trọng như trước nữa. Ổ DVD thì sao? Cũng vào lúc này, mô hình stream hoặc mua nội dung qua mạng đã bắt đầu trở thành tiêu chuẩn mới. Đến khi DVD chết và Blu-ray không thể trở nên phổ cập, người ta mới nhận ra rằng Apple đã một lần nữa mang tầm nhìn đi trước thời đại một bước.

    Còn pin rời ư? Thành công của iPhone đã chứng minh một điều rằng miễn là người tiêu dùng ưa thích trải nghiệm, họ sẽ chẳng mấy quan tâm đến pin. Và đó là còn chưa kể MacBook Air thường có thời lượng pin cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung của Windows.

    5. iPad: Thiếu đi những ứng dụng nghiêm túc

    Ai mỉa mai cứ mỉa mai, Apple vẫn thu tỷ đô.
    Ai mỉa mai cứ mỉa mai, Apple vẫn thu tỷ đô.

    Những kẻ căm ghét Apple chẳng học được bài học nào từ thành công của iPhone. Họ chỉ trích iPad chỉ là một chiếc iPhone (hay nói đúng hơn là iPod Touch) phóng đại. Họ so sánh iPad với những chiếc netbook và laptop rồi khẳng định rằng chiếc máy tính bảng của Apple chỉ là một thứ đồ chơi vô dụng, không thể chạy các ứng dụng làm việc nghiêm túc và cũng chẳng thể chạy các tựa game đỉnh cao.

    Nhưng chỉ trong một năm đầu tiên, iPad đã đạt tới mức doanh số 20 triệu máy. 4 năm sau, iPad chạm đỉnh ở mức 26 triệu máy chỉ trong vòng một quý.

    Chiếc iPad nói riêng và máy tính bảng nói chung đã không còn bán chạy như ban đầu, nhưng thực tế là thị trường PC đã liên tục khủng hoảng suốt từ khi iPad ra đời cho đến tận ngày hôm nay vẫn chưa có giải pháp, thậm chí cả khi Intel ra mắt các đời vi xử lý mới và Microsoft phát hành các bản Windows mới. Nếu chiếc iPad thực sự dở đến như vậy, chiếc tablet gắn mác Táo này đã chết từ lâu rồi.

    Điều trớ trêu là chính những gì người ta dùng để chỉ trích iPad lại là nguyên nhân để chiếc máy tính bảng này khai sinh ra một phân khúc sản phẩm hoàn toàn mới cho các nhà sản xuất khác tham gia. Vì iPad là một chiếc iPhone/iPod Touch phóng đại, trải nghiệm iPad cũng có mức độ đơn giản và tiện dụng không kém gì chiếc smartphone siêu thành công của Apple. Cũng bởi không có bàn phím để chạy các ứng dụng làm việc "nghiêm túc" hay các tựa game đòi hỏi chuột mà iPad trở thành lựa chọn hợp lý nhất để người dùng lướt web, xem YouTube, xem phim, mua hàng online hay chơi game casual trong lúc rảnh rỗi.

     Đi đầu về thời gian không làm nên thành công.

    Đi đầu về thời gian không làm nên thành công.

    Trớ trêu là 10 năm trước đó, Tablet PC của Microsoft ngã ngựa vì cố gắng "ép" Windows đầy đủ (với giao diện chuột/phím) lên màn hình cảm ứng, tạo ra trải nghiệm vừa phức tạp, khó chịu, vừa chẳng thực sự tốt cho giải trí hay cho công việc. Không mấy ngạc nhiên, dự án Tablet PC của Microsoft chẳng được ai hưởng ứng còn chiếc iPad thì lại nhanh chóng được Samsung sao chép thành Galaxy Tab.

    5.5. Apple Watch: Thiếu SIM 3G

    Thảm họa thiết kế.
    Thảm họa thiết kế.

    Không thể phủ nhận được rằng Apple Watch đã không thể khởi động cuộc cách mạng smartwatch như Apple mong muốn, nhưng mức doanh số 12 triệu chiếc vào năm 2015 do công ty phân tích thị trường Canalys đưa ra vẫn cho thấy chiếc đồng hồ thông minh đầu tay của Táo vẫn là sản phẩm thành công nhất trên thị trường. Tất cả các tên tuổi khác như Samsung, Pebble và các nhà sản xuất Android Wear chỉ đạt mốc 6 triệu máy bán ra trong năm vừa qua.

    Sở dĩ Apple Watch thành công hơn các đối thủ là bởi Apple đã không cố gắng nhồi nhét quá nhiều tính năng vào một thiết bị rõ ràng là có màn hình nhỏ hơn smartphone. Hãy thử nhìn chiếc Gear S của Samsung mà xem: nhà sản xuất Hàn Quốc cố gắng nhồi toàn bộ bàn phím ảo lên màn hình, khiến chiếc smartwatch này thô kệch đến "phát hờn". Cả Samsung, LG lẫn nhiều nhà sản xuất khác cũng mang kết nối 3G lên smartwatch để tạo ra một tính năng mà smartphone đã có sẵn trong khi lại làm giảm thời lượng pin và tăng độ… nóng.

    Đồng hồ không phải là smartphone.
    Đồng hồ không phải là smartphone.

    Apple thì khác. Jony Ive và các cộng sự thiết kế thẳng thắn thừa nhận smartwatch không phải là để thay thế smartphone. Khi tập trung vào vị trí cải thiện trải nghiệm smartphone, Apple đã làm bật các tính năng tiện dụng nên có trên smartwatch như trả lời tin nhắn nhanh qua một lần chạm (watchOS tự động phân tích tin nhắn để đưa ra lựa chọn phản hồi), nhập liệu bằng giọng nói hoặc hiển thị thông báo thông minh (tự hiện khi nâng tay lên và ẩn khi hạ tay xuống). Apple Watch tập trung giải quyết các tác vụ đơn giản nhất để người dùng không cần phải mở smartphone, nhưng nếu bạn cần đến những thứ chỉ smartphone có thể cung cấp, Apple Watch sẵn sàng nhường đường.

    Dĩ nhiên Apple Watch được yêu thích hơn các sản phẩm khác không chỉ vì gọt bỏ những tính năng dở mà còn bởi ra mắt thêm đột phá: vòng xoay Digital Crown cho phép thao tác một cách tự nhiên và dễ dàng. Samsung và các nhà sản xuất khác thì sao? Họ nhồi nhét tính năng vào màn hình cảm ứng trên smartwatch như thể đó là một chiếc smartphone vậy.

    Tương lai thì sao?

    Như bạn có thể thấy, hành trình từ chỗ cận kề cái chết đến vị trí số 1 thế giới về trị giá thị trường như hiện nay của Apple không chỉ đến từ những đột phá mới lạ mà còn bởi tinh thần dũng cảm gọt bỏ đi những gì đã (sắp) cũ kỹ để cái mới có chỗ phát triển. Đó cũng là lý do vì sao Apple không bao giờ đi trước nhưng vẫn thành công nhất, gây ảnh hưởng nhiều nhất.

    Nhưng chính truyền thống vẻ vang này cũng sẽ tạo ra sức ép không nhỏ tới Apple trong tương lai, nhất là khi Steve Jobs đã không còn. Thị trường công nghệ hiện nay đang chứng kiến những cuộc cách mạng như nhà thông minh, xe tự lái, thực tại ảo…, tất cả đều rất nhiều hứa hẹn nhưng chưa đủ trưởng thành để thực sự thay đổi thế giới như những gì chúng hứa hẹn. Liệu Apple có thể mang phép màu của iMac, iPod, iPhone và iPad lên những cuộc cách mạng này không? Hãy cùng chờ đợi xem.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ