Bạn có thể phẫu thuật não để tách đôi tâm trí mình thành 2 người khác nhau không, giống như cài thêm hệ điều hành Windows trên Macbook?

    Thanh Long,  

    Những trường hợp bệnh nhân có não phân đôi đã được báo cáo từ năm 1940.

    Đó là trải nghiệm tương đối phổ biến của người dùng Macbook, những người thích một chiếc máy thời trang, nhưng vẫn phải phục vụ tối đa công việc của mình. Muốn vậy, họ phải cài đặt thêm hệ điều hành Windows, vì nhiều phần mềm như Excel, Power BI hoặc AutoCAD không chạy tốt trên Mac OS.

    Một chiếc máy tính nhưng chạy tới 2 hệ điều hành độc lập khác nhau. Trong đó, Windows phục vụ công việc, còn Mac OS phục vụ các nhu cầu giải trí đa phương tiện khác.

    Bây giờ, một loạt phim ăn khách trên Netflix đang gợi ý một khả năng rằng con người cũng có thể phẫu thuật thần kinh để tạo ra thêm một nhân cách mới bên trong mình. Sau đó thì nhân cách này sẽ chỉ được dùng cho công việc, còn nhân cách còn lại có thể thoải mái tận hưởng cuộc sống tự do 24/7 của mình.

    Bạn có thể phẫu thuật não để tách đôi tâm trí mình thành 2 người khác nhau không, giống như cài thêm hệ điều hành Windows trên Macbook?- Ảnh 1.

    Tưởng tượng, 8 giờ sáng bạn rời nhà và bật hệ điều hành nhân cách công việc, 5 giờ chiều bạn rời công ty và tắt nó đi. Mọi ký ức về việc phải đi làm của bạn sẽ bị xoá sạch, chỉ để lại những ký ức tự do hoàn toàn mà nhân cách chính của bạn có thể tận hưởng.

    Về mặt lý thuyết, nhân cách chính của bạn sẽ không bao giờ phải nghe sếp mắng, không bao giờ phải nghe khách hàng phàn nàn, không bao giờ vướng vào bất kỳ drama văn phòng nào với những đồng nghiệp toxic. Sau giờ làm việc, bạn thậm chí còn không còn biết đến sự tồn tại của họ.

    Thế nhưng, điều này cũng đặt ra một câu hỏi về mặt đạo đức: Liệu nhân cách làm việc của bạn có đang bị bóc lột sức lao động hay không, khi thực tế, nó chỉ được tạo ra để làm việc toàn thời gian, cả đời như một nô lệ? Và còn một câu hỏi thực tế hơn nữa: Liệu công nghệ này có khả thi hay không? Chúng ta có thể phẫu thuật não để tách đôi tâm trí mình thành 2 người?

    Severance và ý tưởng về "innie" và "outie"

    Severance là một loạt phim truyền hình khoa học viễn tưởng tâm lý ly kỳ của Mỹ, do Dan Erickson biên kịch, và Ben Stiller đạo diễn. Bộ phim lấy bối cảnh một thế giới phản địa đàng, trong đó, các công nghệ tiên tiến đang được sử dụng để kiểm soát lực lượng lao động là con người một cách tinh vi.

    Câu chuyện xảy ra trong một công ty có tên là Lumon Industries, nơi nhân vật chính Mark Scout (do Adam Scott thủ vai) vừa được thăng chức sau khi Petey, đồng nghiệp cũng là cấp trên của anh đột ngột ra đi.

    Nhiệm vụ đầu tiên của anh là định hướng cho Helly, nhân viên mới được tuyển dụng vào công ty để thay thế vị trí làm việc của Mark, sau khi anh thăng chức. Helle tỉnh dậy trong phòng họp của Lumon mà không nhớ mình là ai và đang ở đâu.

    Bạn có thể phẫu thuật não để tách đôi tâm trí mình thành 2 người khác nhau không, giống như cài thêm hệ điều hành Windows trên Macbook?- Ảnh 2.

    Helly sau đó được cho xem một video giải thích rằng cô đã trải qua thủ tục "chia tách" (Severance). Thủ tục này liên quan đến một cuộc phẫu thuật cấy chip vào não bộ để phân tách ký ức thành 2 nửa. Một nửa được gọi là "innie" (bên trong) chỉ chứa các ký ức bên trong nơi làm việc. Nửa còn lại là "outie" (bên ngoài) chỉ chứa ký ức về cuộc sống bên ngoài Lumon.

    Phiên bản "bên ngoài" của Mark vốn là một cựu giáo sư đang đau buồn vì cái chết của vợ mình. Anh sống tại thị trấn Kier và được Lumon trợ cấp toàn bộ, vì phiên bản "bên trong" của anh đang làm việc toàn thời gian cho công ty đó.

    Bước ngoặt xảy ra sau khi "outie" của Mark gặp lại "outie" của Petey, người tuyên bố đã đảo ngược thủ tục chia tách từng được cho là vĩnh viễn của mình. Mark trở về nhà và gặp người hàng xóm Selvig, không biết rằng bà chính là quản lý cấp cao của anh, Harmony Cobel, khi ở trong Lumon.

    Những bệnh nhân có não phân đôi ngoài đời thực

    Mặc dù Severance là một câu chuyện mang màu sắc viễn tưởng, người xem có thể biết rằng sự thật ngoài đời cũng có những người bị phân đôi não, và trường hợp của họ đã được báo cáo từ những năm 1940.

    Đó là những gì xảy ra với một số bệnh nhân động kinh, những người phải trải qua một cuộc phẫu thuật để cắt đứt phần liên lạc giữa bán cầu não trái và não phải, nhằm dập tắt cơn động kinh của họ.

    Các ca phẫu thuật dạng này vẫn đang được thực hiện cho tới tận ngày nay. Nghiên cứu sâu hơn về loại phẫu thuật này cho thấy khi các bán cầu não bị tách rời, bệnh nhân bị phân não có thể xử lý thông tin một cách độc lập.

    Điều này đặt ra khả năng đáng lo ngại rằng thủ thuật này tạo ra hai tâm trí riêng biệt cùng tồn tại trong một bộ não.

    Bạn có thể phẫu thuật não để tách đôi tâm trí mình thành 2 người khác nhau không, giống như cài thêm hệ điều hành Windows trên Macbook?- Ảnh 3.

    Bệnh nhân trải qua thủ thuật tách não thường gặp xung đột giữa não trái và não phải.

    Trong Severance, nhân vật Helly đã phải rải qua xung đột giữa "innie" và "outie". Tương tự, có bằng chứng về sự xung đột giữa hai bán cầu não trái và não phải ở những bệnh nhân động kinh phải phẫu thật tách não ngoài thực tế.

    Khi trò chuyện với bệnh nhân tách não, bạn thường giao tiếp với bán cầu trái của não, nơi kiểm soát khả năng nói chuyện của họ. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể giao tiếp từ bán cầu não phải, bằng cách viết hoặc sắp xếp các chữ cái trên một chiếc bảng, vì viết và xếp chữ là nhiệm vụ của não phải.

    Một tài liệu y khoa ghi lại một cuộc phỏng vấn với một bệnh nhân, trong đó anh được hỏi về công việc muốn làm sau khi ra viện. Bán cầu não trái của anh nói anh muốn một công việc văn phòng liên quan đến vẽ kỹ thuật. Tuy nhiên, bán cầu phải lại sắp xếp các chữ cái trên bảng để tạo thành cụm từ "tay đua ô tô".

    Bệnh nhân "não phân đôi" cũng từng báo cáo về "hội chứng tay lạ", khi một bàn tay của họ dường như tự ý di chuyển ngoài ý muốn. Những quan sát này gợi ý rằng hai "con người" ý thức riêng biệt có thể cùng tồn tại trong một bộ não, và có những mục tiêu mâu thuẫn.

    Tuy nhiên, trong Severance , cả "innie" và "outie" đều có khả năng nói chuyện. Đây là một dấu hiệu cho thấy "chia tách" hư cấu trong phim phải liên quan đến việc chia tách các mạng lưới trong não bộ một cách phức tạp hơn.

    Trường hợp kỳ lạ của Neil

    Một ví dụ về sự phân tách chức năng phức tạp được mô tả trong báo cáo trường hợp của Neil vào năm 1994. Neil là một thiếu niên gặp nhiều khó khăn sau khi bị u tuyến tùng.

    Một trong những khó khăn đó là một dạng mất trí nhớ hiếm gặp. Điều này khiến Neil không thể nhớ lại các sự kiện trong ngày, hoặc kể lại những gì cậu học ở trường. Cậu cũng không thể đọc, dù vẫn viết được, và không thể gọi tên các đồ vật, dù có thể vẽ chúng.

    Điều đáng kinh ngạc là Neil vẫn theo kịp việc học. Các nhà nghiên cứu tò mò về cách cậu hoàn thành bài tập dù không nhớ gì về những gì đã học.

    Họ hỏi cậu về cuốn tiểu thuyết cậu đang học ở trường, Cider with Rosie của Laurie Lee. Trong cuộc trò chuyện, Neil không nhớ gì về cuốn sách – thậm chí cả tiêu đề.

    Nhưng khi nhà nghiên cứu yêu cầu Neil viết ra mọi thứ cậu nhớ về cuốn sách, cậu viết: "Cửa sổ huyết dụ đỏ Cider with Rosie mùi ẩm ướt của tiêu và nấm mọc" – tất cả đều là những từ liên quan đến tiểu thuyết.

    Vì không thể đọc, Neil phải hỏi nhà nghiên cứu: "Cháu đã viết gì vậy?"

    Bạn có thể phẫu thuật não để tách đôi tâm trí mình thành 2 người khác nhau không, giống như cài thêm hệ điều hành Windows trên Macbook?- Ảnh 4.

    Neil cũng viết ra được những ký ức khác tưởng chừng đã mất, như việc gặp một người đàn ông bị hoại tử ở bệnh viện. Trong mỗi trường hợp, cậu không nhận thức được ký ức của mình cho đến khi viết ra và được người khác đọc lại cho để nhận thức.

    Trường hợp của Neil là một ví dụ đáng kinh ngạc, cho thấy có thể tồn tại những ký ức phong phú mà ý thức của chúng ta không tiếp cận được.

    Trong Severance , "outie" của một nhân vật, Irving, có thể truy cập ký ức về môi trường làm việc của "innie" thông qua tranh vẽ. Anh vẽ những hành lang dài của tầng Severed (nơi "innie" làm việc), dù không có ký ức ý thức về chúng.

    Có lẽ, trong phim, thủ thuật phân tách liên quan đến việc chặn quyền truy cập ý thức vào ký ức, tương tự như cách quyền truy cập này bị chặn ở Neil.

    Công nghệ này có khả thi hay không?

    Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải xác định những vùng não nào có thể là trung tâm của thủ thuật chia tách trong phim? Vùng liên quan nhất đến việc nhớ các sự kiện trong ngày làm việc là hồi hải mã – và thú vị thay, vùng não này cũng liên quan đến nhận thức về không gian.

    Việc cùng một cấu trúc thần kinh hỗ trợ cả việc nhớ rằng hôm nay có đồng nghiệp mới gia nhập đội và biểu diễn bố cục văn phòng cho thấy hồi hải mã có thể là mục tiêu lý tưởng cho thủ thuật hư cấu này.

    Trong Severance , sự chuyển đổi giữa phiên bản bên trong "innie" và bên ngoài "outie" xảy ra ở ranh giới văn phòng – cửa thang máy. Điều này gợi nhớ đến "hiệu ứng cửa ra vào", hiện tượng chúng ta thường hay quên mất điều gì đó khi bước qua một cánh cửa.

    Đó là bởi vùng hồi hải mã phân đoạn trải nghiệm của chúng ta thành các tệp tin nhỏ để nhớ lại sau này, giống như một chiếc camera hành trình trên xe ô tô tự động cắt video thành các đoạn mỗi 5 phút.

    Việc bước vào một không gian mới là dấu hiệu bắt đầu một tập tin mới với hồi hải mã, dẫn đến việc quên nhiều hơn các thông tin đã trải qua ở các tập tin trước đó, trước khi bạn bước qua ngưỡng cửa.

    Bạn có thể phẫu thuật não để tách đôi tâm trí mình thành 2 người khác nhau không, giống như cài thêm hệ điều hành Windows trên Macbook?- Ảnh 5.

    Tuy nhiên, hiệu ứng cánh cửa chỉ xảy ra trong thực tế một cách khá nhẹ. Nó chỉ khiến bạn đôi khi bạn bước vào bếp mà không biết mình định lấy cái gì, bước ra khỏi cửa mà không biết mình quên đồ gì. Chứ hiệu ứng cửa ra vào không thể khiến bạn quên hết sếp, đồng nghiệp và khách hàng ở công ty khi bước vào thang máy đi về nhà.

    Trong Severance , biên kịch đã khá tinh tế khi xác định được vùng hồi hải mã trong não liên quan đến cả ranh giới không gian, kích hoạt sự chuyển đổi giữa "innie" và "outie". Tuy nhiên, có hai lỗ hổng quan trọng trong ý tưởng này, cho rằng thủ thuật phân tách trong phim chỉ đơn giản là gắn một con chip vào vùng hồi hải mã.

    Thứ nhất, không chỉ ký ức sự kiện và không gian bị chia tách trong Severance . Các nhân viên có rất nhiều kiến thức phức tạp mà "outie" của họ không truy cập được.

    Họ cũng hình thành ký ức cảm xúc, khi được thưởng vì làm việc chăm chỉ hoặc bị phạt trong phòng nghỉ. Những dạng ký ức này phụ thuộc vào nhiều vùng não hơn là chỉ hồi hải mã, và bản thân hồi hải mã cũng là một phần của mạng lưới ký ức sự kiện toàn não, được kích hoạt khi nhớ lại ký ức sự kiện.

    Lỗ hổng thứ hai là việc hình thành ký ức không phải là một quá trình cô lập. Nó liên kết chặt chẽ với nhận thức, sự chú ý, ngôn ngữ và nhiều quá trình khác. Điều này đòi hỏi một sự phân tách không chỉ một phần của não, mà gần như là toàn bộ bộ não trên cấp độ tế bào thần kinh, mà hiện chưa có bất kỳ một công cụ phẫu thuật nào của loài người đạt đến được.

    Bạn có thể phẫu thuật não để tách đôi tâm trí mình thành 2 người khác nhau không, giống như cài thêm hệ điều hành Windows trên Macbook?- Ảnh 6.

    Tóm lại, hệ thống ký ức của con người quá phức tạp để bị chia đôi hoàn toàn – ít nhất là ở thời điểm này, với những công nghệ hiện hành. Bạn sẽ chưa thể cài thêm một hệ điều hành trong não bộ của mình chỉ để bóc lột sức lao động của nó, trong khi tận hưởng cuộc sống toàn thời gian không phải làm việc với một hệ điều hành khác.

    Dẫu vậy, Severance vẫn là một kịch bản thú vị khi chúng ta nghĩ về nó. Biết đâu, công nghệ này sẽ trở nên khả thi trong tương lai.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ