Bạn còn chưa tin chính thiết kế OmniBalance đã khiến Sony Xperia thất bại thảm hại ư? Hãy nhìn vào biểu đồ này

    Liam,  

    Những tín hiệu lên/xuống của doanh số Xperia hoàn toàn trùng khớp với công sức được Sony dành cho một yếu tố quan trọng sống còn trên smartphone: thiết kế.

    Trong tuần này, nhà lãnh đạo tối cao mới của Sony, Kenichiro Yoshida sẽ công bố một bản kế hoạch mới dành cho Sony trong vòng 3 năm sắp tới. Một trong những bước tiến được dự kiến sẽ thực hiện là giảm dần kinh doanh trên mảng phần cứng và tập trung hơn vào mảng phần mềm, dịch vụ.

    Nhìn vào biểu đồ dưới đây bạn có thể nhận thấy vì sao Sony lại thực hiện bước đi như vậy. Trong nhiều năm qua, doanh số các thiết bị phần cứng của Sony đã liên tục lao dốc. Đáng chú ý nhất, lượng Xperia bán ra trên toàn cầu trong năm tài chính vừa qua đã suy giảm chỉ còn khoảng 1/3 so với mốc 39 triệu máy của năm tài chính 2014.

    Bạn còn chưa tin chính thiết kế OmniBalance đã khiến Sony Xperia thất bại thảm hại ư? Hãy nhìn vào biểu đồ này - Ảnh 1.

    Doanh số Xperia qua từng năm.

    Nhìn lại từng năm

    Tại sao thời kỳ hoàng kim của smartphone Xperia lại trôi qua chóng vánh đến vậy? Hãy cùng nhìn lại một số cột mốc đặc biệt:

    - Tháng 3/2012, sau khi mua lại toàn bộ quyền sở hữu của Ericsson, Sony vén màn một mẫu đầu bảng đặc biệt: Xperia S với thiết kế "Iconic Identity". Thân hình vuông vắn và dải anten trong suốt đã trở thành thương hiệu của những chiếc Xperia trong năm đó. Không mấy bất ngờ, doanh số Xperia trong năm tài chính 2012 của Sony (từ tháng 4/2012 đến tháng 3/2013) tăng hơn 10 triệu máy.

    - Tháng 2/2013, Sony vén màn Xperia Z. Thiết kế Iconic Identity được hoàn thiện trở thành OmniBalance. Khi Samsung vẫn đang còn say mê với vỏ nhựa, Sony chinh phục các fan bằng vẻ ngoài bọc kính trang nhã và cao cấp. Quả nhiên, doanh số Xperia lại tăng mạnh, đạt mốc 39,1 triệu máy trong năm tài chính 2013 (tháng 4/2013 đến tháng 4/2014).

    - Qua năm tài chính tiếp theo (kết thúc tháng 4/2015), người hâm mộ vẫn còn đang say sưa với thiết kế OmniBalance – thể hiện rất rõ qua doanh số vẫn được duy trì ở mức gần 40 triệu máy. Tính đến thời điểm này, OmniBalance đã phủ sóng rộng rãi trên cả sản phẩm tầm trung của Sony. Thế nhưng, công ty Nhật Bản cũng đã kịp ra mắt đến thế hệ Xperia Z đầu bảng thứ... 5 (với tên gọi là Z3 và... Z4).

    Sụp đổ một tượng đài

    Bạn còn chưa tin chính thiết kế OmniBalance đã khiến Sony Xperia thất bại thảm hại ư? Hãy nhìn vào biểu đồ này - Ảnh 2.

    Thiết kế không mới và trái tim là "thảm họa" Snapdragon 810, có lẽ chính Z3 là cột mốc chứng kiến tượng đài Xperia sụp đổ.

    Có lẽ 2015 chính là cột mốc chứng kiến tượng đài Xperia sụp đổ. Nếu tính cả các phiên bản phụ, đến đầu 2015 dòng Z đã có trên 15 sản phẩm, bao gồm 5 thế hệ đầu bảng với thiết kế không quá khác biệt. Mỗi năm, Sony đều làm mới dòng Z 2 lần.

    Dù OmniBalance có được yêu quý đến mấy, ra mắt tận 2 thế hệ đầu bảng với thiết kế không quá khác biệt mỗi năm vẫn rất dễ gây "ngán". Thậm chí, lịch phát hành dày đặc như vậy còn gây hại không ngờ: tháng 10/2015, Sony buộc phải khai tử mẫu Xperia Z4v (được phát triển dành riêng cho nhà mạng Verizon của Mỹ) do ngày phát hành quá gần với Xperia Z5.

    Cũng chính vào năm 2015, sự cố tản nhiệt của Snapdragon 810 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới Xperia Z3 /Z4 và nhiều mẫu Android đầu bảng khác. Hiển nhiên, doanh số Xperia năm 2015 sụt mạnh, xuống thấp hơn cả doanh số năm 2012.

    Tiếp tục suy vong

    Bạn còn chưa tin chính thiết kế OmniBalance đã khiến Sony Xperia thất bại thảm hại ư? Hãy nhìn vào biểu đồ này - Ảnh 3.

    Sony đã tự hại mình khi thay thế các dòng đầu bảng với tốc độ quá dày đặc.

    Khi Sony vẫn cứ loay hoay với cùng một thiết kế nhàm chán, Samsung đã kịp thực hiện bước tiến lên kim loại và Apple cũng đã vén màn "bộ đôi hủy diệt" iPhone 6/6 Plus. Nếu như Samsung có 2 dòng S và Note để bao phủ năm tài chính, Sony gần như không thể xây dựng chỗ đứng thực sự trong phân khúc tablet và thay vào đó gây rối cho người dùng với rất nhiều "hậu tố" cho dòng Z, từ Mini, Compact cho đến những chữ cái đính kèm theo tên.

    Đáng buồn là gã khổng lồ Nhật Bản vẫn thản nhiên tái chế thiết kế của mình. Sau khi ngừng sử dụng tên gọi Xperia Z với Z5, năm 2016 Sony chuyển thương hiệu đầu bảng sang Xperia X và sau đó là XZ. Ngôn ngữ thiết kế mới trong thời đại này được gọi là "Unified Design" với các đường nét được bo tròn hơn. Lý thuyết là vậy, trong thực tế, ít ai sẽ thực sự phân biệt được Unified Design với OmniBalance khi cả 2 ngôn ngữ đều "phẳng lỳ" và "vuông chằn chặn".

    Bạn còn chưa tin chính thiết kế OmniBalance đã khiến Sony Xperia thất bại thảm hại ư? Hãy nhìn vào biểu đồ này - Ảnh 4.

    Sự thay đổi từ OmniBalance lên Unified Design là quá ít ỏi.

    Không có gì khó hiểu, trong 2 năm qua, doanh số smartphone Xperia chỉ còn vào khoảng 13-15 triệu máy mỗi năm. Sony đã tụt ra khỏi top 10 và gần như không có cách nào vươn lên đánh bại các đối thủ Trung Quốc. Hâm mộ đến mấy thì hâm mộ, không một công ty nào có thể giữ chân được người dùng nếu vẫn cứ kiên quyết bảo thủ tới vậy.

    Có thể trở lại

    Dĩ nhiên, chính cách sụp đổ này cũng có thể sẽ mở đường cho Sony trở lại trong năm 2018: với Xperia XZ2, Sony đã từ bỏ kỷ nguyên "vuông chằn chặn" của mình. Một ngôn ngữ thiết kế mới có tên Ambilent Flow được sử dụng trên tất cả các phiên bản XZ2 (cao cấp) và XA2 (tầm trung) mới được ra mắt. Từ bỏ khối cục, những chiếc Sony nay đã có một tấm lưng mềm mại uyển chuyển.

    Bạn còn chưa tin chính thiết kế OmniBalance đã khiến Sony Xperia thất bại thảm hại ư? Hãy nhìn vào biểu đồ này - Ảnh 5.

    Một kỷ nguyên mới.

    Nếu hàng triệu fan hâm mộ chỉ chờ đợi một thiết kế mới để thổi bùng lên tình yêu của họ, Sony cuối cùng cũng đã có câu trả lời...

    ...chỉ sau 5 năm chờ đợi mà thôi.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ