Ngất xỉu - thuật ngữ y học gọi là bất tỉnh - có thể xảy ra trong nhiều hoàn cảnh và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.
Một vận động viên kiệt sức ở cuối đường chạy, một học sinh đứng dưới nắng chào cờ, hoặc cũng có thể là một phụ nữ trong khoảnh khắc bất ngờ nhìn thấy máu...
Có lẽ, chính bạn cũng từng ít nhất trải nghiệm cảm giác đó một lần trong đời. Bạn thấy người mình lâng lâng, đau bụng, lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Khung cảnh trước mắt bạn đen lại trong khi hai tai như có tiếng chuông kêu.
Sau đó, bạn thức dậy dưới sàn , hoặc trên giường và nhìn lên một trần nhà trắng xóa. Mất một lúc bạn mới nhận ra rằng mình vừa bị ngất. Rốt cuộc thì chuyện gì vừa xảy ra vậy?
Điều gì đã xảy ra trong cơ thể một người bị ngất?
Ngất xỉu - hoặc thuật ngữ y học gọi là bất tỉnh - có thể xảy ra trong nhiều hoàn cảnh và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Nhưng tựu trung lại, nó chỉ là hậu quả cuối cùng của một hiện tượng đơn giản: khi não không nhận được đủ máu.
Như bạn đã biết, con người cần duy trì một mức huyết áp nhất định để đẩy máu mang theo oxy, đến được tới mọi tế bào và mô trên cơ thể. Tất cả không thoát ra khỏi những định luật vật lý.
Khi bạn đứng, não bạn ở vị trí cao hơn trái tim, do đó, tim cần tạo ra một áp lực đủ để đẩy cột máu trong mạch chống lại trọng lực và đi tới não. Sẽ có một vài yếu tố có thể làm gián đoạn quá trình này, và khiến bạn gục xuống trước khi biết điều gì đã xảy ra.
Vậy các yếu tố đó là gì? Tại sao bạn ngất?
1. Ngất do phản xạ thần kinh
Cho đến nay, phản xạ thần kinh vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất gây ngất. Huyết áp có thể giảm do phản ứng vasovagal, được đặt tên theo dây thần kinh phế vị chạy từ não đến tim, phổi và đường tiêu hóa của bạn.
Công việc của dây thần kinh phế vị là điều hòa hệ thần kinh đối giao cảm. Đó là một nửa của hệ thống thần kinh tự chủ, điều khiển các hoạt động diễn ra trong cơ thể mà bạn không cần bạn phải chủ động suy nghĩ về chúng, chẳng hạn như khi cơ thể nghỉ ngơi, tiết nước bọt hoặc tiêu hóa thức ăn.
Trong tim, dây thần kinh phế vị giải phóng một chất dẫn truyền thần kinh gọi là acetylcholine. Acetylcholine liên kết với các tế bào tạo nhịp để làm chậm nhịp tim xuống. Các hành động như thở sâu và chậm trong khi thiền hoặc tập yoga, thực ra là đang cố gắng kích thích các dây thần kinh đối giao cảm để làm chậm tim giúp bạn thư giãn hơn.
Mặc dù thư giãn là một điều tốt, nhưng làm chậm trái tim quá nhiều thì không ổn - vì đôi khi nó có thể dẫn đến một khoảnh khắc ngắn ngủi trong đó bạn ngất xỉu. Thông thường thì chúng ta cần tim đập ổn định, loanh quanh một con số mỗi phút để duy trì huyết áp tổng thể của mình.
Phản xạ thần kinh đối giao cảm vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất gây ngất
Nửa còn lại của hệ thống thần kinh tự chủ của bạn là hệ thống thần kinh giao cảm. Hệ thần kinh giao cảm chịu trách nhiệm cho các phản ứng tự nhiên khi bạn đối mặt với nguy hiểm. Nó khiến đồng tử của bạn giãn ra, nhịp tim tăng lên, phổi mở rộng, tăng adrenaline...
Hệ thống thần kinh giao cảm đảm bảo các mạch máu nhỏ trong mô của cơ thể bạn duy trì mức độ co thắt nền. Hoạt động co mạch này cũng góp phần gìn giữ huyết áp cho cơ thể bạn hoạt động.
Công thức ở đây là: khi hoạt động đối giao cảm xảy ra quá mức làm hạn chế hệ giao cảm, mạch không co thắt đủ đến mức nền khiến máu của bạn bị lưu lại các vùng mô ngoại biên, chẳng hạn như dồn xuống chân thay vì hướng trở về tim để lên não.
Quá trình đồng thời sẽ khiến cho nhịp tim và huyết áp của bạn giảm rất thấp, và bạn bị ngất.
2. Ngất do tác động tâm lý bên ngoài
Mặc dù các cơ chế vật lý sẽ giải thích lý do bạn ngất một cách hợp lý hơn. Nhưng vẫn có những nguyên nhân tâm lý gây ra hiện tượng này. Hãy nghĩ về một người bị ngất khi nhìn thấy máu. Điều gì đã xảy ra dẫn đến phản ứng vasovagal quá mức?
Thông thường, khi gặp phải những căng thẳng đột ngột – chẳng hạn như khi bạn sợ máu mà nhìn thấy máu – cơ thể sẽ kích hoạt phản ứng sợ hãi, làm tăng hoạt động của hệ thống thần kinh giao cảm và khiến nhịp tim tăng lên.
Nhưng cơ chế điều hòa ngay lập tức nhận ra vấn đề, nó sẽ bù lại bằng cách tăng hoạt động thần kinh đối giao cảm, để làm chậm nhịp tim trở lại mức bình thường. Đây là điểm nhạy cảm mà vấn đề xảy ra.
Nếu hệ thống đối giao cảm bù đắp quá mức và làm giảm nhịp tim quá nhiều, huyết áp bạn có thể đổi chiều và giảm xuống quá nhanh, não khi đó sẽ bị thiếu oxy và bạn mất ý thức.
Một số người bị ngất khi nhìn thấy máu
Thế nhưng, dù bạn có bị ngất vì nguyên nhân nào đi chăng nữa, hầu hết đó chỉ là phản ứng tạm thời. Mọi người sẽ tỉnh lại ngay lập tức, một số nhà nghiên cứu đã cho rằng ngất là một phản xạ tự vệ của cơ thể.
Giả sử bạn ngất đi và nằm xuống đất, máu sẽ không còn chịu trọng lực khi chúng chảy từ tim lên não. Quá trình sẽ diễn ra dễ dàng hơn, và bạn tỉnh lại. Trong trường hợp ngất do tâm lý, chẳng hạn một người bị tai nạn và nhìn thấy mình chảy quá nhiều máu, ngất đi cũng khiến họ nằm bất động một chỗ, điều này giúp cầm máu tốt hơn và giảm khả năng mắc thêm các chấn thương mới.
Mặc dù vậy, ngất không phải hoàn toàn vô hại. Quá trình mà cơ thể bạn chuyển từ trạng thái đứng sang nằm là khía cạnh nguy hiểm nhất của nó. Các cú ngã do ngất xỉu như vậy có thể khiến bạn bị đập đầu hoặc các bộ phận cơ thể khác xuống mặt nền, gây thương tích.
Trong một số trường hợp, chẳng hạn khi một người hiến máu tình nguyện, có nghiên cứu cho thấy rằng họ bị ngất không phải do yếu tố tâm lý mà là do chính sự mất máu gây ra.
Một nghiên cứu, trong đó các tình nguyện viên được cho xem video trích máu và truyền máu. Video trích máu đã kích hoạt phản ứng đối giao cảm mạnh hơn video truyền máu, cho thấy có điều gì đó đặc biệt ở đây còn chưa được giải thích.
Nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, nếu một người tin rằng họ có thể dừng thử nghiệm bất cứ lúc nào, các triệu chứng vasovagal có thể được giảm thiểu. Điều này cho thấy cảm giác sợ hãi hoặc thiếu kiểm soát có thể góp phần vào mức độ nghiêm trọng của phản ứng đối giam cảm.
Hiến máu có thể khiến mọi người ngất xỉu, cả vì nguyên nhân tâm lý lẫn vật lý
3. Giảm thiểu nguy hiểm
Để có thể giảm thiểu những nguy hiểm có thể xảy ra khi bị ngất, bạn cần nắm được các tình huống mà nó có thể xảy ra. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng cần để ý hơn nam giới, bởi họ có tỷ lệ bị ngất cao hơn.
Có một số chiến lược có thể giúp bạn ngăn ngừa ngất xỉu:
- Ngay lập tức khi bạn cảm thấy cơ thể mình không ổn, hãy nằm xuống, nâng cao đầu gối hoặc chân để tạo điều kiện cho máu dồn trở lại não.
- Xoa bóp hoặc co các cơ ở chân và tay, để giúp máu từ các vùng ngoại biên dồn về trung tâm cơ thể
- Luôn uống đủ nước để duy trì độ nhớt máu thấp
Cuối cùng, đừng quá lo lắng. Bị ngất không phải là một dấu hiệu đáng sợ. Chỉ trừ khi điều đó xảy ra thường xuyên và liên tục, lúc này bạn sẽ cần gặp bác sĩ để khám và điều trị.
Tham khảo Theconversation
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming