Bạn đã thử "dạo quanh" Wikipedia dưới dạng một trò chơi tương tác hay chưa?

    Kuroe,  

    Sản phẩm này giống hệt như những tựa game phiêu lưu bằng chữ cổ điển từ những năm 80.

    Đã bao giờ bạn nghĩ rằng mình có thể "dạo quanh" Wikipedia dưới hình thức một trò chơi tương tác hay chưa? Giờ đây bạn đã có thể làm được điều đó, nhờ vào dự án Wikipedia: The Text Adventure do lập trình viên người Anh Kevan Davis thực hiện. Tất cả những gì bạn cần làm chỉ đơn giản là truy cập vào địa chỉ này bằng trình duyệt web mà thôi.

    Giao diện ban đầu của trò chơi tương đối giống với các tựa game "nhiều chữ" của Infocom vào những năm 80 (Hãng này vốn nổi tiếng với những trò chơi thuộc dạng text-based adventure). Người chơi có thể click vào một địa điểm bất kỳ do màn hình chính đưa ra để chọn làm điểm khởi đầu cho mình. Tại đây, các thông tin cơ bản như bạn đang đứng ở đâu, ở gần những địa điểm nào sẽ được đưa ra.

    Các thao tác của người chơi tương đối hạn chế: bạn thực hiện các hành động trong trò chơi thông qua việc gõ các câu lệnh. Gõ "help" sẽ hiện ra những câu lệnh mà bạn có thể dùng. Nếu bạn muốn di chuyển đi đâu đó, hãy sử dụng cú pháp "go địa điểm cần đến". Muốn biết thêm thông tin xung quanh một thứ gì đó thì dùng lệnh "examine". Còn khi muốn nhặt thứ gì đó lên, bạn có thể sử dụng lệnh "take".

    Tất nhiên, các câu lệnh mà bạn có thể sử dụng tương đối hạn chế, bởi lẽ Wikipedia: The Text Adventure không phải là một trò chơi có cốt truyện và mục tiêu cụ thể. Đây chỉ là một dự án được thực hiện để biến một đại dương thông tin trở thành một "thế giới tưởng tượng" mà thôi.

    Lập trình viên Kevan Davis, cha đẻ của dự án này, trước đây đã từng thực hiện một ý tưởng tương tự vào hồi tháng 11 năm 2015. Ở thời điểm đó, anh muốn tạo ra một cuốn sách từ các câu chữ trong API của Wikipedia. Kết quả anh thu được là một phiên bản tương đối kỳ dị của "Vòng quanh thế giới trong 80 ngày", kể về một người cứ liên tục hướng về phía Đông để tới với những địa danh khác nhau trên thế giới.

    Công cụ của Davis tập trung chủ yếu tới các địa danh cụ thể, cùng với mô tả và thông tin về các địa điểm liên quan. Kết quả thu được khiến anh nảy ra ý tưởng rằng: "có thể để mọi người sử dụng công cụ này để tạo ra một cuộc phiêu lưu của riêng mình".

    Theo như lời của Davis, anh tung ra "Wikipedia: The Text Adventure" mà bỏ qua việc xây dựng nội dung cốt truyện, cũng như hệ thống nhiệm vụ cụ thể. Bởi lẽ, anh cho rằng đó không phải là thứ mà những người tham gia vào trò chơi này cần. "Tôi thấy rằng mọi người hoàn toàn có đủ niềm vui tự việc xây dựng một hệ thống nhiệm vụ và cốt truyện của riêng họ - chẳng hạn như tìm đường về nhà từ một địa danh xa xôi, hay chu du từ thành phố này qua thành phố khác, hoặc thu thập những báu vật từ nhiều địa điểm khác nhau".

    Davis cũng đưa ra một số gợi ý về địa điểm và nhiệm vụ mà mọi người nên thử qua, như Pripyat (một nơi rất khó để khám phá ở ngoài đời thực), hay tìm đường lên đỉnh núi Everest từ Lobuche, Nepal (do có rất nhiều địa điểm xung quanh đỉnh Everest từ đây, nên chúng ta sẽ rất dễ bị lạc). Bản thân Davis cũng bỏ ra kha khá thời gian "loanh quanh" tại quê hương của mình: "Có rất nhiều địa danh hiện đại cũng như cổ xưa xung quanh nơi đây, khiến cho tôi có thể di chuyển từ một trại lính của La Mã tới một tòa nhà chọc trời chưa được xây, rồi lại đến với một quán cafe đã bị dỡ bỏ từ hồi thế kỷ 17".

    Tham khảo arstechnica

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ