Nhờ bị tách ra khỏi Lục địa Đen từ 160 triệu năm trước mà Madagascar hoàn toàn biệt lập, phát triển một hệ động thực vật độc đáo với gần 80% là các loài đặc hữu.
Bán đảo Masoala nằm trên bờ biển phía đông bắc của Madagascar. Nó cũng là rừng mưa nhiệt đới duy nhất vẫn còn nguyên vẹn, chưa từng bị tác động bởi bàn tay của con người ở quốc đảo này.
Trên bãi cát vàng hoang vắng bao bọc Masoala là núi rừng rậm rạp. Kể từ năm 1997, hơn 2300 km2 diện tích mặt đất và 100 km2 mặt biển đã được quy hoạch để trở thành công viên quốc gia, bảo tồn từ rừng mưa nhiệt đới, rừng ngập mặn, đầm lầy, động thực vật lẫn rạn san hô đáy biển trong khu vực này.
Nơi hàng ngàn cá voi lưng gù đến tạm trú để tán tỉnh nhau và đẻ con
Nếu đến Masoala vào tầm tháng 7-9, bạn còn được no mắt với khung cảnh hàng ngàn con cá voi lưng gù (Megaptera novaeangliae) khuấy động mặt biển. Chúng từ Nam Cực di cư tới đây để giao phối và đẻ con.
Bất chấp cơ thể nặng đến hớn 30 tấn, cá voi lưng gù vẫn nhào lộn vô tư, rất khoái trồi lên khỏi mặt nước.
"Chúng tôi rất hay nghe thấy tiếng cá voi hát," - Seraphin, một hướng dẫn viên du lịch địa phương cho hay. Cá voi lưng gù đực có tập tính cất tiếng hát để tán tỉnh con cái. "Cánh chị em" cũng sẽ quyết định "chọn chồng" dựa trên kỹ năng ca hát của đối phương.
"Bài hát" của cá voi lưng gù đực đặc biệt phức tạp, mỗi "bài" thường kéo dài từ 10-20 phút, và thường được "tua lại" nhiều lần.
Hệ sinh thái đa dạng nhất toàn cầu
Có đến gần 80% các loài trong Vườn quốc gia Masoala là loài đặc hữu. Tức là, chúng không thể tìm thấy ở bất cứ đâu khác. Thật không ngoa khi nói rằng, Madagascar là quốc gia sở hữu nhiều động thực vật quý hiếm nhất trên Trái đất.
Rất dễ để bạn được tận mắt chiêm ngưỡng các loài đặc hữu ở nơi này. Từ khỉ Aye-aye (Daubentonia) - một loài khỉ sống về đêm giương đôi mắt to, tròn xoe như hòn bi - đến chim Euryceros prevostii khoe cái mỏ xanh biếc khổng lồ. Rồi thì diều ăn rắn Madagascar (Eutriorchis astur) ngày ngày phơi bày dáng vẻ đĩnh đạc trên cành cây lớn...
Dưới mặt đất, rễ cây khổng lồ bò tràn lan. Những cây gỗ hồng (Rosewood) cao chót vót như muốn vươn ngọn với tận trời, còn những tán Dracaena draco lại xòa rộng. Dây leo quấn quýt, chiếm lĩnh khắp chốn, bò ra tận bờ suối, nơi dòng nước trong vắt đang đổ thành thác trắng xóa, đẹp diệu kỳ.
Vượn cáo cổ khoang đỏ (Varecia rubra) đặc hữu của Madagascar tuy nằm trong danh sách nguy cấp nhưng lại không khó để nhìn thấy. Chúng ưa chuyền cành cây, nom hệt như những quả cầu lửa biết chuyển động nhờ bộ lông màu đỏ thẫm.
Vì là rừng mưa tươi tốt nên Masoala cũng giàu có hoa phong lan hơn bất cứ cánh rừng nào khác ở Châu Phi. Trên những thân cây lớn thô kệch, chúng khoe dáng vẻ thanh lịch, điệu đà. Tuy nhiên, loài hoa lan nổi tiếng nhất tại đây lại là Vanilla, một "hàng ngoại nhập" từ Mexico.
Mặc dù lan Vanilla có giá trị kinh tế rất cao, nhưng rừng mưa Madagascar lại không hề có loài ong thụ phấn cho loài hoa này. Thế nên, người ta phải tự làm bằng tay. "Việc này cực kỳ tốn kém nhân công", Seraphin cho biết.
Góc đông bắc là nơi dành riêng cho tổ tiên
Một trong những điều thú vị khác ở Madagascar là sự linh hoạt của phương tiện du ngoạn. Bạn có thể dùng thuyền động cơ hiện đại, thuyền chèo tay truyền thống hoặc thuyền kayak. Đặc biệt, nếu ghé Ile St Marie, hòn đảo nhỏ cách bờ biển phía Đông Bắc của Madagascar chừng 63km, bạn còn có thể dùng xe đạp nữa.
Khá nhiều khách sạn ở đây có sẵn xe đạp cho du khách thuê. Bạn có thể đạp xe trên những con đường yên tĩnh, dừng lại trước nghĩa trang cướp biển đổ nát nếu đủ can đảm. Ile St Marie từng là nhà của rất nhiều cướp biển, vì nó gần với tuyến đường thương mại Đông Ấn. Ngoài ra, nơi này còn sở hữu nhà thờ Công giáo cổ nhất Madagascar.
Nếu đi xa hơn nữa về phía đông bắc, bạn còn gặp được những ngôi làng hẻo lánh. Xuyên qua cánh rừng ngập mặn và lang thang trên bãi biển, bạn sẽ thấy phong cảnh chốn này đẹp không thua bất cứ bãi biển nổi tiếng nào.
Được biết, người Malagasy có phong tục dành riêng góc đông bắc của căn nhà cho tổ tiên. Thế nên nếu đã tới Madagascar, bạn hãy dành một chút thời gian để trải nghiệm luôn cả góc tâm linh độc đáo này.
Tham khảo: CNN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Hai nhà khoa học giành giải Nobel Y học 2024 vì khám phá ra microRNA
Nghiên cứu của Ambros và Ruvkun có ý nghĩa rất lớn với việc tìm ra phương pháp điều trị nhiều căn bệnh, bao gồm cả ung thư.
Bị Mỹ cấm vận, người Nga bất ngờ có trên tay sản phẩm chưa ra mắt của Apple