Bán giấc mơ hàng nghìn tỷ USD, WeWork, Uber trở thành những kẻ 'lừa gạt' vĩ đại nhất trong lịch sử
WeWork, Uber là điển hình của dạng startup phát triển cực nhanh chóng và cũng thua lỗ vô cùng nhanh chóng.
Đầu tuần này, startup chia sẻ không gian làm việc chung WeWork đã tuyên bố sẽ hoãn vô thời hạn kế hoạch IPO sau khi các nhà đầu tư ở phố Wall định giá giảm công ty này từ 47 tỷ USD xuống còn 20 tỷ USD.
Suốt 4 tuần, thông tin về WeWork xuất hiện dày đặc tạo ra một cuộc khủng hoảng mang tầm quốc tế, nhiều sự thật không ngờ được hé lộ. Các tài liệu trong hồ sơ IPO của công ty cho thấy họ lỗ chồng chất suốt 3 năm: 429 triệu USD năm 2016, 890 triệu USD năm 2017 và 1,6 tỷ USD năm 2018. Đồng sáng lập kiêm cựu CEO Neumann thì khăng khăng bắt WeWork đổi tên thành The We Company – một cái tên mà anh này nói rằng đã đăng ký sở hữu thương hiệu trước đó và thế là WeWork phải trả cho Neumann gần 6 triệu USD tiền… bản quyền.
4 công ty thua lỗ 13 tỷ USD trong 1 năm
Trên thực tế, tình huống xảy ra ở WeWork không mấy bất ngờ trong giới khởi nghiệp, đặc biệt là những kỳ lân công nghệ. Giống như nhiều startup zombie khác, WeWork đang đốt cả tấn tiền. Mức thua lỗ trong năm nay của công ty này đang có nguy vượt 1 tỷ USD. Cũng như nhiều startup đang nổi khác trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng, WeWork là điển hình của dạng startup phát triển cực nhanh chóng và cũng thua lỗ vô cùng nhanh chóng.
Tờ The Atlantic phân tích thế này. Nếu như bạn ngủ trên những tấm nệm Casper, gọi xe qua ứng dụng Lyft để đến văn phòng làm việc của WeWork, sử dụng DoorDash để gọi bữa trưa đến văn phòng, rồi lại bắt một chiếc xe Lyft khác về nhà và gọi Uber Eats cho bữa tối, bạn đã dành cả ngày để trải nghiệm với những công ty đã thua lỗ tổng cộng 13 tỷ USD trong năm nay. Hầu hết, đều chưa có lợi nhuận và có lẽ là cũng không bao giờ có!
Có nhiều lý do khiến những công ty như vậy vẫn cố gắn kết với lĩnh vực công nghệ tiêu dùng bởi kỳ vọng phong cách sống mới mẻ của giới trẻ thành thị cuối cùng sẽ giúp họ có lãi. Một vài công ty nỗ lực giảm giá sản phẩm nhằm tăng cơ sở khách hàng với lời hứa hẹn rằng họ sẽ dễ dàng tăng giá khi đủ lớn mạnh. Một số khác đơn giản là không thể tăng giá bởi họ biết rằng ngay khi làm như vậy những doanh nghiệp đối thủ được rót vốn nhiều hơn, với túi tiền rủng rỉnh hơn sẽ ngay lập tức chiếm được thị phần của họ. Hoặc trong trường hợp xấu hơn, họ sẽ dễ dàng bị những ông lớn như Amazon "nuốt chửng".
Tuy nhiên, dù là lý do gì đằng sau những khoản thua lỗ đó, rõ ràng các nhà đầu tư tư nhân đã nghe thấy và vẫn tin tưởng và rót hàng chục tỷ USD.
WeWork và Uber được định giá "trên trời" là bởi các nhà đầu tư tư nhân như Softbank bị thu hút bởi những tuyên bố hấp dẫn như: Tái định nghĩa lại không gian văn phòng hay Tái định nghĩa lại thị trường giao thông đô thị. Họ đưa ra được những tầm nhìn mang tính chinh phục mạnh mẽ cho các nhà đầu tư bởi rõ ràng để chinh phục thị trường toàn cầu đòi hỏi một lượng tiền khổng lồ để thuê bất động sản, trả lương cho tài xế, trợ giá cho khách hàng, vận động hành lang các chính phủ…
Phần tóm lại của những bài thuyết trình về các chiến dịch mở rộng ra toàn thế giới giữa startup và các nhà đầu tư luôn là câu nói muôn thủa: Chi phí sẽ rất tốn kém. Kể từ khi IPO, giá trị Uber đã giảm gần 50%. Công ty đang tiếp tục thua lỗ hơn 8 tỷ USD trong năm nay vì những khoản trả 1 lần cho nhân viên và gộp lại thua lỗ mỗi quý. Đó là chưa kể việc công ty này sẽ sớm bị chính quyền California buộc phải coi các tài xế là nhân viên toàn thời gian.
Wework trình bày trong hồ sơ của họ về một cơ hội thị trường khả dụng trị giá 1,6 nghìn tỷ USD với gần 300 triệu thành viên. Nhưng, đi kèm với tài liệu đó là những báo cáo cho thấy mức thua lỗ hàng năm khổng lồ, không có con đường nào rõ ràng đi tới việc có lợi nhuận.
Trên thực tế, nếu như không IPO và những tài liệu về công ty không được công khai, rất khó để xác định được sức khỏe của một startup. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đã có quá đủ bằng chứng cho thấy những mô hình kinh doanh chia sẻ giống Uber và WeWork chứa đựng nhiều vấn đề, đặc biệt là tham vọng toàn cầu đòi hỏi một dòng vốn khổng lồ, lên tới hàng tỷ USD.
Chỉ toán học mới cứu được các kỳ lân
Vậy tại sao những nhà đầu tư như Softbank vẫn ném hết tất cả tiền của họ vào các công ty công nghệ trong lĩnh vực bán lẻ, bất động sản và cơ sở hạ tầng dù không ai trong số đó có một lộ trình có lãi rõ ràng? Có lẽ Softbank cho rằng họ đang trong tầm nhìn dài hạn và việc chi tiêu là cần thiết để nuôi dưỡng nên những thế hệ Amazon tiếp theo.
Lý do sâu sắc hơn có thể là bởi những tượng đài công nghệ truyền thống đã đạt đến điểm bão hòa và các nhà đầu tư mong muốn tìm những ngọn núi tiếp theo. Trong 2 năm qua, nhóm FAANG gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google đã chứng kiến tỷ lệ P/E giảm tới 60%. Apple và Samsung thì trải qua giai đoạn bão hòa điện thoại thông minh khi khách hàng ngày càng dùng chiếc iPhone của họ lâu hơn. Chính vì vậy, các nhà đầu tư đang rót tiền không tiếc tay để thúc giục các startup hình thành nhằm phục vụ nhu cầu ăn, ngủ, mua sắm, đi lại, làm việc và sống của dân số thành thị trên toàn thế giới.
Đó rõ ràng là một tầm nhìn đầy hứa hẹn. Sự thật cũng cho thấy những "quái vật" giống như WeWork đã xây dựng nên những doanh nghiệp tuyệt vời, đạt hàng tỷ USD doanh thu mỗi năm, phục vụ hàng trăm nghìn, thậm chí 10 triệu khách hàng trên toàn cầu.
Nhưng, những công ty như vậy đang tham gia vào thị trường để bán những giấc mơ hàng nghìn tỷ USD kèm với những khoản thua lỗ hàng tỷ USD. Giải pháp ở đây là: Họ phải xóa bớt ảo tưởng, trở về giá trị thực, cắt bớt những chiến dịch mở rộng thị trường quá tốn kém. Họ cần thoát khỏi hình ảnh là những công ty "xác sống", "dựa hơi" các quỹ đầu tư nhiều tiền để trở thành một DOANH NGHIỆP đích thực.
The Atlantic khẳng định: Ma thuật đã tạo nên những startup kỳ lân tỷ đô thì giờ chỉ có toán học mới cứu được họ. Một khi thay đổi câu chuyện, mô hình kinh doanh, mọi chuyện sẽ khác.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming