Bạn nên ngừng sử dụng nước oxy già để sát khuẩn vết thương - Đây là lí do tại sao

    zknight,  

    Vừa đau vừa có hại.

    Bất cứ một đứa trẻ 9x nào đều biết đến cảm giác lạnh toát và đau đớn khi rửa vết thương với nước oxy già. Trong khi chơi đùa, xước xát chân tay và chảy máu là điều không thế tránh khỏi, những ông bố của thế kỷ 20 luôn gọi con của họ lại, lấy nước oxy già và phụt vào vết thương cho sủi bọt: “Đau là đúng rồi, tốt đấy”.

    Bây giờ, bạn có thể đưa bài báo này cho bố của bạn đọc. Rửa vết thương với nước oxy già, hydrogen peroxide hay H2O2 có hại nhiều hơn lợi. Và bởi bạn đã biết điều này, hi vọng trong thế kỷ 21 sẽ không còn đứa trẻ nào phải chịu đựng cách sát trùng “thảm khốc” như vậy nữa.

    Bạn nên ngừng sử dụng nước oxy già để sát khuẩn vết thương - Đây là lí do tại sao - Ảnh 1.

    Phản ứng đặc trưng của nước oxy già trên một vết thương hở

    Aaa… đau!

    Hóa ra, dùng nước oxy già để sát khuẩn vết thương là một ý tưởng tồi. Những ông bố nghĩ rằng oxy già sủi bọt (là kết quả của phản ứng giữa hydrogen peroxide và vi khuẩn) sẽ tiêu diệt vi khuẩn trong vết thương, và giúp bạn phòng ngừa nhiễm trùng.

    Điều này không sai, nhưng bản chất vấn đề đã bị bỏ qua. Nhỏ oxy già lên một vết thương không chỉ giết chết vi khuẩn. Đội quân bong bóng lèo xèo được giải phóng, trong khi hydrogen peroxide nhắm mục tiêu đến enzyme catalase có mặt trong tất cả các tế bào chúng tiếp xúc.

    Điều đó có nghĩa là nước oxy già sẽ phá hủy cả các tế bào còn khỏe mạnh trong vết thương. Nhiều các tế bào trong số đó tham gia vào quá trình làm lành vết thương. Bởi vậy, sát khuẩn bằng oxy già trong trường hợp này có thể khiến vết thương lâu lành hơn, đồng thời dễ để lại sẹo.

    Chưa hết! Oxy già có công thức hóa học là H2O2 , nó thực chất là một phân tử nước liên kết yếu với một nguyên tử oxy. Liên kết này rất yếu, khi tiếp xúc với catalase, H2O2 sẽ bị phân giải nhanh chóng thành nước (H2O) và khí oxy (O2). Mỗi một phân tử catalase có thể phân giải hàng triệu phân tử H2O2 chỉ trong 1 giây, tạo ra hàng triệu phân tử khí O2 lèo xèo mà bạn nhìn thấy trên bề mặt vết thương.

    Trường hợp tệ nhất xảy ra khi các bọt khí oxy này xâm nhập vào mạch máu. Ở một tỉ lệ nhất định, những bọt khí này có thể làm tắc nghẽn dòng máu, gây ra đột quỵ, tắc phổi hoặc nhồi máu cơ tim. Năm 1994, một bài báo khoa học đăng trên tạp chí American Journal of Forensic Medicine and Pathology đã ghi nhận một số trường hợp tử vong do sử dụng oxy già khiến oxy thâm nhập vào máu.

    Phản ứng của Hydrogen peroxide 30% với máu

    Tạm biệt H2O2

    Nếu không dùng nước oxy già, bạn nên làm gì để sát khuẩn những vết thương nhỏ? Đơn giản, các chuyên gia khuyên rằng bạn chỉ nên rửa dưới vòi nước chảy, dùng xà phòng nhẹ hoặc nước muối sinh lý.

    Bạn nên dành ít nhất 5 phút để làm sạch vết thương, đủ để loại bỏ bụi bẩn, mảnh vụn và vi khuẩn. Có một số loại thuốc mỡ mà bạn có thể bôi để giữ ẩm cho vết thương. Giữ ẩm sẽ giúp vết thương mau lành hơn. Một số loại thuốc mỡ chứa kháng sinh cũng có thể phòng ngừa nhiễm trùng.

    Dù có thuốc mỡ hay không, sau khi bạn làm sạch vết thương hãy che nó lại bằng băng hoặc gạc vô trùng.

    Có một quan niệm sai lầm nữa, cho rằng bạn nên để hở vết thương vì nó cần được “thở”. Nhưng không phải, vết thương cần được băng để tránh cọ xát vào quần áo, bụi bẩn hoặc vi trùng xâm nhập. Khi bạn có một vết cắt, băng còn có thể giúp miệng vết cắt nhanh lành hơn.

    Cuối cùng, đối với trường hợp có một vết thương lớn, sâu hoặc không cầm được máu, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của một người chuyên nghiệp, là bác sĩ, y tá hoặc ai đó đã được huấn luyện để xử trí vết thương.

    Nhớ, tuyệt đối không nên sử dụng nước oxy già. Bây giờ đã là lúc bạn nói lời tạm biệt với những lọ hydrogen peroxide, nếu chúng còn trong tủ thuốc tại nhà.

    Tham khảo Curiosity, WebMD, Gizmodo, Todayifoundout

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ