Ngẫm chuyện đầu năm: Người thành đạt nhất lớp tôi lại là người bỏ học Bách Khoa và đi bán ‘Táo’

    M.Đức - WeBuy,  

    H. luôn là người có thu nhập đáng mơ ước trong câu chuyện của những người bạn trong lớp tôi, nhưng không phải ai cũng biết phía sau là sự cố gắng không ngừng nghỉ.

    Có lẽ cuối năm vừa được thưởng Tết, nên bỗng một ngày người cô bên nhà nội gọi điện nói rằng muốn tôi đi tìm mua hộ một iPhone 14 Pro để thay chiếc smartphone đang xuống cấp đang dùng. Với nhiệm vụ đi tìm mua iPhone, tôi lại nhớ đến người bạn tên Lê H. cùng lớp Đại học của mình, nhờ việc kinh doanh đồ Apple mà giờ trở thành người có thu nhập cao nhất trong lớp.

    Ngẫm chuyện đầu năm: Người thành đạt nhất lớp tôi lại là người bỏ học Bách Khoa và đi bán ‘Táo’- Ảnh 1.

    Cũng muốn ủng hộ một người bạn đã cùng nhau “đốt tuổi thanh xuân” trên ghế nhà trường trong nhiều năm, tôi nhắn tin để gặp mặt H. vào một buổi chiều cuối năm để mua máy, cũng như nói chuyện sau nhiều ngày không gặp mặt.

    Ngẫm chuyện đầu năm: Người thành đạt nhất lớp tôi lại là người bỏ học Bách Khoa và đi bán ‘Táo’- Ảnh 2.

    Chắc chắn H. là một trong những người tôi ngưỡng mộ nhất trong lớp Đại học của mình. Cậu bạn đến từ ‘thành phố cảng’ Hải Phòng lên Hà Nội để học chuyên ngành Công nghệ thông tin (hay mọi người gọi vui là ngành Coder, Dev), nhưng nhanh chóng ‘bén duyên’ với việc buôn bán các sản phẩm công nghệ của ‘Táo’. Có vẻ như công việc cũng ‘thuận buồm xuôi gió’ từ sớm, khi năm nhất tôi thấy cậu ấy đi Honda Wave nhưng chỉ tới năm 2 cậu ta đã ‘nâng đời’ lên một chiếc SH bằng số tiền mà bản thân kiếm được!

    Tới 2021 khi tôi vẫn đang ‘vật lộn’ với các môn học còn nợ và Đồ án tốt nghiệp, thì H. quyết định dừng việc học để mở một cửa hàng tại Hà Nội. Nhìn lại, H. đã đi xa trong sự nghiệp, về khả năng kiếm tiền hơn bất cứ một ai trong lớp của tôi, mặc dù trong lớp cũng có nhiều bạn đã tốt nghiệp và đi làm đúng nghề. Và trong buổi nói chuyện với H. tại cửa hàng của cậu ấy, tôi hiểu được nhiều điều về việc kinh doanh, cũng như tìm được câu trả lời cho câu hỏi: “Bằng cấp có còn thực sự quan trọng cho sự nghiệp trong thời điểm hiện tại?”.

    Ngẫm chuyện đầu năm: Người thành đạt nhất lớp tôi lại là người bỏ học Bách Khoa và đi bán ‘Táo’- Ảnh 3.

    H. không lớn lên từ gia đình có truyền thống kinh doanh, bố và mẹ đều là công nhân viên chức nên cậu ấy cũng không ‘tiếp nối nghiệp gia đình’ hay học hỏi được kinh nghiệm gì nhiều trong việc kinh doanh. “Các kinh nghiệm buôn bán tôi tích góp từ xã hội bằng việc đi làm, học thêm, cóp nhặt từ người này người kia cho bản thân.” - H. chia sẻ.

    Việc ‘bén duyên’ với nghề kinh doanh đến từ niềm đam mê từ nhỏ của cậu với các sản phẩm công nghệ, sự tò mò với ‘những thứ hiện đại’ của một thằng con trai:

    “Tôi cũng không phải có đam mê kinh doanh gì từ bé. Thời cấp 1 cấp 2 tôi đơn giản là thích nghịch đồ công nghệ, cũng chỉ ‘vọc’ máy tính, cài game, tìm cách hack cheat, rồi cả trốn học đi ‘net’ như những người bạn cùng tuổi thôi. Đến tầm lớp 8, tôi lần đầu được cầm trên tay một chiếc iPhone 4 của một người anh, và lập tức cảm thấy bị ‘mê’ với các sản phẩm của Apple.”

    Ngẫm chuyện đầu năm: Người thành đạt nhất lớp tôi lại là người bỏ học Bách Khoa và đi bán ‘Táo’- Ảnh 4.

    “Từ lúc này tôi bắt đầu ‘nghịch’ sâu hơn, tìm cách Jailbreak iOS, chạy phần mềm Beta, tham gia các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về iOS trên Facebook. Sau một thời gian viết nhiều bài chia sẻ kinh nghiệm với các anh em có cùng đam mê, tôi cũng đạt được thành công ban đầu là trở thành Admin của 1 số group và Fanpage “iFanVN.com” từ hồi cấp 3.”

    Lên Đại học, H. xin được một ‘chân’ làm nhân viên tư vấn bán hàng cho cửa hàng HNMac, lúc đó là một cửa hàng bán máy tính Mac có tiếng tại Hà Nội. Cậu chia sẻ rằng đây là thời gian mà bản thân có nhiều sự thay đổi, đặc biệt là trong cách giao tiếp ‘mặt đối mặt’ với người khác. Từ bé là một người ngại giao tiếp, thông qua công việc bán hàng H. dần tự tin để đáp ứng được nhu cầu của công việc.

    Ngẫm chuyện đầu năm: Người thành đạt nhất lớp tôi lại là người bỏ học Bách Khoa và đi bán ‘Táo’- Ảnh 5.

    Trong thời gian đi học, H. phải ‘cáng đáng’ cả việc lên lớp và đi làm thêm, chắc chắn là một thử thách lớn đối với bất cứ ai. Đó là còn chưa kể H. học chuyên ngành Hệ thống thông tin tại trường Bách Khoa Hà Nội, nổi tiếng về chương trình nặng, lượng kiến thức lớn và thời gian đi học luôn ‘kín tuần’.

    “Áp lực đến từ việc học nhiều lúc làm tôi cảm giác ‘không có thời gian mà thở’, nó không khác gì một công việc Full-time và chắc chắn ‘nặng’ nhất là những lần thi giữa kỳ và cuối kỳ. Nghĩ lại thì thời gian đó tôi cũng thấy ‘ghê’ thật, đi học suốt một ngày từ 6 giờ 30 sáng, rồi lại đi làm đến 9, 10 giờ tối mới về. Chắc tất cả là nhờ ‘Đam mê’ mà thôi.”

    Ngẫm chuyện đầu năm: Người thành đạt nhất lớp tôi lại là người bỏ học Bách Khoa và đi bán ‘Táo’- Ảnh 6.

    Những sự cố gắng này đã đạt được thành quả, sau những ngày tháng buôn bán tự do và tích góp kinh nghiệm từ việc làm nhân viên bán hàng, H. mở một cửa hàng nhỏ cho riêng mình vào 2021. Việc kinh doanh thành công, đặc biệt là với các sản phẩm công nghệ chắc chắn là ước mơ của nhiều thằng con trai, nhưng không phải ai cũng có thể thành công được. Vậy với H. thì đâu là ‘bí quyết’ để làm được điều này?

    “Mọi người nói “Phi thương bất phú”, phải kinh doanh thì mới giàu có được. Tôi thì thấy câu này nửa đúng, nửa không đúng vì đâu phải ai kinh doanh cũng thành công, cũng phải có duyên và cả sự may mắn nữa. Buôn bán đồ công nghệ thì còn cần phải có kiến thức, liên tục học hỏi. Tôi vẫn thường nói với các bạn nhân viên trong cửa hàng là “Chúng ta không chỉ bán mỗi sản phẩm, chúng ta phải phải đem cả kiến thức tốt nhất để đem đến khách hàng.”

    Nhiều người hỏi rằng tại sao tôi lại làm được như thế này khi vẫn còn trẻ, tôi chỉ có thể nói là tôi may mắn mà thôi. Tôi may mắn vì gặp được những người thầy, người anh, người chị, bạn và em giúp đỡ. Quan trọng nhất là có gia đình đứng sau cổ vũ, khích lệ và động viên trong những lúc tôi gặp khó khăn nhất”.

    Ngẫm chuyện đầu năm: Người thành đạt nhất lớp tôi lại là người bỏ học Bách Khoa và đi bán ‘Táo’- Ảnh 7.

    H. cũng chia sẻ rằng ‘lên làm chủ’ rồi không có nghĩa là công việc trở nên ‘thảnh thơi’ hơn: “Tôi thấy ‘làm chủ’ đúng nghĩa phải là ‘làm cả Chủ nhật’ mới đúng”! Mở cửa hàng chứ không còn là kinh doanh tự do, lượng khách hàng nhiều hơn và lượng công việc phải làm cũng tăng lên nhiều. Những dịp Lễ, Tết các bạn nhân viên về với gia đình nên H. phải làm thay phần việc của họ luôn. “Mọi người cũng bỏ luôn suy nghĩ là ‘lên làm chủ’ thì sẽ thảnh thơi, không có đâu!”

    Mặc dù được biết tới là ‘người có thu nhập cao nhất lớp Đại học’, nhưng H. cũng chia sẻ rằng hiện mình cũng chỉ ‘kiếm đủ tiêu’, chứ không có khoản tiết kiệm thật lớn để thoải mái mua bất cứ thứ gì mình muốn:

    “Trong thời buổi kinh tế khó khăn trầm trọng như thế này, mọi người có xu hướng cắt giảm chi tiêu, ‘thắt lưng buộc bụng’ hơn trước nên việc kinh doanh của cửa hàng cũng bị ảnh hưởng nhiều. Buôn bán trong khoảng thời gian này, đạt được mức duy trì thôi cũng là giỏi lắm rồi.”

    Ngẫm chuyện đầu năm: Người thành đạt nhất lớp tôi lại là người bỏ học Bách Khoa và đi bán ‘Táo’- Ảnh 8.

    Khi quyết định dừng việc học để kinh doanh, H. cũng đã chịu những áp lực từ phía gia đình. Nhưng cậu chia sẻ rằng trong thời gian đó, tự mình cũng ‘tự vấn’ bản thân về việc từ bỏ tấm bằng Đại học chỉ vì nợ 3 môn để theo đuổi đam mê có đáng hay không. Nhưng kết quả trả lời cho hành động, khi đã có những thành công và có thể tự chủ về tài chính thì gia đình H. cũng thả lỏng hơn và không còn trách móc nhiều nữa.

    “Cũng biết là con đường chỉ còn 1 khúc ngắn nữa là tới đích, nhưng tôi không còn động lực nữa, không thể cân bằng giữa việc học và đi làm, không tập trung được vào công việc nên đành phải ‘gác lại việc học’ để có thể toàn tâm vào sự nghiệp của mình.”

    Ngẫm chuyện đầu năm: Người thành đạt nhất lớp tôi lại là người bỏ học Bách Khoa và đi bán ‘Táo’- Ảnh 9.

    Câu chuyện của H. là câu chuyện về một người thành công trong công việc, trong việc theo đuổi đam mê của bản thân nhưng cũng là câu chuyện của sự đánh đổi. Cậu chia sẻ rằng bản thân cảm thấy tiếc khi không hoàn thành việc học, nhưng cũng cảm thấy tiếc vì đã không có định hướng cho bản thân sớm hơn để không phí hoài tuổi trẻ.

    “Tôi cảm thấy may mắn vì sau này cũng đã tìm được công việc và niềm đam mê của mình. Có nhiều bạn hiện nay tốt nghiệp với bằng khá, giỏi nhưng khi ra trường thì lại bị ‘mất định hướng’, rồi cuối cùng lại đi làm công việc không liên quan đến tấm bằng, khá là phí.

    Nên có lẽ lời khuyên của tôi với những bạn chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp 3, là hãy tự hỏi bản thân là “Mình muốn làm gì” thay vì hỏi thầy cô, bố mẹ là “Con nên thi trường nào, ngành gì”. Hãy tự mình cảm nhận, tự mình lựa chọn vì chỉ có bạn mới biết được ‘tố chất, thiên hương’ của bản thân là gì mà thôi.”

    Ngẫm chuyện đầu năm: Người thành đạt nhất lớp tôi lại là người bỏ học Bách Khoa và đi bán ‘Táo’- Ảnh 10.

    Mặc dù không có tấm bằng trong tay, nhưng H. vẫn cho rằng việc học Đại học là quan trọng. Nhờ việc học ở một ngôi trường ‘khó nhằn’ như Bách Khoa Hà Nội, cậu được rèn giũa tính kỉ luật, cách tư duy, cũng như gặp được những người bạn đã giúp đỡ rất nhiều trong việc kinh doanh và đời sống bây giờ.

    “Với tôi sự thành công trong công việc, trong cuộc sống không phụ thuộc hoàn toàn vào việc bạn có học Đại học hay không hay học ở trường nào. Điều quan trọng là bạn thực sự có được những kinh nghiệm, kiến thức có ích nào cho bản thân mà thôi, “Học, học nữa, học mãi” mà!”

    Ngẫm chuyện đầu năm: Người thành đạt nhất lớp tôi lại là người bỏ học Bách Khoa và đi bán ‘Táo’- Ảnh 11.

    Có vô số con đường dẫn đến thành công, miễn là bạn dám dấn thân. Chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu những câu chuyện đáng suy ngẫm, trăn trở về nghề nghiệp, những công việc kiếm tiền mới mẻ, độc đáo, những người dám bước ra khỏi vùng an toàn đến bạn đọc trong thời gian tới.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày