Intel phải cấp phép sử dụng công nghệ của đối thủ ARM, không khác gì thừa nhận sự thất bại của mình. Nhưng có thể đó là một quyết định đúng đắn.
Trên thị trường chip xử lý di động hiện nay có 3 thế lực phải kể đến. Một là ARM, hãng này chuyên thiết kế chip xử lý và chỉ cấp quyền sử dụng công nghệ cho các nhà sản xuất khác để kiếm lợi nhuận.
Intel tự thiết kế và tự sản xuất chip di động, nhưng không đạt được nhiều thành công và không được coi là thế lực lớn. Mới đây, Intel đã phải chấp nhận thỏa thuận với ARM để sử dụng công nghệ của chính đối thủ sản xuất chip di động cho mình.
3 thế lực của thị trường chip xử lý di động.
Cuối cùng là Qualcomm, một thế lực hùng mạnh nhất đang trỗi dậy. Mặc dù không cạnh tranh trực tiếp với ARM, nhưng sự thành công của Qualcomm phần nào cũng ảnh hưởng tới các nhà sản xuất là khách hàng của ARM. Qualcomm cũng tự thiết kế chip và tự sản xuất chip cho riêng mình.
Đó là 3 thế lực đáng để kể đến trong mảng chip xử lý di động. Các hãng sản xuất smartphone sẽ có những lựa chọn sau để trang bị một con chip xử lý cho sản phẩm của mình.
Thứ nhất, đó là lựa chọn một nhà sản xuất chip di động từ A - Z, cung cấp những con chip hoàn thiện và chỉ việc lắp vào bảng mạch của smartphone. Các hãng này có thể lựa chọn chip di động của Intel, Qualcomm hoặc MediaTek, nhưng hầu hết đều lựa chọn Qualcomm.
Dòng chip Snapdragon giúp Qualcomm tăng trưởng mạnh mẽ.
Có thể kể tên rất nhiều hãng smartphone đang làm theo cách này, có cả Samsung, LG, HTC và cả các nhà sản xuất Trung Quốc. Bởi bằng cách này, họ không cần tốn nhiều tiền vào R&D, mà chỉ đơn giản là bỏ tiền mua những con chip có sẵn. Một cách đơn giản, nhưng hiệu năng có thể không cao, do các con chip không thể tùy chỉnh đề phù hợp với từng sản phẩm.
Cách thứ hai, đó là tự sản xuất các con chip di động cho riêng mình dựa trên cấp bằng sáng chế của ARM. Cách này phức tạp hơn, tốn kém nhiều tiền hơn. Vì vừa phải trả tiền cấp phép cho ARM, vừa phải bỏ tiền R&D, vừa phải bỏ tiền cho các dây chuyền sản xuất chip.
Samsung cũng tự sản xuất chip của riêng mình.
Apple và Samsung đang là 2 nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới lựa chọn theo cách này. Ưu điểm là họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với những con chip xử lý, giúp nó đạt hiệu năng tốt nhất và phù hợp với từng sản phẩm. Samsung đặc biệt khi vừa tự sản xuất vừa mua chip của Qualcomm.
Intel nổ súng khơi mào một cuộc đua mới
Có thể hiểu rằng Intel đang bị loại ra khỏi cuộc chơi với ARM và Qualcomm. Mặc dù vừa nghiên cứu thiết kế chip vừa sản xuất chip, nhưng xét cả 2 thì Intel vẫn không thể so sánh với các đối thủ của mình.
Vì vậy, hiểu một cách đơn giản là khi ta không thể đánh bại đối thủ bằng thực lực nữa, thì ta phải nghĩ kế. Kế ở đây của Intel là bắt tay với một đối thủ để đánh bại đối thủ còn lại. Một âm mưu khá hay, nhưng phải chờ xem kết quả thực sự như thế nào.
Nắm đấm của Intel và ARM có thể đang cùng hướng về phía Qualcomm.
Intel bắt tay với ARM, để có thể được cấp phép công nghệ chip xử lý của hãng này. Nhờ đó, Intel có thể sản xuất các con chip ARM. Xét tình hình hiện nay, Intel có thể đứng ngang hàng với Qualcomm.
Bởi tại sao? Vì Intel có dây chuyền sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới, từng khẳng định vị thế là nhà sản xuất chip xử lý máy tính số 1. Cái mà Intel không có, đó chỉ là kiến trúc chip xử lý di động.
Bây giờ, Intel đã có thứ mà họ thiếu. Khi kết hợp công nghệ kiến trúc của ARM với dây chuyền sản xuất chip xử lý của Intel, chắc chắn Qualcomm sẽ phải dè chừng.
Vì sao Intel có thể cướp khách hàng của Qualcomm
Rất nhiều hãng smartphone muốn tự sản xuất chip di động cho riêng mình, đơn giản bởi vì họ có thể làm giảm chi phí, tùy chỉnh để tăng hiệu năng và dễ dàng tích hợp thêm những công nghệ mới.
Nhưng không phải hãng smartphone nào cũng đủ tiềm lực để làm điều đó. Muốn tự sản xuất chip xử lý, họ cần một đội ngũ các kỹ sư để nghiên cứu công nghệ, tạo ra kiến trúc chip xử lý mới. Sẽ phải đổ rất nhiều tiền vào R&D và mất rất nhiều thời gian nữa.
Không phải hãng smartphone nào cũng có điều kiện để tự sản xuất chip, như Apple, Samsung hay Huawei.
Trong khi các hãng smartphone muốn ăn sổi, họ muốn ra mắt sản phẩm nhanh chóng và muốn nhìn thấy báo cáo tài chính với lợi nhuận dương. Nên không phải ai cũng sẵn sàng chi vài chục tỷ USD vào R&D.
Đó cũng là lý do vì sao Qualcomm lại lên ngôi. Cũng phải thừa nhận rằng dòng chip xử lý Snapdragon của Qualcomm được đánh giá rất cao. Đối với các dòng smartphone cao cấp thì họ cũng không có lựa chọn nào khác ngoài sử dụng chip Snapdragon của Qualcomm.
Thế nhưng Intel đã cho các hãng smartphone này một lối thoát. Bên cạnh thương vụ thỏa thuận cấp phép với ARM, Intel cũng tuyên bố rằng sẽ cho phép các hãng smartphone có thể tự sản xuất chip xử lý của riêng họ dựa trên dây chuyền sản xuất Intel và kiến trúc ARM.
Vậy là tự dưng các hãng smartphone này có được thứ họ hằng mơ ước bấy lâu nay, những con chip xử lý di động của riêng mình. Mà không mất hàng tỷ USD, cùng rất nhiều thời gian và nhân lực cho việc nghiên cứu.
Dây chuyền sản xuất chất bán dẫn của Intel vẫn được đánh giá rất cao.
Họ cũng không cần lo lắng tới khâu sản xuất, bởi dây chuyền của Intel chắc chắn đảm bảo chất lượng. Nghiễm nhiên, các hãng smartphone có thể tự tạo ra những con chip giống như A7, A8 hay A9 của Apple.
Vì vậy mà việc gì họ phải tiếp tục gắn bó với Snapdragon của Qualcomm nữa? Tất nhiên chất lượng của những con chip này vẫn cần phải được xem xét.
LG là hãng smartphone đầu tiên đã lên kế hoạch tự sản xuất chip di động của riêng mình trong nhà máy của Intel và dựa trên kiến trúc của ARM. LG sẽ tận dụng những ưu điểm của công nghệ sản xuất 10-nanometer thế hệ mới. Công nghệ này sẽ cho ra mắt những con chip mỏng hơn vào năm sau.
Kiến trúc ARM chính là mảnh ghép còn thiếu của Intel.
Chắc chắn sau LG, sẽ còn có nhiều hãng smartphone khác chạy theo xu hướng mới này. Quyết định nhún nhường của Intel có thể khiến nhiều người chê bai, cười đắc thắng, nhưng nước đi này hoàn toàn có thể khiến Qualcomm ôm hận.
Trong khi đó, ARM ung dung “tọa sơn quan hổ đấu”, trong khi vẫn kiếm được rất nhiều tiền từ việc cấp phép công nghệ mà chả cần cạnh tranh với ai. Thế mới thấy quyết định không tự sản xuất chip di động của ARM là khôn ngoan như thế nào.
Lại nói đến việc tập đoàn SoftBank có ý đồ thâu tóm ARM với giá trị 32 tỷ USD, mới thấy tầm nhìn của vị CEO già Masayoshi Son ghê gớm như thế nào. Chúng ta sẽ lại tiếp tục bàn luận trong bài viết tiếp theo.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming