Bao giờ thì tuổi thọ con người đạt mốc ba chữ số?

    TNS,  

    Bạn đã sẵn sàng cho việc sống lâu trăm tuổi chưa?

    Đây là câu hỏi cần đặt ra trước khi chúng ta có thể nói thêm bất cứ gì khác: Liệu có ai muốn sống quá 1 thế kỷ không? Chiếc bánh sinh nhật với 3 chữ số tuổi thọ có thể giúp bạn lên sách kỷ lục Guiness, nhưng đếm từng ngày trôi qua trong suốt một thế kỷ lại là chuyện khác. Chưa kể đến những gánh nặng tạo thêm cho đất nước, cộng đồng và gia đình của chính bạn, hay việc tinh thần và thể chất của bạn khi đó đã có thể biến đổi rất nhiều. Liệu rằng việc sống lâu trăm tuổi… có thực sự tuyệt vời như một lời chúc?

    Bao giờ thì tuổi thọ con người đạt mốc ba chữ số? - Ảnh 1.

    Chẳng ai có thể trả lời những câu hỏi này. Và thậm chí chẳng ai có thể dự đoán chính xác về tuổi thọ tương lai của loài người. Sẽ ra sao nếu một loại bệnh mới xuất hiện và gây ra những thay đổi trên toàn cầu? Hay nếu con người tìm ra cách chữa ung thư? Tất cả những điều đó đều làm chuyển dịch cán cân tuổi thọ.

    Trên thực tế, loài người chúng ta đã liên tục mở rộng ngưỡng tuổi thọ của mình. Tổ chức nghiên cứu MacArthur đã đưa ra một báo cáo vào năm 2009 cho biết, ngưỡng tuổi thọ của chúng ta đang gia tăng ngoài dự kiến. Chúng ta có thể sống lâu hơn từ 3 đến 8 năm so với dự kiến. Điều này có nghĩa là, tới năm 2050, tuổi thọ con người có thể đạt mốc 93 với nữ và 86 với nam.

    Bao giờ thì tuổi thọ con người đạt mốc ba chữ số? - Ảnh 2.

    Tại sao lại có sự chuyển dịch này? Loài người đã có những bước tiến vượt bậc trong việc không chỉ làm chậm tiến trình tử vong, mà còn loại bỏ những tổn thương và thương tật làm gia tăng tình trạng lão hóa sớm. Y học đã phát triển đến mức, nhiều chuyên gia tin rằng chỉ đến năm 2060, tuổi thọ con người sẽ cán mốc 3 chữ số.

    Nhưng, rất có thể điều này chỉ đúng với dân cư tại các nước phát triển. Không phải ai cũng được hưởng những thành quả y học tiên tiến, hoặc thậm chí có những biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Nếu như tuổi thọ trung bình hiện tại ở Monaco là 89 tuổi, thì tại một số nước châu Phi, con số này thậm chí còn thấp hơn ngưỡng 50 tuổi.

    Trường thọ từ lâu đã là mơ ước của nhiều thế hệ. Nhưng sống lâu chưa chắc đã đồng nghĩa với sống vui, sống khỏe và sống có ích. Sinh lão bệnh tử vốn là một quy luật bất biến, và thách thức quy luật này chưa bao giờ là điều dễ dàng, nếu muốn nói là không thể. Và liệu rằng nhân loại đã thực sự sẵn sàng cho viễn cảnh đó hay chưa? Hi vọng chúng ta sẽ có lời giải đáp trong một tương lai không xa.

    Tham khảo: Howstuffworks

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ